Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

Hong Kong dò dẫm trong thay đổi vì luật an ninh

Nhiều người Hong Kong giờ đây phải tự đặt câu hỏi những hành động nào họ thường làm trước đây có thể bị xếp là phạm pháp theo luật an ninh.

Một chiếc sà lan treo những biểu ngữ màu đỏ lớn chào mừng luật an ninh Hong Kong đi qua cảng Victoria chỉ vài giờ sau khi luật được thông qua. Cảnh sát giơ tấm biển màu tím cảnh báo rằng những khẩu hiệu người biểu tình hô có thể bị coi là phạm tội. Dọc theo những con đường lớn trên khắp thành phố, những cột cờ ca ngợi "một kỷ nguyên mới ổn định và thịnh vượng" được dựng lên.

Dường như chỉ sau một đêm, Hong Kong đã khác biệt rõ rệt, hơn 7 triệu cư dân phải "dò dẫm" xem luật sẽ tác động đến cuộc sống của họ thế nào. Văn hóa hoạt động chính trị và tự do ngôn luận riêng biệt của thành phố dường như đang bị lung lay.

Đối với một số người ái ngại về tình trạng bất ổn năm ngoái, khi các cuộc biểu tình đôi khi biến các khu mua sắm và khuôn viên trường đại học thành "chiến trường" đầy khói cay, luật an ninh đem lại cho họ sự nhẹ nhõm và lạc quan. Nhưng với những người đã hy vọng các cuộc biểu tình sẽ mang đến thêm quyền tự do, nó báo hiệu một kỷ nguyên mới đầy lo âu và không chắc chắn về tương lai.

"Đây là nhà của chúng tôi", Ming Tse, 34 tuổi, nói tại quán cà phê của mình ở khu dân cư North Point. "Nhưng nơi này không yêu quý chúng tôi nữa".

Nhà hàng ở Tsim Sha Tsui thay thế những tờ giấy nhớ mang khẩu hiệu ủng hộ dân chủ bằng giấy trắng ngày 3/7. Ảnh: NYTimes.

Nhà hàng ở Tsim Sha Tsui thay thế những tờ giấy nhớ mang khẩu hiệu ủng hộ dân chủ bằng giấy trắng ngày 3/7. Ảnh: NYTimes.

Trong nhiều tháng, quán cà phê đã công khai ủng hộ người biểu tình. Được bày trước các hộp sữa yến mạch tại quầy tính tiền là những tấm thiệp có hình vẽ liên quan đến biểu tình. Trên tường có một tấm áp phích lên án việc cảnh sát nổ súng vào hai người biểu tình năm ngoái. Ngay cả khi những người phản đối biểu tình dọa phá cửa hàng vào mùa thu năm ngoái, những đồ trang trí đó vẫn được giữ nguyên.

Nhưng ngày 2/7, Tse gỡ mọi thứ xuống. Truyền thông đưa tin cảnh sát đã thẩm vấn các chủ nhà hàng bày biện những đồ tương tự. Cảnh sát nói rằng các khẩu hiệu chính trị có thể bị tính là tội kích động khủng bố theo luật mới.

Thứ duy nhất còn lại trong quán là con khủng long nhỏ bằng nhựa trên quầy tính tiền. Nó đội chiếc mũ bảo hộ màu vàng mà người biểu tình đã đội khi đối đầu cảnh sát. "Tôi không biết liệu chúng có nhạy cảm không", Tse nói. "Chỉ là một chiếc mũ bảo hộ trên đầu một con khủng long thôi mà".

Ông ngắt giọng rồi nghĩ lại. "Thật ra, mọi thứ đều nhạy cảm", ông nói.

Ranh giới của những hành vi bị coi là phạm tội đã được vẽ lại và điều đó trở nên rõ ràng vào ngày 3/7, khi giới chức cáo buộc một thanh niên 24 tuổi tội khủng bố và kích động ly khai. Anh này là người đầu tiên bị buộc tội theo luật mới. Với một lá cờ có dòng chữ "giải phóng Hong Kong" ở phía sau xe máy, người này phóng xe vào một nhóm cảnh sát hôm 1/7, ngày kỷ niệm Anh Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997.

Những năm trước đây, người biểu tình thường tổ chức các cuộc tuần hành lớn vào dịp đó. Nhưng lần này, sự kiện như vậy bị cấm. Chỉ một số cuộc biểu tình lẻ tẻ diễn ra, cảnh sát bắt hàng trăm người. 10 người, trong đó có một thiếu nữ 15 tuổi, bị buộc tội kích động lật đổ - hành vi phạm tội được diễn tả mơ hồ theo luật mới. Một số người đã vẫy cờ và cầm những biểu ngữ trước đây không bị coi là phạm pháp.

Vài chục người thân và nhân viên xã hội ngày 2/7 chờ bên một đồn cảnh sát ở North Point, nơi hơn 100 người bị giữ. Cảnh tượng này vốn không xa lạ sau nhiều tháng thành phố chìm trong biểu tình. Tuy nhiên, những vụ bắt bớ này nghiêm trọng hơn trước rất nhiều vì các hành vi phạm tội theo luật an ninh có thể bị xử lý bằng mức án cao nhất là tù chung thân.

Cảnh sát thu thập ADN và khám nhà của 10 người bị cáo buộc kích động lật đổ, dù họ chỉ sở hữu tờ rơi có thông điệp nhạy cảm. Luật sư Janet Pang cho rằng biện pháp này có vẻ quá đà. "Chỉ nên sử dụng quyền lực trong trường hợp cần thiết", bà nói.

Trưa 2/7, nhà hoạt động dân chủ Tam Tak-chi ra khỏi đồn cảnh sát sau một đêm bị giữ. Tại đồn, Tam đã gặp một thanh niên bị bắt sau khi cảnh sát phát hiện một biểu ngữ trong túi có dòng chữ "Hong Kong độc lập, lối thoát duy nhất". Người đàn ông đã gục lên vai Tam khóc.

Người biểu tình giơ giấy trắng thay vì biểu ngữ như trước đây để thể hiện sự ủng hộ với những người bị bắt theo luật an ninh mới tại trước một tòa án Hong Kong ngày 3/7. Ảnh: NYTimes.

Người biểu tình giơ giấy trắng thay vì biểu ngữ như trước đây để thể hiện sự ủng hộ với những người bị bắt theo luật an ninh mới tại trước một tòa án Hong Kong ngày 3/7. Ảnh: NYTimes.

Chính quyền Hong Kong nhấn mạnh luật an ninh không ảnh hưởng đến tự do ngôn luận. Nhưng cuối tuần qua, hệ thống thư viện công thành phố nói rằng sách của một số nhà hoạt động nổi tiếng đã bị ngừng lưu hành trong khi các quan chức xem xét liệu chúng có vi phạm luật mới hay không.

Các hộ gia đình giờ đây cũng nghĩ đến việc tự kiểm duyệt. Tháng 6 năm ngoái, nhà phân tích dữ liệu Katie Lam đưa hai con trai nhỏ đến một cuộc biểu tình lớn. Con trai lớn của cô đội mũ lưỡi trai có dòng chữ "người Hong Kong" và giơ biểu ngữ "đừng bắn chúng tôi".

Giờ đây, Lam lo lắng cả về sinh hoạt trong nhà mình. Con trai cô sắp tổ chức tiệc sinh nhật trong hai tuần tới và Lam tự hỏi liệu có nên giấu một ấn phẩm trên cây đàn piano có dòng chữ "Giải phóng Hong Kong, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta" vì có thể bị coi là kích động lật đổ.

Các cậu bé thích hát "Vinh quang cho Hong Kong", bài hát đã trở thành ca khúc đại diện của phong trào biểu tình. Cô lo hàng xóm sẽ nghe thấy. "Mặc dù tất cả chúng tôi đều biết điều này sẽ xảy ra vào một ngày nào đó, nhưng vẫn thật đau đớn", cô nói về sự can thiệp của Bắc Kinh.

Nhưng tại một số nơi ở thành phố, động thái của Bắc Kinh được hoan nghênh.

Tình trạng bất ổn do biểu tình, theo sau là Covid-19, đã làm các trung tâm thương mại vắng khách và các chuyến bay phải dừng hoạt động, gây ảnh hưởng đến kinh tế Hong Kong. Luật an ninh dường như nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài hàng tháng vì các cuộc biểu tình.

Harry He, 33 tuổi, đã chuyển từ Trung Quốc đại lục đến Hong Kong sống 10 năm trước. Anh yêu ngôi nhà mới của mình vì đặc khu có giao thông công cộng tốt, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao. Anh kiếm được công việc là nhân viên bảo hiểm, mua nhà, kết hôn và sinh con.

Nhưng năm ngoái, sự yên bình đó bị phá vỡ. Một lần, khi anh đang dùng bữa tại nhà hàng với bạn bè, những người biểu tình che mặt đập phá một nhà hàng sushi gần đó vì nó thuộc sở hữu của công ty được coi là thân Bắc Kinh. Các khách hàng đại lục của anh bắt đầu tránh đến Hong Kong.

He nói rằng anh ban đầu ủng hộ người biểu tình. Nhưng càng về sau anh càng tin rằng giới chức cần khôi phục sự ổn định và luật an ninh sẽ làm điều đó. "Tôi chỉ không muốn chứng kiến bạo lực thêm nữa", anh nói trong một cuộc phỏng vấn từ tháp văn phòng ở Tsim Sha Tsui, khu mua sắm cao cấp đã bị phá hoại trong các cuộc biểu tình. "Tôi chỉ muốn Hong Kong phát triển và thịnh vượng như trước".

Tuy nhiên, ngay cả một số người muốn sự ổn định cũng tự hỏi về cái giá của nó. Những giá trị cốt lõi của Hong Kong là tinh thần tự hào, vui tươi và thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Xu Zhe, cử nhân 22 tuổi, nói rằng cần có luật để xử lý những hành vi quá khích của người biểu tình. Vụ đụng độ hồi tháng 11, khi một số người biểu tình đổ xăng, châm lửa một người đàn ông đã mắng nhiếc họ, đã khiến Xu khiếp đảm.

Nhưng Xu cũng lo lắng rằng luật này có thể được sử dụng để trấn áp những quan điểm bất đồng chính kiến, bao gồm cả các phát ngôn. Xu lớn lên ở Trung Quốc đại lục trước khi học đại học ở Hong Kong. Anh chưa bao giờ tham gia biểu tình tại quê nhà. Năm ngoái, anh đã dự cuộc biểu tình đầu tiên - một cuộc tụ tập nhỏ để phản đối bạo lực. "Nếu người Hong Kong mất đi quyền biểu tình, tôi sẽ vô cùng tiếc nuối", anh nói.

Khi đối mặt áp lực từ luật an ninh, một số người biểu tình đã chuyển sang các phương thức bày tỏ quan điểm kín đáo hơn như chơi chữ hay đặt ra ý nghĩa mới cho những cụm từ quen thuộc - chiến thuật người dùng Internet đại lục từ lâu đã áp dụng để vượt qua sự kiểm duyệt của chính phủ.

Hôm 1/7, tại một trong những trung tâm thương mại của thành phố, một người đã phun sơn dòng chữ "Vùng lên, những người không muốn làm nô lệ" - câu hát mở đầu của quốc ca Trung Quốc.

Tại một cửa hàng, thay vì những khẩu hiệu ủng hộ biểu tình như trước đây, gần hai chục áp phích tuyên truyền từ thời Mao Trạch Đông được treo lên, trong đó có dòng chữ: "Cách mạng không phải là tội, chống đối là hợp lý".

Phương Vũ (Theo NYTimes)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét