Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố nước này sẽ tạo ra trung tâm quốc tế để chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.
"Chúng ta đã đồng ý với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tạo ra trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua đó, nguồn khí đốt có thể được chuyển đến châu Âu. Do vậy, châu Âu sẽ đặt hàng nguồn khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại cuộc họp của đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) hôm nay.
Ông Erdogan nói thêm các nước châu Âu đang giải quyết vấn đề làm thế nào để giữ ấm trong mùa đông tới và Thổ Nhĩ Kỳ không gặp phải điều này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng trung tâm khí đốt cần được thành lập càng sớm càng tốt và địa điểm thích hợp nhất là ở Đông Thrace, phần lãnh thổ nằm ở châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Putin tuần trước nêu phương án dùng đường ống tới Thổ Nhĩ Kỳ để chuyển lượng khí đốt vốn đi qua Nord Stream 1, khiến nước này thành "trung tâm trung chuyển khí đốt lớn nhất châu Âu". Đường ống Nord Stream 1 đã bị hư hỏng vào cuối tháng 9, Nga ước tính có thể mất hơn một năm để sửa.
Việc tạo ra trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được thảo luận trong cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tại Astana hôm 13/10. Ông Putin nói Thổ Nhĩ Kỳ là "con đường đáng tin cậy nhất" để chuyển khí đốt cho châu Âu.
Tuyến dẫn khí duy nhất nối từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ là TurkStream, bắt đầu từ bờ biển Nga, đi qua Biển Đen và đến vùng Đông Thrace của Thổ Nhĩ Kỳ, có công suất 31,5 tỷ m3/năm. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, TurkStream còn cung cấp năng lượng cho số ít quốc gia châu Âu như Serbia, Hungary, những nước được Nga coi là "thân thiện". Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 12/10 nói rằng Moskva sẽ xem xét xây dựng tuyến bổ sung cho TurkStream.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO, giữ thái độ trung lập trong suốt cuộc xung đột Ukraine, duy trì quan hệ tốt với Nga và Ukraine, đồng thời hạn chế tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva.
Thổ Nhĩ Kỳ từng hai lần tổ chức đàm phán giữa Nga và Ukraine cũng như cùng Liên Hợp Quốc đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc mang tính bước ngoặt giữa Moskva và Kiev hồi tháng 7. Ankara còn đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Nga và Ukraine, với hơn 200 người được trao trả.
Ngọc Ánh (Theo TASS/Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét