Tướng VanHerck cho rằng một số tên lửa siêu vượt âm Nga dùng để tập kích Ukraine "kém hiệu quả" và có vấn đề về độ chính xác.
"Nga gặp thách thức về độ chính xác đối với một số tên lửa siêu vượt âm của họ. Những tên lửa này hoạt động kém hiệu quả", thượng tướng Glen VanHerck, tư lệnh không quân Bắc Mỹ, nhận định trong phiên điều trần ngày 18/5 trước tiểu ban chiến lược của quân Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
John Plumb, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đánh giá dù các loại tên lửa Nga "nhìn chung thiếu chính xác, có điều đáng chú ý là Nga ước tính đã phóng 1.500 tên lửa" kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ông Plumb và tướng VanHerck đều đánh giá chiến sự Nga - Ukraine là thời gian các bệ phóng tên lửa hoạt động với công suất cao nhất từ sau Thế chiến II.
Nga chưa bình luận về các đánh giá này.
Trung tướng Daniel Karbler, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng thủ Tên lửa và Không gian Lục quân Mỹ, nhận định trong lúc chiến sự ngày càng leo thang, Ukraine cần các hệ thống tên lửa tấn công và phòng thủ để tạo lớp phòng không nhiều lớp, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động trên bộ.
Trong số các hệ thống mà tướng Karbler đề cập có tổ hợp tên lửa phòng không Patriot, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và súng cối chuyên dụng.
Nga nhiều lần phóng tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal nhằm vào các mục tiêu ở Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa" nước láng giềng.
Lần gần nhất Nga thông báo phóng tên lửa Kinzhal là vào ngày 20/4, nhằm vào kho xăng dầu của Ukraine gần khu dân cư Kostiantynivka, tỉnh Mykolaiv.
Giới chuyên gia nhận định những vụ phóng tên lửa Kinzhal là "màn phô diễn sức mạnh" của Nga với phương Tây. Tuy nhiên, họ cho rằng tên lửa siêu vượt âm của Nga sẽ không góp phần làm thay đổi quá nhiều cục diện chiến trường ở Ukraine, do đây là loại vũ khí đắt tiền và không cần thiết để hạ các mục tiêu ít có giá trị chiến lược cao.
Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h. Nhờ quỹ đạo và tốc độ, vũ khí siêu vượt âm có khả năng sát thương cao hơn và gần như không thể bị đánh chặn bằng các lá chắn phòng thủ hiện nay.
Nguyễn Tiến (Theo USNI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét