Sau nhiều nỗ lực ban đầu để đạt thỏa thuận hòa bình, các nhà đàm phán Nga và Ukraine ngày càng khó tìm tiếng nói chung về xung đột.
Vladimir Medinsky, người đứng đầu phái đoàn đàm phán của Tổng thống Vladimir Putin, đầu tuần này tuyên bố Nga vẫn chưa nhận được phản hồi về dự thảo thỏa thuận hòa bình mà họ gửi cho Ukraine hôm 15/4. Trong khi đó, Rustem Umerov, nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine, cáo buộc Nga "dối trá".
"Chúng tôi phải bảo vệ chính mình", Umerov nói. "Nếu Nga muốn thoát xung đột, họ có thể rút về biên giới của họ ngay hôm nay. Nhưng họ không làm như thế".
Mykhailo Podolyak, một nhà đàm phán khác của Ukraine, ngày 17/5 nói rằng các cuộc đàm phán với Nga đang đình trệ và khẳng định Điện Kremlin "sẽ không đạt được bất kỳ mục tiêu nào".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko tuyên bố "Ukraine thực tế đã rút khỏi tiến trình đàm phán", theo hãng thông tấn Interfax.
Tình trạng bế tắc hiện tại bắt nguồn từ việc Nga quyết duy trì kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn của Ukraine và thúc đẩy đà tấn công. Nhưng một nguyên nhân khác đến từ Ukraine: Những thành công trên chiến trường, cùng với nỗi giận dữ ngày càng tăng với lực lượng Nga, khiến dư luận Ukraine giờ đây ít có khả năng sẵn sàng chấp nhận trao một phần lãnh thổ cho Nga để tìm kiếm hòa bình, theo Anton Troianovski và Valerie Hopkins, hai nhà bình luận của NY Times.
Lập trường cứng rắn của Ukraine được củng cố thêm nhờ dòng chảy viện trợ lớn từ phương Tây. "Bây giờ chúng tôi cảm thấy tự tin hơn trong cuộc chiến. Lập trường đàm phán của chúng tôi cũng trở nên cứng rắn hơn", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với tờ Die Welt của Đức tuần trước. "Vấn đề thực sự là Nga không cho thấy mong muốn tham gia vào các cuộc đàm phán thực chất".
Tại Nga, quan chức nói rằng chính người Ukraine không khoan nhượng và được thúc đẩy tiếp tục cuộc chiến bởi các lãnh đạo phương Tây. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói phương Tây cần nỗ lực khiến Nga thất bại hơn là đạt một thỏa thuận hòa bình.
Cả hai bên đã bị mắc kẹt trong quan điểm của riêng họ. Ông Medinsky nói các nhà đàm phán Ukraine trước đây đồng ý với phần lớn dự thảo mà Nga đưa ra.
"Nhưng họ có thể chỉ đại diện cho một bộ phận giới tinh hoa Ukraine muốn đạt thỏa thuận hòa bình", ông nói. "Có lẽ còn một bộ phận khác không muốn hòa bình và muốn thu hút những lợi ích tài chính, chính trị từ việc tiếp tục cuộc chiến".
Những cuộc thảo luận giữa các nhà đàm phán cấp thấp hơn vẫn tiếp tục trong nhiều tuần qua. Nhưng trong một dấu hiệu cho thấy thỏa thuận hòa bình hiện xa vời với cả hai bên, các nhà đàm phán hiện nay chỉ tập trung vào các vấn đề nhỏ như trao đổi tù nhân, nỗ lực nhân đạo và việc dỡ bỏ phong tỏa của Nga đối với cảng Ukraine ở Biển Đen.
Vẫn có một số cuộc thảo luận mang tới hy vọng về giải pháp kết thúc cuộc chiến bằng đàm phán. Ngày 16/5, sau nhiều tuần đàm phán bí mật giữa hai bên, Ukraine và Nga đã đồng ý để các chiến binh trú ẩn ở nhà máy thép Azovstal tại thành phố Mariupol ra đầu hàng. Giới chức Ukraine hy vọng các binh sĩ sẽ được Nga trả tự do trong một cuộc trao đổi tù binh.
Ông Medinsky, người được Tổng thống Putin bổ nhiệm làm trưởng đoàn đàm phán Nga vào tháng 2, nói Moskva vẫn quan tâm đến một thỏa thuận hòa bình với Kiev để biến Ukraine thành "quốc gia trung lập, hòa bình, thân thiện với các nước láng giềng".
Ông nói Nga muốn nền hòa bình giống "mô hình của Áo", quốc gia thuộc Liên minh châu Âu nhưng không gia nhập NATO, để cho phép Ukraine vẫn là quốc gia độc lập. Tuy nhiên, ông không nói rõ liệu Nga có sẵn sàng trao trả lại bất kỳ phần lãnh thổ nào mà lực lượng nước này đã kiểm soát hay không.
"Hòa bình, lợi ích chung, sự hòa hợp và cùng chung sống có lợi sớm muộn gì cũng đạt được dưới nhiều hình thức khác nhau. Với tư cách là các nhà đàm phán, nhiệm vụ của chúng tôi là làm điều này đến sớm hơn nếu có thể", ông Medinsky chia sẻ.
Bình luận của nhà đàm phán Nga có vẻ mang tính hòa giải hơn những tuyên bố cứng rắn xuất hiện trên truyền hình nhà nước Nga, một dấu hiệu cho thấy Điện Kremlin muốn giữ mọi lựa chọn cho họ trong cuộc xung đột này.
Ông Umerov, một thành viên của quốc hội Ukraine, bác quan điểm rằng Kiev phản đối các cuộc đàm phán mang tính xây dựng, đồng thời cho rằng chính người Nga không quan tâm đến việc đạt thỏa thuận.
"Không có sự nhất quán trong lập trường đàm phán của Nga", Umerov nói. "Họ luôn có xu hướng bóp méo câu chuyện rằng Nga tốt, Ukraine xấu", ông nói.
Nga đã kiểm soát một số lãnh thổ ở phía đông và nam Ukraine, khiến triển vọng về thỏa thuận hòa bình trở nên xa vời hơn. Họ đã thiết lập một chính quyền thân Nga ở Kherson, phía bắc bán đảo Crimea, và đang yêu cầu người dân trong vùng sử dụng đồng ruble.
Nhưng ở phía bắc, Ukraine đã giành lại một số thành phố, thị trấn, làm dấy lên hy vọng về khả năng đẩy lực lượng Nga khỏi lãnh thổ hoàn toàn. Maria Zolkina, một nhà phân tích chính trị, nói ngay cả khi quay lại thời điểm trước 24/2, khi lực lượng ly khai thân Nga mới kiểm soát khoảng 1/3 vùng Donbass, người Ukraine đã cảm thấy khó chấp nhận.
"Càng kháng cự, chúng tôi càng tin có khả năng đẩy quân đội Nga ra khỏi lãnh thổ hoàn toàn", bà Zolkina nói.
Ông Umerov nhấn mạnh "Crimea, Donbass hay bất kỳ phần lãnh thổ nào đều không được đưa ra để trao đổi".
Bà Zolkina lưu ý rằng người Ukraine đang mong đợi được viện trợ nhiều vũ khí phòng thủ và tấn công hơn sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký đạo luật thúc đẩy hỗ trợ quân sự cho Kiev. Nhưng bà cũng nói rằng những thương vong và thiệt hại nghiêm trọng của cuộc chiến khiến nhiều người Ukraine phản đối khả năng nhượng bộ để đạt thỏa thuận hòa bình.
Ivan Timofeev, nhà phân tích chính sách ngoại giao Nga, cũng cho rằng triển vọng hòa bình ở Ukraine đã trở nên xa vời trong tháng qua. Không chỉ Ukraine được khuyến khích chiến đấu, Timofeev nhận định ông Putin cũng không thể chấp nhận một thỏa thuận hòa bình vào thời điểm chiến dịch của Nga đang gặp khó khăn.
Nhà phân tích này cho rằng rất khó có nhượng bộ từ cả hai bên, bởi đây có thể được xem là một thất bại.
"Các bên đang nỗ lực giành một số chiến thắng quân sự mang tính quyết định", Timofeev, giám đốc tại Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga, nói.
Ngay cả khi đàm phán giữa Nga và Ukraine có bước đột phá, ông cho rằng một thỏa thuận sẽ không có khả năng mang tới nền hòa bình lâu dài. Vấn đề lớn hơn của Nga là thiếu một thỏa thuận với phương Tây về cấu trúc an ninh châu Âu, một thỏa thuận mà ông Putin đang tìm kiếm trước chiến dịch ở Ukraine và điều đó dường như ngoài tầm với.
"Đơn giản là không thể tưởng tượng được một thỏa thuận gồm các điều khoản bình đẳng về an ninh châu Âu với phương Tây. Và điều đó có nghĩa sẽ không có nền tảng vững chắc cho hòa bình ở Ukraine", Timofeev nói.
Thanh Tâm (Theo NY Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét