Người đàn ông Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc hơn một năm trước, rồi lại vượt hàng rào, bãi mìn trở về quê hương mà không gặp trở ngại nào.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 3/1 thừa nhận người đàn ông vượt giới tuyến tại Khu Phi Quân sự (DMZ) để sang Triều Tiên vào tối đầu tiên của năm mới là một người Triều Tiên đào tẩu từng đến nước này hơn một năm trước. Họ chỉ có thể nhận diện được người này qua đoạn video được quay vài giờ trước khi người đàn ông ngoài 30 tuổi vượt biên, nhưng không thể ngăn cản anh ta thực hiện kế hoạch.
Dù không công bố danh tính, Hàn Quốc cho biết người đàn ông này đã đào tẩu từ Triều Tiên sang Hàn Quốc hồi tháng 11/2020 rồi lại trở về quê hương theo cách anh ta từng đến, dường như bởi không thích công việc dọn dẹp tầm thường ở quốc gia phía nam.
Điều này có nghĩa là người đàn ông đã hai lần vượt qua hàng rào dây thép gai dài 4 km cùng những bãi mìn dày đặc và hệ thống giám sát được cho là "chặt chẽ bậc nhất thế giới" tại DMZ.
Để vượt qua được hàng rào biên giới, anh ta phải trèo lên và tìm cách chinh phục những cuộn dây thép gai phía trên, hoặc thậm chí dùng sào để nhảy qua. Truyền thông Hàn Quốc tiết lộ trong cuộc thẩm vấn sau lần vượt biên đầu tiên, người đàn ông này cho biết mình là một vận động viên thể dục dụng cụ ở Triều Tiên, với thân hình mảnh mai, nhẹ cân và khỏe mạnh.
Dù cách thức vượt biên được người đàn ông sử dụng là gì, đây được coi là một nỗi hổ thẹn với Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và họ dường như cũng đang bối rối tự hỏi anh ta làm cách nào có thể dễ dàng né tránh hệ thống camera, cảm biến giám sát dày đặc ở biên giới như "chốn không người" tận hai lần.
Điều kỳ lạ hơn là sau khi vượt được hàng rào biên giới, người đàn ông còn phải băng qua hàng loạt bãi mìn và qua mặt những lính gác Hàn Quốc luôn giám sát kỹ lưỡng bất kỳ dấu hiệu chuyển động nào trên các con đồi, thung lũng ở rìa phía đông DMZ.
David Maxwell, một đại tá về hưu của quân đội Mỹ từng thực hiện 5 chuyến công du tại Hàn Quốc, cho rằng sự việc đã phơi bày lỗ hổng trong an ninh biên giới của Hàn Quốc.
Vấn đề nằm ở Hàng rào Phía Nam (SBF) của DMZ. Quân đội Hàn Quốc chắc hẳn phải có sai sót trong quá trình giám sát và tuần tra nên người đàn ông đào tẩu mới xâm nhập được vào DMZ", Maxwell nêu quan điểm.
Lỗ hổng này có khả năng liên quan đến cả công nghệ và yếu tố chính trị. "Họ dựa vào hệ thống giám sát bằng công nghệ để canh giữ, nhưng hệ thống này đã nhiều lần thất bại trong đảm bảo an ninh ở DMZ hay biên giới nhiều quốc gia khác. Khi một người vượt qua được hệ thống này và xâm nhập vào DMZ, anh ta không phải đối mặt với bất cứ hàng rào nào trong 2 km còn lại để tiếp cận lãnh thổ Triều Tiên", Maxwell cho biết.
Trong quá trình vượt quãng đường còn lại, anh ta sẽ phải đối mặt với nhiều bãi mìn được bố trí suốt hàng thập kỷ qua ở phía nam DMZ, kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng hiệp định đình chiến vào tháng 7/1953.
Maxwell nhấn mạnh mọi hoạt động di chuyển bên trong DMZ vô cùng nguy hiểm bởi nhiều quả mìn chưa được đánh dấu, nhưng ông cho rằng một người "có kiến thức quân sự và kinh nghiệm" vẫn có thể tránh được những bãi mìn đó. Ngoài ra, người đào tẩu trên có thể đã rất may mắn khi không giẫm phải mìn.
Ông còn nhận định chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, vốn đang tìm cách đối thoại với Triều Tiên, "có thể ngần ngại hành động quá quyết liệt" khi ứng phó với người đào tẩu. Shim Jae-hoon, nhà báo chuyên phân tích về Triều Tiên, bày tỏ đồng tình với quan điểm này, cho rằng chính trị rõ ràng là yếu tố quan trọng.
"Vấn đề chủ chốt là kỷ luật lỏng lẻo của lực lượng canh gác biên giới. Điểm đáng lưu ý là sự cố xảy ra trong kỳ nghỉ năm mới, thời điểm chỉ huy phụ trách dường như đã lơi lỏng an ninh", Shim phân tích.
Vụ đào tẩu cũng làm dấy lên tranh cãi về tình cảnh của những người Triều Tiên vượt biên đến Hàn Quốc. Nhiều người đào tẩu từ Triều Tiên phải đối mặt tình trạng phân biệt đối xử, sống cô độc trong nghèo khó sau khi vượt biên sang Hàn Quốc, đến mức cảm thấy hối hận vì rời bỏ quê hương. Tuy nhiên, tới nay mới khoảng 30 trong số 33.000 người đào tẩu sang Hàn Quốc trở lại phía bắc và hầu hết lựa chọn tuyến đường qua Trung Quốc.
"Tôi chưa từng nghe về ai vượt qua được DMZ theo cả hai chiều kể từ sau chiến tranh, ngoại trừ các gián điệp. Nếu anh ta không phải một đặc vụ, thì đây hẳn là người đầu tiên làm được điều đó", Steve Tharp, nhà quan sát Triều Tiên tại Mỹ, cho biết.
Ánh Ngọc (Theo Daily Beast)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét