Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

Kazakhstan thanh lọc bộ máy an ninh

Tổng thống Kazakhstan sa thải thêm hai quan chức an ninh hàng đầu sau một tuần bạo loạn, khi giới chức cho biết tình hình đang ổn định trở lại.

Theo thông báo trên trang web của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev hôm 9/1, hai quan chức bị sa thải là Marat Osipov và Daulet Ergozhin, phó giám đốc Ủy ban An ninh Quốc gia. Thông báo không nêu lý do họ mất chức.

Osipov và Ergozhin là cấp phó của cựu giám đốc tình báo Karim Massimov, người bị bắt vì cáo buộc phản quốc sau khi các cuộc biểu tình bạo lực bùng phát trong nước.

Massimov, từng là thủ tướng hai chính quyền, được coi là thân cận với cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev, 81 tuổi. Giới chức Kazakhstan không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về cáo buộc đối với Massimov.

Trong một tuyên bố nhằm dập tắt những bàn tán về rạn nứt, người phát ngôn của Nazarbayev cho biết cựu tổng thống đã ở thủ đô Nur-Sultan trong suốt cuộc khủng hoảng. Ông đã chuyển giao vị trí chủ tịch hội đồng an ninh Kazakhstan cho Tokayev vào ngày 5/1 để giúp xoa dịu tình hình.

Một tòa nhà hành chính bị đốt trong cuộc bạo loạn ở thành phố Almaty, Kazakhstan hôm 7/1. Ảnh: AFP.

Một tòa nhà hành chính bị đốt trong cuộc bạo loạn ở thành phố Almaty, Kazakhstan hôm 7/1. Ảnh: AFP.

Tokayev có thể sẽ công bố tên các thành viên chính phủ mới khi phát biểu trước quốc hội ngày 11/1, người phát ngôn của ông cho biết. Tổng thống Kazakhstan đã vinh danh 16 cảnh sát và quân nhân thiệt mạng trong bạo loạn.

Biểu tình bùng phát ở Kazakhstan từ đầu tháng để phản đối chính phủ quyết định ngừng trợ giá khí đốt hóa lỏng (LPG), khiến giá loại nhiên liệu này ở nhiều nơi tăng gấp đôi. Biểu tình sau đó nhanh chóng lan rộng ra các địa phương rồi leo thang thành bạo loạn ở Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan.

Khi biểu tình tăng nhiệt, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đề nghị Nga và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) triển khai lực lượng đến nước này gìn giữ hòa bình. Nga nhanh chóng điều 3.000 quân cùng nhiều khí tài tới Kazakhstan thực hiện nhiệm vụ, giúp xoay chuyển tình thế.

Hơn 6.000 người đã bị bắt để thẩm vấn trong hơn 100 cuộc điều tra riêng biệt về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất tại Kazakhstan suốt nhiều thập kỷ. Theo ước tính ban đầu, thiệt hại về tài sản lên tới gần 200 triệu USD. Hơn 100 doanh nghiệp và ngân hàng bị tấn công, cướp bóc và hơn 400 phương tiện giao thông bị đốt phá.

Bộ Y tế Kazakhstan cho biết 164 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ. Nhưng giới chức y tế địa phương và cảnh sát không xác nhận con số này nên bài đăng trên mạng xã hội của Bộ Y tế bị xóa sau đó.

"Tình hình đã được ổn định ở tất cả các khu vực của đất nước", văn phòng tổng thống cho biết, thêm rằng cơ quan thực thi pháp luật đã giành lại quyền kiểm soát các tòa nhà hành chính.

"Chiến dịch chống khủng bố sẽ được tiếp tục cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn những kẻ khủng bố", Thứ trưởng Quốc phòng Sultan Gamaletdinov tuyên bố.

Chỉ huy lính dù Nga Andrey Serdyukov cho biết lực lượng CSTO đã hoàn thành nhiệm vụ triển khai tới Kazakhstan và sẽ ở lại đó cho đến khi tình hình ổn định hoàn toàn. Theo ông, quân đội đang canh gác các địa điểm quan trọng về quân sự, nhà nước và xã hội ở thành phố Almaty và các khu vực lân cận.

"Một số cơ sở chiến lược đã được chuyển giao dưới sự bảo vệ của đội gìn giữ hòa bình thống nhất của các quốc gia thành viên CSTO", văn phòng tổng thống nêu thêm.

Ở Almaty, cuộc sống bình thường dường như đã trở lại. Lực lượng an ninh thiết lập các trạm kiểm soát xung quanh thành phố. Quảng trường chính vẫn bị phong tỏa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo khác của CSTO sẽ họp trực tuyến hôm nay để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan.

Huyền Lê (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét