Nông trại của Ivan Mishchenko tan tành sau cuộc đấu pháo kéo dài 5 ngày giữa quân đội Ukraine và Nga, biến ông thành tay trắng.
Trận đọ pháo diễn ra dữ dội giữa hai lực lượng cách nhau khoảng 4 km. Nằm ngay chính giữa hai làn đạn pháo, nông trại của Mishchenko, với vài chục con bò và 100 hecta lúa mì, biến thành chiến trường đẫm máu.
"Hai km bên phải là quân Nga, hai km bên trái là quân đội nước tôi", Mishchenko, 66 tuổi, kể lại tình cảnh khiến trang trại gần làng Pochepyn, phía bắc Kiev của ông trở thành đống đổ nát.
"Họ bắn nhau rất dữ dội, như trò chơi điện tử. Hai ngày đầu tôi ở yên trong nhà, sau đó không chịu nổi nên phải rời đi. Khi quay lại, tôi vô cùng sốc. Nhà cửa, chuồng trại, nhà kho, tất cả đều bị phá hủy. Tôi trở thành tay trắng", ông tâm sự.
Hàng trăm nông dân Ukainre lâm vào hoàn cảnh tương tự Mishchenko, khi xung đột tàn phá kinh tế và đe dọa gây ra nạn đói. Vài hecta lúa mì còn sót lại của Mishchenko không thể thu hoạch do thiếu nhiên liệu, máy gặt và nhiều nông cụ khác cũng bị đạn pháo phá hủy.
Các kho chứa và cảng biển khắp Ukraine đang dự trữ hơn 20 triệu tấn ngũ cốc và ngô mà không thể xuất cảng do hải quân Nga đang phong tỏa khu vực Biển Đen, tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc trọng yếu của Ukraine.
Ukraine xuất khẩu đa số hàng hóa thông qua cảng biển, nhưng từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự, họ phải chuyển hàng bằng tàu hỏa hoặc qua những cảng nhỏ ven sông Danube. Hậu quả là giá lúa mì toàn cầu tăng 20% trong tháng 3 do tác động trực tiếp của xung đột với nguồn cung, trong lúc thế giới đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng ngày càng nghiêm trọng, với 42 triệu người gần thêm một bước tới nạn đói.
David Beasley, giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, nơi cung cấp lương thực cho 125 triệu người và mua 50% ngũ cốc từ Ukraine, đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở lối ra cho tàu từ cảng Ukraine.
"Vấn đề không chỉ về Ukraine, mà là về những người nghèo cùng cực đang trên bờ nạn đói mà chúng tôi thường xuyên nhắc đến", ông nói vào tuần trước.
Mishchenko cũng cho rằng "xung đột sẽ gây thiếu lương thực và đói kém". Ông cho hay điều khó khăn nhất hiện nay là nông dân không có nhiên liệu để chạy máy gặt.
"Một vấn đề nữa là phân bón. Chúng tôi thường nhập khẩu phân bón của Nga và Belarus. Không đủ phân bón nghĩa là sản lượng vụ mùa sẽ giảm 20-30%", ông nói.
Trước xung đột, Ukraine là một trong những vựa lúa mì lớn nhất thế giới, xuất khẩu 4,5 tấn nông sản mỗi tháng qua đường cảng biển, bao gồm 12% lúa mì, 15% ngô và một nửa dầu hướng dương của toàn thế giới.
Năm ngoái, Ukraine sản xuất 33 triệu tấn lúa mì, xuất khẩu 20 triệu tấn, trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 6 toàn cầu. Năm nay, sản lượng lúa mì Ukraine được dự báo sẽ giảm ít nhất 35% so với năm 2021, theo công ty phân tích vệ tinh Kayrros, đơn vị sử dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp dữ liệu vệ tinh để giám sát hàng hóa.
"Tôi không biết làm sao để sống tiếp đây", Mishchenko nói. "Chính phủ không có tiền giúp chúng tôi xây dựng lại nông trại. Tất cả tiền đều đang phải dành cho quân đội".
Đạn pháo của cả Nga và Ukraine đã phá hủy kho chứa ngũ cốc và ngôi nhà, nơi ông sống cùng vợ và con trai Roman, 42 tuổi. Ít nhất 20 con bò trúng pháo kích, xác vẫn nằm trong chuồng. Chuồng ngựa cũng bị phá hủy. Gia súc sống sót gầy trơ xương vì cỏ khô bị thiêu rụi.
Xung đột không chỉ hủy hoại sinh kế của Mishchenko mà còn cướp đi con rể ông, người tình nguyện nhập ngũ và thiệt mạng trong lúc bảo vệ Marakiv.
Giống nhiều nông dân Ukraine khác, ông phải bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Vài ngày trước, ông phát động một chiến dịch gây quỹ cộng đồng với hy vọng tiếp tục công việc càng sớm càng tốt.
Khi Mischenko mua mảnh đất này cùng vợ vào đầu những năm 1990, tất cả những gì họ có là một căn nhà di động gắn với xe kéo. Ngày nay, căn nhà di động đó là công trình duy nhất còn sót lại sau những trận pháo kích, trở thành nơi ở của Mishchenko và con trai.
"30 năm sau khi tôi xây dựng những thứ này, tôi lại quay về với cái nhà gắn sau xe kéo", ông nói. "Cả cuộc đời tôi, mọi thứ tôi dựng lên bằng đôi bàn tay suốt 30 năm, bị phá hủy trong phút chốc".
Hồng Hạnh (Theo AFP/Reuters/Guardian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét