Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Sao TikTok khổ vì ẩu đả biên giới Ấn - Trung

Geet, sao Ấn Độ có hơn 10 triệu người theo dõi trên TikTok, chết lặng khi hay tin chính phủ ra lệnh cấm ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc.

Từ tối 29/6, hòm thư của Geet ngập tin nhắn lo lắng của người theo dõi khắp Ấn Độ. Là một cựu luật sư và là một trong nhiều ngôi sao TikTok hiện nay tại Ấn Độ, Geet đang làm những video dạy "tiếng Anh Mỹ" và đưa ra những lời khuyên về mối quan hệ cho hàng triệu người hâm mộ trên TikTok.

Năm qua, ngày nào cô cũng đăng 15 video lên tài khoản, mỗi video dài 20 giây. Sử dụng điện thoại và máy quay chuyên nghiệp, Geet lưu tới 120 video mỗi ngày để đảm bảo không bao giờ cạn kho video. Cô dành phần lớn thời gian trong tuần để viết kịch bản và chỉnh sửa video.

"Tôi đã chết sững khi hay tin. Đăng bài trên ứng dụng là công việc toàn thời gian của tôi, giờ tôi biết làm gì đây", Geet nói, cho hay cực kỳ bất ngờ khi chính phủ Ấn Độ cấm TikTok và nhiều ứng dụng khác do Trung Quốc sản xuất với lý do chúng gây nguy hại an ninh, chủ quyền đất nước.

Lệnh cấm 59 ứng dụng phổ biến của Trung Quốc được chính phủ Ấn Độ đưa ra ngày 29/6, trong bối cảnh quan hệ hai nước trở nên căng thẳng vì tranh chấp biên giới. Biên phòng hai nước hồi cuối tháng 5 đẫm máu ở khu vực tranh chấp Ladakh, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Vụ ẩu đả đã châm ngòi cho làn sóng tẩy chay hàng hóa và khách Trung Quốc khắp Ấn Độ.

Geet, một trong số nhiều ngôi sao TikTok tại Ấn Độ. Ảnh: BBC.

Geet, một trong số nhiều ngôi sao TikTok tại Ấn Độ. Ảnh: BBC.

Những người theo dõi cô đang vô cùng hoang mang. "Làm thế nào để tôi học tiếng Anh nữa đây?" một người hỏi. "Ai sẽ truyền cảm hứng cho tôi bây giờ?" một người khác viết.

Phát triển nhanh nhờ giá Internet rẻ và dân số trẻ, TikTok đã thu hút khoảng 200 triệu người sử dụng trong ba năm qua tại Ấn Độ. Ứng dụng di động nổi tiếng này cung cấp các video vui nhộn, có thể chia sẻ, phù hợp với thanh thiếu niên. Sử dụng bộ lọc, âm thanh, nhạc và công cụ gắn thẻ, thanh niên Ấn Độ tải lên TikTok nhiều video về các thể loại như âm nhạc, nhảy múa, trò đùa, tiểu phẩm hài, mẹo nghề nghiệp, thử thách, thậm chí cả dạy yoga.

Những video này tồn tại song song với một số video có ngôn từ thù địch, kích động, định kiến về phụ nữ và bạo lực. Một số người dùng TikTok đã thiệt mạng hoặc bị thương khi cố thực hiện các pha mạo hiểm, còn cảnh sát thậm chí đã theo dõi và bắt nhiều băng đảng phô trương lối sống trên ứng dụng này.

Phần lớn video đăng trên TikTok dài 15 giây. Ứng dụng cũng cho phép đăng video dài tới một phút, cung cấp những hình ảnh thoáng qua về cuộc sống của thanh niên Ấn Độ, cũng như tham vọng hay nỗi tức giận của họ.

"Đó là kho hấp dẫn vô tận. Rất nhiều nhóm thiểu số trong nhiều lĩnh vực đã tìm được cho mình một diễn đàn ở đây. Những người có giới tính khác thường được tự do thể hiện bản thân. Phụ nữ đang tự khẳng định mình. Có rất nhiều người đầy óc sáng tạo hoạt động trên nền tảng này", Amit Varmar, một nhà văn dạy học trên TikTok, nói.

Geet là một ví dụ điển hình. Cô chưa từng nghĩ mình sẽ mở ra cuộc đời mới trên TikTok. Sinh ra tại Ấn Độ và lớn lên ở Seattle, Mỹ, cô học ngành kỹ thuật và làm việc trong một công ty luật trước khi chuyển tới thủ đô Delhi cùng cha mẹ để làm công tác xã hội. Geet đã làm việc với trẻ em khu ổ chuột, thanh thiếu niên không được học hành đầy đủ trước khi mở một tài khoản TikTok hồi tháng 2 năm ngoái.

"TikTok là phần mở rộng của những việc tôi đã làm. Bây giờ, chỉ cần với một video, tôi có thể tiếp cận nhiều người hơn và giúp đỡ họ tốt hơn", cô nói.

Đa số người theo dõi Geet đều trẻ và đầy khát vọng. Nhiều người muốn học "tiếng Anh Mỹ", đây là tên của một trong ba kênh TikTok của Geet với hơn 6 triệu người theo dõi, học qua hướng dẫn bằng tiếng Hindi.

Trong một video được rất nhiều lượt xem trên kênh này, Geet dạy nói bằng tiếng Anh các loại dép có trong nhà cô như như dép xỏ ngón, giày tây, dép lê, giày đế bằng, giày cao gót.

Trong một video, cô sửa lại cách mẹ mình phát âm các từ như bữa sáng, tráng miệng, thức ăn, rau và lê, sử dụng ngữ điệu Mỹ. Một video khác lại dạy "chúc mừng sinh nhật theo 7 cách".

"Mọi video đều sinh động, vui vẻ và mang tính giáo dục", cô nói.

Hai kênh khác của Geet cung cấp lời khuyên về mối quan hệ và các buổi trò chuyện tạo động lực cho giới trẻ, dựa trên những câu hỏi mà cô nhận được từ người hâm mộ.

"Câu hỏi tôi hay nhận được nhất là làm gì sau khi chia tay. Tiếp theo là phải làm gì nếu đối tác không dành thời gian cho tôi. Những người đã lập gia đình thì hay hỏi về mâu thuẫn vợ chồng và bạo lực gia đình", Geet nói.

TikTok, theo Geet, đã thay đổi cuộc sống của rất nhiều người mà cô biết. Nó trở thành một công cụ kiếm tiền nhờ quảng cáo.

"Nhiều bạn bè của tôi phụ thuộc vào ứng dụng này, đó là nguồn thu chính của họ", Geet nói. "Với tôi, hạnh phúc là khi được mọi người ghi nhận".

Một tài xế Uber ở Delhi đã nhận ra cô và đề nghị Geet quay một video bằng điện thoại của ông, cho cậu con trai "không chịu học hành chăm chỉ" của ông vài lời khuyên. Một lần khác trong trung tâm thương mại, giám đốc điều hành đã tới gần và hỏi cô: "Cô có phải người dạy tiếng Anh trên TikTok không?"

Geet cho hay ứng dụng này đã thay đổi cuộc đời cô. Năm 10 tuổi, cô bị chấn thương cột sống, phải ngồi xe lăn từ đó tới giờ.

"Đó là một diễn đàn công bằng. Bạn nhìn thấy rất nhiều người có năng lực khác nhau trên TikTok và được người khác chấp nhận", cô nói.

Khoảng thời gian Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn ngừa Covid-19 là quãng thời gian đầy căng thẳng với cô và người hâm mộ. Trước khi lệnh có hiệu lực hồi cuối tháng 3, cô đã cùng anh trai và bố mẹ tiếp tục sản xuất video ở Seattle, Mỹ. Để thu hút người theo dõi cùng tham gia, Geet thường livestream và sản xuất video có trò chơi, câu đố. "Đó là quãng thời gian đầy khó khăn", cô nói.

Tình hình của Geet có vẻ sẽ càng khó khăn hơn với lệnh cấm được ban hành hôm 29/6. Tối hôm đó, cô đã phát trực tiếp trên kênh của mình để trấn an người hâm mộ.

"Đừng lo lắng, đừng mất can đảm. Hãy chờ đợi. Chúng ta hãy suy nghĩ theo hướng mọi vấn đề đều có hướng giải quyết và chúng ta sẽ được gặp lại nhau. Đừng mất hy vọng và chớ làm điều dại dột", cô nói.

Hồng Hạnh (Theo BBC)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét