Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

Lebanon đề nghị Interpol bắt hai người Nga liên quan vụ nổ cảng

Lebanon đề nghị Interpol phát lệnh bắt thuyền trưởng và chủ sở hữu người Nga của tàu chở amoni nitrat vào cảng Beirut, gây vụ nổ khiến gần 200 người chết.

Hãng thông tấn nhà nước Lebanon NNA hôm 1/10 dẫn nguồn tin an ninh và tư pháp cho biết cơ quan công tố nước này đã đề nghị Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) bắt chủ sở hữu và thuyền trưởng tàu Rhosus, song không nêu rõ tên họ.

Boris Prokoshev là thuyền trưởng của tàu Rhosus khi nó đến Beirut năm 2013, và ông đã xác định Igor Grechushkin, một doanh nhân Nga hiện ở Cyprus, là chủ sở hữu. Grechushkin, 43 tuổi, đã bị thẩm vấn tại Cyprus vào tháng 8.

Văn phòng Interpol Quốc gia của Nga từ chối bình luận về thông tin trên, trong khi phát ngôn viên cảnh sát Cyprus Christos Andreou nói rằng chưa nhận được yêu cầu liên quan nào từ Interpol.

Prokoshev, hiện ở Nga, cho biết ông chưa nghe tin gì về sự việc này và cũng chưa được các nhà điều tra liên lạc trước đó.

Quân nhân Pháp và Lebanon đi gần khu vực bị tàn phá hôm 31/8 sau vụ nổ cảng Beirut, Lebanon. Ảnh: Reuters.

Quân nhân Pháp và Lebanon đi gần khu vực bị tàn phá hôm 31/8 sau vụ nổ cảng Beirut, Lebanon. Ảnh: Reuters.

Thủ đô Beirut của Lebanon hom 4/8 rung chuyển sau vụ nổ kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat, tương đương 240 tấn TNT, khiến gần 200 người chết và khoảng 6.500 người bị thương. Gần hai tháng sau vụ nổ, vẫn còn nhiều câu hỏi về lý do và cách thức hàng hóa bị bỏ lại ở Beirut.

Giới chức đổ lỗi nguyên nhân là do kho dự trữ amoni nitrat khổng lồ bốc cháy sau khi được lưu trữ trong điều kiện tồi tàn tại cảng suốt nhiều năm. Cũng đã có những cáo buộc về sự cẩu thả của chính quyền Lebanon. Gần 20 người đã bị giam ở Lebanon sau vụ nổ, gồm quan chức hải quan và cảng.

Theo Prokoshev, 2.750 tấn hóa chất đã được chuyển đến Beirut sau khi chủ tàu yêu cầu ông chuyển hướng đến Beirut để lấy thêm hàng vào năm 2013. Ông cũng cho biết chính quyền Lebanon ít chú ý đến amoni nitrat được chất đống trong các bao tải lớn trên tàu.

Tàu Rhosus nhận lô hàng amoni nitrat ở Georgia trước khi dừng đột xuất ở Lebanon. Tuy nhiên, con tàu không bao giờ rời đi vì hỏng hóc và tranh chấp pháp lý về phí cảng.

Giới chức cảng Beirut bắt tàu sau khi nó cập cảng cuối năm 2013. Năm 2014, con tàu bị cho là không có giá trị, hàng hóa của nó được dỡ xuống vào tháng 10 và được đưa vào kho Hangar 12, tâm chấn của vụ nổ. Tàu Rhosus bị chìm gần đê chắn sóng của cảng vào tháng 2/2018.

Vụ nổ đã giáng đòn chí mạng vào Lebanon, đất nước đang chìm trong nhiều cuộc khủng hoảng chồng chất, từ kinh tế, xã hội cho tới Covid-19. Quốc gia này đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi cuộc nội chiến kéo dài 15 năm và thường bị cuốn vào các cuộc xung đột khu vực. Gần một nửa dân số Lebanon sống dưới mức nghèo đói và 35% thất nghiệp.

Huyền Lê (Theo Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét