Các binh sĩ quân đội Ukraine đang hào hứng với hệ thống tên lửa HIMARS do Mỹ viện trợ, tin rằng chúng sẽ tạo nên đột phá trên chiến trường.
Một tổ hợp pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS), khí tài hàng đầu của Ukraine, lao đi dọc theo cánh đồng hoa hướng dương ở miền đông đất nước, trước khi dừng lại giữa những rặng cây. Tán cây rậm rạp sẽ giúp che chắn nó khỏi máy bay không người lái Nga đang lùng sục trên bầu trời.
Đây là một trong 4 hệ thống HIMARS mà Ukraine nhận được vào tháng trước từ Mỹ, trong gói viện trợ quân sự trị giá 700 triệu USD. Bên sườn khẩu pháo phản lực tự hành này được sơn 3 hình đầu lâu đen, tượng trưng cho ba mục tiêu bị đánh trúng.
"Chúng tôi thực tế đã hạ được 6 mục tiêu", sĩ quan chỉ huy hệ thống HIMARS với mật danh Kuzya, cho biết. "Chỉ là chúng tôi chưa có thời gian sơn thêm ba biểu tượng còn lại".
Ukraine đang nhanh chóng đưa các tổ hợp HIMARS vào hoạt động, khi pháo binh Nga đang thể hiện ưu thế áp đảo trên chiến trường Donbass. Kuzya và các đồng đội cho hay họ tập trung tấn công sở chỉ huy Nga trên chiến trường.
Theo giới chức Ukraine, đợt vũ khí viện trợ mới từ phương Tây đang tạo ra đột phá quan trọng trên chiến trường, minh chứng cho tầm quan trọng của việc Kiev tiếp tục được nhận viện trợ và cái giá đau đớn mà Ukraine phải trả nếu các lô hàng vũ khí bị đình trệ.
Các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng những cuộc tập kích liên tục bằng pháo tự hành Caesar mà Pháp viện trợ cho lực lượng Ukraine ở thành phố Odessa đã buộc quân Nga phải rút khỏi đảo Rắn, một tiền đồn quan trọng ở Biển Đen.
Bộ Quốc phòng Nga trong khi đó thông báo rút quân khỏi đảo Rắn (hay còn gọi là đảo Zmiinyi) ngoài khơi Biển Đen sau khi "hoàn thành nhiệm vụ", đồng thời gọi đây là "cử chỉ thiện chí" để tạo điều kiện cho Ukraine xuất khẩu ngũ cốc.
Với tầm bắn hơn 80 km, HIMARS là khí tài tiên tiến nhất, có tầm bắn xa nhất trong biên chế lục quân Ukraine hiện nay. Nó cho phép quân đội Ukraine tấn công chính xác các mục tiêu quân sự Nga mà không gây nguy hiểm cho dân thường trong các vùng lãnh thổ Moskva kiểm soát. Ukraine đã yêu cầu Mỹ cung cấp vũ khí này khoảng hai tháng trước và đảm bảo với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng họ sẽ không sử dụng chúng để tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
Chính quyền Biden hứa gửi cho Ukraine thêm 4 tổ hợp HIMARS nữa như một phần của khoản viện trợ bổ sung 450 triệu USD được công bố vào tuần trước. Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cả 4 tổ hợp này đều đang được bố trí ở châu Âu và quân đội Ukraine đã bắt đầu được huấn luyện sử dụng chúng.
"Những vũ khí trước đây khiến chúng tôi phấp phỏng hơn nhiều, HIMARS đem lại cảm giác yên tâm hơn hẳn", Moroz, một thành viên thuộc kíp pháo thủ 4 người của Ukraine, cho biết.
Với các loại pháo phản lực đời cũ, họ phải tránh phóng rocket qua khu dân cư, mà chỉ tập kích mục tiêu trên các cánh đồng hoặc rừng cây, nhằm hạn chế nguy cơ gây thương vong cho dân thường, Moroz nói.
"Giờ đây, tôi không còn phải lo lắng bất cứ điều gì khi nhắm mục tiêu nữa", Moroz cho hay. "Tôi biết rocket sẽ bắn trúng mục tiêu, bởi nó được dẫn hướng bằng vệ tinh".
Hệ thống mà đội của Moroz dùng trước đây là pháo phản lực phóng loạt Uragan từ thời Liên Xô, có tầm bắn tối đa khoảng 32 km. Nó có sai số chệch mục tiêu khoảng 0,8 km và thường phải phối hợp với máy bay không người lái hoặc một đội trinh sát khi tấn công.
Các binh sĩ cho biết HIMARS được dẫn đường bằng vệ tinh và chỉ lệch khỏi tọa độ mục tiêu tối đa 0,9 m.
Các binh sĩ Ukraine điều khiển HIMARS yêu cầu không tiết lộ tên thật, mà chỉ sử dụng mật danh. Hệ thống này được cho là mục tiêu tấn công hàng đầu của Nga, vì thế ngay cả gia đình họ cũng không biết họ đang vận hành chúng. Họ cũng phải liên tục di chuyển HIMARS vì ở một nơi quá lâu có nguy cơ khiến nó bị phát hiện.
Bệ phóng chứa 6 rocket và được gắn vào khung xe tải màu xanh đậm. Hoạt động tác chiến chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Những người lính đứng từ xa và đếm ngược trước khi hô lên "Bắn!".
Hai phút sau, họ phải sẵn sàng di chuyển và tốc độ là yêu cầu bắt buộc để giữ cho HIMARS an toàn, vì quân đội Nga có thể nhanh chóng xác định vị trí khai hỏa và bắn trả.
Khả năng cơ động của HIMARS rất ấn tượng, các binh sĩ cho hay. Một cỗ xe đồ sộ như vậy vẫn có thể di chuyển với vận tốc lên tới hơn 96 km/h.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi một loại vũ khí có độ chính xác cao lại có thể bắn nhẹ nhàng như vậy", Kuzya nói.
Đơn vị của anh đã háo hức chờ đợi HIMARS trong một tháng qua. Họ cuối cùng được trải nghiệm tổ hợp pháo Mỹ tại một địa điểm bí mật bên ngoài Ukraine, với những người hướng dẫn đến từ Mỹ, trong khoảng hai tuần. Thay vì để huấn luyện viên người Mỹ thị phạm đơn giản, quân đội Ukraine yêu cầu họ giải thích kỹ lưỡng những gì cần làm, để các binh sĩ thử thao tác và vận hành ngay tại chỗ.
Hệ thống máy tính sử dụng hoàn toàn tiếng Anh nên khi huấn luyện, các phiên dịch viên phải giải thích ý nghĩa của từng nút bấm và tất cả thông tin đều có trong một sổ tay hướng dẫn mà binh sĩ Ukraine thường xuyên phải tham khảo. Nhưng thỉnh thoảng, họ vẫn cần đến Google Dịch.
Kuzya cho biết sẽ rất tuyệt nếu Ukraine có 50 tổ hợp HIMARS để có thể triển khai 4 chiếc ở mỗi hướng của mặt trận rộng lớn, trải dài gần như toàn bộ tuyến biên giới phía đông với Nga.
"Sputnik", chỉ huy đơn vị, mong muốn Mỹ chuyển giao thêm HIMARS càng sớm, trước khi lực lượng Nga tiếp tục đà tiến hiện nay và kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk ở miền đông.
"Họ đã mất quá nhiều thời gian để đưa HIMARS đến đây", ông nói. "Nếu chúng có mặt sớm hơn, tôi nghĩ cuộc xung đột này đã có thể sớm kết thúc".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét