Cư dân Hong Kong Marie Cheung thường xuyên đến Trung Quốc đại lục để làm việc cho công ty sản xuất xe điện, nhưng việc đó đã bị gián đoạn bởi quy định cách ly kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Hong Kong cho phép cư dân chọn giữa hai loại vaccine: Sinovac của Trung Quốc hay Pfizer của Mỹ. Cheung định đăng ký tiêm Sinovac để tới Trung Quốc đại lục dễ dàng hơn. Trong khi đó, người chồng Anh của cô sẽ tiêm vaccine Pfizer để tăng cơ hội được về thăm gia đình ở Anh.
"Đối với những người cần làm việc hoặc trở về đại lục, vaccine Trung Quốc là lựa chọn duy nhất", Cheung nói. "Người phương Tây sẽ chỉ chọn loại vaccine được nước họ công nhận".
Khi nỗ lực tiêm chủng ngày càng gia tăng trên khắp thế giới, việc tiêm vaccine nào có thể xác định một người có thể nhập cảnh và làm việc ở những quốc gia nào. Châu Âu có thể cho phép những người Mỹ đã tiêm vaccine mà Cơ quan Dược phẩm EU đã phê duyệt nhập cảnh vào mùa hè.
Ở Trung Quốc, xu hướng này đang nổi lên càng rõ ràng khi nước này mới chỉ phê duyệt vaccine nội địa, trong khi vaccine của họ không được cấp phép ở Mỹ hoặc Tây Âu. Điều đó đã khiến một số công dân Trung Quốc thường xuyên ra nước ngoài và các công dân phương Tây muốn theo đuổi cơ hội kinh doanh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào tình thế khó xử, không biết nên chọn tiêm vaccine loại gì.
Đối với hàng triệu người trên toàn thế giới, vốn không thể lựa chọn tiêm loại vaccine nào, nguy cơ nhiều nơi chỉ công nhận một số loại vaccine nhất định dẫn đến khả năng rằng ngay cả khi được tiêm phòng đầy đủ, việc đi lại của họ vẫn có thể bị hạn chế, cản trở hoạt động kinh doanh quốc tế và ngành du lịch.
"Sự phân tách toàn cầu dựa trên vaccine sẽ chỉ càng kéo dài và làm trầm trọng thêm các hệ quả kinh tế và chính trị của đại dịch", Nicholas Thomas, phó giáo sư về an ninh y tế tại Đại học Hong Kong, nói.
Nhiều quốc gia đã đóng biên để ngăn đại dịch, một số nước chỉ cho phép công dân nhập cảnh và yêu cầu cách ly vài tuần. Mặc dù vaccine được coi là cách để loại bỏ những rào cản nhập cảnh đó, vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về cách các quốc gia sẽ xử lý khi hiện có 11 loại vaccine trên toàn thế giới.
Các chính phủ từ Trung Quốc đến châu Âu đang thảo luận về hộ chiếu vaccine nhưng không rõ liệu các quốc gia sẽ công nhận tất cả loại vaccine hay là công nhận có chọn lọc, đặc biệt là khi ngày càng xuất hiện nhiều biến thể nCoV và nhiều người đang đặt câu hỏi liệu các loại vaccine hiện tại có hiệu quả chống lại chúng hay không.
Trung Quốc đã nới lỏng yêu cầu xin thị thực đối với những người nước ngoài tiêm vaccine nước này vào tháng ba, cho phép họ bỏ qua bước xét nghiệm nCoV hoặc điền tờ khai.
Nhưng vaccine Trung Quốc chỉ được triển khai ở một số quốc gia như Brazil, Pakistan và Serbia. Người dân không thể tiêm Sinovac hoặc các loại vaccine Trung Quốc khác ở Mỹ.
Tuy nhiên, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington tuần này nói rằng những người đã tiêm một số vaccine phương Tây nhất định vẫn có thể nhập cảnh nước này nếu họ khởi hành từ Dallas, Texas. Truyền thông nhà nước Trung Quốc gợi ý rằng Pfizer có thể sẽ được phê duyệt ở Trung Quốc vào giữa năm nay.
"Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải có được một tỷ lệ rất cao trong cộng đồng được tiêm chủng và cách tốt nhất để làm điều đó là đưa ra sự lựa chọn", Ker Gibbs, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, nói.
Là một thị trường quan trọng và là nguồn kinh doanh của các công ty trên toàn cầu, Trung Quốc với các hạn chế biên giới nghiêm ngặt đã "tác động lớn đến khả năng tiến hành kinh doanh của chúng tôi", ông nói.
"Di chuyển là ưu tiên hàng đầu đối với chúng tôi, cả về việc cho phép các giám đốc điều hành ra vào Trung Quốc, cũng như để những người phụ thuộc của họ quay trở lại Trung Quốc", Gibbs nói. "Đó là vấn đề lớn".
Trung Quốc không phải là nơi duy nhất hạn chế khả năng nhập cảnh của những người đã tiêm một số loại vaccine nhận định. Vaccine Trung Quốc và Nga không nằm trong danh sách mà Iceland cho phép người tiêm nhập cảnh.
Công nhận vaccine là vấn đề then chốt đối với các quốc gia phụ thuộc vào du lịch, khi ngành du lịch toàn cầu trị giá 9 nghìn tỷ USD đã bị tê liệt kể từ khi đại dịch bắt đầu. Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề này có thể ảnh hưởng đến cách quyết định của họ, vì du khách Trung Quốc là một trong những nhóm khách nước ngoài lớn nhất đến các điểm nóng du lịch ở Đông Nam Á, Australia và New Zealand hay Paris trước đại dịch. Theo Viện Du lịch Trung Quốc, 155 triệu du khách Trung Quốc đã chi hơn 133 tỷ USD ở nước ngoài vào năm 2019.
Trong khi Indonesia và Thái Lan đã chấp thuận và đang triển khai tiêm vaccine Trung Quốc thì New Zealand và nước láng giềng Australia, những nước có mối quan hệ với Trung Quốc xấu đi trong năm qua vì virus và thương mại, thì không.
"Tôi không biết khả năng các nước phương Tây công nhận vaccine Trung Quốc sẽ thực tế đến mức nào trong bối cảnh môi trường địa chính trị hiện nay", Ether Yin, đối tác của Trivium China, công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.
"Nhưng ngành du lịch hoặc nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể thực sự nối lại nếu Trung Quốc và hàng chục nền kinh tế đã sử dụng vaccine của nước này bị gạt sang một bên".
Katy Niu, công dân Trung Quốc 26 tuổi, là người đam mê trượt tuyết và thường xuyên du lịch nước ngoài. Không rõ liệu cô có thể sớm trở lại các địa điểm trượt tuyết nổi tiếng như ở Hokkaido, Nhật Bản hay không.
Trước khi đại dịch xảy ra, cô từng đi du lịch quốc tế ít nhất ba lần một năm, từ mua sắm trên đại lộ Champs Elysées của Paris đến thư giãn trên một bãi biển Đông Nam Á.
Niu vẫn chưa tiêm vaccine. Cô không cảm thấy việc này cần kíp vì hiện tại cô không thể đi du lịch và cũng khó có thể đi trong tương lai gần. "Nếu các quốc gia khác không công nhận vaccine Trung Quốc, điều đó có nghĩa là tiêm chủng sẽ không tạo ra sự khác biệt?", cô nói. "Dù sao thì chúng tôi cũng không được cung cấp vaccine phương Tây. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác".
Phương Vũ (Theo Bloomberg)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét