Nội bộ NATO bắt đầu xuất hiện những chia rẽ về cách tăng cường triển khai quân ở Đông Âu, cũng như việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển.
Các thành viên NATO gần đây tranh luận về việc có nên điều thêm lực lượng tới sườn đông hay không, khi họ có những đánh giá khác nhau về mối đe dọa từ Nga sau ba tháng nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Các quốc gia Baltic và Ba Lan tiếp tục yêu cầu NATO mở rộng đáng kể hiện diện quân sự trên lãnh thổ của họ và tăng năng lực phòng thủ mới như hệ thống phòng không để răn đe Nga.
"Không thể loại trừ khả năng Nga phát động một chiến dịch quân sự trực tiếp chống lại các đồng minh NATO", một đề xuất chung giữa các nước Baltic, gồm Litva, Latvia và Estonia, có đoạn. "Nga có thể nhanh chóng tập trung lực lượng quân sự tại sườn đông NATO và đối đầu với liên minh bằng một cuộc chiến ngắn hạn".
Trong đề xuất, ba nước Baltic nêu rõ NATO cần xây dựng một lực lượng cỡ sư đoàn với khoảng 20.000 người, có nhiệm vụ nhanh chóng cơ động hỗ trợ các nước này nếu họ bị đe dọa.
Nhưng một số thành viên khác của NATO, như Pháp và Italy, tỏ ra thận trọng hơn về cam kết triển khai quân tốn kém ở Đông Âu, cho rằng với những gì đã thể hiện trên chiến trường Ukraine, Nga khó có thể là mối đe dọa cho lãnh thổ NATO.
"Đừng bao giờ quên rằng chúng ta sẽ có một nền hòa bình cần xây dựng trong tương lai", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói tuần trước, cảnh báo không nên thực hiện những hành động có thể khiến liên minh không thể hợp tác với Nga trong tương lai.
Các lãnh đạo Đông Âu nói rằng lựa chọn im lặng sẽ là sai lầm mang tính chiến lược giống như phương Tây từng mắc phải trong cuộc xung đột Gruzia năm 2008 và khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Họ thêm rằng đề xuất tăng cường triển khai quân sẽ là tín hiệu cho Tổng thống Vladimir Putin thấy nên tránh đối đầu với các nước láng giềng của Nga.
Đây sẽ là chủ đề chính trong cuộc họp cuối tuần của các ngoại trưởng NATO tại Berlin, những người đã nhất trí tiếp tục đàm phán trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào tháng 6.
Các quan chức Đông Âu nhận thấy họ có ít triển vọng đạt được cam kết tăng quân ở sườn đông của NATO. Họ lo ngại sự ủng hộ ở Tây Âu sẽ giảm xuống khi xung đột Ukraine kết thúc.
"Ngay sau khi nó kết thúc, nhiều đối tác của chúng tôi ở Tây Âu sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái trước đây", một quan chức giấu tên nói. "Chúng tôi không thích điều đó vì tin rằng chúng tôi đang chứng kiến một sự thay đổi hoàn toàn về an ninh châu Âu. Chúng tôi không thể quay lại như trước".
Dù hầu hết các nước Đông Âu không cho rằng xung đột lớn sắp xảy ra, khi Nga đang dồn mọi nỗ lực cho chiến dịch ở Ukraine, họ vẫn tin cần phải có lực lượng mạnh hơn ở phía đông để ngăn chặn các nguy cơ tiềm tàng.
"Chúng ta cần nhìn nhận những lo ngại về an ninh của các đồng minh gần Nga nhất", Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Czech Jan Havranek cho hay.
Đất nước của ông đã tình nguyện dẫn dắt một tiểu đoàn NATO mới ở nước láng giềng Slovakia, quốc gia dễ bị tổn thương vì có chung biên giới với Ukraine. Ông Havranek nói vị thế của NATO "cần được mở rộng và phù hợp với tình hình an ninh hiện tại".
Các nước Đông Âu gồm Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia từng kỳ vọng NATO sẽ triển khai các đội quân lớn với hàng chục nghìn binh sĩ và các đơn vị hỗ trợ cung cấp hệ thống phòng không cùng các biện pháp bảo vệ khác.
Theo kế hoạch được các nước vùng Baltic đề xuất, một đội quân NATO cỡ sư đoàn sẽ không đóng quân thường trực ở mỗi quốc gia, nhưng trang thiết bị của họ sẽ được bố trí sẵn ở đó và NATO sẽ cử thêm hàng nghìn binh sĩ tới các quốc gia Đông Âu trong tình huống khẩn cấp. Chỉ có một lữ đoàn NATO với 6.000 quân sẽ trực chiến ở mỗi quốc gia, tăng so với khoảng 2.000 người trước tháng 2.
"Nếu nhìn vào chiến lược của Nga, bạn sẽ thấy mình không thể ứng phó nếu không tăng quân NATO trên thực địa", một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu nói.
Mỹ đang triển khai hơn 10.000 lính ở Ba Lan, tăng từ khoảng 4.500 quân trước xung đột và muốn có thêm nhiều quân hơn trong tương lai.
Quan chức Mỹ nói NATO đã có một thỏa thuận rằng không nên yêu cầu các nước ở sườn đông phải chống đỡ một cuộc tấn công cho đến khi quân tiếp viện của liên minh có thể đến. Nhưng họ cho rằng một lượng lớn quân NATO đóng thường xuyên ở sườn đông là tốn kém và không hiệu quả. Thay vào đó, họ muốn thiết lập trước các căn cứ, thiết bị để cho phép NATO có thể nhanh chóng mở rộng quy mô tới mức như các nước Đông Âu yêu cầu.
Tướng Mark A. Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tháng trước nói ông ủng hộ thiết lập các căn cứ thường trực với quân đội được triển khai tạm thời ở Đông Âu, để "có hiệu quả lâu dài" mà không tốn quá nhiều chi phí.
Các nước Đông Âu cũng thúc đẩy NATO chính thức từ bỏ Đạo luật Nền tảng NATO - Nga năm 1997, trong đó đặt giới hạn cho hoạt động triển khai quân của NATO ở các quốc gia thành viên phía đông.
Tuy nhiên, một số quan chức Tây Âu và Mỹ không sẵn sàng từ bỏ thỏa thuận, nói rằng đây là phương tiện hữu ích để nối lại quan hệ giữa NATO với Nga trong tương lai. Họ thêm rằng nó cũng giúp củng cố sự ổn định, bởi nó cho thấy NATO không bao giờ có ý định bố trí vũ khí hạt nhân ở Đông Âu.
Khi họp thượng đỉnh ở Madrid cuối tháng 6, các lãnh đạo NATO cũng cần đưa ra một quyết định quan trọng khác. Tại đây, họ dự kiến xem xét đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, trong khi chưa rõ thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ với việc kết nạp hai thành viên mới.
Ivo Daalder, cựu đại sứ Mỹ tại NATO và hiện là người đứng đầu Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago, cho rằng việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển có thể thúc đẩy đáng kể an ninh của liên minh ở Bắc Âu.
Nhưng rào cản để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO có thể là Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 16/5 cho biết sẽ không đồng ý tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển, cáo buộc họ chứa chấp các nhóm bị Ankara coi là khủng bố.
Một ngày sau đó, ba quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên tiết lộ chính phủ nước này đang xem xét một số điều kiện được đưa ra để mặc cả, nhằm đổi lấy việc Ankara đồng ý cho NATO kết nạp Phần Lan và Thụy Điển.
Ankara khẳng định bất cứ nước nào xin gia nhập NATO đều phải công nhận lo ngại của nước này với các nhóm dân quân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq.
Nhưng đây là một trong những vấn đề gây căng thẳng nhất trong nội bộ NATO, khiến nhiều người lo ngại về triển vọng gia nhập liên minh của hai nước Bắc Âu, dù phần lớn thành viên đều ủng hộ động thái này.
Ronald Suny, giáo sư lịch sử và khoa học chính trị tại Đại học Michigan, Mỹ, cho rằng thái độ phản đối bất ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ đã phơi bày những vấn đề tiềm ẩn trong nội bộ NATO, trong đó có bất đồng giữa những lãnh đạo theo đường lối dân túy với phần còn lại của khối.
"Phần Lan và Thụy Điển đáp ứng các tiêu chí gia nhập NATO còn rõ ràng hơn một số thành viên hiện nay của khối", giáo sư Suny viết. "Phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một phép thử với sự thống nhất và gắn kết về tư tưởng của NATO".
Thanh Tâm (Theo Washington Post, Conversation)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét