Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2024

Giám đốc bị bắt cóc, Ngân hàng Trung ương Libya ngừng hoạt động

Giám đốc phụ trách công nghệ thông tin bị bắt cóc tại nhà riêng, buộc Ngân hàng Trung ương Libya tuyên bố ngừng hoạt động cho đến khi người này được thả.

Ngân hàng Trung ương Libya ngày 18/8 thông báo ngừng mọi hoạt động giao dịch, sau khi giám đốc bộ phận công nghệ thông tin Musab Msallem "bị một nhóm không rõ danh tính bắt cóc tại nhà riêng" ở thủ đô Tripoli. Cơ quan này tuyên bố chỉ hoạt động trở lại một khi ông Msallem được trả tự do.

Ngân hàng Trung ương Libya lên án "những phe nhóm bất hợp pháp" đe dọa bắt cóc các thành viên khác trong ban lãnh đạo, "đe dọa an toàn của nhân viên và ngành ngân hàng của đất nước".

Hiện chưa rõ nhóm nào đã bắt cóc Msallem và với mục đích gì. Tung tích của giám đốc này cũng chưa được xác định.

Vụ bắt cóc xảy ra khoảng một tuần sau khi một nhóm vũ trang xông vào trụ sở Ngân hàng Trung ương Libya ở thủ đô Tripoli. Nhóm ra thông điệp yêu cầu ông Seddik al-Kabir, người giữ chức thống đốc ngân hàng từ năm 2012, phải từ chức, rồi rút khỏi tòa nhà.

An ninh Libya hộ tống Bộ trưởng Nội vụ Imad al-Trablusi rời thủ đô Tripoli vào ngày 1/7. Ảnh: AFP

An ninh Libya trong đoàn hộ tống Bộ trưởng Nội vụ Imad al-Trablusi rời thủ đô Tripoli vào ngày 1/7. Ảnh: AFP

Ngân hàng Trung ương Libya là cơ sở duy nhất tại nước này được quốc tế công nhận là địa chỉ hợp pháp để nhận tiền bán dầu mỏ, vốn là nguồn thu sống còn của đất nước đã chìm trong nội chiến hơn một thập kỷ qua.

Ông Seddik al-Kabir vài năm qua hứng chịu nhiều chỉ trích từ các phe nhóm chính trị ở Tripoli, cho rằng ông quản lý lợi nhuận dầu mỏ và ngân sách không hiệu quả.

Đại sứ Mỹ Richard Norland lên án những âm mưu nhằm loại bỏ ông Kabir là "không thể chấp nhận được" và cảnh báo nước này sẽ không thể tiếp cận thị trường tài chính quốc tế nếu Kabir bị thay thế bằng vũ lực.

Phái bộ Liên Hợp Quốc về hỗ trợ Libya (UNSMIL) nhấn mạnh Ngân hàng Trung ương Libya có vai trò quan trọng trong ổn định tài chính ở nước này.

Vị trí thủ đô Tripoli của Libya. Đồ họa: Britannica

Vị trí thủ đô Tripoli của Libya. Đồ họa: Britannica

Sau cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn năm 2011, Libya bị chia rẽ về mặt chính trị với hai chính quyền tồn tại song song, gồm Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNU) của Thủ tướng Abdulhamid al-Dbeibah ở Tripoli tại miền tây được Liên Hợp Quốc công nhận và chính quyền của tướng Khalifa Haftar, kiểm soát quốc hội, ở miền đông.

Tình hình quốc gia Bắc Phi với khoảng 6,8 triệu dân đã giảm căng thẳng trong vài năm qua. Tuy nhiên, các phe phái vẫn chưa tìm được giải pháp chính trị và đụng độ nhỏ lẻ vẫn thường xảy ra giữa các nhóm vũ trang.

Thanh Danh (Theo AFP, DW)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét