MỹJohn Hinckley phải lòng một nữ diễn viên điện ảnh và ấp ủ ý định ám sát tổng thống Ronald Reagan để gây ấn tượng với "người tình trong mộng".
Sinh ngày 29/5/1955 tại Ardmore, Oklahoma, Mỹ, John Warnock Hinckley Jr. có tuổi thơ rất bình thường. Hinckley lớn lên ở Dallas, Texas, trong gia đình có cha là một doanh nhân xuất chúng trong ngành dầu mỏ.
Thực tế, Hinckley bình thường đến mức không thể tạo ấn tượng với bạn bè trong lớp. Theo Time, bạn cùng lớp của Hinckley chỉ nhớ tới ông ta là một người "bình bình tầm trung" hay "bình thường tới mức lu mờ" và "chưa bao giờ làm được điều gì xuất sắc hoặc đáng nhớ".
Năm 1973, Hinckley vào Đại học Công nghệ Texas, nhưng thường xuyên bỏ tiết và không hứng thú với việc học. Năm 1976, anh ta bỏ học, chuyển tới California, với hy vọng trở thành một nhà sáng tác nhạc.
Một năm sau, Hinckley trở lại Texas. Không bạn bè và sống xa cách, Hinckley bắt đầu theo chủ nghĩa quốc xã, dùng thuốc chống trầm cảm và trở nên ám ảnh với bộ phim Taxi Driver ra mắt một năm trước đó.
Theo tạp chí Washingtonian, Hinckley đã xem bộ phim này 15 lần, dường như đồng cảm với Travis Bickle, nhân vật chính cô độc của bộ phim do diễn viên Robert De Niro thủ vai. Trong phim, Bickle đã lên kế hoạch sát hại một ứng viên tổng thống. Hinckley cũng nảy sinh tình cảm với Jodie Foster, người đóng vai một gái điếm trong phim.
Tháng 9/1980, nữ diễn viên 18 tuổi Foster chuyển đến New Haven, Connecticut để nhập học tại Đại học Yale và Hinckley bám theo thần tượng. Ông ta để lại lời nhắn cho thần tượng tại ký túc xá, cố gọi điện cho cô và thậm chí nói với những người lạ ở quán bar New Haven rằng mình là bạn trai Foster.
Quyết tâm gây ấn tượng với thần tượng, John Hinckley cũng bắt đầu suy nghĩ về "những hành động mang tính lịch sử" có thể thu hút sự chú ý của Foster. Sau khi theo dõi tổng thống Jimmy Carter, người đã thất bại trong chiến dịch tái tranh cử vào tháng 11/1980, Hinckley chuyển mối quan tâm sang Ronald Reagan, tổng thống mới đắc cử.
Ngày 30/3/1981, Hinckley tới Washington với một ý niệm duy nhất trong đầu: Ám sát tổng thống Reagan. Vài giờ trước khi ra tay, ông ta viết một bức thư cho Jodie Foster.
"Jodie thân mến", Hinckle viết vào 12h45 trưa hôm đó. "Có khả năng tôi sẽ bị giết trong nỗ lực ám sát Reagan... Tôi phải làm điều gì đó ngay bây giờ để em hiểu... rằng tôi đang làm tất cả những việc này vì em, Jodie. Tôi mong em hãy cảm nhận trái tim mình và ít nhất cho tôi cơ hội nhận được tình yêu và sự tôn trọng của em, với hành động lịch sử này".
Đến 14h55, Hinckley mang theo khẩu súng lục mua từ một cửa hàng cầm đồ ở Dallas, đi tới khách sạn Washington Hilton, chỉ cách Nhà Trắng 1,6 km. Đứng bên cạnh một nhóm phóng viên, Hinckley đợi tổng thống Reagan. Khi tổng thống bước ra đường, mỉm cười và vẫy tay chào đám đông, Hinckley hành động.
Hinckley bắn 6 phát về phía tổng thống, trong đó 5 phát đầu tiên trúng thư ký báo chí Nhà Trắng James Brady, cảnh sát Thomas Delahanty và mật vụ Timothy McCarthy. Viên đạn thứ 6 của Hinckley trúng chiếc xe limo của tổng thống Reagan, nảy ra và xuyên qua phổi ông.
"Tôi nghe thấy một tiếng 'bùm', giống như ai đó làm vỡ một quả bóng bay. Sau đó, có một khoảng thời gian tạm lắng rất ngắn, tiếp theo là năm tiếng 'bùm' khác. Khi ấy, tôi mới biết rằng ai đó đang bắn súng", phó thư ký báo chí David Prosperi nói với Guardian hồi năm ngoái.
Trong giây phút hỗn loạn sau vụ nổ súng, Hinckley bị các mật vụ lao vào khống chế, trong khi chiếc xe chở tổng thống Reagan nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Ban đầu, Reagan có vẻ không bị thương, nhưng khi tổng thống ho ra máu, các mật vụ nhận ra ông đã trúng đạn và lập tức đưa ông đến bệnh viện.
"Em yêu à, anh đã quên mất không cúi người xuống", tổng thống Reagan nói với vợ, đệ nhất phu nhân Nancy, tại bệnh viện George Washington sau vụ ám sát hụt.
Tại đây, Reagan được điều trị vì bị thủng phổi và gãy xương sườn. Ông xuất viện sau 12 ngày. Nhưng thư ký báo chí của ông, Brady, không may mắn như vậy. Viên đạn của Hinckley đã găm vào hộp sọ, buộc Brady phải ngồi xe lăn suốt phần đời còn lại.
Trong lúc đó, sự chú ý của dư luận đổ dồn vào Hinckley. Ngày 21/6/1982, tay súng 25 tuổi được xác nhận không có tội vì gặp vấn đề về tâm thần. Hinckley được đưa đến bệnh viện St. Elizabeths ở Washington. Nhưng câu chuyện của ông ta chưa kết thúc ở đây.
Từ năm 1982 đến 2016, John Hinckley sống tại bệnh viện St. Elizabeths. Trong thời gian này, cha mẹ và luật sư của ông ta bắt đầu tranh luận rằng bệnh tâm thần mà Hinckley mắc phải đã thuyên giảm. Dần dần, Hinckley được trao nhiều quyền tự do hơn, trước khi một thẩm phán cho ông ta "nghỉ dưỡng sức toàn thời gian" vào năm 2016.
Tháng 9 năm đó, theo lệnh của một thẩm phán, Hinckley đến sống với mẹ mình. Đến năm 2021, tòa án tuyên bố sẽ dỡ bỏ tất cả các hạn chế khác đối với Hinckley vào tháng 6/2022 nếu ông ta vẫn ổn định về tinh thần và tuân thủ nghiêm các điều kiện trả tự do.
"Nếu không tìm cách ám sát tổng thống, ông ta đã được trả tự do vô điều kiện từ rất rất lâu rồi", hãng tin AP dẫn lời thẩm phán Paul L. Friedman cho biết hồi năm ngoái.
Tháng 12/2020, Hinckley bắt đầu mở kênh YouTube riêng. Dường như vẫn đau đáu ước mơ xưa cũ là trở thành một nhạc sĩ, ông ta đã đăng các sáng tác của mình và cả những bản cover lên kênh cá nhân.
Hồi tháng 4, Hinckley thông báo ông ta sẽ lưu diễn với các bài hát trên kênh YouTube của mình.
"Tin lớn!! Tôi sẽ biểu diễn vào ngày 8/7 tại khách sạn Market ở Brooklyn, New York", Hinckley viết trên Twitter hôm 8/4. Đến ngày 12/4, Hinckley thông báo buổi diễn ở Brooklyn đã bán hết vé và ông ta sẽ sớm công bố lịch trình cho "Tour diễn Chuộc lỗi của John Hinckley".
Nhiều người dùng Twitter đã bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch của Hinckley, nhưng Quỹ và Viện Ronald Reagan đã công khai bác bỏ chương trình này.
"Chúng tôi vừa đau buồn vừa quan ngại rằng Hinckley sẽ sớm được trả tự do vô điều kiện và có ý định theo đuổi sự nghiệp âm nhạc vì lợi nhuận", Quỹ Reagan viết trên Twitter, lưu ý rằng thư ký báo chí Brady qua đời năm 2014 do hậu quả từ vết thương do Hinckley gây ra. "Chúng tôi cực lực phản đối việc đưa ông ta trở lại xã hội, nơi ông ta rõ ràng đang tìm cách kiếm lời từ nỗi ô nhục của mình".
Vũ Hoàng (Theo ATI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét