Ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc cảm thấy áp lực vì triển vọng kinh tế và các tác động của đại dịch, khiến họ mất niềm tin vào tương lai.
Cách đây 4 năm, nhiều thanh niên Trung Quốc thích sử dụng hashtag #Amazing China (Trung Quốc tuyệt vời) trên mạng xã hội. Hai năm trước, họ nói rằng Trung Quốc là học sinh "hạng A" trong nỗ lực kiểm soát đại dịch và kêu gọi phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Mỹ, "hãy chép bài tập về nhà của Trung Quốc". Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại và các áp lực đang khiến những kỳ vọng của họ tan vỡ.
Đầu tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khuyến khích thanh niên xây dựng "lý tưởng vĩ đại" và đưa các mục tiêu cá nhân của họ vào "bức tranh lớn" của đất nước và con người Trung Quốc. "Hy vọng của Trung Quốc nằm ở giới trẻ", ông nói.
Nhưng trên mạng xã hội Trung Quốc, một số thanh niên nói rằng họ không thể làm được điều đó và nhiều người đã từ bỏ nỗ lực. Chán nản vì những bất ổn ngày càng gia tăng và thiếu cơ hội kinh tế, họ bày tỏ trên mạng xã hội rằng giấc mộng của họ đang tàn phai.
Trên Weibo, các chủ đề về "giấc mơ thối rữa" đã thu hút hàng trăm triệu lượt đọc và thảo luận kể từ tháng ba. "Bất động sản ở Thượng Hải quá đắt? Tốt thôi, tôi sẽ chỉ thuê nhà cả đời, dù sao tôi cũng chẳng thể mua nổi nhà với mức lương hiện nay", một người viết về chủ đề này.
"Không giống như thế hệ cha mẹ tôi, giới trẻ Trung Quốc ngày nay có nhiều kỳ vọng lớn hơn, nhưng cũng có nhiều điều không chắc chắn đối với chúng tôi. Chúng tôi không thể đề ra bất kỳ kế hoạch dài hạn nào cho cuộc sống của mình nữa, vì chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với mình dù chỉ là trong 5 năm tới", Sal Hang, 29 tuổi, làm trong ngành công nghiệp sáng tạo ở Bắc Kinh, chia sẻ.
Sau khi làm kỹ sư hàng không ở tây nam Trung Quốc, Hang chuyển đến Bắc Kinh 3 năm trước để hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, theo đuổi đam mê của mình. Nhưng môi trường làm việc đã thay đổi tham vọng ban đầu của anh.
"Sếp tôi thường đặt ra những mục tiêu không thực tế cho tôi. Nhưng dù cố gắng đến đâu để đạt được KPI của anh ấy, tôi vẫn luôn thất bại. Vì vậy, cuối cùng, tôi mất động lực và chỉ làm cho xong chứ không nỗ lực nữa".
Giáo sư Mary Gallagher, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Michigan, nhận xét tình cảnh này của giới trẻ Trung Quốc "hơi giống thế hệ 'lười biếng' ở Mỹ những năm 1990, thể hiện sự phản đối môi trường cạnh tranh rất cao của xã hội Trung Quốc ngày nay".
Nhưng ở Trung Quốc, cảm giác tuyệt vọng trong giới trẻ càng trở nên trầm trọng hơn do các cơ hội kinh tế bị thu hẹp, Gallagher nói. Trong vài tháng qua, khi hàng trăm triệu người Trung Quốc phải ở nhà vì các hạn chế chống Covid-19, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng.
Hơn 18% thanh niên Trung Quốc 16-24 tuổi thất nghiệp trong tháng 4, mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu có thống kê chính thức. "Vẫn chưa kiếm được việc làm sau một năm? Tốt thôi, tôi sẽ ở nhà và xem TV cả ngày", một người viết.
Sẽ có hơn 10 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc trong năm nay. Nhưng nhiều doanh nghiệp đang sa thải hàng loạt nhân viên hoặc ngừng tuyển dụng để cắt giảm chi phí nhằm cố vượt qua đại dịch.
Theo trang web tuyển dụng Zhaopin, chỉ số triển vọng việc làm của họ trong quý một năm nay chỉ bằng khoảng một nửa so với năm ngoái và thậm chí còn thấp hơn so với khi Covid-19 xuất hiện lần đầu vào năm 2020. Lương trung bình hàng tháng của sinh viên mới tốt nghiệp thấp hơn 12% so với năm ngoái.
Ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp đang tìm cách tiếp tục học lên để trì hoãn đi làm hoặc cố vượt qua kỳ thi công chức có mức độ cạnh tranh khốc liệt để có được một công việc ổn định trong nhà nước.
2/3 trong số 131 viên chức mới ở quận Triều Dương của Bắc Kinh vào tháng 4 có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ, theo số liệu từ chính phủ. Đây cũng là xu thế ở nhiều địa phương khác. Các viên chức mới đều tốt nghiệp từ những trường đại học hàng đầu Trung Quốc và trên thế giới, trong đó có Đại học Bắc Kinh, Đại học Hong Kong, Đại học Sydney hay Đại học Hoàng gia London. Nhưng nhiều người trong số họ chỉ làm những công việc vô cùng cơ bản trong chính quyền, vốn do các lao động phổ thông đảm nhận.
Doris Wang, một chuyên viên trẻ ở Thượng Hải, cho biết cô chưa bao giờ có kế hoạch sinh con ở Trung Quốc. Hai tháng phong tỏa khắc nghiệt vì Covid-19 vừa qua càng khiến cô quyết tâm hơn. Trẻ em nên được chơi giữa thiên nhiên và tương tác với nhau thay vì phải quẩn quanh trong các căn hộ và liên tục xét nghiệm, Wang cho hay.
"Ngay cả người lớn cũng cảm thấy rất chán nản, tuyệt vọng và không khỏe chứ đừng nói đến trẻ em", cô chia sẻ. Wang cho biết cô dự định di cư đến một nước phương Tây để có thể sống thoải mái hơn.
Một cuộc khảo sát mới với hơn 20.000 người, chủ yếu là nữ 18-31 tuổi, cho thấy 2/3 trong số họ không muốn sinh con. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy người dân sinh con thứ ba nhằm ngăn chặn xu thế dân số đang già đi nhanh chóng.
Một số sinh viên ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc, từng phàn nàn trên mạng xã hội rằng họ không thể tắm trong suốt hơn 40 ngày khi thành phố bị phong tỏa và họ còn không được sử dụng nhà tắm công cộng.
Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải, nổi tiếng về đào tạo ngành kỹ thuật và kiến trúc, đã ban hành hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng ứng dụng xếp hàng vào nhà tắm và nhà vệ sinh ký túc xá.
Sinh viên sẽ cần nhấn "bắt đầu" khi họ rời phòng để đi vệ sinh và nhấn "dừng" khi họ trở lại để tránh có hai người ở hành lang cùng lúc. Mỗi lần đi vệ sinh chỉ được phép tối đa 10 phút. Sau 8 phút, những người khác trong hàng chờ có thể nhắc nhở người trong nhà vệ sinh thông qua ứng dụng. Nếu quá 10 phút, sinh viên vi phạm cần giải thích cho những người xếp hàng sau tại sao lại mất nhiều thời gian như vậy.
Tuy nhiên, chính sách xét nghiệm diện rộng của Trung Quốc cũng đã tạo ra thêm việc làm. Khi Trung Quốc thực hiện chính sách "Không Covid", chính quyền các địa phương cần rất nhiều người để làm việc tại những trạm xét nghiệm. Tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc hồi tháng một cho biết họ sẽ đào tạo 50.000 người trong năm nay về xét nghiệm Covid-19, khử trùng và quản lý vệ sinh công cộng.
Dù vậy, ngay cả một trang tin tức do chính phủ Trung Quốc điều hành cũng đã đặt câu hỏi liệu những người làm "nghề xét nghiệm" này sẽ đi đâu về đâu khi đại dịch kết thúc.
Trong khi đó, một tiến sĩ chuyên ngành vật lý phân tử tại Đại học Bắc Kinh đã chấp nhận vào biên chế và trở thành một thành quản ở quận Triều Dương, theo thông báo của quận. Nhiệm vụ chính của tiến sĩ này là dẹp ăn mày trên đường phố, truy quét hàng rong và hỗ trợ phá dỡ các công trình vi phạm quy định về trật tự đô thị ở thủ đô.
Vũ Hoàng (Theo NY Times/Guardian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét