Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

El Clasico và những cuộc đấu khác của Kinh điển

Kể từ khi Cristiano Ronaldo sang Juventus, sức hút trên sân cỏ của El Clasico có phần thuyên giảm. Nhưng nếu nhìn vào cả những cuộc đấu bên lề giữa Barca và Real, chúng ta sẽ thấy những giá trị bất tận của nó.

Học viện vs Học viện

Đã bao năm nay rồi, La Masia trở thành một biểu tượng đến mức độ rất nhiều người nghĩ rằng đó là lò đào tạo xuất sắc thế giới. Và đúng là nếu nhìn vào sản phẩm, với những cái tên tiêu biểu như Lionel Messi, Andres Iniesta, Xavi, Thiago Alcantara, Sergio Busquets, Gerard Pique..., việc khẳng định La Masia là lò đào tạo hiệu quả nhất đương đại chắc không ai phản đối. Cũng chính từ các sản phẩm lẫy lừng ấy, nhiều người nhìn sang Real Madrid với sự mỉa mai khi làm phép so sánh. Song, có thực là lò đào tạo trẻ của Real chẳng là gì so với La Masia như chúng ta vốn nghĩ hay không?

Nếu nói về đào tạo trẻ, thật ra Real đi trước Barca gần hai thập niên. Từ năm 1954, Chủ tịch huyền thoại Santiago de Bernabeu đã đặt nền móng xây dựng lò đào tạo trẻ cho Real dù chính sách của ông khi đó là mua sắm các siêu sao hàng đầu thế giới để tạo sức hút cho Real và biến nó thành một CLB "quốc tế". Còn Barca, mãi tới năm 1970, La Masia mới bắt đầu thành hình và thực sự phải chờ đến lúc Johan Cruyff góp mặt, nó mới bắt đầu định hình được nền tảng đào tạo.

Những ngôi sao thành danh như Messi, Iniesta, Xavi... chụp ảnh cùng nhau ở lò đào tạo La Masia.

Nếu như ở Barca, người ta dùng cái tên cantera để nói về hoạt động đào tạo trẻ, với nghĩa đen của từ ấy là "cái mỏ" thì ở Real, khái niệm chỉ học viện của CLB lại là La Fabrica - "công xưởng". Hai danh từ ám chỉ hai lò đào tạo cũng cho thấy ngay bản chất khác biệt của văn hoá hai CLB. "Cái mỏ" gần gũi hơn với giới cần lao kiểu cũ trong khi "Công xưởng" thì có nét gì đó hiện đại hoá, tiệm cận với đô thị hơn. Tất nhiên, khái niệm chỉ là khái niệm và không bao trùm đến mức có thể cho rằng sản phẩm từ công xưởng thì tinh tế hơn sản phẩm từ mỏ. Nó chỉ là cách gọi đơn thuần, song tính đối lập của nó khá thú vị.

Như đã nhắc ở trên, rõ ràng sản phẩm thành danh của La Fabrica chưa ai có thể sánh nổi với thế hệ vàng mà cantera đã giới thiệu. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chất lượng đào tạo trẻ của Real có vấn đề. Thực tế, họ cũng đã có những sản phẩm để đời mà một trong những cái tên từng được so sánh với sản phẩm của Barca chính là Raul Gonzalez. Khi Raul xuất hiện, ở phía Barca, Ivan de la Pena cũng ra mắt. Họ từng là đại diện cho sự đối trọng giữa hai lò đào tạo nhưng cuối cùng Raul đi xa hơn trên con đường danh vọng còn De la Pena thì không. Đó không phải là sự thua kém của cantera so với La Fabrica mà thực sự là do số phận nhiều hơn. Đào tạo luôn có "công nghệ" của nó và mỗi CLB có một công nghệ riêng rẽ. Chuyện sản phẩm ra đời thế nào còn phải nhờ vào nhiều yếu tố khác. Thế nên, cái thua kém của Real ở quãng thời gian Barca tung ra một loạt gương mặt đình đám của thế hệ Messi cũng chỉ là thua kém của số phận định đoạt chứ không phải lò đào tạo của Real thấp kém hơn La Masia nhiều lần.

Những người theo dõi Real khoảng 20 năm vừa qua chắc không thể quên công thức "Zidane + Pavon" mà Chủ tịch Florentino Perez đưa ra ở nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Công thức ấy nghĩa là kết hợp những ngôi sao hàng đầu với cầu thủ trẻ do CLB tự đào tạo. Những người không hiểu chuyện từng mang nó ra làm trò cười nhưng cho đến hôm nay, chắc chắn họ sẽ phải rút lại những lời giễu nhại cũ. Perez đã chứng minh ông đi rất đúng hướng.

Hệ thống học viện của Real có tới 14 đội trẻ ở các lứa tuổi khác nhau mà trong đó trẻ nhất là U10, còn được đặt tên là PreBenjamin. Có khoảng 300 học viên thuộc tất cả các lứa được tuyển vào đào tạo ở học viện và chi phí thường niên cho mỗi học viên vào khoảng từ 35.000 cho tới 40.000 euro/mùa (chưa kể chi phí cơ sở vật chất hạ tầng). Và chúng ta có thể đặt ra câu hỏi lớn là "Tại sao tuyển sinh và đào tạo đông như vậy mà tài năng từ học viện xuất hiện ở đội 1 của Real lại hiếm hoi thế?". Câu trả lời rất đơn giản: phải thực sự là kim cương thì mới có chân ở đội một của Real.

Một số ngôi sao đội 1 của Real từng trưởng thành từ lò La Fabrica như Raul, Casillas...

Cơ bản, Real không chỉ là một CLB bóng đá đơn thuần mà đó còn là một tổ chức kinh tế thực sự dù cho danh nghĩa họ vẫn là một dạng hội đoàn phi lợi nhuận. Real có thể bỏ ra tới 40.000 euro/ mùa để đào tạo một tiềm năng nhưng họ biết cách để bù đắp lại. Nếu tiềm năng ấy không đủ để chen chân lên đội 1, họ sẽ bị bán đi các CLB khác. Không có ai là ngoại lệ cả, kể cả là Enzo Zidane, con trai của HLV trưởng.

Perez theo đuổi việc tăng cường tỷ lệ cầu thủ từ lò đào tạo trong danh sách cầu thủ chính thức của đội 1 suốt bao nhiêu năm qua và kể từ khi ông lên nhậm chức Chủ tịch năm 2009, tỷ lệ này đã có những biến chuyển rõ rệt. Ở mùa giải 2008-2009, chỉ 18% cầu thủ trong đội 1 của Real là xuất thân từ học viện. Kể từ mùa giải 2015-2016, tỷ lệ này đã bắt đầu ổn định ở ngưỡng 30% và nó cũng cho thấy chính sách "Zidanes và Pavones" của ông đang bắt đầu được tập trung mạnh mẽ hơn nữa.

Ở mùa giải này, khi Barca bắt tay vào những thay đổi rất lớn, chấp nhận chia tay những ngôi sao hàng đầu, họ cũng nỗ lực để giới thiệu sản phẩm kỳ vọng của La Masia mang tên Ansu Fati. Và Real cũng bước vào cuộc đua tranh lặng lẽ nhưng rất mạnh mẽ này khi họ bán đi khá nhiều cầu thủ như một động thái để tạo không gian phát triển cho những cầu thủ như Frederico Valverde, một người mà Zinedine Zidane đặt kỳ vọng khá nhiều.

Cuộc đấu giữa cantera với La Fabrica mùa này có thể chưa có sự thu hút thực sự vì giá trị của những Ansu Fati hay Valverde vẫn còn khá nhỏ bé khi so sánh với những ngôi sao đương thời nhưng rõ ràng nó đang là một nối tiếp cho cuộc đua tranh kéo dài rất nhiều thập niên, kể từ thời của Quinta del Buitre, Pep Guardiola, Albert Ferrer, Guillermo Amor, xuyên suốt tới giai đoạn của De la Pena, Raul rồi Guti, Iker Casillas cho tới tận thế hệ vàng của La Masia. Đó vẫn là cuộc cạnh tranh ngầm mà thực sự Real đang thua kém bởi những gì mà lứa Iniesta mang lại là quá lớn lao không chỉ cho Barca mà còn cho cả bóng đá Tây Ban Nha. Nó vẫn là nỗi niềm dai dẳng của Perez và ông thực sự sẽ dồn hết tâm huyết để đạt được một thắng lợi tâm phục khẩu phục sau khi đã có những thành tích vang dội ở Champions League suốt 10 năm nay.

Triết lý vs Triết lý

"Mes que un club", khẩu hiệu này của Barca đã quá quen thuộc không chỉ với những ai yêu mến họ mà còn với tất cả những người hâm mộ bóng đá khác nữa. "Còn hơn một CLB" chính là yếu tính của bóng đá xứ Catalonia, thứ bóng đá đề cao giá trị của tập thể, đòi hỏi mỗi cá nhân phải sẵn sàng có sự hi sinh vì tập thể ấy, kể cả khi cá nhân ấy là ngôi sao kiệt xuất nhất đi chăng nữa.

Vậy thì ở Real, người ta theo đuổi triết lý nào trong việc tạo dựng nên văn hoá của CLB? Với một khẩu hiệu khá chung chung là "Hala Madrid y nada mas" (Không gì hơn vinh quang Madrid), nó có vẻ yếu thế so với kiểu của Barca. Nhưng thực chất, triết lý của Real là rất cụ thể, được nảy sinh từ chính đòi hỏi của cộng đồng Real và nó được phổ biến cho mọi thành viên trong CLB, kể cả là những người lao động bình thường nhất, để họ luôn nắm giữ tinh thần ấy. Đòi hỏi đó ngắn gọn nhưng khó khăn vô ngần: Vô địch và Lịch lãm.

CĐV Barca xếp chữ "Còn hơn một CLB" trên khán đài sân Camp Nou.

Vô địch là một đòi hỏi cao vô cùng bởi bóng đá là một môi trường cạnh tranh khốc liệt mà không đội bóng nào dám đảm bảo khả năng vô địch được duy trì kéo dài từ mùa này qua mùa khác cả. Nhưng lịch lãm lại là thứ có thể thực hiện được và chính yếu tố này cũng lý giải cho chúng ta lý do vì sao có nhiều cầu thủ rất tài năng nhưng không bao giờ lọt vào mắt xanh của Real. Đơn giản, họ không toát ra cái thần thái quý ông mà Real muốn có. Nói nôm na, từng có lúc người ta "bàn loạn" với nhau rằng "không đẹp trai đừng hòng gia nhập galacticos".

Một ví dụ điển hình về chuyện thiếu tính lịch lãm và bị đào thải chính là HLV Jose Mourinho. Thực chất, ở thời điểm đó, Real rất cần những trận đấu khắc chế được một Barca hùng mạnh để từ đó nuôi dưỡng tinh thần tự tôn cho các cầu thủ. Perez hiểu Jose Mourinho là người có khả năng chống lại Barca trên sân cỏ. Nhưng khi Mourinho hoàn thành sứ mệnh của mình, ông không thể tiếp tục ở lại. Đơn giản, cú chọc tay vào mắt Tito Vilanova phản lại tinh thần Real và đội ngũ chống lại hành vi ấy mạnh mẽ nhất lại chính là các socios (thành viên cổ đông) của CLB.

Ở Real, dù triết lý là Vô địch và lịch lãm nhưng thực tế họ lại không chú trọng hoàn toàn vào kết quả mà cộng đồng Real quan tâm hơn đến ba câu hỏi khác. Thứ nhất là "Tại sao CLB này lại tồn tại?". Nó chính là câu hỏi cốt lõi, đặt cộng đồng Real vào trọng tâm mà mọi chủ tịch, HLV, cầu thủ đều phải hiểu họ có mặt ở đó để phục vụ cộng đồng này. Cộng đồng được coi là cái nôi để CLB có sức sống và phát triển. Cộng đồng đặt ra những yêu cầu, quy tắc mà tất cả mọi thành viên đều phải tuân theo. Và nếu một cầu thủ muốn gia nhập Real mà không trả lời thấu đạt câu hỏi thứ nhất này, anh ta sẽ không thể nào có cơ hội. Nicholas Anelka là một điển hình, dù cho có thể giữa Anelka và CLB có những hiểu lầm nhất định dẫn đến việc anh không thể hòa nhập được trong tập thể Kền kền trắng.

Câu hỏi thứ hai là "CLB chiến thắng bằng cách nào?". Trả lời câu hỏi này chỉ có một đáp án duy nhất: "Chiến thắng bằng triết lý, đẳng cấp, phong cách và tính thanh lịch của CLB". Triết lý trên sân và phong cách chơi bóng của Real, so với Barca thì không cụ thể bằng. Nếu Barca chi tiết tới mức đòi hỏi một thứ bóng đá đẹp mắt, cống hiến, chủ trương kiểm soát bóng thì Real "nới lỏng" hơn khi chỉ đòi hỏi duy nhất một thứ: bóng đá tấn công. Ở Real, phải là bóng đá tấn công mới được coi là cách duy nhất để đi tìm chiến thắng. Cũng bởi thế, dù giúp CLB khắc chế được Barca, giúp Real lập kỷ lục điểm số đi nữa, Mourinho vẫn phải ra đi bởi bản thân ông không lấy tấn công làm trọng tâm trong triết lý của riêng mình.

Và cuối cùng là câu hỏi "Chúng ta chiến thắng đối thủ nào?". Đây là một câu hỏi rất thú vị ở thời điểm el Clasico này. Rõ ràng, đối thủ được xác định lớn nhất phải là Barca. Giữa Real và Barca là cả một trời khác biệt nhưng lại có những điểm chung quá lớn. Họ là hai trong số bốn CLB còn sót lại trong thế giới bóng đá hiện đại này mà phần sở hữu thuộc về các socios, tức là các thành viên trong cộng đồng. Nói cách khác, họ đều là các hội đoàn được sở hữu bởi công chúng và các chủ tịch chỉ có nhiệm vụ làm thuê không hơn không kém. Họ cũng là hai CLB đi đầu trong việc tuyển lựa các siêu sao trên thế giới về khoác áo và góp phần tạo nên nền tảng vững mạnh của thị trường chuyển nhượng sau này. Họ như hai con hổ và khi định mệnh đặt họ nằm chung một cánh rừng, cuộc chiến giữa họ chắc chắn là cuộc chiến vĩ đại nhất.

Vinh quang là sợi chỉ xuyên suốt trong hành trình lịch sử của Real.

Cả Real và Barca đều ngầm hiểu với nhau rằng một mùa giải thành công là một mùa giải đoạt Champions League, La Liga. Song, một mùa giải thành công hoàn hảo lại phải có thêm cả chiến thắng ở El clasico nữa. Vô địch mà vẫn thua El clasico sẽ không khác gì ăn một bữa tiệc thịnh soạn nhưng lại bị uống nhầm loại rượu. Bởi thế, câu hỏi "chiến thắng ai?" trong số ba câu hỏi kể trên dứt khoát cần phải được trả lời bằng cái tên Barca trước nhất, đặc biệt là khi Real bắt đầu lịch sử La Liga chậm chạp và thua kém hơn so với Barca rất nhiều ở thời kỳ trước thập niên 50.

Có một sự thật khá kỳ lạ là Real dù không đề cao tập thể bằng cách tạo ra một khẩu hiệu như kiểu "mes que un club" như Barca nhưng trong nội bộ của họ, có một luật được coi là tối thượng. Đó chính là luật công bằng. Những nhà báo Mỹ, vốn dĩ quen với NBA, với Super Bowl, đã khá ngạc nhiên khi tham quan phòng thay đồ của Real. Khác với các môn thể thao phổ biến khác ở Mỹ, nơi mà siêu sao sẽ có những ưu đãi hơn trong phòng thay đồ, ở Real, tủ quần áo, chỗ ngồi của Cristiano Ronaldo chẳng khác gì của Nacho. Chỗ ngồi cho người thân cầu thủ trên khán đài cũng ngang bằng nhau và nếu cầu thủ nào muốn có một ca-bin đặc biệt riêng cho gia đình mình, anh ta sẽ phải bỏ tiền túi ra để thuê nó chứ không thể có một biệt đãi nào so với người khác.

Ở Barca cũng có sự công bằng như vậy nhưng hợp đồng giữa cầu thủ với CLB thì lại khác. Mỗi cầu thủ sẽ có một hợp đồng với nhiều điểm khác biệt nhau. Trong khi đó, ở Real, hợp đồng giữa cầu thủ và CLB giống nhau như đúc, chỉ trừ đúng điểm lương, thưởng, điều khoản giải phóng và thời hạn mà thôi. Tất cả các điều kiện khác trong hợp đồng giữa Real và các cầu thủ là quy chuẩn chung, không có ai được ưu ái hơn ai. Và quan trọng nhất, ở Real, mọi hợp đồng giữa cầu thủ với CLB cùng quy định một điều khoản: 50% giá trị hình ảnh của cầu thủ sẽ thuộc về CLB. Nếu cầu thủ rời khỏi CLB mà hợp đồng đã ký với một thương hiệu nào đó vẫn còn ràng buộc, số phần trăm cầu thủ ấy nhận được sẽ ít đi so với khi anh ta còn ở Real. Chính điều này khiến Real giữ chân được khá nhiều ngôi sao nhưng đôi khi cũng mang phiền phức cho họ khi ngôi sao họ muốn đẩy đi lại không chịu ra đi như trường hợp điển hình của Gareth Bale.

Ở điểm này, phải thừa nhận Real làm kinh tế giỏi hơn Barca. Việc Real là CLB được tạp chí Forbes định giá là CLB bóng đá có giá trị lớn nhất thế giới năm 2019 (4,239 tỷ USD) cho thấy họ là một thương hiệu mạnh như thế nào. Barca hiện đứng thứ nhì (4 tỷ USD) nhưng các chỉ số khác như doanh thu, lợi nhuận... đều thua kém Real. Thậm chí, 2019 còn là một năm buồn của Barca khi lợi nhuận trước thuế của họ là âm (-37 triệu USD) so với 112 triệu USD của Real.

Triết lý của Real thể hiện rõ ở điểm này. Với Real, giá trị CLB phải nằm ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Giá trị nằm ở ngoài sân cỏ thể hiện chính trong việc phát triển thương hiệu, cộng đồng và dẫn tới doanh thu, lợi nhuận. Với lượng CĐV toàn cầu lên tới khoảng 450 triệu người, Real còn hướng tới việc xây một SVĐ "ảo" trên nền tảng internet để các CĐV có đăng ký của họ có thể thưởng thức các trận đấu của CLB ở mọi lúc, mọi nơi với cảm giác "thật như trên sân Bernabeu".

Trong cuộc đấu El clasico ở thời đại kỹ thuật số, dường như Real đang dẫn trước và có thể điều đó sẽ thúc ép Barca phải thay đổi rất nhiều. Cục diện Barca cũng cho thấy họ đang muốn cải tổ triệt để khi tỷ lệ bất tín nhiệm Chủ tịch Bartomeu đã bắt đầu tăng cao hơn bao giờ hết.

Và chủ tịch vs chủ tịch

Khẳng định luôn, Bartomeu không có cửa so với Perez. Nếu nhìn vào hành trình chinh phục ghế chủ tịch Real của Perez, chúng ta sẽ phải kính nể ông bội phần, nhất là ở giai đoạn đầu tiên ông nhận chức kế nhiệm Lorenzo Sanz.

Năm 2000, Perez đọc báo cáo tài chính của Real và ông nhận ra một điểm đáng quan ngại. Là một doanh nhân tinh tế, am tường và thành công, Perez nhìn thấy những sai lầm trong bút toán kế toán của Real mà nếu sai lầm này không được khắc phục, Real có thể sẽ bị rơi vào tình trạng phá sản và biến thành một dạnh Sociedad Anonima Deportiva (SAD) theo một điều luật thể thao có hiệu lực từ tháng 10/1990. Cụ thể hơn, khả năng các khoản nợ của Real sẽ được quy đổi thành cổ phần mà người nắm giữ cổ phần chính là các chủ nợ. Nói một cách khác, đang từ một CLB hội đoàn, Real có thể biến thành tài sản của một nhóm nào đó và mất đi hoàn toàn bản sắc riêng của mình.

Chủ tịch Barca Josep Bartomeu (trái), và người đồng cấp bên phía Real Florentino Perez.

Lúc ấy, Real đang nợ tới 162 triệu euro (tính đến tháng 6/2000). Bi đát hơn, 17 trận sân nhà ở La Liga mùa đó không thể bán hết vé. Sức hấp dẫn trong bóng đá tấn công của Real hoàn toàn chỉ dựa vào cái tên Raul và phương pháp quản trị của Lorenzo Sanz thì quá lỏng lẻo, thiếu các kế hoạch chi tiết cũng như tầm nhìn phát triển phù hợp với thời đại. Điển hình là việc Lorenzo Sanz bán 30.000 mét vuông đất ở trung tâm huấn luyện của Real cho Toà thị chính Madrid và hội đồng Thành phố Madrid với giá 30 triệu USD vào năm 1996 một cách quá vội vàng (mà sau này nhiều người không biết cứ đổ lỗi cho Perez bán sân tập). Số tiền ấy chẳng thấm vào đâu so với nợ và nó cũng không mang lại được cho Real một siêu sao đủ tầm tạo sức hút để giúp thúc đẩy hoạt động thương mại.

Perez có thể cứu vãn tình thế cho Real nếu ông là chủ tịch nhưng khó khăn nhất là Lorenzo Sanz vừa mới giành được hai chức vô địch Champions League 1998 và 2000. Thậm chí, Sanz còn quá tự tin với việc mình có thể tái đắc cử nên ông đã đẩy sớm thời điểm bầu cử lên so với dự kiến. Vậy mà Perez đã ngoạn mục ngồi vào được ghế chủ tịch ấy, nhờ vào một thứ người ta gọi là "canh bạc" nhưng thực tế, ông chẳng có rủi ro nào cả.

Nắm bắt được Luis Figo chuẩn bị tái ký hợp đồng với Barca, Perez lựa chọn đó là điểm tựa vận động tranh cử. Ở Tây Ban Nha có một điều luật gọi là "clausula de rescision" được áp dụng trong chuyển nhượng. Ấy là khi một CLB nào đó chồng đủ số tiền giải phóng hợp đồng một cầu thủ tới đặt cọc tại Ban tổ chức Liga, CLB chủ quản sẽ không còn cách nào để giữ chân cầu thủ của mình nữa. Perez biết điều khoản giải phóng hợp đồng của Figo là 10 tỷ peso (tương đương 64 triệu USD). Và ông đã ra tay.

Perez (trái) trong lễ ra mắt của Luis Figo ở Real - một thương vụ tạo nền móng cho sự hình thành Galasticos.

Perez lúc ấy vẫn chỉ là ứng viên ghế chủ tịch Real nhưng ông đã ký với Figo một hợp đồng ràng buộc rằng "Figo được nhận 2,5 triệu USD để đảm bảo sẽ ký hợp đồng với Real nếu Perez thắng cử. Nếu Perez thất bại, Figo hoàn toàn có quyền giữ 2,5 triệu USD kia và không phải rời Barca. Trong trường hợp Perez thắng cử và Figo hủy kèo, Figo phải đền hợp đồng cho Perez 32 triệu USD". Figo và người đại diện nghĩ rằng "kèo thơm, tự dưng có 2,5 triệu không mất công sức gì" nên ký cái rụp. Ngay ngày hôm sau, báo chí loan tin Perez - Figo có một giao ước và nếu Perez thắng cử, Figo sẽ sang Real.

Tin ấy như một quả bom thực sự. Các socios của Real háo hức đợi chờ một viễn cảnh tươi đẹp với galacticos 2.0 như kế hoạch Perez đặt ra, đủ so sánh với galacticos 1.0 từ thời thập niên 50. Figo lập tức trấn an CĐV Barca rằng "Tôi không hề ký một tiền hợp đồng (pre-contract) nào với ứng viên chủ tịch Real cả. Yên tâm đi, năm sau tôi vẫn có mặt ở Camp Nou cùng các bạn". Có thể nói, tuyên bố của Figo khá "tinh ranh" bởi nó như đòn tấn công vào cuộc tranh cử của Perez để khả năng ông thất bại cao hơn và do đó, Figo ẵm gọn 2,5 triệu USD. Đồng thanh với Figo, Lorenzo Sanz mỉa mai "Có khi mai ông ta (Perez) còn tuyên bố ký với Claudia Schiffer cũng nên".

Nhưng Perez tinh khôn hơn Figo lẫn Sanz rất nhiều. Ông tuyên bố với gần 62 ngàn socios của Real rằng nếu ông thắng cử mà Figo không tới Real, ông sẽ trả phí thường niên cho tất cả họ cả mùa. Phí thường niên lúc ấy vào khoảng 150 USD/mùa. Và Perez sẽ lấy tiền ở đâu ra để trả cho các socios đây? Đơn giản, nếu ông thắng cử mà Figo bẻ kèo, hoặc Barca muốn mua lại Figo, họ sẽ phải trả ông 32 triệu USD như hợp đồng. Ngần đó đủ để bao gọn 62 ngàn socios miễn phí một năm.

Vụ Figo thành công là bước đà để Perez cải tạo lại tình hình Real và rõ ràng CLB đã gặt hái được rất nhiều, đặc biệt là sau khi Perez bán luôn toàn bộ sân tập với ràng buộc phải biến khu vực ấy thành trung tâm giải trí thương mại, để nhằm tận dụng sự sầm uất của nó tạo lực đẩy cho hoạt động thương mại của Real. Và Perez cũng không vội vàng như Sanz. Sanz bán 25% đất sân tập cho thành phố với giá 30 triệu USD. Perez đợi khi thành phố Madrid bán phần đất họ mua từ Sanz cho bốn tập đoàn Repsol, Mutua Automovilistica, Sacyr Vallehermoso, Obrascon Huarte Lain với giá 194 triệu USD vào năm 2001, Perez mới bán nốt phần còn lại với giá 545 triệu USD. Số tiền này đủ để ông mở rộng cải tạo sân Bernabeu đồng thời xây dựng một khu tập huấn mới hoành tráng hơn cho Real.

Ở nhiệm kỳ thứ hai của mình, bắt đầu vào 2009, Perez cũng nâng số socios của Real từ 62.000 hồi 2000 lên tới 92.000 vào năm 2015. Và số hội viên Real cũng "chốt sổ" ở con số này bởi lẽ sức chứa sân Bernabeu không còn đủ để đáp ứng cho một số lượng socios phình to hơn.

Trong khi Real phát triển mạnh mẽ đến thế thì tình hình ở Barca lại tệ đi trông thấy dưới tay Chủ tịch Bartomeu. Nếu ở năm 2018, Forbes định giá Barca 4,06 tỷ USD thì năm 2019, giá trị của họ chỉ còn 4,02 tỷ USD. Sự sụt giảm nhẹ này có vẻ không khiến người ta quá lo ngại về mặt số học nhưng thực tế, việc một tổ chức lừng lẫy bị định giá thấp hơn so với năm tài chính trước đó cho thấy tổ chức ấy có vấn đề. Và vấn đề nằm ở chỗ chi phí ở Barca không được quản trị một cách tốt nhất, dẫn tới việc bất chấp họ là CLB có tổng doanh thu năm 2019 đứng thứ hai thế giới với 824 triệu USD nhưng họ vẫn lỗ 37 triệu khi chưa hoàn tất nghĩa vụ thuế cũng như các nghĩa vụ lãi suất.

Dưới thời Bartomeu, Barca gặt hái được một số thành công nhưng không đủ để che lấp những mặt tiêu cực khác của CLB.

Cả một giai đoạn Bartomeu nắm quyền ở Barca, CLB chỉ giành một danh hiệu Champions League duy nhất vào năm 2015 với HLV Luis Enrique và danh hiệu đó không đủ che lấp đi những yếu kém trong điều hành. Nghi án Bartomeu thuê truyền thông bẩn đả kích chính các siêu sao của CLB cũng khiến người ta ngờ vực tính liêm chính của người đang dẫn dắt một CLB có tôn chỉ "còn hơn một CLB".

Nếu so suốt chiều dài lịch sử, Barca có một Juan Gamper lừng lững như tượng đài, như một "bố già" dựng nghiệp thì Real cũng có một Santiago Bernabeu thay đổi toàn bộ vận mệnh của CLB. Song, ở lực lượng kế cận, Barca có thể có một Nunez gây nhiều tranh cãi, Real có thể có một Lorenzo Sanz tương tự thì gương mặt duy nhất có thể nói là xứng tầm vóc của những người tạo dựng sự nghiệp kia chỉ có mình Perez mà thôi. Là một kỹ sư công trình đô thị nhưng Perez có sự thính nhạy kinh khủng trong kinh doanh. Ngay từ năm 1983, Perez đã cùng đồng sự mua lại một công ty xây dựng xứ Catalonia đang bên bờ phá sản và biến nó trở thành một tập đoàn tỷ USD có tên ACS sau này. Tài năng đó, tầm nhìn đó mới chính là người mang lại sức sống cho Real, một CLB vốn dĩ đã kiệt quệ về tài lực để theo đuổi giấc mộng galacticos từ hồi thập niên 1980.

Kết

Mới chỉ điểm qua ba "sân đấu" el clasico thôi, chúng ta đã thấy sức hấp dẫn của Barca - Real lớn đến nhường nào. Nó không chỉ đơn thuần là cuộc chiến trên sân bóng nữa. Nó cũng không nên bị nâng tầm lên quá mức như những khác biệt về chính trị, về văn hoá, về vùng miền như bao năm nay vẫn mặc định nghĩ. Nó chỉ cần là sự đối lập trong bản sắc riêng, trong định tính riêng, trong đường lối riêng thôi đã đủ để tạo ra một cuộc chiến đúng nghĩa với lượng người xem trực tiếp còn nhiều hơn tổng lượng người xem NBA của Mỹ.

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét