Sau khi sa thải Bộ trưởng Tài chính vài ngày trước, Thủ tướng Anh Liz Truss giờ đây phải đấu tranh để cứu lấy chiếc ghế của chính mình.
Khi bà Liz Truss tranh cử ghế thủ tướng Anh hồi mùa hè, một đồng minh đã dự đoán những tuần đầu cầm quyền của bà sẽ rất khó khăn, nhưng ít ai ngờ được mức độ nghiêm trọng của những hỗn loạn bà phải đối mặt.
Chỉ trong 6 tuần, các chính sách kinh tế theo chủ nghĩa tự do mà bà theo đuổi đã gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp khẩn cấp và cuối cùng là việc Bộ trưởng Tài chính của bà bị sa thải.
Giờ đây, Thủ tướng Truss tiếp tục phải đối mặt với một cuộc phản đối bên trong đảng Bảo thủ cầm quyền, khiến vai trò lãnh đạo của bà lung lay. Các nghị sĩ đảng Bảo thủ đang đứng trước câu hỏi lớn: với bà Truss là đại diện, liệu đảng có thể thắng trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo hay không?
Theo các cuộc thăm dò, mức độ tín nhiệm với Thủ tướng Truss đã rơi xuống mức thấp nhất so với bất kỳ thủ tướng Anh nào kể từ đầu những năm 1990.
Các nhà phân tích đánh giá triển vọng bà tiếp tục nhiệm kỳ ở Phố Downing có vẻ ảm đạm. Một số người thậm chí dự đoán bà có thể bị phế truất trong tuần này.
Khi được hỏi về kế hoạch kinh tế của bà Truss, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng ông "không phải người duy nhất nghĩ đó là một sai lầm".
"Tôi không cho rằng bà ấy có thể bám trụ được lâu, nhiều nhất chỉ vài tuần nữa, có thể ít hơn", Vernon Bogdanor, giáo sư tại Đại học Hoàng gia London, nhận định. Điều quan trọng nhất đối với các nghị sĩ đảng Bảo thủ lúc này là liệu tác động từ bà Truss có tệ đến mức khiến đảng đánh rơi chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới hay không. "Họ sẽ bị tác động bởi nỗi sợ mất ghế", ông nói.
Hôm 16/10, nghị sĩ đảng Bảo thủ Robert Halfon giận dữ nói rằng vài tuần qua, nước Anh đã chứng kiến "hết câu chuyện kinh dị này đến câu chuyện kinh dị khác".
"Chính phủ coi cả đất nước như những con chuột thí nghiệm để thực hiện các thử nghiệm siêu thị trường tự do của mình", ông nói với Sky News.
Nhưng đây không phải điều chưa được báo trước. Trong cuộc tranh cử hồi mùa hè, bà Truss đã tự gọi mình là "người phá rào" sẽ thách thức những "quan điểm chính thống" về kinh tế. Bà hứa sẽ cắt giảm thuế cũng như các quy trình quan liêu, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ của Anh phát triển.
Đối thủ của bà, cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak, cho rằng việc cắt giảm thuế ngay lập tức là hành động thiếu thận trọng, trong bối cảnh nền kinh tế đang bị chấn động bởi đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Nhưng trong mùa tranh cử, 172.000 thành viên đảng Bảo thủ, phần lớn là những người lớn tuổi và giàu có, thích tầm nhìn của bà Truss. Bà giành được 57% phiếu bầu của các thành viên để trở thành lãnh đạo đảng vào ngày 5/9. Bà nhậm chức Thủ tướng một ngày sau đó.
Những ngày đầu tiên trên cương vị Thủ tướng của bà Truss bị lu mờ bởi lễ quốc tang Nữ hoàng Elizabeth II. Sau đó, vào ngày 23/9, Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng công bố kế hoạch kinh tế mà ông và Thủ tướng đã vạch ra, trong đó có dự luật cắt giảm thuế trị giá 50 tỷ USD mà không có giải thích kèm theo về cách chính phủ sẽ bù đắp cho khoản tiền thuế thâm hụt.
Thủ tướng Truss đang thực hiện những gì bà đã hứa. Hồi mùa hè, Mark Littlewood, người đứng đầu viện nghiên cứu Chủ nghĩa Tự do, từng dự đoán sẽ có "phát súng" vang dội khi tân Thủ tướng thúc đẩy cải cách kinh tế với "tốc độ chóng mặt".
Tuy nhiên, quy mô của gói cải cách kinh tế mà chính phủ Thủ tướng Truss đưa ra đã khiến thị trường tài chính và các chuyên gia chính trị bất ngờ.
"Rất nhiều người trong chúng ta đã nhầm khi mong đợi bà ấy sẽ thay đổi sau khi đắc cử, theo cách mà nhiều lãnh đạo trước đây từng làm", Tim Bale, giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary ở London, bình luận. "Nhưng bà Truss đã không làm thế, bà thực hiện những gì đã hứa".
Khi các biện pháp kích thích kinh tế được công bố, đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD và chi phí đi vay của chính phủ tăng vọt. Ngân hàng Trung ương Anh buộc phải vào cuộc để mua trái phiếu chính phủ và ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng hơn sang nền kinh tế. Ngân hàng Trung ương cũng cảnh báo lãi suất sẽ phải tăng nhanh hơn dự kiến để kiềm chế lạm phát đang ở mức khoảng 10%, khiến hàng triệu người mua nhà phải đối mặt với các khoản thanh toán nợ ngân hàng tăng vọt.
Jill Rutter, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Chính sách, cho biết Thủ tướng Truss và Bộ trưởng Kwarteng đã mắc hàng loạt "sai lầm không thể tránh khỏi" với gói kích thích kinh tế của họ.
"Tôi nghĩ họ đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi công bố cắt giảm thuế mà quên đi phần chi tiêu trong phương trình", bà nói.
Khi phản ứng tiêu cực ngày càng tăng, bà Truss bắt đầu từ bỏ các phần của gói kích thích để trấn an đồng minh và thị trường. Biện pháp cắt giảm thuế đối với những người có thu nhập cao nhất đã được bãi bỏ tại hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ hồi đầu tháng.
Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ. Hôm 14/10, bà Truss sa thải Bộ trưởng Kwarteng, thay thế người bạn thân lâu năm bằng một người mới, ông Jeremy Hunt, cựu bộ trưởng y tế và ngoại trưởng trong chính phủ Bảo thủ của cựu thủ tướng David Cameron và Theresa May.
Bà Truss trên danh nghĩa vẫn là Thủ tướng, nhưng quyền lực trong chính phủ được cho là đã chuyển sang tay Jeremy Hunt, người đã báo hiệu rằng ông sẽ bãi bỏ phần còn lại trong kế hoạch kinh tế của bà khi đưa ra báo cáo ngân sách trung hạn vào ngày 31/10. Ông cho biết tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công sẽ là điều cần thiết để khôi phục uy tín tài khóa của chính phủ.
Dù vậy, ông Hunt ngày 15/10 khẳng định "Thủ tướng vẫn nắm quyền". "Bà ấy đã lắng nghe và đang thay đổi, sẵn sàng làm điều khó khăn nhất trong chính trị, đó là thay đổi chiến lược", ông nói với BBC.
Đảng Bảo thủ vẫn chiếm đa số trong quốc hội và về lý thuyết, còn hai năm nữa mới đến thời hạn tổ chức cuộc tổng tuyển cử. Các cuộc thăm dò cho thấy Công đảng đối lập đang được dự đoán sẽ giành thắng lợi áp đảo trong tổng tuyển cử.
Các nghị sĩ đảng Bảo thủ đang đau đầu về việc có nên tìm cách lật đổ lãnh đạo của họ lần thứ hai trong năm nay hay không. Hồi tháng 7, đảng này buộc phải gạt bỏ thủ tướng Boris Johnson, người đã dẫn dắt họ giành chiến thắng vào năm 2019, khi chính quyền của ông vướng phải hàng loạt bê bối.
Hiện tại, nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ đã công khai kêu gọi bà Truss từ chức, hoặc tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm để lật đổ bà. Theo các quy tắc của đảng, bà Truss có thể an toàn trước các thách thức vị thế lãnh đạo trong vòng một năm, nhưng nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ tin rằng bà sẽ buộc phải từ chức nếu đảng nhất trí được một người kế nhiệm.
Ông Sunak, đối thủ từng bị bà Truss đánh bại, lãnh đạo Hạ viện Penny Mordaunt và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace là những cái tên tiềm năng đang được nhắc đến trong nỗ lực tìm người lãnh đạo tiếp theo của đảng Bảo thủ.
Tuy nhiên, nghị sĩ Andrew Griffith cho rằng đảng Bảo thủ không nên quá vội vàng và bà Truss nên được trao cơ hội lập lại trật tự sau 6 tuần hỗn loạn.
"Đây là lúc chúng ta cần ổn định nhất", ông nói. "Người dân đang bối rối trước những biến động ở mức độ như vậy. Những gì họ muốn thấy là một chính phủ có năng lực, đủ sức làm công việc của mình".
Vũ Hoàng (Theo AP, WSJ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét