Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Triều Tiên có thể thử vũ khí khắc chế F-35

Triều Tiên thử tên lửa phòng không đời mới nhằm hiện đại hóa lực lượng để sẵn sàng đối đầu chiến đấu cơ tàng hình F-35, theo chuyên gia.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 1/10 thông báo Học viện Khoa học Quốc phòng đã thử nghiệm tên lửa phòng không sử dụng nhiều công nghệ điều khiển, dẫn đường và động cơ mới. Bình Nhưỡng cho biết loại tên lửa này có tầm bắn lớn, độ chính xác cao và hiệu suất chiến đấu đáng kể, nhưng không tiết lộ các thông số như khoảng cách tới mục tiêu và tốc độ quả đạn.

Giới chuyên gia nhận định đây là biến thể nâng cấp của tên lửa phòng không đời mới ra mắt trong lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 10 năm ngoái. Đây được coi là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng phòng không già cỗi của Triều Tiên, nhằm tăng khả năng đối phó với các vũ khí hiện đại như tiêm kích tàng hình F-35A đang được Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản biên chế.

Tên lửa phòng không Triều Tiên trong bức ảnh được công bố hôm 1/10. Ảnh: KCNA.

Tên lửa phòng không Triều Tiên trong bức ảnh được công bố hôm 1/10. Ảnh: KCNA.

"Tầng đẩy ở đuôi quả đạn cho phép tên lửa bay nhanh và xa hơn mẫu KN-06 trong biên chế hiện nay", Shin Jong-woo, nhà phân tích thuộc Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc, nhận xét.

Hình ảnh do KCNA công bố cho thấy tên lửa có hai cụm cánh lái ở đầu và đuôi, cùng một cụm cánh ổn định ở gần đuôi. Quả đạn được lắp một tầng đẩy sơ tốc với kết cấu tương tự các tên lửa phòng không tầm xa của phương Tây như Aster-30 và SM6.

Bệ phóng kiêm ống bảo quản được đặt trên khung rơ mooc kéo giống phiên bản đầu tiên của tên lửa S-400 Nga, thay vì trên khung gầm xe tải 3 trục như hệ thống KN-06 từng được nước này phô diễn.

Quan chức Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết cơ quan này vẫn đang phân tích về vụ phóng. Hiện chưa rõ Seoul có biết trước về động thái thử tên lửa phòng không của Bình Nhưỡng hay không.

Đây là cuộc thử vũ khí lớn thứ tư của Triều Tiên trong chưa đầy một tháng, cũng là vụ thử tên lửa thứ bảy trong năm nay. Lãnh đạo Kim Jong-un hồi giữa tuần tuyên bố Triều Tiên đang nhanh chóng phát triển những hệ thống vũ khí cực kỳ hiện đại, đủ sức kiềm chế "động thái quân sự của các lực lượng đối địch".

Tên lửa SM-6 Mỹ phóng thử từ tàu chiến năm 2014. Ảnh: US Navy.

Tên lửa SM-6 Mỹ phóng thử từ tàu chiến năm 2014. Ảnh: US Navy.

Triều Tiên được đánh giá là một trong những quốc gia có mạng lưới phòng không dày đặc nhất trên thế giới, với các hệ thống tên lửa và pháo cao xạ đa tầng, nhằm ngăn chặn các nguy cơ tấn công đường không của đối phương. Tuy nhiên, phần lớn vũ khí phòng không Triều Tiên được sản xuất từ thời Liên Xô, buộc họ phát triển những khí tài nội địa để bảo đảm năng lực phòng thủ.

Triều Tiên đang vận hành nhiều tổ hợp tên lửa S-75, S-125, S-200 và 2K12 Kub, trong đó nước này đã tự sản xuất và có đủ khả năng nâng cấp sâu các hệ thống S-75. Từ đầu thập niên 2010, Bình Nhưỡng bắt đầu triển khai hệ thống phòng không nội địa hiện đại được Mỹ gọi là KN-06.

Số lượng KN-06 trong biên chế lực lượng phòng không Triều Tiên không được công bố, nhưng hệ thống này được cho là có uy lực tương đương một số phiên bản S-300 do Nga chế tạo. Nguồn tin Hàn Quốc hồi năm 2017 cho rằng KN-06 đã được thử nghiệm thành công với tầm bắn tới 150 km.

Vũ Anh (Theo Yonhap)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét