Ở Thái Lan, khó có doanh nhân nào lại tâm huyết với bóng đá như Madam Pang. Cách đây 3 năm, bà từng bật khóc khi chứng kiến các cô gái ghi bàn thắng đầu tiên tại VCK World Cup 2019. Vừa qua, bà một lần nữa rơi lệ, nhưng đó là giọt nước mắt nuối tiếc khi không thể đưa Voi Chiến chạm tay vào tấm HCV mơ ước.
"Tôi xin lỗi người hâm mộ khi Thái Lan không thể đánh bại Việt Nam ở trận chung kết. Dù thế nào đi nữa thì thua là thua, không có lời nào bào chữa."
Madam Pang đã viết như vậy trên trang cá nhân sau khi U23 Thái Lan thất bại trước U23 Việt Nam. Thẳng thắn đối diện, không đổ lỗi quanh co.
Madam Pang bật khóc sau khi U23 Thái Lan thất bại trước U23 Việt Nam trong trận CK bóng đá nam SEA Games 31
Suốt SEA Games 31, nữ trưởng đoàn bóng đá Thái Lan đã để lại không ít những khoảnh khắc đẹp trong lòng khán giả. Bà vội vã xin lỗi tổ trọng tài khi HLV Polking tỏ thái độ thiếu tôn trọng. Bà vui vẻ khen ngợi đồ ăn Việt Nam tại khách sạn. Bà cúi đầu, chắp tay đi khắp khán đài để tri ân cổ động viên Nam Định sau mỗi trận đấu.
Trên sân cỏ đầy cạnh tranh và khốc liệt, nữ tỷ phú Thái Lan đã cho khán giả thấy thế nào là một tinh thần thượng võ đúng nghĩa.
Nualphan Lamsam "Madam Pang" sinh năm 1966, là hậu duệ đời thứ năm của gia tộc người Thái gốc Hoa nổi tiếng từ đầu thế kỷ 20 nhờ kinh doanh gỗ và xay xát gạo. Dòng họ của bà phồn thịnh đến mức "Lamsam" trở thành thuật ngữ để chỉ sự giàu sang, phú quý tại xứ Chùa Vàng.
Đây chính là gia tộc đã thành lập Kasikorn Bank (KBank) - một trong những ngân hàng lớn nhất Thái Lan có trị giá gần 117 tỷ USD. Nhiều công ty bảo hiểm cũng thuộc quyền sở hữu của gia tộc Lamsam, trong đó có Muang Thai Insurance - nơi Madam Pang giữ vai trò Chủ tịch kiêm CEO.
Em họ của Madam Pang là Banthoon Lamsam - CEO Kasikorn Bank, tỷ phú giàu thứ 34 Thái Lan với khối tài sản lên tới 1 tỷ USD. Em gái ruột Wannaporn Phonprapa sở hữu một studio thiết kế nổi tiếng Á-Âu, còn em trai ruột Sara Lamsam đang điều hành Muang Thai Life Insurance.
Giống như các thành viên khác trong gia tộc, Madam Pang là một doanh nhân nhạy bén và tháo vát. Bà tốt nghiệp ngành Marketing tại ĐH Chulalongkorn lâu đời nhất Thái Lan, sau đó lấy thêm bằng thạc sĩ Quản lý tại ĐH Boston (Mỹ). Do đó, không có gì khó hiểu khi người "bông hồng thép" này thành công rực rỡ trên thương trường.
Madam Pang là một trong những người đầu tiên nhập khẩu các sản phẩm thời trang xa xỉ từ nước ngoài về Thái Lan. Bà còn sở hữu hai thương hiệu Saint Honorè và Meister Technik - những nhà phân phối chính thức của Hermès và Audi tại xứ sở Chùa Vàng. Nữ tỷ phú đồng thời là Chủ tịch Port FC - đội bóng luôn nằm trong top 3 tại Thai League.
Đại gia tộc Lamsam giàu có bậc nhất Thái Lan
Trái ngược với vẻ ngoài nữ tính và thanh lịch, Madam Pang thừa nhận mình là một người khá sôi nổi và có phần nam tính. Thay vì bó buộc mình với cuộc sống văn phòng, bà tích cực tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa và thể thao, nhờ đó xây dựng được mạng lưới quan hệ "khổng lồ" tại Thái Lan.
"Tôi chưa từng nghĩ rằng mình đã thành công, bởi khi bạn nghĩ vậy, bạn sẽ ngừng phấn đấu cải thiện bản thân. Tôi luôn duy trì sự tò mò để học hỏi từ những cá nhân xuất sắc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, để xem cách họ làm và nghĩ, từ đó áp dụng cho chính mình", bà chia sẻ.
Có thể nói, đa số những bước ngoặt trong cuộc đời Madam Pang đều do một tay định mệnh sắp đặt.
Năm 10 tuổi, bà có dịp cùng gia đình sang Mỹ du lịch, rồi mua sắm tại cửa hiệu Bloomingdale’s đắt đỏ. Trong lúc xách túi đồ hộ mẹ, cô tiểu thư gia tộc Lamsam chẳng may va phải kệ trưng bày, làm vỡ một vài món đồ trang trí làm bằng pha lê.
"Mẹ tôi tái mặt, lo lắng về khoản tiền lớn sắp phải đền bù. Thế nhưng, quản lý ở đó rất tốt. Ông ấy chạy ngay đến hỏi thăm tôi và trấn an rằng mọi thứ đều đã có bảo hiểm lo", Madam Pang nhớ lại.
"Đó chính là lợi ích của việc mua bảo hiểm", bà vừa nói vừa cười. Sự cố khi ấy càng khiến nữ doanh nhân quyết tâm kế thừa sản nghiệp mà gia đình để lại.
Vốn là người thẳng tính, Madam Pang chẳng ngại thừa nhận rằng mình học không giỏi thời đại học. Bà thường xuyên trốn tiết, nên GPA chỉ ở mức 2.8 - tương đương loại khá. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà bà vẫn được bạn bè tin tưởng, chọn làm Chủ tịch Hội nữ sinh của khoa.
"Tôi đoán là do tính cách của mình", bà chia sẻ. "Một khi đã quyết tâm làm cái gì, tôi sẽ nỗ lực hết mình; tôi vẫn luôn như vậy từ nhỏ".
Ở tuổi 25, cũng chính bánh xe số phận đã đưa người phụ nữ này bén duyên với thể thao, cụ thể là bóng đá.
Một ngày nọ, Madam Pang thức dậy với đôi mắt không nhìn thấy gì. Không tìm ra nguyên nhân, các bác sĩ bất lực nói rằng bà có thể bị mù. Cánh cửa tương lai đột ngột đóng lại khiến vị tiểu thư trẻ tuổi vô cùng suy sụp.
Suốt 2 năm tiếp theo, Madam Pang đi đi về về giữa Thái Lan và Mỹ để tìm cách chữa trị, khóc đến mức hao gầy cả người. Trong giây phút tuyệt vọng nhất, bà tìm đến các ngôi chùa ở quê nhà. Thế rồi, căn bệnh biến mất không dấu vết, như một phép màu.
Kể từ biến cố ấy, Madam Pang nguyện sẽ làm mọi thứ để giúp đỡ những người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung. Bà ủng hộ tất cả lợi nhuận thu được từ cuốn tự truyện ra mắt năm 2017 của mình cho Quỹ Vì người mù, rồi nhận lời quản lý đội VĐV khuyết tật Thái Lan, đưa họ đi du đấu nước ngoài.
Sự tận tình và nhiệt huyết của Madam Pang đã gây ấn tượng với Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan lúc bấy giờ. Vì vậy, ông đã thuyết phục bà đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đội bóng đá nữ quốc gia, dù nữ doanh nhân này chẳng có chút kiến thức nào về thể thao khi đó.
Sự xuất hiện của Madam Pang đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện bóng đá Thái Lan trong suốt 16 năm qua. Từ các cầu thủ cho đến khán giả đều coi bà là "vị ân nhân", là "nữ anh hùng".
Dưới sự quản lý của nữ tỷ phú, tuyển nữ Thái Lan đã làm nên lịch sử khi tham dự VCK World Cup 2 kỳ liên tiếp vào năm 2015 và 2019. Bà tự bỏ hẳn 100 triệu THB (68 tỷ VNĐ) tiền túi để đầu tư phát triển bóng đá nữ. Nhờ sức ảnh hưởng của "mỹ nhân không tuổi", bóng đá nữ được người dân xứ Chùa Vàng quan tâm chẳng kém bóng đá nam.
Madam Pang đối xử tốt với các nữ cầu thủ, không chỉ trên sân cỏ mà còn ở ngoài đời. Khi những cô gái đó không phải thi đấu hoặc giải nghệ, bà sẽ tạo điều kiện để họ làm việc tại công ty của mình. Nhờ có thêm khoản lương cố định, các nữ cầu thủ có thể tập trung toàn bộ vào tập luyện mà không cần lo kế sinh nhai.
Từ khi trở thành trưởng đoàn tuyển nam Thái Lan vào năm ngoái, Madam Pang cũng để lại vô số dấu ấn. Trước những giải đấu lớn như AFF Cup hay SEA Games, bà tận dụng tối đa mạng lưới quan hệ rộng của mình để thuyết phục các CLB trong và ngoài nước nhả người, nhằm đảm bảo đội tuyển có sự phục vụ của những ngôi sao quan trọng nhất.
Nói về độ chịu chi, có lẽ khó ai qua mặt được Madam Pang. Bà sẵn sàng bỏ ra 26 triệu THB (khoảng 17 tỷ VNĐ) tiền túi để thưởng cho chức vô địch AFF Cup 2020 của Voi Chiến. Năm 2021, trong một buổi teambuilding của Port FC, nữ tỷ phú này đã tổ chức bốc thăm trúng thưởng cho toàn bộ cầu thủ và nhân viên, với những phần quà vô cùng giá trị như đồng hồ Rolex, iPhone 13, túi hàng hiệu,...
Thú vị ở chỗ, Madam Pang không ngại chi cả núi tiền để động viên các cầu thủ, nhưng lại "keo kiệt" với chính mình. Tại SEA Games 31, khán giả đã bất ngờ khi thấy nữ tỷ phú này vẫn dùng chiếc iPhone 7 Plus hoặc 8 Plus - những sản phẩm đã ra mắt cách đây 5-6 năm - để liên lạc, thay vì chạy theo mốt.
"Trong vai trò mới, tôi phải phá vỡ được sự im lặng. Trách nhiệm của tôi không chỉ là chăm sóc sức khỏe thể chất của các cầu thủ, mà còn phải đảm bảo tinh thần tốt nhất cho họ", bà tâm sự.
Trên sân cỏ, Madam Pang ra dáng một trưởng đoàn uy quyền bao nhiêu, thì ở ngoài đời, bà lại nói chuyện gần gũi và thoải mái bấy nhiêu.
Sau khi dành thời gian cho công việc kinh doanh và bóng đá, bà sẽ kết thúc một ngày làm việc của mình bằng cách đọc tin tức về chính trị, thể thao và giải trí.
"Lướt điện thoại mỗi tối là hoạt động ưa thích của tôi", bà tiết lộ. "Tôi thậm chí còn khuyến khích cấp dưới theo dõi hoặc tìm hiểu bất kỳ mẩu tin thú vị nào mà họ đọc được".
Ngoài ra, nữ doanh nhân cũng rất thích đi du lịch và đăng ảnh trên mạng xã hội. Tài khoản Instagram và Facebook của Madam Pang hiện đang có hơn 2 triệu người theo dõi, với hàng loạt bức ảnh ghi lại cuộc sống sang chảnh và thú vị của bà.
Một góc biệt thự của Madam Pang
Tiểu thư của gia tộc Lamsam cũng thừa nhận rằng mình là người nghiện công việc.
"Tôi làm việc kể cả khi đi du lịch. Cấp dưới biết rằng họ có thể liên lạc với tôi bất cứ lúc nào, dù tôi có ở chân trời góc bể nào đi chăng nữa", bà mỉm cười cho biết.
Như nhiều người phụ nữ giàu có khác, Madam Pang cũng có niềm đam mê dành cho thời trang và trang sức cao cấp. Bà thích đi mua sắm và không ngại chi tiền để mua những thứ mình cảm thấy xứng đáng.
"Tôi luôn là khách hàng trung thành của Hermès. Sản phẩm của họ không chỉ là thời trang, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Túi Birkin chính là một ví dụ: các nghệ nhân đã dành hơn 16 tiếng để làm ra nó", bà chia sẻ.
Bên cạnh sự nghiệp vững chắc, Madam Pang còn khiến nhiều người ghen tị bởi cuộc sống hôn nhân hạnh phúc kéo dài suốt 6 năm qua với người chồng thứ hai - Đại tá Naras Savestanan. Trước đó, nữ tỷ phú đã có với người chồng đầu tiên một cô con gái tên là Nuanwan Phanchet "Nong Prang".
Giống như mẹ, Nong Prang cũng theo học tại ĐH Chulalongkorn danh tiếng, chuyên ngành tâm lý học. Sau khi tốt nghiệp, cô tiếp tục đi du học ngành Khoa học xã hội tại ĐH Queensland (Australia). Hiện tại, vị tiểu thư đời thứ sáu của gia tộc Lamsam đang giữ chức Phó Chủ tịch Port FC. Khi rảnh, cô thích chơi bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ và bơi lội.
Con gái duy nhất của Madam Pang cũng yêu thể thao giống mẹ
Viên mãn về cả sự nghiệp và gia đình ở tuổi 56 nhưng Madam Pang vẫn giữ cho mình thái độ khiêm tốn.
"Nhiều người cho rằng bí quyết thành công của tôi là sinh ra trong gia tộc Lamsam", bà nói. "Cuộc đời tôi không hề trải đầy hoa hồng. Thứ đã giúp tôi có được ngày hôm nay là thái độ quyết tâm và tinh thần lạc quan".
"Tôi không nghĩ cuộc sống của mình hoàn hảo. Chúng ta, ai cũng có thể phấn đấu để hoàn thiện bản thân mỗi ngày."
Theo Trí thức trẻ
Xem link gốc Ẩn link gốc https://ift.tt/Cf3qhBb
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét