Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Số hóa Nhà hát TP HCM hơn 120 tuổi

Nhà hát TP HCM hơn 120 tuổi, được quét laser tại 350 vị trí, chụp ảnh, số hóa dữ liệu 1.000 chi tiết, dựng mô hình 3D để dễ quản lý, phục chế khi có hư hỏng.

Được xây dựng từ năm 1898, đưa vào sử dụng năm 1900, Nhà hát TP HCM là tòa nhà có thiết kế độc đáo thịnh hành cuối thế kỷ XIX. Toàn bộ các mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất được đưa từ Pháp sang Việt Nam. Với kiến trúc đặc sắc cùng với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, nhà hát là nơi diễn ra các chương trình nghệ thuật lớn trong và ngoài nước, là điểm tham quan của du khách nước ngoài khi tới thành phố.

Nhà hát Lớn ở Sài Gòn được số hóa

Bên ngoài nhà hát khi được quét 3D. Ảnh: Tâm Trinh.

Hơn 21 năm làm việc tại Nhà hát TP HCM, ông Lê Hữu Luận, nguyên Giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh thuộc Sở Văn hóa Thể thao (đơn vị quản lý nhà hát) thấy lo lắng trước những thay đổi dù lớn hay nhỏ liên quan nhà hát. Nỗi lo lắng trong ông càng lớn khi 6 năm trước chứng kiến nhà ga ngầm sâu 30 m Metro Số 1 khởi công ở phía trước nhà hát và gần đây nhất Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy rất khó phục chế.

Trong khi đó, trải qua hơn trăm năm hoạt động, nhà hát không tránh khỏi xuống cấp. Năm 2019, phần mái tòa nhà có những vết nứt chạy dài. Trong thời gian này, ông Luận gặp ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty tư vấn, thiết kế Portcoat. Khi nghe bạn kể về việc muốn lưu giữ những giá trị kiến trúc, lịch sử nhà hát, ông Tuấn - người có nhiều kinh nghiệm lĩnh vực thiết kế hứa sẽ đồng hành thực hiện.

Tháng 9/2019, sau nhiều lần bàn bạc và khảo sát, nhóm thực hiện đưa ra giải pháp số hóa toàn bộ không gian, kiến trúc nhà hát. Khoảng 30 kỹ sư với hơn chục máy quét tia laser (laser scan), máy trắc đạc chia thành từng nhóm từ 5 đến 7 người, bắt đầu quét laser hơn 350 vị trí xung quanh nhà hát như khu vực sân khấu biểu diễn với sức chứa hơn 400 chỗ, mái vòm, tầng hầm...

Bên ngoài tòa nhà, xe cẩu với độ cao 20 m đến đưa các kỹ sư cùng máy móc lên cao quét toàn bộ phần mái, tường bên ngoài. Có những vị trí, các kỹ sư phải mượn ban công các tầng cao nhất hai khách sạn Caravelle và Continental Saigon kế bên để quét dữ liệu tòa nhà.

Nhà hát Lớn ở Sài Gòn được số hóa - 2

Kiến trúc bên trong nhà hát. Ảnh: Quỳnh Trần.

Kết thúc công đoạn quét tia laser, nhóm kỹ sư số hóa và phân loại trên 50 cấu kiện, kết cấu của nhà hát như cột, mái, hệ xà gồ, thanh đỡ... Về kiến trúc, nhóm thu được hơn 1.000 chi tiết là các hoa văn, phù điêu, tượng, đèn... ở mọi ngóc ngách nhà hát từ tầng hầm đến mái.

Việc ghi nhận toàn bộ hiện trạng nhà hát giúp các kỹ sư thu thập thông tin dữ liệu chính xác nhất các kết cấu, chi tiết, hoa văn dù là nhỏ nhất với độ sai số từ 1 đến 3 mm so với kích thước thật. Các chi tiết được số hóa đều ghi các thông số về độ dài, rộng, dày, vật liệu xây dựng, ý nghĩa lịch sửt... Với những chi tiết quá nhỏ, các kỹ sư phải đặt nhiều trạm quét để xác định chính xác hình thù vật thể.

Công đoạn cuối cùng là chuyển tải tất cả dữ liệu vào mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling - BIM) chạy trên phần mềm máy tính, cho phép quản lý lịch sử hơn 120 năm của nhà hát và cả về sau này. Theo TS Hoàng Hiệp (chủ trì dự án), khi cần thay thế bộ phận và chi tiết nào, phía nhà hát chỉ cần dựa vào dữ liệu đã được số hóa, phục chế bằng cách in 3D mẫu, sau đó chế tác, đúc lại với độ chính xác, vật liệu gần như tương tự. Đầu tháng 10, việc số hóa toàn bộ dữ liệu nhà hát hoàn thành.

Nhà hát Lớn ở Sài Gòn được số hóa - 4

Mô hình 3D các chi tiết nghệ thuật của nhà hát. Ảnh: Tâm Trinh.

Ông Phạm Anh Tuấn không cho biết chi phí số hóa dữ liệu nhà hát. Bởi ông cho rằng việc làm này ngoài tình cảm dành cho người bạn cũng là cách góp công sức lưu giữ công trình cổ ở thành phố. Sắp tới nhóm thực hiện sẽ chuyển giao toàn bộ dữ liệu nhà hát cho đơn vị quản lý nhà hát và Sở Văn hóa Thể thao. Việc số hóa các công trình cổ cũng phù hợp với mục tiêu đưa TP HCM thành đô thị thông minh mà thành phố đang thực hiện.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, số hóa các công trình cổ để có những bản vẽ hiện trạng là việc làm cần thiết, giúp quản lý, phục hồi những di tích, di sản khi có hư hỏng. Một số nước phát triển cũng áp dụng số hóa các di sản bởi mô hình này đem lại độ chính xác cao nhất về lưu trữ thông tin công trình. Tuy vậy thành phố nên đấu thầu việc số hóa để chọn ra công nghệ hợp lý, tiết kiệm ngân sách.

Hiện, ngoài Nhà hát TP HCM, thành phố có hơn 150 biệt thự cổ, trong đó có những tòa nhà được xây dựng cách đây khoảng 100 năm, có giá trị kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa cần lưu giữ, bảo tồn như trụ sở UBND thành phố, Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng mỹ thuật TP HCM...

Hồi tháng 5, UBND TP HCM phân loại các biệt thự cũ thành ba nhóm 1, 2, 3 để thuận lợi trong việc quản lý, bảo tồn. Có 52 biệt thự nhóm 1 được chính quyền thành phố yêu cầu quản lý chặt chẽ, giữ nguyên hình dáng, kiến trúc bên ngoài, bên trong. Biệt thự nhóm 2 phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài; nhóm 3 phải thực hiện các quy định về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.

Các biệt thự nhóm 1, 2 không được phá dỡ nếu không bị hư hỏng nặng, có nguy cơ bị sập đổ theo kết luận kiểm định của Sở Xây dựng. Trường hợp buộc phải phá dỡ để xây dựng lại, chủ công trình phải tuân đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng, chiều cao biệt thự.

Ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP HCM cho hay sau khi tiếp nhận dữ liệu số hóa Nhà hát TP HCM, Sở Văn hóa Thể thao sẽ tính toán để có thể áp dụng công nghệ này đối với các di tích nổi tiếng của thành phố.

Hà An

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét