Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2022

'Người du mục' làm việc ở hàng chục quốc gia

Katie Macleod bắt đầu làm việc bằng cách mở laptop trong khách sạn ở Tokyo, giữa bão cát ở Sahara, hoặc gọi Zoom khi đang trên dãy Himalaya.

"Tôi hy vọng sẽ đặt chân tới 100 quốc gia trước khi 30 tuổi", Katie Macleod, cô gái 28 tuổi đã đi qua 78 quốc gia trong khi vẫn làm việc với tư cách là nhà thiết kế đồ họa tự do, cho biết ngày 21/10.

Katie, nhà thiết kế đồ họa tự do. Ảnh: Katie Macleod

Katie Macleod, nhà thiết kế đồ họa tự do. Ảnh: BBC

Katie là một trong số ngày càng nhiều lao động được mô tả bằng thuật ngữ "người du mục kỹ thuật số". Họ là những người không làm việc tại một văn phòng cố định, mà thường xuyên di chuyển, thực hiện công việc online bằng các thiết bị công nghệ.

Katie nhận thấy phong cách sống "người du mục kỹ thuật số" ngày càng phổ biến từ năm 2018 tới nay. "Tôi cảm nhận điều này sâu sắc qua đại dịch. Công việc làm từ xa bây giờ đang nhiều hơn bao giờ hết", cô nói.

Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy số lượng người Mỹ làm "dân du mục kỹ thuật số" đã tăng gấp đôi từ khi đại dịch bắt đầu và tiếp tục gia tăng.

Dave Cassar, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu quốc tế của MBO Partners, công ty công bố báo cáo, tin rằng xu hướng tương tự đang diễn ra ở châu Âu. "Thực tế ở Anh, dữ liệu cho thấy tỷ lệ người lao động làm việc như dân du mục kỹ thuật số đang ngày càng cao", ông nói.

Katie lớn lên ở Inverness, học thiết kế đồ họa ở Edinburg. Sau thời gian thực tập, cô bắt đầu làm việc cho một công ty quảng cáo ở London. Nhưng khi đó, cô thấy công việc đơn điệu, buồn tẻ và không hấp dẫn.

"Công việc trong ngày luôn được quyết định trước, tôi có rất ít thời gian thực hiện mục tiêu và mơ ước cá nhân", cô nói. "Nếu tôi biết cuộc sống sẽ thế này từ lúc còn đi học, tôi sẽ quyết đoán hơn khi đưa ra lựa chọn cần thiết để thực hiện ước mơ sớm hơn".

"May mắn là tôi đã chọn một nghề rất phù hợp với chủ nghĩa du mục kỹ thuật số", cô bày tỏ.

Đại dịch Covid-19 khiến việc đi lại khó khăn hơn, nhưng Katie thích nghi bằng cách cải tạo một chiếc xe van để đi khắp nước Anh. Khi các nước dỡ hạn chế đi lại, Katie tiếp tục du lịch khắp thế giới, thuê nhà trên Airbnb hoặc khách sạn.

Kaite thừa nhận di chuyển thường xuyên đôi khi rất vất vả.

"Tôi không đếm nổi số lần ngủ ở sân bay", cô nói. "Tôi từng chật vật tìm chỗ có Internet để làm việc, phải trả nhiều tiền hơn vì tôi là người nước ngoài, cũng như thường xuyên ngộ độc thực phẩm".

Theo nghiên cứu mới của tổ chức Flexibility Works, gần một phần tư số lao động bàn giấy tại Scotland cho biết sếp cho phép họ làm việc ở bất kỳ nơi nào họ thích.

Catriona Cripps là một trong số những người áp dụng lối sống du mục kỹ thuật số sau đại dịch. Bà làm nghề đào tạo kinh doanh ở Stirling, Edinburgh, Scotland trong 20 năm và buộc phải làm việc từ xa khi có lệnh phong tỏa.

Catriona Cripps ở Paris. Ảnh: Catriona Cripps

Catriona Cripps ở Paris. Ảnh: BBC

Cripps từ lâu đã muốn sống ở Tây Ban Nha và xem đây là cơ hội để thực hiện mơ ước. Do đó, hồi tháng 6, bà bán nhà và bắt đầu du lịch khắp châu Âu, làm việc từ xa tại các khách sạn và quán cà phê.

"Tôi chỉ nghĩ nếu bây giờ không làm thì bao giờ mới làm?", bà nói. "Tôi đã ngoài 60, trách nhiệm đã vơi, không còn cha mẹ già, con cái đã trưởng thành".

Bà tận hưởng trải nghiệm này và đã đi tới nhiều nước, dù thừa nhận di chuyển liên tục đôi khi "khá phiền phức".

"Thật tuyệt khi nói tôi đã tới 15 thành phố và 7 quốc gia, nhưng di chuyển nhiều cũng rất mất thời gian", bà nói. "Giờ tôi nhận ra mình cần ở lại lâu hơn là cứ 2-3 ngày lại thay đổi chỗ ở một lần".

Khó khăn khác mà bà gặp phải làm tìm nơi có Internet ổn định để tiếp tục làm việc. "Các khách sạn và căn hộ Airbnb đều có wifi, nhưng sóng có thể không ổn định hoặc không đủ mạnh, hơi bất tiện để làm việc trực tuyến".

J David Simons, một người cũng sống theo phong cách du mục kỹ thuật số, cho hay vấn đề lớn nhất là không có địa chỉ cố định để làm các thủ tục về thuế, thị thực... David làm nghề viết truyện và viết báo, đã bán nhà ở Glasgow, Scotland năm 2017 và đi khắp thế giới khi đại dịch diễn ra.

"Tôi đã lên kế hoạch đến Mexico và Cuba, ở và làm việc trong một căn hộ thuê tuyệt đẹp tại Mexico City và Havana, nhưng phải hủy toàn bộ", ông nói. "Vài năm qua, tôi chủ yếu lang thang trên đường, di chuyển giữa Scotland và Tây Ban Nha. Nhưng sau khi Anh rời Liên minh châu Âu, tôi chỉ có thể ở châu Âu trong 90 ngày".

J David Simons, nhà văn kiêm nhà báo. Ảnh: J David Simons

J David Simons, nhà văn kiêm nhà báo. Ảnh: BBC

Người đàn ông 68 tuổi đang lên kế hoạch sang Tây Ban Nha trong mùa đông năm nay để sáng tác tiểu thuyết.

"Tôi luôn theo đuổi lối sống du mục", ông nói. "Khi cách mạng truyền thông kỹ thuật số xuất hiện, với Internet băng thông rộng ngày càng phổ biến, tôi nhìn thấy cơ hội đi du lịch và làm việc từ xa".

David cho rằng chi phí sinh hoạt tăng cao ở Scotland và Anh đã truyền cảm hứng cho những người làm việc từ xa thử nghiệm lối sống du mục kỹ thuật số.

"Vấn đề không phải bạn giàu có thế nào, mà là công việc có cho phép bạn làm từ xa không", ông nói. "Công việc cần mang lại thu nhập đủ để trang trải lối sống của bạn, bởi nhiều nơi có chi phí rẻ hơn tại Anh".

"Ngoài ra, bạn cũng cần có tinh thần phiêu lưu mạo hiểm, sẵn sàng đón nhận thay đổi liên tục mà không cần bận lòng tới gánh nặng mà mọi người hay gọi là nhà", Simons chia sẻ thêm.

Hồng Hạnh (Theo BBC)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét