Quan chức Ukraine cáo buộc Nga pháo kích điểm chờ xe buýt ở thị trấn Toretsk, tỉnh Donetsk, khiến 8 người thiệt mạng và 4 người bị thương.
"Theo thông tin sơ bộ, đã xảy ra một trận pháo kích ở thị trấn Toretsk", Pavlo Kyrylenko, người đứng đầu chính quyền khu vực do Ukraine kiểm soát ở tỉnh Donetsk, miền đông nước này, hôm nay thông báo trên Telegram. "Họ đánh trúng điểm dừng giao thông công cộng, nơi rất đông người vào thời điểm đó".
Theo quan chức này, vụ pháo kích khiến 8 người thiệt mạng và 4 người bị thương, trong đó có ba trẻ em.
Vụ tấn công xảy ra sau khi chính phủ Ukraine lệnh cho dân thường rời khỏi Donestk, khu vực đang bị chiến sự tàn phá. "Tôi kêu gọi tất cả cư dân trong khu vực đừng biến mình thành mục tiêu của lực lượng Nga! Hãy sơ tán kịp thời!", Kyrylenko nhấn mạnh.
Toretsk nằm ở phía nam thành phố Bakhmut và thường xuyên bị pháo kích.
Giới chức Ukraine cho biết Nga tiếp tục pháo kích các thị trấn và thành phố trên khắp chiến tuyến trong 24 giờ qua. Thị trưởng thành phố miền nam Mykolaiv nói rằng các cuộc pháo kích vào sáng sớm đã làm hư hại tòa nhà dân cư ở hai quận. Hai quận này thường xuyên bị nhắm mục tiêu pháo kích những tuần gần đây.
Mykolaiv là thành phố mà Ukraine đang muốn tiến hành cuộc phản công lớn và thường xuyên bị lực lượng Nga tấn công.
Các lực lượng Nga được cho là đã bắn 60 quả rocket vào thành phố Nikopol, miền trung đất nước. Khoảng 50 tòa nhà dân cư ở thành phố 107.000 người đã bị hư hại và một số quả đạn pháo bắn trúng đường dây điện, khiến người dân thành phố không có điện, theo giới chức Ukraine.
Nikopol nằm bên kia sông Dnieper từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nơi lực lượng Nga tiếp quản từ những ngày đầu chiến sự. Các chuyên gia Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ tin rằng Nga đang cố tình pháo kích khu vực này để "đặt Ukraine vào tình thế khó khăn".
Các quan chức ở thành phố phía Kharkov, đông bắc đất nước, cho biết tên lửa phóng từ lãnh thổ Nga đã đánh trúng các khu công nghiệp.
Ukraine cảnh báo rằng Nga có thể đang chuẩn bị hoạt động tấn công mới ở miền nam Ukraine.
Dmytro Zhyvytsky, tỉnh trưởng Sumy, giáp biên giới với Nga, cho biết ba thị trấn đã bị lực lượng Nga nã pháo, với tổng số 55 quả đạn pháo được bắn đi. Không có người bị thương, nhưng nhà cửa và cơ sở thương mại bị hư hại.
Cố vấn tổng thống Ukraine, Oleksiy Arestovych, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng mục tiêu của Nga ở miền đông là buộc Ukraine phải chuyển hướng lực lượng khỏi khu vực này.
Ngoại trưởng Estonia Ernas Reinsalu kêu gọi phương Tây tăng cường biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga để gây áp lực buộc Tổng thống Vladimir Putin chấm dứt chiến tranh. Theo ông, cuộc chiến sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với Ukraine nếu phương Tây chần chừ chuyển giao vũ khí và áp đặt thêm biện pháp trừng phạt.
"Thông điệp của tôi là ngay lập tức cần có gói biện pháp trừng phạt bổ sung, hoặc một số gói", ông cho hay. "Chiến tranh sẽ không tự kết thúc. Chiến tranh sẽ chỉ kết thúc nếu Putin kết thúc chiến tranh".
EU đã thông qua 7 vòng trừng phạt chống lại Nga, nhưng nguy cơ khủng hoảng năng lượng khiến khối đang cân nhắc việc áp gói trừng phạt mới. Estonia, một trong những quốc gia thành viên mới nhất của khối, dành 0,8% GDP để viện trợ quân sự cho Ukraine. Estonia từ lâu luôn là nước tiên phong trong các hành động cứng rắn hơn chống lại Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các nước thành viên đang hợp tác chặt chẽ với những công ty quốc phòng để đảm bảo Ukraine có thêm nguồn cung cấp vũ khí và thiết bị cho cuộc chiến dài hơi với Nga.
"Chúng tôi đang cung cấp rất nhiều hỗ trợ nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa và chuẩn bị cho chặng đường dài", ông nói. "Do đó, chúng tôi đang liên hệ và hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp quốc phòng để sản xuất nhiều hơn, cung cấp nhiều loại đạn, vũ khí và những khả năng khác".
Phát biểu tại Na Uy cùng ngày, ông Stoltenberg nói chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã tạo ra thời điểm nguy hiểm nhất cho châu Âu kể từ Thế chiến II và rằng Moskva không được phép giành chiến thắng. Ông cũng cáo buộc ông Putin phát biểu "liều lĩnh và nguy hiểm" về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) tới ngày 1/8 ghi nhận hơn 5.300 dân thường thiệt mạng và hơn 7.300 người bị thương kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Con số thực tế có thể cao hơn do tình hình chiến sự gây cản trở quá trình xác minh và thống kê.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) báo cáo hơn 10,3 triệu lượt người rời Ukraine và hơn 4,2 triệu lượt người từ nước ngoài vào Ukraine trong hơn 5 tháng xung đột. Cơ quan ghi nhận hơn 6,3 triệu người tị nạn Ukraine trên khắp châu Âu.
Huyền Lê (Theo Guardian, CNN, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét