Những ngày gần đây, nhiều khu vực của Ấn Độ đã chứng kiến số ca mắc và ca tử vong mới do COVID-19 tăng chóng mặt trở lại.
Không chỉ khốn đốn vì tình trạng thiếu thốn thiết bị y tế, cơ sở vật chất trầm trọng, mà nhiều nhà xác, lò hỏa táng của Ấn Độ tại các bang bị ảnh hưởng nặng nề hiện cũng đang bị quá tải.
Ở nhiều nơi, lò hỏa táng điện hoạt động hết công suất nhưng vẫn không xử lý xuể số thi thể ùn ùn chuyển đến mỗi ngày. Người ta đã phải đem thi thể ra các bãi hỏa thiêu "dã chiến" lộ thiên, hoặc ở vệ đường, hoặc có gia đình phải tự chôn cất người thân trong vườn nhà trái với phong tục.
Đối với những người dân ở khu Shaheed Bhagat Singh, bang Tây Bengal, việc sinh sống ngay cạnh một lò hỏa táng cũng là điều khó khăn không kém cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, theo trang tin PTI (Ấn Độ).
Trả lời phóng viên, người dân ở khu Shaheed Bhagat Singh cho biết một cảnh tượng quen thuộc đối với họ những ngày gần đây là đám mây màu xám tro bao trùm căn nhà của họ, và mùi cháy khét đầy ám ảnh từ việc hỏa táng hơn 200 thi thể mỗi ngày không hề biến mất, mà họ cảm thấy mùi này đã thấm vào từng lỗ chân lông trên cơ thể họ.
Trước khi làn sóng COVID-19 thứ hai ập đến, lò hỏa táng ở đây chỉ xử lý khoảng 3-4 thi thể mỗi ngày, nhưng giờ đây họ phải tiếp nhận từ 200-250 thi thể. Cái chết và nỗi sợ về sự lây lan của dịch bệnh đang hiện hữu trên mọi khía cạnh của cuộc sống của họ.
Saroj, một trong 1.500 của khu ổ chuột chỉ nằm cách lò thiêu Paschim Puri vài mét, cho biết mỗi ngày họ đều thức dậy và ngủ thiếp đi trong mùi cháy.
"Thực sự rất đáng sợ. Chúng tôi liên tục nhìn thấy các xe cấp cứu chạy qua, và cả ngày lẫn đêm, lúc nào cũng có khói và mùi bốc lên", người này nói.
Saroj cho hay, cô lúc nào cũng nơm nớp lo sẽ nhiễm COVID-19, và những khu hỏa táng ngày đêm đỏ lửa càng khiến tâm trí hỗn loạn, không thể ngủ yên.
Đêm 14/4, một đám cháy đã bùng phát tại khu ổ chuột của Saroj, dù không có thương vong nhưng thiệt hại về của khiến những cư dân ở đây khốn đốn. Một nửa "ngôi nhà" của Saroj cũng đã bị "bà hỏa" nuốt chửng. Trong khi cô và những người hàng xóm đang vất vả khôi phục lại nơi ở của mình, thì chính quyền ban bố lệnh phong tỏa một tuần để chống dịch.
Sợ nhiễm COVID-19, nhiều người không dám cả bật quạt
Kakoli Devi, một người hàng xóm của Saroj, áng chừng khoảng 300 thi thể đã được hỏa táng trong ngày 22/4 vừa qua. "Chúng tôi đã đặt một chiếc xe tải và chuẩn bị rời khỏi nơi này, trở về ngôi làng của chúng tôi ở Maharajganj (bang Uttar Pradesh). Chí ít là khi trở về nơi đó, chúng tôi sẽ không phải trải qua cảm giác chết chóc thường trực này nữa", Kakoli nói.
"Mọi người đều ru rú trong nhà. Chúng tôi thậm chí còn không dám bật quạt, vì lo sợ sẽ bị nhiễm virus corona trong không khí. Bầu không khí này đặc biệt độc hại đối với trẻ con", Kakoli, người góa phụ có 3 con cho biết.
Nhiều người khác trong khu ổ chuột - chủ yếu đến từ Uttar Pradesh và Bihar, cũng đang lên kế hoạch trở về làng của họ. Một số người đã rời khu ổ chuột trước khi làn sóng COVID-19 thứ hai ập đến, và những người còn lại lo sợ rằng họ không thể tiếp tục chịu đựng lâu hơn nữa giữa những mùi cháy khét và hôi thối của thi thể.
Nhiều người dân sinh sống gần lò hỏa táng nói rằng tình hình trước đây không đến mức không thể chịu nổi, vì việc đốt xác diễn ra ở tận phía cuối của cơ sở hỏa táng. Nhưng giờ đây với số ca tử vong liên tục tăng cao, toàn bộ khu vực xung quanh nhà hỏa táng đều được sử dụng. Khi người dân phải đối, phía nhà hỏa táng cho biết họ được chính phủ cho phép làm điều đó.
Nhân vật Saroj sống trong gia đình có 8 người, và họ cũng đang lên kế hoạch trở về ngôi làng ở Uttar Pradesh. Khi số ca nhiễm tăng lên chóng mặt, Saroj đã mất công việc thu gom đồng nát của mình.
"Có những ngày chúng tôi chỉ uống nước cầm hơn, có những ngày chúng tôi may mắn hơn khi nhận được thức ăn từ các tổ chức phi chính phủ. Tình hình thật khủng khiếp", Saroj nói.
Sự kỳ thị những người sống cạnh lò hỏa táng cũng đã khiến một số người mất đi công việc làm người giúp việc cho những gia đình ở khu dân cư cao cấp Paschim Vihar gần đó.
Một cô gái 16 tuổi làm giúp việc bán thời gian, cho biết chủ của cô đã cho cô thôi việc chỉ vì nhà cô ở gần một lò hỏa táng. "Họ sợ rằng chúng tôi mang mầm bệnh COVID-19, nên chúng tôi đang cân nhắc trở về làng của mình. Nhưng ngay cả điều đó cũng tốn tiền. Chúng tôi sẽ cần khoảng 2.000 - 2.500 yên. Chúng tôi lấy đâu ra ngần ấy tiền đây?", cô gái này nói.
Vijay Kumar, một nhân viên xã hội của tổ chức phi chính phủ về quyền trẻ em CHETNA, cho biết nhiều trẻ em Ấn Độ đang bị lôi kéo, dụ dỗ sử dụng chất kích thích và đang bị các nhân viên lò hỏa táng mua chuộc để giúp vận chuyển thi thể.
"Chúng không được cấp bất cứ đồ bảo hộ nào, và dễ bị tiền bạc cám dỗ. Càng mang được nhiều thi thể, thì chúng càng nhận được nhiều tiền. Đây là điều rất nguy hiểm", ông này nói.
Trong khi đó, ông Sanjay Gupta, giám đốc quỹ CHETNA (Nâng cao tuổi thơ thông qua đào tạo và hành động), lo lắng về tác động lâu dài của tình trạng hiện nay đối với các em nhỏ.
Trẻ em, vốn đã sống trong cuộc sống khó khăn, đang phải chứng kiến thi thể của những bệnh nhân COVID-19 bị hỏa thiêu ngày đêm ngay trước mắt chúng. Ông nói: "Điều này sẽ hằn sâu trong suy nghĩ và tinh thần của các em.
Khủng hoảng trầm trọng tại nhiều lò hỏa thiêu của Ấn Độ
Những thi thể cứ thế ùn ùn chuyển đến khiến những nhà hỏa táng tại các bang bị đại dịch ảnh hưởng nặng nề gặp nhiều khó khăn. Lò hỏa táng điện chạy ngày đêm không xuể, khiến nhiều nơi phải vận hành bãi hỏa táng lộ thiên tạm thời.
Thế nhưng, cũng có những nơi "người chết" phải xếp hàng dài chờ được thiêu, khiến nhiều gia đình phải giữ thi thể của người thân quá cố (kể cả những trường hợp nhiễm COVID-19) ở trong nhà nhiều ngày.
Ông Madan Kumar - một người có thân nhân qua đời vì COVID-19 cho biết: "Người ta đòi những 12.000 - 14.000 rupee cho dịch vụ hỏa thiêu, làm sao người nghèo như chúng tôi có thể kham nổi. Tôi đã đăng ký hỏa thiêu thi hài của bố vợ, đã trả hết tiền mà vẫn chưa xong. Họ cầm tiền nhưng không chất đủ củi và cứ thế bỏ đi. Củi không đủ hỏa thiêu hết thi hài. Chúng tôi đi tìm mà không thấy họ đâu."
Tương tự, anh Nitish Kumar, người đăng ký hỏa táng thi thể của mẹ mình vào ngày 22/4 đã bị từ chối, dù anh chấp nhận mua một suất ở nơi hỏa táng tập thể tạm bợ. Anh cho biết người ta đã nói rằng họ "hết củi để hỏa táng".
Được biết, một số lò hỏa táng ở Lucknow hết gỗ nên đã nhờ người dân tự mang gỗ đến. Cư dân mạng đã ghi lại hình ảnh nhiều xe chở gỗ đến lò hỏa táng./.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem link gốcẨn link gốc https://ift.tt/2QwDtzb
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét