Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân quốc tế sắp có hiệu lực

Liên Hợp Quốc cho biết Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2021, sau khi được 50 quốc gia thành viên phê chuẩn.

Honduras ngày 24/10 trở thành nước thứ 50 phê chuẩn Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân (TPNW), điều kiện đủ để hiệp ước có hiệu lực trong 90 ngày, bất chấp sự phản đối của Mỹ và nhiều cường quốc hạt nhân khác trên thế giới.

Dù các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chưa ký hiệp ước, các nhà hoạt động chống vũ khí hạt nhân cho rằng đây là một thành tựu lịch sử, với hy vọng TPNW không chỉ mang tính biểu tượng mà còn có tác dụng ngăn ngừa dần dần việc sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.

Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) Peter Maurer cho biết đây là "một chiến thắng của nhân loại và lời hứa về một tương lai an toàn hơn". Các tổ chức phi chính phủ khác, bao gồm Chiến dịch Quốc tế Bãi bỏ Vũ khí hạt nhân (ICAN), hoan nghênh thông tin.

"Honduras vừa phê chuẩn hiệp ước với tư cách là quốc gia thứ 50, khiến hiệp ước có hiệu lực và làm nên lịch sử", ICAN đăng trên Twitter.

Tàu ngầm USS Nebraska của Mỹ phóng tên lửa hạt nhân Trident II D5 không mang đầu đạn ngoài khơi bang California, năm 2008. Ảnh: US Navy.

Tàu ngầm USS Nebraska của Mỹ phóng tên lửa hạt nhân Trident II D5 không mang đầu đạn ngoài khơi bang California, năm 2008. Ảnh: US Navy.

Một loạt quốc gia hồi tháng 8 phê chuẩn TPNW, nhân kỷ niệm 75 năm Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Nagasaki và Hiroshima của Nhật Bản, bao gồm Nigeria, Malaysia, Ireland, Malta và Tuvalu. Những quốc gia đã phê chuẩn TPNW bao gồm Thái Lan, Mexico, Nam Phi, Bangladesh, New Zealand, Việt Nam và Vatican.

TPNW cấm sử dụng, phát triển, thử nghiệm, bố trí, dự trữ và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua tháng 7/2017 với sự chấp thuận của 122 quốc gia. 84 nước đã ký vào TPNW, dù không phải tất cả đều phê chuẩn văn bản hiệp ước.

Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, trong đó gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, chưa ký TPNW. Tuy nhiên, các nhà hoạt động hy vọng TPNW khi có hiệu lực sẽ mang lại tác động tương tự hiệp ước quốc tế về bom mìn, khiến các quốc gia không chấp nhận việc tàng trữ và sử dụng vũ khí hạt nhân và từ đó thay đổi hành vi ở những nước không tham gia.

"Chúng ta có thể mong đợi các công ty ngừng sản xuất vũ khí hạt nhân và các tổ chức tài chính ngừng đầu tư vào những công ty này", ICAN cho biết trong thông cáo.

Giám đốc điều hành ICAN Beatrice Fihn gọi đây là "chương mới trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân". "Cuộc vận động kéo dài hàng thập kỷ đã đạt được điều mà nhiều người nói là không thể, đó là cấm vũ khí hạt nhân", Fihn nói.

Nga phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat, tháng 3/2018. Ảnh: BQP Nga.

Nga phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat, tháng 3/2018. Ảnh: BQP Nga.

Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cho rằng kho vũ khí của họ đóng vai trò là công cụ răn đe, đồng thời khẳng định cam kết duy trì Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân.

Nga và Mỹ, hai quốc gia sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới, đang nỗ lực đàm phán để gia hạn hiệp ước New START, giới hạn đầu đạn hạt nhân được mỗi bên triển khai ở mức 1.550, dự kiến hết hạn vào tháng 2/2021. Mỹ muốn sửa lại thỏa thuận để bao gồm Trung Quốc cùng các loại khí tài mới, trong khi Nga sẵn sàng gia hạn 5 năm không kèm điều kiện bổ sung.

New START cùng Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), được Mỹ ký với Liên Xô và Nga kế thừa, được coi là các thỏa thuận trung tâm trong kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ rút khỏi INF năm 2019 sau khi cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của hiệp ước.

Nguyễn Tiến (Theo AFP)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét