Hàn Quốc đang cố gắng tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đầy nhức nhối sau khi sự kiện Halloween ở Seoul biến thành thảm họa tồi tệ bậc nhất ở nước này, cướp đi 153 sinh mạng.
Thảm kịch giẫm đạp chết chóc nhất trong lịch sử Hàn Quốc xảy ra vào tối 29/10 tại Itaewon - khu giải trí về đêm nổi tiếng của nước này, sau khi hàng chục nghìn người đổ xô đến khu vực để tham gia lễ hội Halloween, theo Yonhap.
Park Jung Hoon (21 tuổi), kể lại với Reuters rằng tình hình đã "hoàn toàn mất kiểm soát".
Trong khi đó, Moon Ju Young, 21 tuổi, chia sẻ: “Cảnh tượng đông đúc hơn ít nhất 10 lần so với bình thường”.
Moon mô tả: "Có quá nhiều người và quá đông".
"Tôi biết cảnh sát và nhân viên cứu hộ đang làm việc chăm chỉ, nhưng họ đã thiếu sự chuẩn bị", cô nhận định.
Một cư dân Itaewon, Lee Su Mi (53 tuổi), nói với Reuters rằng "trong kỷ nguyên sống chung với Covid-19, những người trẻ tuổi được gọi là 'thế hệ Covid-19' cuối cùng đã có thể tổ chức Halloween như lễ hội đầu tiên của họ".
"Thế nhưng, không ai có thể ngờ được lễ hội sau đó lại biến thành thảm họa như vậy", bà nói thêm.
Người dân cho biết các doanh nghiệp trong khu vực giải trí về đêm đã mong chờ các lễ hội lớn, sau thời kỳ khó khăn trong vài năm qua.
"Ngã xuống như domino"
Đây là sự kiện Halloween đầu tiên ở Seoul trong ba năm sau khi Hàn Quốc dỡ bỏ nhiều lệnh hạn chế phòng dịch Covid-19. Theo ước tính, có khoảng 100.000 người đã đổ xô tới khu vực này. Hàng chục quán bar và nhà hàng chật kín những người mặc trang phục Halloween.
Người phụ nữ che mặt thổn thức tại trung tâm dịch vụ cộng đồng sau thảm kịch ở Seoul, Hàn Quốc, hôm 30/10. Ảnh: Reuters.
Theo Yonhap, cơ quan chức năng ban đầu nhận được hàng chục tin báo ở khu vực Itaewon về những người bị khó thở. Báo cáo đầu tiên xuất hiện vào khoảng 22h15.
Các quan chức cho biết đám đông bắt đầu xô đẩy về phía trước trong con hẻm dốc có chiều rộng khoảng 4 m gần khách sạn Hamilton, điểm tổ chức tiệc tùng ở Seoul.
Một số báo cáo truyền thông địa phương trước đó nói nhiều người tìm đến một quán bar sau khi có thông tin về một người nổi tiếng xuất hiện.
Theo New York Times, Janelle Story - 35 tuổi, giáo viên tiếng Anh - cho hay một nhóm người đổ xô về phía cô vào khoảng 22h30. Cô nói lúc đó mình đứng gần con hẻm xảy ra vụ việc.
"Biển người lao về phía chúng tôi rất nhanh. Mọi chuyện xảy ra quá đột ngột", cô nói. Cô rất lo lắng nhưng ban đầu chỉ nghĩ đó là đám đông say rượu gây mất trật tự.
Cô rời khỏi đó vào lúc 23h và không hề biết tới thảm kịch cho đến khi trở về nhà.
Seon Yeo Jeong, một YouTuber người Hàn Quốc, đã nhớ lại cảnh tượng mọi người la hét. Cô mô tả bản thân bị lắc qua lắc lại như thể trong "trò kéo co" trước khi bị siết chặt cả trước lẫn sau.
“Nếu bạn tôi không ôm và giúp tôi, tôi nghĩ mình sẽ ngất đi và ngã xuống đất”, cô kể.
Chuyên gia cho rằng các vụ giẫm đạp như thảm họa tại Itaewon lần này có thể xảy ra khi quá nhiều người bị nhồi vào một không gian kín. Ảnh: Straits Times.
Đêm thứ 7 hào hứng với Kim Seo Jeong (17 tuổi) đã biến thành lễ Halloween chết chóc khi cô nằm trong số hàng nghìn người mắc kẹt trong con hẻm nhỏ.
“Những người phía sau tôi ngã xuống như domino", học sinh này nói. "Có những người bên dưới lẫn trên đầu tôi. Tôi khó thở. Chúng tôi la hét và kêu cứu, nhưng tiếng nhạc quá lớn, lấn át cả tiếng la hét của chúng tôi".
“Mọi người liên tục đẩy xuống một con hẻm dốc, kết quả là nhiều người la hét và ngã xuống giống như domino", Yonhap dẫn lời một nhân chứng giấu tên khác. “Tôi tưởng mình cũng sẽ bị đè chết khi mọi người tiếp tục xô đẩy mà không nhận ra đã có người ngã xuống khi bắt đầu vụ giẫm đạp”.
Một phụ nữ ở độ tuổi 20, họ Park, cho biết vụ giẫm đạp bắt đầu khi mọi người đổ tới con phố nhỏ trong khoảng thời gian ngắn. “Một người thấp bé như tôi thậm chí không thể thở được”, cô Park nói. “Tôi sống sót nhờ đứng ở bên lề con hẻm. Những người ở giữa (đám đông) phải chịu đựng nhiều nhất”.
Ulas Cetinkaya, 36 tuổi, nhân viên tại một cửa hàng bán thịt nướng đối diện với con hẻm nơi xảy ra vụ giẫm đạp mô tả: "Tôi chưa bao giờ chứng kiến đám đông lớn như vậy trong đời, ngoại trừ có thể là tại cuộc biểu tình".
Vị trí nơi xảy ra vụ giẫm đạp của khu phố Itaewon. Đồ họa: Marco Hernandez.
Trong khi đó, một số người đổ lỗi cho các chủ quán bar và câu lạc bộ gần đó. “Thương vong nghiêm trọng hơn khi mọi người cố gắng thoát thân bằng cách đến những cửa hàng gần đó, nhưng họ bị đuổi ra đường vì đã hết giờ làm việc”, Yonhap dẫn lời một người sống sót nói.
Đoạn phim và hình ảnh từ hiện trường cho thấy các nhân viên cấp cứu và người đi bộ thực hiện hô hấp nhân tạo cho nạn nhân nằm trên đường phố. Thi thể các nạn nhân nằm thành hàng, được phủ lên tạm thời bằng chăn, theo Guardian.
Các nhân chứng mô tả cảnh sát dường như gặp khó khăn trong việc kiểm soát đám đông.
Đoạn phim trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm người kẹt chật cứng trong con hẻm và không thể di chuyển, trong khi cảnh sát và cứu hộ tìm cách kéo họ ra ngoài. Một người phụ nữ cho hay con gái cô đã mắc kẹt hơn một giờ.
Cơ quan cứu hỏa và trung tâm ứng cứu đầu tiên gần nhất chỉ cách con hẻm khoảng hơn 200 m. Tuy nhiên, họ khó tiếp cận hiện trường một phần vì con hẻm chỉ rộng 4 m, trong khi một bên là các quán bar và cửa hàng, một bên là tường khách sạn Hamilton.
Theo New York Times, Bộ trưởng Nội vụ và An toàn Hàn Quốc, Lee Sang Min, cho biết cảnh sát không ngờ tới trường hợp lễ Halloween năm nay lại đông hơn những năm trước, do đó không triển khai thêm nhân viên đến khu vực này. Ông nói thêm một số sĩ quan đã bị điều động tới các cuộc biểu tình quy mô lớn trong thành phố.
Nguyên nhân chính xác dẫn tới thảm kịch vẫn đang được điều tra. Cảnh sát dự định sớm mở điều tra về việc liệu các quán bar và câu lạc bộ trong khu vực có tuân thủ các quy định về an toàn hay không.
Hàng nghìn tin báo mất tích
Tính ngày 31/10, tổng cộng 153 người, gồm 26 người nước ngoài, đã thiệt mạng, theo CNN.
Ngoài ra, có 82 người khác bị thương, trong đó có 19 người thương nghiêm trọng, theo Choi Seong Beom - người đứng đầu sở cứu hỏa Yongsan.
Trong số 153 nạn nhân xấu số, có 97 nữ giới và 56 nam giới. Ông Choi cho hay nhiều nạn nhân là phụ nữ trong độ tuổi 20. Hiện vẫn chưa rõ có nạn nhân nào ở trong độ tuổi vị thành niên hay không.
Trong khi đó, nạn nhân ngoại quốc đến từ 14 quốc gia. Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc trước đó thông báo với Reuters rằng Iran, Uzbekistan, Trung Quốc, Na Uy, Australia, Mỹ, Pháp, Kazakhstan, Sri Lanka, Thái Lan, Áo và Việt Nam nằm trong số các nước có công dân thiệt mạng.
Giới chức ứng cứu tại khu vực có nhiều người bị thương trong vụ giẫm đạp ở Itaewon đêm 29/10. Ảnh: Reuters.
Vào trưa 30/10, chính quyền Seoul cho hay họ nhận được 3.580 báo cáo về người mất tích liên quan tới thảm kịch.
Các quan chức kêu gọi người báo cáo cung cấp mô tả chi tiết về ngoại hình hoặc đặc điểm nhân dạng của người thân khi số lượng nạn nhân quá lớn khiến việc xác định trở nên khó khăn, theo New York Times.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đến hiện trường vào sáng 30/10. Ông cũng tuyên bố quốc tang cho các nạn nhân thiệt mạng. Thời gian quốc tang sẽ kéo dài đến khi hoàn tất xử lý vụ tai nạn.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại hiện trường thảm kịch. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo trưa 30/10 ban bố Itaewon, hiện trường thảm kịch, là khu vực thảm họa cho đến trưa 5/11.
Trước đó, ngay sau khi nhận thông tin về vụ việc, ông Yoon đã ra lệnh lập đội ứng phó khẩn cấp để điều tra vụ việc.
Vì sao vụ giẫm đạp thảm khốc tới như vậy?
Theo giáo sư G. Keith Still, chuyên gia về an toàn đám đông tại Đại học Suffolk (Anh), các vụ giẫm đạp như thảm họa tại Itaewon lần này có thể xảy ra khi quá nhiều người bị nhồi vào một không gian kín.
Nếu có một tác nhân kích thích - như tình trạng xô đẩy hay ai đó vấp ngã - khiến cả đám đông ngã xuống, “hiệu ứng domino” sẽ xảy ra.
“Cả đám đông cùng ngã xuống một lúc”, giáo sư Still nhận định với Washington Post. “Nếu đang ở trong một không gian kín, họ không thể đứng dậy nữa”.
Bên cạnh đó, khi nhiều người cùng bỏ chạy, một vụ giẫm đạp cũng có thể xảy ra. Dù vậy, đây không phải điều đã diễn ra tại Itaewon, ông Still cho biết.
Xe cứu thương và nhân viên cứu hộ đến hiện trường vụ giẫm đạp ở Itaewon, Seoul. Ảnh: AP.
Trong một bài viết được đăng tải trên Twitter, một người tự nhận có mặt tại hiện trường mô tả đám đông “ngã xuống như những quân domino và kêu gào”.
“Tôi thực sự cảm thấy như bị đè đến chết”, một bài đăng khác chia sẻ. “Tôi đã thở qua một lỗ nhỏ và khóc khi nghĩ mình sắp chết”. Tác giả của bài viết - đứng gần đỉnh của đám đông - cho biết những người ở đó đã kêu “Hãy cứu chúng tôi”, trước khi được những người gần đó kéo lên.
Trong vụ giẫm đạp, áp lực từ cả bên dưới lẫn bên trên khiến cạc nhận nhân rất có thở, vì phổi cần không gian để hô hấp. Sau khoảng 6 phút, những người bị mắc kẹt rơi vào tình trạng nghẹt thở - nguyên nhân tử vong chính của các nạn nhân - giáo sư Still nhận định.
Ngoài nghẹt thở, các nạn nhân cũng có thể bị thương ở tay chân, hoặc mất tri giác khi cố gắng thở hay thoát khỏi đám đông. Chỉ sau 30 giây bị chèn ép, lượng máu lên não có thể bị hạn chế, gây ra tình trạng chóng mặt.
Cảnh sát tại hiện trường sau thảm kịch hôm 30/10. Ảnh: AP.
Theo giáo sư Still, các vụ giẫm đạp hiếm khi bị gây ra bởi những người mất bình tĩnh, cố gắng thoát khỏi đám đông. Thay vào đó, ông chỉ ra họ chỉ mất bình tĩnh khi bắt đầu ngã xuống.
“Mọi người không chết vì hoảng loạn, họ hoảng loạn vì sắp chết”, ông nói. “Khi mọi người cùng ngã, khi người ta ngã lên nhau, mọi người cố gắng đứng lên, khiến tay chân bị vướng vào với nhau”.
Hiện tượng này từng xảy ra nhiều lần trên thế giới. Chưa đầy một tháng trước, một vụ giẫm đạp ở một sân vận động tại Malang, Indonesia đã khiến hơn 130 người - bao gồm cả trẻ em - thiệt mạng.
Tháng 11/2021, một vụ giẫm đạp khác cũng đã xảy ra tại một đêm nhạc ở Texas (Mỹ), gây ra cái chết của 10 người. Hiện trường thảm kịch có hàng rào thép bao quanh, khiến các nạn nhân bị ép chặt. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng không có lối để điều tiết dòng người.
Theo giáo sư Norman Badler tại Đại học Pennsylvania, dù thảm kịch tại Itaewon xảy ra trên đường phố, mật độ người quá cao khiến họ rất khó di chuyển. Bên cạnh đó, hiện trường cũng không có các lối thoát theo phương ngang.
Trong năm qua, các sự kiện đông người đang được tổ chức thường xuyên hơn khi các biện pháp hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ. Theo giáo sư Still, mọi người có xu hướng tới các sự kiện nhiều hơn sau thời gian dài không thể tham gia.
Vị giáo sư đề cao tầm quan trọng của hoạt động huấn luyện kiểm soát đám đông - điều có thể đã bị lơ là trong đại dịch.
Ông Martin Amos, giáo sư tại Đại học Northumbria (Anh), chỉ ra các sự kiện đông người cần được lập kế hoạch cẩn trọng. Trong khi đó, giới chức cần được huấn luyện để ứng phó với đám đông.
“Các sự cố như thế này sẽ còn xảy ra chừng nào chúng ta chưa áp dụng các quy trình kiểm soát đám đông đúng đắn - điều giúp lường trước, phát hiện và ngăn chặn mật độ đám đông ở mức nguy hiểm”, ông Amos nói với Washington Post.
Theo Zing
Xem link gốc Ẩn link gốc https://ift.tt/AVHNkDh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét