Tổng thống Lukashenko cảnh báo xung đột có thể leo thang nếu Moskva và Kiev không đàm phán, dẫn đến kết cục Ukraine bị hủy diệt.
"Chúng ta cần ngồi vào bàn đàm phán và chấm dứt cuộc xung đột này. Người dân Ukraine, Nga và cả Belarus đều không cần nó", Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 18/8 cho biết. "Các bên cần bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ những gì chúng ta kết thúc ở Istanbul là điều đúng đắn".
Theo ông Lukashenko, việc nối lại các cuộc thảo luận dang dở là cơ hội thật sự cho các bên và sẽ giải quyết vấn đề. Ông cảnh báo "nếu tình hình tiến triển như những gì xảy ra ở tỉnh Kursk, điều này sẽ làm leo thang xung đột và kết thúc bằng việc Ukraine bị hủy diệt".
Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố không từ chối đàm phán với Ukraine để giải quyết xung đột. Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước đề cập tới thỏa thuận được thảo luận tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2022, trong đó Ukraine đồng ý trung lập vĩnh viễn, cắt giảm quy mô quân đội và nhận được một số đảm bảo an ninh nhất định.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tháng trước để mở khả năng thương lượng với Nga, dù ông từng ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với ông Putin vào tháng 10/2022, sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh Lugansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson. Ukraine phản đối quyết định này và tuyên bố sẽ giành lại các khu vực trên.
Mykhailo Podolyak, trợ lý của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm 16/8 nói rằng lực lượng nước này tấn công vào tỉnh biên giới Kursk của Nga nhằm buộc Moskva phải đàm phán theo các điều khoản "công bằng". Bộ Ngoại giao Ukraine trước đó tuyên bố "Nga càng sớm đồng ý khôi phục hòa bình công bằng thì chiến dịch tấn công của Ukraine vào lãnh thổ nước này sẽ càng sớm chấm dứt".
"Hòa bình công bằng" là khái niệm Ukraine thường nhắc tới, hàm ý Nga phải rút quân khỏi toàn bộ vùng lãnh thổ họ kiểm soát ở Ukraine, khôi phục biên giới trước xung đột.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đưa ra yêu cầu Ukraine rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Moskva đã sáp nhập, nếu muốn kết thúc xung đột.
Belarus là đồng minh thân thiết của Nga và từng cho phép Nga sử dụng lãnh thổ để mở đợt tấn công vào Ukraine. Belarus đã tăng quân ở biên giới với Ukraine khi chiến dịch tại Kursk nổ ra.
Nguyễn Tiến (Theo RIA Novosti, AP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét