Paul Pham, chủ nhà hàng Hughie's tại Houston, tin rằng mô hình bán bánh mì cho tài xế lái xe ngang qua sẽ giúp ẩm thực Việt lên ngôi.
Nhà hàng Hughie's trên Phố Tây 18 là một trong số nhiều nhà hàng do người gốc Việt mở tại Houston, bang Texas, Mỹ. Nơi này từng là cửa hàng thức ăn nhanh Dairy Queen. Biển hiệu ở mặt tiền vẫn còn hình viền con mắt đặc trưng của chuỗi cửa hàng kem, nhưng thực đơn giờ đây có thêm bánh mì và bò lúc lắc.
Điểm tương đồng nhất giữa Hughie's và Dairy Queen là mô hình phục vụ khách lái ôtô mua hàng qua cửa sổ, áp dụng từ tháng 3/2020 để đối phó với Covid-19. Paul Pham, chủ nhà hàng Hughie's, hy vọng có ngày cơ sở của mình sẽ nổi tiếng khắp nơi như Dairy Queen. Năm tới, ông sẽ mở cửa hàng thứ ba và đang lên kế hoạch mở rộng kinh doanh khắp Texas, thậm chí cả bang khác.
Theo Pham, lái ôtô ngang qua cửa tiệm để mua đồ, sáng kiến tận dụng văn hóa ôtô vào ngành thức ăn nhanh kiểu Mỹ, sẽ là phương pháp tiềm năng giúp ẩm thực Việt lên ngôi. Pham tin rằng ngày càng nhiều người Mỹ biết tới ẩm thực Việt là điều kiện lý tưởng để phát triển mô hình.
Trong những năm gần đây, một số nhà hàng Việt có ý tưởng tương tự đã khai trương tại Houston như Oui Banh Mi, Saigon Hustle và Kim's Pho & Grill. Một số nhà hàng Việt ở California, Minnesota cũng áp dụng mô hình phục vụ khách lái ôtô mua hàng. Các chủ nhà hàng đang nỗ lực thu hút lượng lớn tín đồ ẩm thực Việt bằng cách kết hợp món bánh mì Việt Nam với sự tiện lợi kiểu Mỹ.
Pham sinh ra và lớn lên tại Houston, nơi có 150.000 người Mỹ gốc Việt sinh sống và là một trong những cộng đồng người Việt đông nhất tại Mỹ. Gia đình ông mở nhà hàng Hughie's đầu tiên năm 2013.
Ông cho rằng cần sử dụng công nghệ để phục vụ khách hàng nhanh hơn, mở thêm nhà hàng tại các khu đông dân cư và đóng cửa vào chủ nhật, điều ít phổ biến tại các nhà hàng Việt lâu đời ở Houston.
Khoảng 2,1 triệu người gốc Việt đang sinh sống tại Mỹ, theo kết quả điều tra dân số năm 2020. Nhiều thành phố như Philadelphia ở bang Washington và San Jose ở California đang chứng kiến làn sóng nhà hàng Việt nở rộ.
Bằng cách áp dụng mô hình bán hàng qua ôtô và nhiều cách thức khác của ngành công nghiệp đồ ăn nhanh, các chủ nhà hàng hy vọng tiếp cận được lượng khách hàng mới là người Mỹ gốc Việt.
"Chúng tôi đang cố đạt được tầm giống Panda Express", Cassie Ghaffar, người cùng đối tác Sandy Nguyen mở nhà hàng Saigon Hustle hồi tháng 2 tại Oak Forest, Houston, nói.
Saigon Hustle bán bánh mì, bún và cơm, phục vụ theo mô hình nhà hàng bán cho khách lái xe ngang qua. Cassie Ghaffar và Sandy Nguyen cho hay nhà hàng đang trên đà đạt doanh thu 1,8 triệu USD trong năm nay và lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở nhiều bang trong 2-3 năm tới.
Ghaffar, 40 tuổi, cho biết mô hình lái xe qua cửa hàng mua đồ giúp nhiều người có cơ hội biết đến ẩm thực Việt hơn.
Mô hình mua hàng qua ôtô xuất hiện từ giữa thế kỷ 20 và phát triển mạnh mẽ vào những năm 1970 tại Mỹ, chủ yếu phục vụ món bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên. Các chuỗi cửa hàng bán đồ ăn Mexico như Taco Bell hay Taco Cabana đã áp dụng rộng rãi mô hình này.
Một nhà hàng đồ ăn nhanh Việt Nam đã tìm ra cách mở rộng hoạt động trên toàn nước Mỹ. Lee's Sandwiches do Ba Le và Hanh Nguyen mở tại San Jose năm 1983. Đến nay, chuỗi đã có 62 nhà hàng ở 8 bang, một số phục vụ khách mua qua ôtô.
Nhà hàng bắt đầu mở rộng hoạt động năm 2001, dù ban đầu gặp nhiều khó khăn. Jimmy Le, phó chủ tịch của Lee's Sandwiches và là cháu nội của hai người sáng lập, cho hay "khi đó chúng tôi rất thận trọng" và chỉ chọn mở nhà hàng tại những khu vực đông người Mỹ gốc Việt.
Le, 40 tuổi, cho hay Lee's Sandwichesđã mở cơ sở tại những khu vực đa sắc tộc hơn, nhưng một nửa vẫn nằm ở khu dân cư chủ yếu là người gốc Á. Ông rất vui khi thấy ngày càng nhiều nhà hàng Việt Nam phục vụ theo kiểu đồ ăn nhanh mọc lên, nhưng không cố gắng biến Lee's Sandwiches thành chuỗi cửa hàng kiểu Mỹ.
"Chúng tôi không muốn thay đổi quá nhiều, thậm chí là không muốn thay đổi chút nào", ông nói. "Lee's Sandwiches đã quen thuộc với nhiều người và họ đều biết rõ mình muốn ăn thứ gì khi tới nhà hàng".
Mai Nguyen, 58 tuổi, chủ một nhà hàng Việt lâu năm tại Mỹ, không thấy hào hứng với mô hình nhà hàng kiểu mới. Bà điều hành Mai's, nhà hàng Việt được nhiều người ưa thích ở Houston từ năm 1990. Bố mẹ của bà mở nhà hàng từ năm 1978.
"Tôi thấy thế hệ bây giờ mở nhà hàng rất đẹp và hiện đại", bà nói. "Nhưng món ăn lại không đậm nét truyền thống".
Món ăn kiểu truyền thống mang ý nghĩa khác với nhiều chủ nhà hàng Việt kiểu mới. Ngoài bánh mì truyền thống, nhà hàng Mi-sant ở ngoại ô Minneapolis còn bán bánh sừng bò, món ăn đặc biệt do chủ tiệm, Quoc Le, 37 tuổi, sáng tạo. Le từng được bố đào tạo nghề làm bánh Âu ở Pháp.
"Món ăn này cũng là một phần bản sắc của chúng tôi", Linh Nguyen, người đồng sở hữu Mi-sant, nói. "Mô hình mua hàng qua ôtô cũng không xa lạ gì với chúng tôi".
Tuy nhiên, Nguyen thừa nhận có thể mất nhiều khách Việt thích kiểu truyền thống trong quá trình mở rộng tệp khách hàng.
"Không phải tất cả nhân viên của tôi đều biết nói tiếng Việt để tiếp khách", cô cho hay. "Thực đơn không có tiếng Việt nên họ không đọc được, giá đồ ăn cũng đắt hơn so với nhiều nhà hàng Việt Nam trong khu vực".
Một số người lại không quen mua bánh mì qua ôtô. "Có khách hàng tới đây và gọi bánh hamburger và taco, thật hài hước", Nguyen kể. "Tôi phải trả lời là ở đây chúng tôi không có món này".
Đối với Pham, việc phát triển Hughie's theo mô hình nhà hàng đồ ăn nhanh kiểu Mỹ sẽ giúp thu hút đối tượng khách hàng rộng hơn, đồng thời phản ánh quá trình trưởng thành của ông tại Houston. "Thực đơn là sự kết hợp hai nền văn hóa khác biệt và mang rất nhiều ý nghĩa với tôi", Pham nói.
Hồng Hạnh (Theo NY Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét