Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

Người dân bất an khi đi qua đường sạt lở taluy

Hà TĩnhNhiều khối đá ở hai bên mái taluy đường liên xã Phúc Trạch – Hương Liên, huyện Hương Khê chờ đổ xuống, khiến nhiều người dân lo sợ khi đi qua đây.

Ông Truyền lo lắng khi nhiều khối đá lớn hai bên mái taluy luôn đe dọa sự an nguy của người đi đường. Ảnh: Đức Hùng

Ông Truyền lo lắng khi nhiều khối đá lớn hai bên mái taluy luôn đe dọa sự an nguy của người đi đường. Ảnh: Đức Hùng

Trưa 3/7, ông Nguyễn Văn Truyền, 67 tuổi, trú xã Hương Lâm đạp xe qua đường Phúc Trạch - Hương Liên. Mới đến đầu tuyến, ông phải xuống dắt xe vì nhiều khối đá cả to lẫn nhỏ đổ vương vãi phía dưới, không thể đạp xe tiếp.

Tiếp tục di chuyển thêm vài trăm mét nữa, thấy đoạn đường rộng khoảng 8 m, đất đá đổ tràn hai bên, ông nói: "Trời nắng nóng đã toát mồ hôi, song khi đi qua đây ngoài toát mồ hôi còn thót tim, vì sợ đá rơi trúng người lúc nào không hay".

Hai xã Hương Lâm, Hương Liên quy mô dân số hàng chục nghìn người, là vùng xa và khó khăn nhất huyện miền núi Hương Khê, kinh tế chủ yếu dựa vào việc trồng rừng. Để ra thị trấn Hương Khê bán trái cây, thăm họ hàng... trước kia người dân phải di chuyển trên huyện lộ 5, đường ngoằn ngoèo, nhiều ổ gà.

Năm 2018, đường giao thông liên xã Phúc Trạch – Hương Liên được khởi công xây dựng với kinh phí 79 tỷ đồng, do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư. Tháng 8/2019, tuyến đường bê tông dài gần 10 km, rộng 8 m nối từ đầu đường Hồ Chí Minh, xã Phúc Trạch đến xã Hương Liên được hoàn thành. Nhà chức trách kỳ vọng công trình sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện.

Điểm sạt lở lớn nhất dài khoảng 300 m, thuộc xã Hương Lâm. Ảnh: Đức Hùng

Điểm sạt lở lớn nhất dài khoảng 300 m, thuộc xã Hương Lâm. Ảnh: Đức Hùng

Thực tế, người dân chỉ được hưởng sự thuận lợi của tuyến đường trong thời gian ngắn. Tháng 9/2019, huyện Hương Khê xảy ra lũ lụt khiến hàng nghìn nhà dân bị ngập. Do lượng mưa lớn, nước từ trên núi đổ xuống mái taluy hai bên đường liên xã Phúc Trạch - Hương Liên gây nên tình trạng sạt lở đất đá. Theo thống kê, gần 10 km có 23 điểm sạt lở lớn nhỏ, nhiều điểm kéo dài hàng trăm mét.

Ngày 3/7, tại điểm sạt lở lớn nhất ở đầu đường Hồ Chí Minh, hướng từ xã Phúc Trạch đến Hương Lâm, hai taluy dốc đứng, mái bên trái cao khoảng 10 m, bên phải cao 5 m có hàng chục khối đá lớn chênh vênh, nằm đè lên nhau chờ chờ rơi xuống. Cách vị trí này khoảng 300 m, nhiều khối đất, đá kèm theo gốc cây nặng hàng tạ đổ xuống đường, lấp đầy hai rãnh thoát nước, đá dăm loại nhỏ vương vãi giữa nền bê tông. Nhiều chỗ đất và vật liệu chắn hết hai lối đi, lòng đường 8 m bị thu hẹp lại gần 4 m, chỉ ôtô 5 đến 7 chỗ hoặc xe tải loại nhỏ mới lọt.

Do taluy sạt lở, nên đơn vị thi công vẫn chưa thể bàn giao công trình. Nhà chức trách cắm biển cảnh báo, cấm người dân qua lại ở phía đầu và cuối tuyến đường.

Theo nhiều người dân ở xã Hương Liên, di chuyển trên đường Phúc Trạch - Hương Liên, chỉ mất khoảng 20 phút là ra đến thị trấn Hương Khê. Dù biết nguy hiểm nhưng vì công việc buôn bán nên vẫn "liều mình" lái xe qua để tiết kiệm thời gian. "Nhìn thấy nhiều khối đá nằm chênh vênh trên mái taluy, thực sự đôi lúc rất sợ. Chỉ khi trời nắng mới dám đi, trời mưa thì quay xe chạy theo đường vòng trên huyện lộ 5", chị Nguyễn Thị Cương, 37 tuổi, trú xã Hương Liên, cho hay.

Nhiều điểm sạt lở đất đá tràn xuống lòng đường, chỉ đủ cho một chiếc xe tải nhỏ đi qua. Ảnh: Đức Hùng

Nhiều điểm sạt lở đất đá tràn xuống lòng đường, chỉ đủ cho một chiếc xe tải nhỏ đi qua. Ảnh: Đức Hùng

Nhà chức trách thống kê, khoảng 2.000 người dân của hai xã Hương Lâm và Hương Liên thường đi qua đường liên xã trên. Người dân nhiều lần kiến nghị chính quyền sớm xử lý các điểm sạt lở, vì mùa mưa lũ sắp đến, nguy cơ vạt núi đổ xuống khiến công trình càng xuống cấp hơn, song chưa có kết quả.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Hương Khê cho biết, 23 điểm sạt lở tại đường Phúc Trạch - Hương Liên hầu hết nằm ngoài phạm vi thi công của dự án. Theo ông, khi làm đường nhà chức trách phải hạ núi, và trong phần thiết kế mái taluy không có tường chắn, rãnh đỉnh; ngoài ra vùng này địa chất yếu nên sạt lở là khó tránh khỏi.

"Vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã bố trí 2 tỷ đồng để chủ đầu tư sửa chữa tuyến đường, dự kiến hoàn thành trước mùa mưa lũ", ông Tuấn nói.

Dân bất an khi đi qua đường sạt lở taluy

Hiện trường các điểm sạt lở lớn trên đường liên xã Phúc Trạch - Hương Liên. Video: Đức Hùng

Đức Hùng

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét