Thứ Tư, 13 tháng 7, 2022

Tổng thống Sri Lanka có thể tới Singapore

Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa được cho là sẽ từ Maldives bay tới Singapore, sau khi rời đất nước của mình giữa khủng hoảng nghiêm trọng.

Nguồn tin chính phủ Sri Lanka hôm 13/7 cho biết Tổng thống Gotabaya Rajapaksa có thể sẽ gửi đơn từ chức tới Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka sau khi hạ cánh ở Singapore.

Phụ tá của Tổng thống Rajapaksa và chính phủ Singapore hiện chưa phản hồi về thông tin.

Tổng thống Rajapaksa sáng nay đã rời Sri Lanka trên một máy bay quân sự để đến Maldives. Lãnh đạo 73 tuổi này trước đó thông báo sẽ từ chức trong ngày 13/7 để mở đường "chuyển giao quyền lực trong hòa bình" nhưng Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka hiện chưa nhận được đơn. Ông được cho là ra nước ngoài để tránh nguy cơ bị bắt giam sau khi từ chức.

Ông Gotabaya Rajapaksa ở Colombo, Sri Lanka hồi năm 2017. Ảnh: Reuters.

Ông Gotabaya Rajapaksa ở Colombo, Sri Lanka hồi năm 2017. Ảnh: Reuters.

Sau khi thông tin Tổng thống Rajapaksa ra nước ngoài được xác nhận, hàng nghìn người Sri Lanka đã tập trung biểu tình ở thủ đô Colombo, hô lớn "Gota trộm cắp, Gota trộm cắp", nhắc đến biệt danh của ông.

Nguồn thạo tin trong đảng Dân tộc Thống nhất (UNP) cầm quyền cho biết các quan chức chủ chốt của đảng ủng hộ Thủ tướng Ranil Wickremesinghe là ứng viên thay thế Tổng thống Rajapaksa, nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra.

Ông Wickremesinghe nhậm chức Thủ tướng Sri Lanka hồi tháng 5, sau khi người tiền nhiệm Mahinda Rajapaksa, anh trai Tổng thống Rajapaksa, từ chức, động thái được cho là sự nhượng bộ của gia tộc Rajapaksa trước người biểu tình.

Hôm 9/7, Wickremesinghe tuyên bố sẽ từ chức để mở đường thành lập một chính phủ đoàn kết, nhưng chưa ấn định thời gian. Theo quy định của hiến pháp Sri Lanka, khi tổng thống rời khỏi đất nước, thủ tướng sẽ trở thành quyền tổng thống.

Nếu ông Wickremesinghe cũng từ chức, Chủ tịch Quốc hội sẽ trở thành tổng thống lâm thời trong khoảng một tháng, trong thời gian chờ quốc hội bầu tổng thống mới.

Các cuộc biểu tình ở Sri Lanka đã kéo dài suốt nhiều tháng và lên đỉnh điểm những ngày gần đây, khi đám đông người dân xông vào các tòa nhà chính phủ ở Colombo. Gia tộc Rajapaksa cùng đồng minh bị cáo buộc đã đưa ra những chính sách sai lầm, đẩy quốc đảo rơi vào khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập vào năm 1948.

Đất nước thiếu ngoại hối trầm trọng, khiến việc nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc bị hạn chế. Lạm phát tăng vọt lên mức kỷ lục 54,6% vào tháng 6 và dự kiến lên 70% trong những tháng tới.

Ngọc Ánh (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét