Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

Nhà phát triển vaccine Nga định kiện Brazil

Nhà phát triển Sputnik V cho biết sẽ kiện cơ quan quản lý y tế Brazil vì phỉ báng sau quyết định từ chối nhập khẩu vaccine Covid-19 này.

"Sau khi cơ quan quản lý Anvisa của Brazil thừa nhận rằng họ không thử nghiệm vaccine Sputnik V, chúng tôi đang tiến hành thủ tục pháp lý tại Brazil để kiện Anvisa tội phỉ báng, cố ý lan truyền thông tin sai lệch và không chính xác", bài đăng trên tài khoản Twitter Sputnik V hôm 29/4 có đoạn viết.

Các lọ vaccine Covid-19 Sputnik V tại khoa y của Đại học San Andres, thành phố La Paz, Bolivia, hôm 27/4. Ảnh: AFP.

Vaccine Sputnik V tại khoa y của Đại học San Andres, thành phố La Paz, Bolivia, hôm 27/4. Ảnh: AFP.

Cơ quan quản lý y tế Anvisa của Brazil hôm 26/4 từ chối yêu cầu cho phép nhập khẩu vaccine Sputnik V từ các bang. Gustavo Mendes, quan chức phụ trách dược phẩm và sản phẩm sinh học của Anvisa, giải thích rằng có bằng chứng cho thấy virus adeno được sử dụng trong Sputnik V có khả năng tái sinh sôi, điều mà ông coi là nhược điểm "nghiêm trọng".

Virus adeno thuộc nhóm virus có thể gây ra một số bệnh cho con người như cảm lạnh, đôi khi được sử dụng trong công nghệ vector để sản xuất vaccine, sau khi sửa đổi gene để không thể tái tạo. Những vector virus này thường dùng để truyền vật chất di truyền cho một loại protein, trong trường hợp này là từ nCoV, nhằm tạo ra phản ứng miễn dịch cho những người được tiêm chủng.

Tuy nhiên, hướng dẫn y tế toàn cầu cảnh báo mối đe dọa từ "những virus adeno có khả năng tái tạo (RCA)", nghĩa là sinh sôi được trong cơ thể người tiếp nhận và có nguy cơ gây ra phản ứng bất lợi. Denis Logunov, người phát triển vaccine Sputnik V tại Viện Gamaleya của Nga, đã phủ nhận việc hai virus adeno được dùng để sản xuất vaccine Covid-19 này có thể tái tạo.

Nhà phát triển Sputnik V dựa vào việc Mendes trích dẫn kết quả thử nghiệm của chính Viện Gamaleya trong phiên điều trần hôm 26/4 để cáo buộc Anvisa "thừa nhận không thử nghiệm Sputnik V". Trong khi đó, Anvisa khẳng định tài liệu của Viện Gamaleya đã nêu các mức độ rủi ro tiềm ẩn của RCA trong vaccine thành phẩm.

Nga từng gây lo ngại khi phê duyệt Sputnik V hồi tháng 8/2020 trước cả khi thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Tuy nhiên, tạp chí y khoa hàng đầu The Lancet kết luận vaccine Covid-19 này an toàn và hiệu quả hơn 90%.

Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga hôm 26/4 cũng chỉ ra rằng vaccine Sputnik V đã được phê duyệt tại hơn 60 quốc gia, đồng thời cáo buộc quyết định của Anvisa "có thể mang động cơ chính trị".

Ánh Ngọc (Theo Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét