Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

Lý do phi công Nga bay 'Su-57 mui trần'

Tiêm kích Su-57 Nga cất cánh mà không lắp nắp kính buồng lái để kiểm tra tác động với phi công và máy bay trong tình huống khẩn cấp.

Trong video dài hơn một phút được Bộ Quốc phòng Nga công bố nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Trung tâm Bay thử nghiệm Quốc gia Chkalov 929 tại Akhtubinsk, tiêm kích tàng hình Su-57 số hiệu 058 thực hiện chuyến bay mà không có nắp kính buồng lái.

Theo các chuyên gia quân sự, đây là thử nghiệm quan trọng nhằm đánh giá các tác động lên thân máy bay Su-57 và phi công trong tình huống khẩn cấp, trước khi đưa tiêm kích vào biên chế không quân Nga.

Trong tình huống khẩn cấp, khi phi công kéo cần thoát hiểm, nắp kính buồng lái sẽ bị bung ra, máy bay tiếp tục bay không có nắp kính trong vài giâytrước khi ghế phóng bật ra.

Phi công trên chiếc "Su-57 mui trần" dường như mặc đồ bay không theo tiêu chuẩn trong bài thử nghiệm có thể do trung tâm thử nghiệm ở Akhtubinsk tổ chức. Kính chắn gió phía trước buồng lái được giữ nguyên còn phần nắp kính phía sau cùng khung được tháo bỏ.

Lý do phi công Nga bay 'Su-57 mui trần'

Nguyên mẫu T-50 của tiêm kích Su-57 bay kiểm tra khi không lắp nắp kính buồng lái. Video: BQP Nga.

Các hãng tiêm kích phương Tây cũng thử nghiệm tiêm kích bay trong điều kiện không nắp kính buồng lái. Một trong những buổi thử nghiệm nổi tiếng do BAE Systems triển khai năm 1988 với tiêm kích Panavia Tornado do phi công Keith Hartley điều khiển, đạt vật tốc 926 km/h khi bay trong điều kiện không nắp kính buồng lái.

Hãng BAE Systems cho biết đây là "thử nghiệm khả năng sống còn trong buồng lái", được triển khai để kiểm tra quy trình thoát hiểm khẩn cấp của tiêm kích. Chiếc máy bay thử nghiệm chỉ có phi công chính, nắp kính buồng lái cùng ghế phóng của hoa tiêu được tháo từ trước.

Tiêm kích Tornado không nắp kính buồng lái do phi công

Tiêm kích Tornado không nắp kính buồng lái do phi công Keith Hartley điều khiển năm 1988. Ảnh: BAE Systems.

Su-57 là tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên của Nga, được thiết kế để cạnh tranh với F-35 và F-22 Mỹ cùng J-20 Trung Quốc. Su-57 được phủ vật liệu hấp thụ sóng radar và có thiết kế tối ưu cho khả năng tàng hình trước thiết bị trinh sát điện tử của đối phương.

Nga từng hai lần triển khai Su-57 tới Syria vào cuối năm 2018 và tháng 12/2019 để thử nghiệm tác chiến thực tế. Dòng tiêm kích này được giới phân tích quân sự đánh giá cao về khả năng cơ động so với các đối thủ, nhưng khó thể hiện hết năng lực tàng hình khi vẫn đang dùng động cơ phát triển từ biến thể cho chiến đấu cơ đa năng Su-35S.

Nguyễn Tiến (Theo Drive)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét