Tổng thống Putin nhiều tháng qua trông chờ sự đồng thuận trong ủng hộ Ukraine của Mỹ bị phá vỡ và những vết nứt đầu tiên đang dần xuất hiện.
Lưỡng đảng Mỹ thời gian qua đã đạt được sự đồng thuận hiếm hoi trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine đối phó với Nga. Nhưng đường lối cứng rắn với Nga của Tổng thống Joe Biden có thể không phải lúc nào cũng nhận được sự nhất trí cao, đặc biệt vào thời điểm nhạy cảm khi Mỹ chuẩn bị bước vào bầu cử quốc hội giữa kỳ, còn xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau 8 tháng giao tranh.
"Tranh cãi chính trị về việc Mỹ nên tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Ukraine trong bao lâu và chi thêm bao nhiêu tiền để đối phó với Nga sớm muộn sẽ dẫn tới những câu hỏi quan trọng ở Washington", Stephen Collinson, nhà phân tích kỳ cựu của CNN, nhận định.
Dấu hiệu rạn nứt đầu tiên xuất hiện vào ngày 25/10, khi những thành viên cấp tiến của đảng Dân chủ gửi một bức thư cho Tổng thống Biden, kêu gọi Nhà Trắng cân bằng giữa hoạt động chuyển giao vũ khí cho Ukraine với nỗ lực ngoại giao với Nga để tìm kiếm lệnh ngừng bắn.
Trong thư, các nghị sĩ đảng Dân chủ cho hay họ hiểu khó khăn khi đàm phán với Nga, nhưng thêm rằng "nếu có cách chấm dứt chiến tranh trong khi vẫn đảm bảo một Ukraine tự do và độc lập, trách nhiệm của Mỹ là theo đuổi mọi phương án ngoại giao để ủng hộ một giải pháp có thể chấp nhận được với người Ukraine".
Dù đã được nhóm nghị sĩ rút lại ngay sau đó, bức thư đã khiến một số đảng viên Dân chủ cảm thấy bất ngờ, trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra vào ngày 8/11, nhằm định đoạt đảng nào sẽ kiểm soát lưỡng viện quốc hội.
Nội bộ đảng Dân chủ đang tranh cãi về quyết định rút lại bức thư. Nghị sĩ Ro Khanna, đảng viên Dân chủ cấp tiến, nói ông không ủng hộ động thái này.
"Tôi nghĩ bức thư là chuyện thường tình. Tôi ủng hộ cam kết trang bị vũ khí cho Ukraine và tiếp tục tài trợ cho họ, nhưng tôi cũng cho rằng chúng ta có nguy cơ đối mặt chiến tranh hạt nhân. Bạn không nghĩ đối tác của chúng ta nên đàm phán với Nga sao? Họ nên đảm bảo rằng tình hình sẽ không leo thang", ông Khanna nói.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy nói rằng đàm phán quá sớm với Nga tiềm ẩn nguy cơ "hợp pháp hóa hành động" của Moskva và khiến Ukraine mất nhiều phần lãnh thổ.
Các trợ lý của ông Biden đã loại trừ ý tưởng thúc đẩy Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga, nói rằng đó là vấn đề mà Kiev phải tự quyết định. Họ tuyên bố không biết cuộc chiến sẽ kết thúc thế nào hoặc khi nào, vì điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào Ukraine.
Nhưng ngày càng nhiều nghị sĩ và chuyên gia chính sách đối ngoại thách thức lập trường đó, cho rằng Nga sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào một cách nghiêm túc trừ khi Mỹ chấp nhận đối thoại với họ.
"Rủi ro trong chiến lược hỗ trợ Ukraine của Mỹ là nó không xác định cách thức cụ thể để kết thúc cuộc chiến", George Beebe, giám đốc chiến lược tại Viện Quincy, nói.
Bức thư của 30 nghị sĩ Dân chủ cấp tiến cũng cho thấy trong khi lưỡng đảng ủng hộ Ukraine, một số thành viên quốc hội Mỹ đang lo lắng về tương lai cuộc chiến, dù nhóm này hiện là thiểu số.
Viễn cảnh về phe Cộng hòa giành lại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ và nhiều nghị sĩ ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump sẽ nêu lại khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" sẽ khiến chính quyền ông Biden phải lo lắng.
Kevin McCarthy, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện, tuần trước cảnh báo nếu đảng của ông giành lại quyền kiểm soát quốc hội, Mỹ sẽ không tiếp tục ủng hộ Ukraine "không giới hạn".
McCarthy không phải thành viên Cộng hòa duy nhất có quan điểm hoài nghi về nỗ lực ủng hộ Ukraine. James David Vance, người đang tranh cử ghế thượng nghị sĩ đại diện bang Ohio, từng nói ông không thực sự quan tâm tới những gì xảy ra ở Ukraine trước xung đột, thêm rằng Mỹ nên lo lắng nhiều hơn về dòng người di cư ở biên giới phía nam. Những quan điểm như của Vance thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông bảo thủ ở Mỹ.
Các cuộc khảo sát cho thấy sự ủng hộ của công chúng Mỹ với xung đột Ukraine đang giảm dần. Cuộc thăm dò gần đây của Pew cho thấy tỷ lệ người Mỹ rất lo lắng cho Ukraine đã giảm từ 55% hồi tháng 5 xuống còn 38% vào tháng 9. Khoảng 32% người Cộng hòa nói rằng Mỹ đang ủng hộ quá nhiều cho cuộc chiến, tăng từ mức 9% hồi tháng 3.
Mỹ đã đề xuất viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine. Thượng viện hồi tháng 5 bỏ phiếu thông qua hơn 40 tỷ viện trợ quân sự và nhân đạo, khoản đầu tư lớn nhất vào Ukraine cho đến nay.
Tất cả đảng viên Dân chủ ở hai viện đều ủng hộ gói viện trợ đó, nhưng dấu hiệu bất đồng đang xuất hiện ở phe Cộng hòa, khi 57 trong số 212 đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện và 11 trong số 50 thành viên Cộng hòa ở Thượng viện bỏ phiếu chống.
Giới quan sát nhận định những gợn sóng phản đối sự ủng hộ "vô tận" của Mỹ trong xung đột Ukraine đang lớn dần ở cả hai đảng ngay trước thềm bầu cử giữa kỳ.
"Ngay cả một dấu hiệu nhỏ về sự suy giảm quyết tâm của Mỹ cũng có thể khiến Nga hài lòng, khi Moskva tin rằng Ukraine và những nước châu Âu phụ thuộc khí đốt Nga sẽ phải hứng chịu một mùa đông nhiều khó khăn phía trước", bình luận viên Collinson nhận định.
Thanh Tâm (Theo CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét