Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

Những bê bối trong nhiệm kỳ Thủ tướng Johnson

Bê bối vận động hành lang Owen Paterson

Năm 2021, ông Johnson đã cố gắng thuyết phục các nghị sĩ đảng Bảo thủ bỏ phiếu ủng hộ đảo ngược quyết định đình chỉ công tác của Owen Paterson, một cựu bộ trưởng nội các và là nhà vận động hành lang nhiều ảnh hưởng.

Paterson lúc đó đối mặt nguy cơ bị đình chỉ công tác 30 ngày sau khi bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng các quy định về vận động hành lang. Sau khi vấp phải phản ứng từ các nghị sĩ, Thủ tướng Johnson thừa nhận sai lầm và xin lỗi, còn Paterson cuối cùng phải rút khỏi ghế nghị sĩ.

Ghế của Paterson, vốn đã thuộc về đảng Bảo thủ gần 200 năm, đã rơi vào tay đảng Dân chủ Tự do đối lập trong cuộc bầu cử tháng 12/2021.

Tiệc tùng giữa đại dịch

Uy tín của Thủ tướng Johson bị tổn hại nghiêm trọng sau bê bối mở tiệc giữa lệnh phong tỏa, khi các hình ảnh về sự việc bị rò rỉ và lan truyền trên truyền thông, gây làn sóng phẫn nộ trong công chúng.

Theo Telegraph, các cố vấn và công chức đã tụ tập tại Văn phòng Thủ tướng ở Phố Downing để chia tay James Slack, giám đốc truyền thông của Johnson, vào ngày 16/4/2021. Họ tiếp tục đến siêu thị gần đó mua rượu, tiệc tùng đến khuya, uống say và nhảy múa, thậm chí làm gãy xích đu của con trai Johnson.

Thủ tướng Boris Johson tại bữa tiệc rượu giữa đại dịch Covid-19 ở Văn phòng Thủ tướng, Phố Downing, ngày 16/4/2021. Ảnh: WSJ.

Thủ tướng Boris Johson nâng ly tại bữa tiệc giữa đại dịch Covid-19 ở Văn phòng Thủ tướng, Phố Downing, ngày 16/4/2021. Ảnh: WSJ.

Bữa tiệc diễn ra vào đêm trước lễ tang Hoàng thân Philip, chồng Nữ hoàng Anh Elizabeth II, cũng là thời điểm Anh đang phong tỏa để ngăn Covid-19 và trong thời gian quốc tang. Nữ hoàng đã đeo khẩu trang, ngồi một mình trong lễ tang chồng ở Lâu đài Windsor, tuân thủ quy định phòng chống dịch.

Văn phòng Thủ tướng Anh hồi đầu năm xin lỗi Nữ hoàng.

Bản thân Thủ tướng Johnson cũng bị Sở cảnh sát London phạt tiền vì vi phạm quy định phong tỏa. Cảnh sát trước đó đã điều tra 12 cuộc tụ tập tại Phố Downing và Văn phòng Nội các sau khi một cuộc điều tra nội bộ cho thấy ông Johnson và nhân viên tham gia các bữa tiệc có sử dụng bia rượu. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết sẽ không nêu cụ thể tên những người nhận án phạt.

Thủ tướng Anh ban đầu phủ nhận cáo buộc vi phạm quy định chống dịch. Đến hôm 12/1, ông thừa nhận trước quốc hội rằng đã tụ tập với nhân viên tại số 10 Phố Downing khoảng 25 phút vào ngày 20/5/2020, nhưng nhanh chóng quay vào văn phòng và nghĩ đó chỉ là sự kiện về công việc.

Văn phòng của Johnson còn bị nghi ngờ mở tiệc Giáng sinh giữa lệnh phong tỏa tháng 12/2020. Sự việc gây phẫn nộ tới mức cựu phát ngôn viên kiêm cố vấn Thủ tướng Anh Allegra Stratton phải từ chức trong nước mắt.

Nữ hoàng Elizabeth ngồi một mình trong nhà thờ tại tang lễ Hoàng thân Philip ngày 17/4/2021 do lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 hạn chế người tham dự. Ảnh: AP.

Nữ hoàng Elizabeth ngồi một mình trong nhà thờ tại tang lễ Hoàng thân Philip ngày 17/4/2021 do lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 hạn chế người tham dự. Ảnh: AP.

Cáo buộc quấy rối tình dục của quan chức đảng Bảo thủ

Làn sóng từ chức trong tuần này khởi đầu với hai đơn từ chức của Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid. Hai thành viên nội các cấp cao này ra quyết định chỉ vài phút sau khi Thủ tướng Johnson lên tiếng xin lỗi về bế bối mới nhất trong chính quyền của ông, liên quan đến cáo buộc quấy rối tình dục và say xỉn của Chris Pincher, phó chánh văn phòng đảng Bảo thủ.

Pincher được cho là đã bị khiếu nại về hành vi không chuẩn mực tại Bộ Ngoại giao 3 năm trước và Thủ tướng Johnson đã được báo cáo về điều đó, nhưng ông vẫn thăng chức cho người này. Phố Downing sau đó giải thích rằng ông Johnson đã "quên" mất cáo buộc.

Pincher từ chức vào tuần trước, sau khi bị cáo buộc sàm sỡ hai khách mời trong một bữa tối riêng tư. Ông không trực tiếp thừa nhận cáo buộc, song đã nhắn riêng với Johnson rằng "đêm qua tôi đã uống quá nhiều và khiến bản thân cũng như những người khác phải xấu hổ".

Ông Johnson ngày 5/7 thừa nhận quyết định bổ nhiệm Pincher là "một sai lầm", nhưng mọi thứ đã quá muộn.

Đức Trung (Theo CNN, Telegraph, Guardian, AFP, Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét