Iran đứng trước nhiều lựa chọn trả đũa Israel sau vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát, song dường như đang tìm phương án tránh để nổ ra chiến tranh tổng lực.
Vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại thủ đô Tehran ngày 31/7 khiến Trung Đông đứng trước bờ vực chiến tranh quy mô lớn, khi Iran tuyên bố sẽ "báo thù rất mạnh tay vào thời gian, địa điểm với cách thức phù hợp". Iran và Hamas cáo buộc Israel ám sát ông Haniyeh, trong khi Tel Aviv không xác nhận cũng không phủ nhận thông tin.
Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, Tổng thống Masoud Pezeshkian và các tướng lĩnh quân sự hàng đầu Iran đang thảo luận về các lựa chọn trả đũa Israel, điều có thể quyết định liệu chiến tranh có bùng phát giữa hai lực lượng quân sự hùng mạnh nhất Trung Đông hay không.
Cách thức Iran trả đũa sẽ tạo ra những hậu quả khác nhau. Nếu nước này quyết định tập kích trực tiếp bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Israel như hồi tháng 4, chu kỳ tấn công và đáp trả sẽ có thể dễ ràng rút ngắn.
Nếu Hezbollah, đồng minh thân cận nhất của Iran trong khu vực, quyết định tham gia vào đòn đáp trả cùng Tehran và tấn công miền bắc Israel, xung đột có thể lan rộng sang Lebanon.
Trong trường hợp Houthi, lực lượng ở Yemen được Iran hậu thuẫn, mở rộng quy mô tấn công tàu hàng mà họ cho là có liên hệ với Israel trên Biển Đỏ, Mỹ sẽ phải triển khai hải quân để giữ tuyến đường biển qua đây thông suốt.
Tổng thống Pezeshkian, một người có quan điểm hướng tới mối quan hệ mang tính xây dựng hơn với phương Tây, có thể sẽ cân nhắc phản ứng phù hợp để không đẩy Iran vào cuộc chiến tàn khốc. Tuy nhiên, người nắm quyền quyết định cuối cùng về cách trả đũa là lãnh tụ Khamenei và ông được cho là đã ra lệnh tấn công trực tiếp vào Israel.
Theo Suzanne Maloney, chuyên gia về Iran của Viện Brookings có trụ sở tại Mỹ, lãnh tụ Khamenei có thể chọn phương án tập kích tên lửa vào lãnh thổ Israel như hồi tháng 4.
Tuy nhiên, vụ tấn công với 300 tên lửa và UAV được Iran báo trước từ rất lâu, cho phép Israel cùng các đồng minh thiết lập lưới phòng không dày đặc để hạ gần như toàn bộ quả đạn đang bay tới.
Sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas, các quan chức Iran cùng đại diện thành viên "Trục Kháng chiến" đã họp tại Tehran và thảo luận về các bước tiếp theo, một nguồn tin thân cận với Hezbollah cho biết. "Họ thảo luận hai kịch bản, một là đòn trả đũa hiệp đồng từ Iran và các đồng minh của nước này, hai là phản ứng theo từng đợt từ mỗi bên", người này nói.
"Trục Kháng chiến" là liên minh giữa Iran với Syria cùng các nhóm vũ trang đồng minh ở Trung Đông, bao gồm Hamas, Hezbollah, Lực lượng Tổng động viên (PMU) tại Iraq và Houthi. Các nhóm vũ trang trong liên minh này đã nhiều lần tập kích Israel để bày tỏ ủng hộ Hamas ở Gaza.
Một số quan chức Mỹ dự báo Iran có thể triển khai đợt tập kích tương tự hồi tháng 4. Tuy nhiên, đòn đáp trả lần này có khả năng diễn ra trên quy mô lớn và phức tạp hơn trước, trong đó Iran sẽ cùng các nhóm vũ trang mà họ hậu thuẫn tấn công hiệp đồng vào Israel từ nhiều hướng, khiến Tel Aviv và đồng minh khó đối phó hơn.
Amal Saad, chuyên gia về Hezbollah tại Đại học Cardiff của Anh, nhận định Iran và các nhóm vũ trang do nước này hậu thuẫn "nhiều khả năng sẽ cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến, song tìm cách răn đe mạnh tay để Israel ngừng các hoạt động ám sát trong tương lai".
Các nhóm vũ trang thân Iran cũng có thể tấn công lực lượng Mỹ đồn trú tại Syria và Iraq, nhằm "chia lửa" với Tehran, nhiều quan chức Mỹ cảnh báo.
Phần lớn các vụ tấn công kiểu này lắng xuống sau trận tập kích căn cứ Mỹ tại Jordan khiến ba binh sĩ nước này thiệt mạng, kéo theo đòn trả đũa nhằm vào các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nhận định Iran có thể chỉ thị cho lực lượng ủy nhiệm nối lại tập kích.
Động thái mang tính rủi ro nhất là Iran vượt qua ranh giới từ làm giàu uranium sang chế tạo vũ khí hạt nhân, theo giới quan sát.
Trong nhiều thập kỷ, Iran đã không ngừng sản xuất uranium và làm giàu đến cấp độ có thể chế tạo vũ khí. Tình báo Mỹ nhận định Iran đã dừng chương trình hạt nhân trước khi sở hữu vũ khí thật sự, song lãnh đạo nước này đang xem xét lại quyết định này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 19/7 nhận định Iran "chỉ cần một đến hai tuần là có thể tạo ra đột phá trong sản xuất vật liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân".
Theo ông Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Iran chưa quyết định chế tạo vũ khí hạt nhân, song các quan chức nước này ngày càng thảo luận nhiều về khả năng đó. "Nếu Iran làm điều này, họ sẽ gặp vấn đề thật sự với Mỹ", ông Sullivan cảnh báo.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét