Giới chức Trung Quốc liên tục gặng hỏi liệu Hàn Quốc có ý định gia nhập Đối thoại An ninh Bốn bên do Mỹ dẫn dắt, trong khi Seoul duy trì tình trạng "mơ hồ chiến lược".
Bắc Kinh đã nhiều lần trao đổi với Seoul về khả năng nước láng giềng gia nhập Đối thoại An ninh Bốn bên, còn gọi tắt là Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, theo tiết lộ từ các nguồn tin ngoại giao. Đáp lại, chính phủ Hàn Quốc khẳng định họ chưa nhận lời mời nào từ nhóm bốn cường quốc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Diễn biến này cho thấy Bắc Kinh ngày một lo ngại về khả năng Bộ Tứ do Mỹ dẫn dắt mở rộng quy mô. Trung Quốc vốn nhìn nhận nhóm cường quốc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một liên minh kìm hãm sức ảnh hưởng của họ tại khu vực.
Hàn Quốc duy trì chính sách được đánh giá là "mơ hồ chiến lược" đối với Bộ Tứ, tránh rơi vào tình thế chọn phe giữa Bắc Kinh và Washington. Tuy nhiên, giới quan sát không loại trừ khả năng Hàn Quốc từ bỏ chiến lược này, gây "thách thức đáng kể" với tính toán an ninh của Trung Quốc ở Đông Á.
"Mỹ đang thuyết phục Hàn Quốc và muốn hợp nhất các mối quan hệ đồng minh, lần lượt với Nhật Bản và Hàn Quốc, thành một tam giác liên minh. Nếu Hàn Quốc tham gia Bộ Tứ, một bộ ba ở Đông Bắc Á cuối cùng sẽ xuất hiện và thách thức nghiêm trọng đến an ninh của Trung Quốc", theo Qian Yong, giáo sư Đại học Chiết Giang, Trung Quốc. Ông còn ví von bộ ba Nhật - Hàn - Mỹ sẽ là "NATO thu nhỏ" trong khu vực.
Bi Yingda, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Bán đảo Triều Tiên thuộc Đại học Sơn Đông, lo ngại liên minh đối trọng Trung Quốc ở Đông Á gây áp lực lớn lên Bắc Kinh và gia tăng rủi ro xung đột quân sự. "Liên minh đa phương đối trọng Trung Quốc ở Đông Á có thể gia tăng đối đầu. Hệ quả là Bắc Kinh nhích lại gần hơn với Nga và ngả về Triều Tiên trong các vấn đề tại bán đảo. Viễn cảnh này dễ dẫn tới đối đầu giữa hai phe, hay còn gọi là Chiến tranh Lạnh", ông nói.
Quan điểm cho rằng Đối thoại An ninh Bốn bên là "NATO ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" từng được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đề cập. Ông từng cáo buộc mô hình do Mỹ dẫn dắt sẽ đe dọa an ninh khu vực, trái với những tuyên bố liên tiếp từ giới chức bốn nước rằng mô hình không nhằm chống lại Trung Quốc mà chỉ củng cố an ninh khu vực.
Khả năng kết nạp thành viên mới đã được quan chức các nước Bộ Tứ đề cập. Nhóm còn mời một số nước thảo luận thêm về những vấn đề an ninh, cũng như kiểm soát dịch bệnh. Điển hình là loạt tập trận La Perouse do Pháp đứng ra tổ chức với hải quân các nước Bộ Tứ trên vịnh Bengal vào tháng 4. Cường quốc châu Âu cũng mở ra khả năng hợp tác cùng Ấn Độ và Australia để tăng cường hợp tác với Bộ Tứ trong khu vực.
Một số diễn biến trong thời gian qua cũng làm gia tăng hoài nghi về sức ép từ Washington lên Seoul.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 22/4 tiết lộ Washington đã đàm phán các thỏa thuận hỗ trợ vaccine với Canada, Mexico và ba thành viên còn lại trong Bộ Tứ. Thông báo này làm dấy lên những quan ngại Hàn Quốc nằm ngoài danh sách do không ủng hộ mở rộng mô hình đối thoại an ninh khu vực mà Mỹ dẫn dắt.
Đến ngày 23/4, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã phải lên tiếng bác bỏ mối liên hệ giữa việc không tham gia Bộ Tứ và sự vắng mặt trong danh sách hỗ trợ vaccine từ Mỹ.
Truyền thông Hàn Quốc vào đầu tháng 4 còn khẳng định Washington đã "quyết liệt đề nghị" Seoul tham gia nhóm đối thoại an ninh. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sau đó bác bỏ tin đồn, nhấn mạnh Seoul vẫn chưa nhận được đề nghị chính thức nào từ chính phủ Mỹ.
"Washington cần có cách tiếp cận khéo léo hơn và cẩn thận phân biệt giữa các quốc gia 'cùng hoàn cảnh', vốn phần lớn e dè rủi ro cạnh tranh cường quốc, và các quốc gia 'cùng chí hướng' có quyết tâm cao hơn trong bảo vệ trật tự tự do", Kuyoun Chung, chuyên gia tại Đại học Quốc gia Kangwon ở Hàn Quốc, cho biết.
"Dù hai nhóm nước không hoàn toàn tách biệt, họ vẫn có những ưu tiên chính sách đối ngoại khác nhau tùy vào mối quan ngại chủ đạo, khác biệt nhận thức về mối đe dọa, lợi ích kinh tế và khả năng chống chọi sức ép từ Trung Quốc", Chung lưu ý.
Theo chuyên gia Hàn Quốc, Seoul muốn tránh rủi ro cạnh tranh cường quốc. Ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại là vấn đề Triều Tiên. Chừng nào Triều Tiên còn là động lực cốt lõi trong chính sách đối ngoại, Hàn Quốc khi đó vẫn cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc để giữ đà đối thoại liên Triều.
"Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tiếp tục xâm phạm những lợi ích an ninh then chốt của Hàn Quốc, sẽ đến lúc Seoul không còn là 'mắc xích yếu' trong tam giác an ninh Đông Á do Mỹ dẫn dắt", Kuyoun Chung nói.
Trung Nhân (Theo SCMP/East Asia Forum)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét