Tòa án xét xử tội ác chiến tranh ở Bangladesh mở ba cuộc điều tra về cáo buộc "giết người hàng loạt" đối với cựu thủ tướng Hasina, liên quan đến người thiệt mạng trong biểu tình.
"Trong giai đoạn này chúng tôi đang thu thập các bằng chứng sơ bộ", Ataur Rahman, phó giám đốc bộ phận điều tra của Tòa án Tội phạm Quốc tế (ICT) Bangladesh, ngày 19/8 cho biết, khi thông báo mở ba cuộc điều tra đối với cựu thủ tướng Sheikh Hasina.
Ông thêm rằng các cuộc điều tra này liên quan tới cáo buộc "giết người hàng loạt". "Chúng tôi sau đó sẽ tới hiện trường các vụ án", quan chức trên cho hay.
Cả ba vụ án đều do các cá nhân đệ trình và một số trợ lý cấp cao của bà Hasina cũng bị nêu tên. Các vụ án này liên quan đến những vụ đụng độ bạo lực xảy ra trong phong trào biểu tình chống chính phủ của bà Hasina ở vùng ngoại ô hoặc các quận lân cận của thủ đô Dhaka, tại Mirpur, Munshiganj và Savar.
Ngoài ra, cảnh sát địa phương tại nhiều khu vực ở Bangladesh đã nộp ít nhất 15 đơn kiện chống lại bà Hasina. Một số liên quan tới những sự việc xảy ra trước các cuộc biểu tình, với cáo buộc bao gồm giết người và "tội ác chống lại loài người".
Hơn 450 người đã thiệt mạng, nhiều trường hợp do trúng đạn của cảnh sát, trong một tháng diễn ra các cuộc biểu tình do giới sinh viên lãnh đạo nhằm phản đối chính quyền của cựu thủ tướng Hasina, khiến bà phải từ chức và rời khỏi đất nước để tới Ấn Độ hôm 5/8.
Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc ngày 16/8 cho biết có dấu hiệu rõ ràng cho thấy lực lượng an ninh dưới quyền bà Hasina đã sử dụng vũ lực không cần thiết để đàn áp những người biểu tình. "Các hành vi vi phạm bị cáo buộc bao gồm giết người không qua xét xử, bắt và giam người tùy tiện, cưỡng bức mất tích, tra tấn và ngược đãi", cơ quan này nói thêm.
Lãnh đạo tạm quyền của Bangladesh Muhammad Yunus cho biết chính quyền của ông sẽ cung cấp cho các điều tra viên Liên Hợp Quốc bất kỳ sự hỗ trợ nào mà họ cần.
ICT được bà Hasina thành lập năm 2010 nhằm điều tra các tội ác chiến tranh xảy ra trong cuộc chiến giữa Đông Pakistan và Tây Pakistan năm 1971, dẫn đến sự ra đời của Bangladesh. Dưới thời bà Hasina, ICT đã tuyên án tử hình với hơn 100 người, trong đó có một số đối thủ chính trị của bà Hasina. Tòa án thường bị các nhóm nhân quyền chỉ trích là không tuân thủ công ước quốc tế.
Phạm Giang (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét