Lực lượng Nga và Ukraine đang giao tranh ác liệt và giành giật từng khu phố ở Severodonetsk, thành phố quan trọng chiến lược với cả hai bên.
Lực lượng Ukraine hôm nay cố gắng cầm cự ở thành phố Severodonetsk thuộc tỉnh Lugansk, miền đông Ukraine, chống lại đợt tấn công tổng lực của Nga với mục tiêu mà họ đã tập trung pháo kích trong những ngày gần đây.
"Chúng tôi có thể nói rằng 1/3 Severodonetsk đã nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng Nga", hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời Leonid Pasechnik, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng, cho hay.
Ông nói giao tranh đang diễn ra dữ dội trong thành phố, nhưng thừa nhận lực lượng Nga không tiến nhanh như mong đợi. Ông tuyên bố các lực lượng thân Moskva muốn "duy trì cơ sở hạ tầng của thành phố" và di chuyển chậm vì cảnh giác với các nhà máy hóa chất xung quanh.
Trong khi đó, Oleksandr Stryuk, người đứng đầu chính quyền thành phố, cho biết Nga đã kiểm soát một nửa Severodonetsk.
"Thành phố đã bị chia đôi, nhưng quân đội Ukraine vẫn đang cầm cự. Nó vẫn thuộc kiểm soát của Ukraine", ông nói, đồng thời khuyến cáo những người còn mắc kẹt ở thành phố hãy ở trong hầm trú ẩn.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng giao tranh ở Severodonetsk là một cuộc chạy đua với thời gian của Nga. Thành phố này có vai trò quan trọng trong nỗ lực của Moskva nhằm nhanh chóng hoàn tất kiểm soát vùng công nghiệp Donbass ở miền đông Ukraine, trước khi các vũ khí hạng nặng của phương Tây đến được với lực lượng đối phương ở tiền tuyến.
"Điện Kremlin nhận ra rằng họ không thể lãng phí thời gian và nên tận dụng cơ hội cuối để mở rộng vùng kiểm soát trước khi vũ khí phương Tây khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn", nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov nói.
Ukraine cho biết Nga đã phá hủy tất cả cơ sở hạ tầng quan trọng của Severodonetsk bằng các cuộc pháo kích không ngừng, cùng các cuộc tấn công gây thương vong lớn trên mặt đất. Thống đốc tỉnh Lugansk Serhiy Gaidai cho biết Nga đang tiến sâu vào trung tâm thành phố, nhưng với tốc độ chậm.
Ông Gaidai cho biết lực lượng Ukraine phòng thủ trong thành phố khó có khả năng bị bao vây, bởi họ có thể rút qua sông Siverskiy Donets để đến Lysychansk, thành phố nằm bên kia sông đối diện với Severodonetsk.
Jan Egeland, tổng thư ký của Hội đồng Người tị nạn Na Uy, cơ quan viện trợ hoạt động từ lâu tại thành phố Severodonetsk, lo ngại có khoảng 12.000 dân thường bị mắc kẹt trong thành phố, sống trong điều kiện thiếu thực phẩm, nước uống, thuốc men và điện.
Giới chức địa phương ước tính khoảng 1.500 dân thường đã thiệt mạng ở Severodonetsk kể từ khi xung đột quân sự nổ ra, một phần do các cuộc giao tranh và một phần do thiếu thuốc men, điều trị y tế.
Những nơi khác trên chiến trường Donbass không có những thay đổi lớn. Ở phía đông, Ukraine cho biết lực lượng Nga đang tìm cách tấn công các khu vực dọc theo mặt trận chính, đồng thời dồn lực vào thành phố Solviansk. Ở phía nam, Ukraine trong những ngày gần đây tuyên bố đẩy lùi lực lượng Nga trên bờ sông Inhulets, dọc ranh giới của tỉnh Kherson mà Moskva kiểm soát.
Bộ chỉ huy chiến dịch miền nam của quân đội Ukraine cho biết giao tranh và pháo kích vẫn tiếp tục ở khu vực Kherson, thêm rằng nhiều cư dân phải sống trong cảnh thiếu điện nước, viện trợ nhân đạo và thuốc men.
Kirill Stremousov, phó tỉnh trưởng chính quyền quân sự - dân sự vùng Kherson, hôm 31/5 tiết lộ với hãng thông tấn TASS rằng khu vực Kherson "dự định gia nhập Nga trong tương lai gần, trở thành một phần chính thức của Nga".
Một số thành phố ở miền nam Ukraine như Kherson, Melitopol "bị phong tỏa thông tin hoàn toàn". Ngoài ra, Ukraine cho biết Nga cũng pháo kích vào khu vực Sumy gần biên giới nước này.
Oleh Zhdanov, nhà phân tích quân sự Ukraine, cho biết cuộc tiến công của Nga ở Severodonetsk và Lysychansk là một phần trong đà tấn công tổng lực mà Moskva phát động gần đây. Ông cho biết cường độ giao tranh và các cuộc tiến công của Nga những ngày qua đã khiến Ukraine bất ngờ.
Bộ Quốc phòng Anh hôm nay đánh giá Nga "đạt thành công cục bộ" trong chiến dịch tại miền đông Ukraine, song cho rằng "điều này buộc lực lượng Nga phải chấp nhận rủi ro ở những nơi khác trên vùng họ kiểm soát".
Về viện trợ vũ khí từ phương Tây, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 30/5 tuyên bố Mỹ không có kế hoạch gửi các hệ thống pháo phản lực tầm xa tới Ukraine, do lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga, làm leo thang căng thẳng.
Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, gọi đây là một quyết định "hợp lý". Ông cảnh báo "nếu các thành phố của chúng tôi bị tấn công, lực lượng Nga sẽ không kích vào các trung tâm đưa ra các quyết định như vậy".
Văn phòng Cao ủy LHQ về Nhân quyền (OHCHR) hôm nay cho biết hơn 9.000 dân thường thương vong kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, trong đó hơn 4.100 người chết. Cao ủy LHQ về Người tị nạn cũng cho biết hơn 6,5 triệu người đã phải rời Ukraine và hơn 7 triệu người khác phải sơ tán trong nước do giao tranh.
Thanh Tâm (Theo AFP, AP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét