Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

Chuyên gia nêu lý do lửa bạo loạn Kazakhstan sớm lụi tàn

Khủng hoảng Kazakhstan sớm chấm dứt mà không gây ra chính biến do bạo loạn chỉ mang tính tự phát, trong khi Nga ứng phó rất nhanh chóng, theo đại tá Nguyễn Minh Tâm.

Bộ trưởng Nội vụ Kazakhstan Erlan Turgumbayev ngày 9/1 thông báo tình hình đất nước đã "ổn định trở lại" sau một tuần biểu tình hỗn loạn cùng các cuộc bạo loạn, đốt phá, khiến 164 người thiệt mạng, hơn 100 doanh nghiệp và ngân hàng bị tấn công, cướp bóc và hơn 400 phương tiện giao thông bị đốt phá, thiệt hại về tài sản lên tới gần 200 triệu USD.

Biểu tình bắt đầu bùng phát tại thị trấn Zhanaozen hôm 2/1 để phản đối tăng giá khí đốt hóa lỏng (LNG), sau đó nhanh chóng lan ra các địa phương khác của Kazakhstan rồi leo thang thành bạo động tại Almaty, thành phố lớn nhất quốc gia Trung Á.

Một xe cảnh sát bị người biểu tình đốt cháy ở Almaty hôm 5/1. Ảnh: Reuters.

Một xe cảnh sát bị người biểu tình đốt cháy ở Almaty hôm 5/1. Ảnh: Reuters.

Cuộc khủng hoảng chỉ lắng dịu sau khi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu điều quân tới hỗ trợ theo đề nghị của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev.

Trả lời VnExpress, đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, người nhiều năm theo dõi tình hình các quốc gia thuộc không gian hậu Xô Viết, nhận định khủng hoảng chính trị tại Kazakhstan sẽ nhanh chóng chấm dứt và khó có khả năng xảy ra chính biến như phong trào Maidan khiến tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ năm 2014.

"Các cuộc biểu tình leo thang thành bạo loạn tại Kazakhstan không có một kịch bản lớp lang, bài bản như Ukraine, không có tổ chức đối lập làm hạt nhân hoặc thủ lĩnh đối lập cầm đầu", đại tá Tâm cho biết. "Đây về bản chất là phong trào tự phát hỗn độn, vô chính phủ, giống đống rơm bùng cháy mạnh song sớm lụi tàn".

Đại tá Tâm chỉ ra rằng các cuộc đụng độ đẫm máu chỉ xảy ra từ ngày 6/1, sau khi Kazakhstan cáo buộc các nhóm vũ trang từ bên ngoài, vốn bị coi là khủng bố, xâm nhập vào quốc gia Trung Á này. Điều đó cho thấy các thế lực bên ngoài dường như cũng bất ngờ trước diễn biến rất chóng vánh của tình hình tại Kazakhstan và rơi vào thế bị động.

Hệ thống chính trị khá thuần nhất tại Kazakhstan cũng là lý do khiến chính biến khó xảy ra tại nước này. "Kazakhstan có 9 đảng, song đảng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Nur Otan hầu như chiếm ưu thế tuyệt đối với 98/107 ghế hạ viện, 9 ghế còn lại thuộc về 4 đảng khác. Một số đảng tại Kazakhstan không có ghế tại hạ viện", ông Tâm cho biết.

Kazakhstan có 70,2% dân số là tín đồ Hồi giáo, 23% theo Thiên chúa giáo và 3,5% theo tôn giáo, tín ngưỡng khác. Quốc ngữ của nước này là tiếng Kazakh, cùng hệ chữ Kiril và được sử dụng song song với tiếng Nga.

Kazakhstan và khu vực lân cận. Đồ họa: AFP.

Kazakhstan và khu vực lân cận. Đồ họa: AFP.

"Nga đã có kinh nghiệm đối phó với vấn đề Ukraine, do đó Moskva chắc chắn không để chính quyền của Tổng thống Tokayev sụp đổ như trường hợp của tổng thống Yanukovych. Nga còn có nhiều lợi ích sát sườn mang tính chiến lược với Kazakhstan. Cả hai là thành viên của Tổ chức Kinh tế Á - Âu (EAEU), ngoài ra Nga vẫn sử dụng sân bay vũ trụ chính là Baikonur tại Kazakhstan", ông Tâm cho biết.

Kazakhstan còn là thành viên của CSTO, nên Nga cùng các đồng minh khác trong liên minh hoàn toàn có quyền điều quân đến giúp chính phủ của Tổng thống Tokayev ổn định tình hình. Chính quyền Kazakhstan cũng không ngần ngại khi yêu cầu CSTO trợ giúp.

Đại tá Tâm cho rằng Kazakhstan có vị trí địa chiến lược còn quan trọng hơn Afghanistan, một quốc gia Trung Á khác. Kazakhstan là nước có diện tích lớn thứ hai và tiềm lực kinh tế lớn thứ ba trong số các quốc gia từng thuộc Liên Xô, đồng thời được coi là có ưu thế nhất Trung Á.

"Khác với Ukraine luôn chìm trong các cuộc xung đột nội bộ từ khi tuyên bố độc lập, Kazakhstan có bước phát triển đáng ngưỡng mộ với mức tăng GDP hàng năm trung bình trên 9%, thậm chí tới 13,2% vào năm 2001, khiến nước này trở thành đầu tàu kinh tế của Trung Á", chuyên gia cho biết. "GDP của Kazakhstan giảm xuống 7,6% vào năm 2016 do giá dầu thế giới giảm, song vẫn ở mức tăng cao trước khi Covid-19 bùng phát".

Binh sĩ Kazakhstan đứng gác tại một chốt kiểm soát trên đường phố Almaty ngày 7/1. Ảnh: Reuters.

Binh sĩ Kazakhstan đứng gác tại một chốt kiểm soát trên đường phố Almaty ngày 7/1. Ảnh: Reuters.

Vấn đề bất ổn tại Kazakhstan rất có thể được Mỹ và NATO sử dụng trong các cuộc đàm phán sắp tới với Nga. Phương Tây có thể lấy cớ Nga đưa quân vào Kazakhstan để gia hạn lệnh trừng phạt và gây khó khăn cho hoạt động vận hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) mà Nga đang đặt nhiều kỳ vọng.

Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng vấn đề Kazakhstan sẽ không mang lại nhiều lợi thế cho Mỹ và phương Tây trên bàn đàm phán với Nga. "Trong khuôn khổ pháp lý của CSTO, Nga có thể chủ động tham gia ổn định tình hình tại Kazakhstan, đặc biệt khi Moskva đã có kinh nghiệm đối phó phiến quân Hồi giáo cực đoan".

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ban đầu sẽ hỗ trợ Kazakhstan để quân đội và cảnh sát nước này trấn áp bạo loạn. Về lâu dài, Nga sẽ phải giúp Kazakhstan ổn định đời sống của người dân, cũng như tăng sản lượng khai thác khí đốt để giảm giá loại nhiên liệu đáp ứng tới 80% nhu cầu năng lượng tại đây.

Thông điệp Nga gửi phương Tây khi gấp rút điều quân giúp Kazakhstan

Quân nhân Nga và khí tài tới Kazakhstan ngày 7/1. Video: BQP Nga.

Tiếp đó, Nga có thể sẽ giúp Kazakhstan xây dựng và củng cố lại hệ thống chính trị, hoàn thiện bộ máy an ninh để đối phó với nguy cơ bất ổn trong tương lai. "Nga còn rất nhiều việc phải làm tại Kazakhstan để ổn định tình hình ở khu vực phên dậu phía nam và chỉ họ mới làm được. Đồng thời, Nga sẽ không để Mỹ và phương Tây có cơ hội can thiệp vào tình hình tại đây", ông Tâm nói.

Chuyên gia nhận định chưa có dấu hiệu cho thấy phương Tây và Mỹ có một kế hoạch hành động hoàn chỉnh với Kazakhstan như tại Ukraine, do "họ bất ngờ hoặc muốn thăm dò phản ứng của Nga".

"Nếu Nga phản ứng yếu ớt, phương Tây và Mỹ có thể triển khai hành động tiếp theo, nhưng với phản ứng nhanh, can thiệp mạnh của Moskva, mọi thứ sẽ an bài", đại tá Tâm nhấn mạnh.

Nguyễn Tiến

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét