Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và những người đồng cấp từ Afghanistan, Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh hôm 27/4 tham gia một cuộc họp trực tuyến, nhất trí thành lập một kho dự trữ vật tư y tế khẩn cấp và một trung tâm hợp tác về xóa đói giảm nghèo, cùng các sáng kiến khác.
Đại diện Ấn Độ không tham gia cuộc họp thảo luận về cách đối phó với Covid-19 này. Giới quan sát cho rằng sự vắng mặt đó phản ánh mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ về vấn đề tranh chấp biên giới.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cảm thấy việc tăng cường hợp tác với các quốc gia Nam Á khác là yêu cầu cấp bách vì lo ngại virus có khả năng lây lan từ Ấn Độ sang các nước láng giềng. Ấn Độ đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai đầy thảm khốc, khi ghi nhận hơn 300.000 ca mới mỗi ngày trong 7 ngày liên tiếp.
"Lý do Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với Nam Á là vì Bắc Kinh lo lắng rằng những gì đã xảy ra ở Ấn Độ rốt cuộc sẽ tràn tới các quốc gia đó, gây bùng phát dịch nghiêm trọng và thiếu hụt vật tư y tế", Lin Minwang, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế ở Đại học Phúc Đán, cho biết.
"Hơn nữa, biên giới của các quốc gia đó và Ấn Độ đều mở. Trung Quốc lo ngại rằng biến thể của nCoV ở Ấn Độ sẽ lây lan sang Trung Quốc qua Nam Á".
Liu Zongyi, Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Trung Quốc và Nam Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết nhiều khả năng ca Covid-19 sẽ gia tăng ở các nước láng giềng với Ấn Độ và kho dự trữ khẩn cấp mà họ sắp thành lập sẽ bao gồm các vật tư như dụng cụ xét nghiệm, vaccine và khẩu trang.
"Do động đất, lũ lụt, hạn hán và bão xảy ra khá thường xuyên trong khu vực nên cũng có thể có lều, thực phẩm, nhiên liệu và các thứ khác", ông nói. "Với sức mạnh kinh tế của mình, Trung Quốc sẽ là bên cung cấp vật tư lớn nhất, còn các nước Nam Á sẽ đóng góp thêm", ông nói.
Trong mắt Ấn Độ, nỗ lực này của Trung Quốc là một phần trong chiến lược lôi kéo các nước láng giềng ngả về quỹ đạo của Bắc Kinh, dựa vào các dự án cơ sở hạ tầng và hợp tác chống dịch. Họ đã bày tỏ lo ngại về điều đó và làm thinh ngay cả khi Ngoại trưởng Trung Quốc đề nghị giúp Ấn Độ đối phó với Covid-19.
Madhav Nalapat, giáo sư địa chính trị tại Học viện Cao học Manipal ở Ấn Độ, chỉ ra rằng Trung Quốc có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và Ấn Độ, vì vậy họ sẵn sàng "chi tiêu thặng dư đó cho các nước khác ở Nam Á, miễn là khoản hỗ trợ đó không dùng cho vũ khí hạt nhân, công nghệ tên lửa, hoặc quân sự".
"Ấn Độ có mối liên hệ lịch sử và xã hội với từng quốc gia này", ông nói. "Những mối quan hệ chặt chẽ này sẽ không bị ảnh hưởng bởi nỗ lực lôi kéo của Trung Quốc. Không giống như một số quốc gia khác chỉ tập trung vào việc thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với giới tinh hoa, Ấn Độ có ảnh hưởng với tất cả nhóm xã hội, đặc biệt là ở Nam Á".
Yan Wei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Tây Bắc Trung Quốc, cũng cho rằng kho dự trữ khẩn cấp có nhiều khả năng là tượng trưng - các quốc gia trao đổi vật tư khi có nhu cầu, thay vì một kho dự trữ đích thực. "Đúng là tình hình dịch bùng phát ở Ấn Độ đã khiến Trung Quốc và Nam Á thân thiết hơn, nhưng Bắc Kinh không theo đuổi trò chơi một mất một còn với New Delhi", Yan nói.
Mohan Guruswamy, chủ tịch kiêm người sáng lập Trung tâm Phương án Chính sách ở New Delhi, cho hay Ấn Độ sẽ thấu hiểu nếu các nước khác ở Nam Á tìm kiếm hoặc chấp nhận viện trợ từ Trung Quốc.
"Ấn Độ không thể dư vaccine hoặc vật tư y tế cho đến khi tình hình dịch trong nước cải thiện", ông cho hay. "Tôi nghĩ các nước láng giềng sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào vaccine Sinovac của Trung Quốc, ngay cả khi nó chỉ có hiệu quả 67%".
Phương Vũ (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét