Chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của Ba Lan và Hungary từng rất gắn bó, nhưng trở nên lạnh nhạt vì bất đồng trong xung đột Ukraine.
Tháng 12/2021, các lãnh đạo chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ Ba Lan đón tiếp một số chính trị gia cực hữu nổi bật nhất ở châu Âu, trong đó có Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Sau hội nghị ở Warsaw, nhóm các lãnh đạo ra tuyên bố chống lại nỗ lực "tạo ra một quốc gia châu Âu mới" và đưa ra những cam kết sẽ tăng cường hợp tác cùng nhau tại nghị viện châu Âu.
Chỉ vài tháng sau hội nghị thượng đỉnh Warsaw, chính phủ Ba Lan và Hungary, hai nước được ví như "tri kỷ" về ý thức hệ trong Liên minh châu Âu (EU) suốt nhiều năm, đã quay lưng với nhau vì xung đột Nga - Ukraine.
Trong khi Ba Lan là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine nhiệt thành nhất, kêu gọi trừng phạt cứng rắn hơn với Nga, thì lãnh đạo Hungary lại gọi Tổng thống Volodymyr Zelensky là "đối thủ" của mình và đổ lỗi cho EU gây ra lạm phát, khủng hoảng năng lượng vì chính sách trừng phạt Nga.
Rạn nứt trở nên rõ ràng nhất hồi tháng 4, khi Jarosław Kaczynski, chính trị gia quyền lực nhất Ba Lan, Chủ tịch đảng Công lý và Pháp luật (PiS) cầm quyền, mô tả lập trường của Thủ tướng Orban về Ukraine là "rất đáng buồn" và "gây thất vọng".
Nơi hậu trường, các nhà ngoại giao Ba Lan không ngần ngại bày tỏ nỗi thất vọng của mình về Hungary.
"Thành thật mà nói, tôi không thể hiểu logic trong lập trường của Hungary", một nhà ngoại giao cấp cao Ba Lan nói. Ông này cho rằng Nhóm Visegrad, liên minh 4 quốc gia Trung Âu gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia, đã không còn tồn tại.
Ba Lan gần đây đã nỗ lực "chìa cành ô liu" với Hungary và nối lại hợp tác với nước này, nhưng không đạt kết quả.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tháng trước nói rằng nước này hy vọng có thể trở lại hợp tác trong khuôn khổ Nhóm Visegrad, nhằm mở lại cánh cửa cải thiện quan hệ với Hungary.
Wojciech Przybylski, biên tập viên của tạp chí Visegrad Insight, cho biết ông Morawiecki có lẽ đang tìm cách thăm dò dư luận Ba Lan, nhưng trước thềm cuộc bầu cử năm 2023, ông không thể bỏ qua khuynh hướng thân Nga của một số chính trị gia Hungary, trong đó có Thủ tướng Orban.
Theo Przybylski, các lãnh đạo Ba Lan muốn "cải cách và hợp tác" với Thủ tướng Orban, nhưng họ không thể làm vậy cử tri Ba Lan ngày càng mất thiện cảm với lãnh đạo Hungary kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ.
Một cuộc thăm dò do tổ chức YouGov, trụ sở tại Anh, thực hiện gần đây đã cho thấy khác biệt trong dư luận hai nước đối với xung đột Nga - Ukraine. Trong khi 65% người Ba Lan ủng hộ việc duy trì các lệnh trừng phạt chống lại Nga, chỉ 32% người Hungary ủng hộ chính sách này của EU. Tương tự, 3/4 người Ba Lan đổ lỗi cho Nga về cuộc chiến, so với chỉ 35% người Hungary.
"Ba Lan coi xung đột Nga - Ukraine là một vấn đề an ninh, nhưng chính phủ Hungary không thực sự nghĩ như vậy", Zsuzsanna Vegh, chuyên gia tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, nhận xét. "Chính phủ Hungary vẫn không thực sự coi Nga là một mối đe dọa an ninh trực tiếp. Về vấn đề này, hai nước không nhìn thấy bất kỳ điểm chung nào".
Sau nhiều tháng lạnh nhạt, Hungary cũng đang cố gắng hàn gắn với nước láng giềng. Sau cuộc bầu cử hồi tháng 5, tân Tổng thống Hungary Katalin Novak đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Warsaw trong nỗ lực củng cố liên minh.
Trái ngược với tuyên bố Nhóm Visegrad đã chết, Slovakia tuần trước tổ chức một hội nghị quy tụ tổng thống 4 nước trong nhóm để thảo luận về an ninh khu vực và khủng hoảng năng lượng.
Nhưng trong cuộc họp báo sau sự kiện, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova đã chỉ ra quan điểm không nhất quán của Nhóm Visegrad về viện trợ quân sự cho Ukraine. Những mâu thuẫn này lại bộc lộ vào ngày 17/10, khi Hungary bỏ phiếu trắng về việc thành lập một phái bộ của EU để huấn luyện quân đội Ukraine.
Rạn nứt Ba Lan - Hungary chỉ là dấu hiệu mới nhất cho thấy khác biệt ngày càng lớn giữa bộ tứ Trung Âu, giới quan sát đánh giá.
Nhưng bất chấp những khác biệt về cuộc xung đột ở Ukraine, Ba Lan và Hungary vẫn chia sẻ quan điểm về pháp quyền cũng như vai trò của các thể chế EU.
Tháng trước, các nghị sĩ đảng PiS đã cùng với các đảng dân tộc chủ nghĩa khác đã bỏ phiếu chống lại một nghị quyết của quốc hội châu Âu chỉ trích chế độ bầu cử ở Hungary. Ba Lan và Hungary vẫn có thể tái xây dựng mối quan hệ dựa trên một đặc điểm giống nhau là cả hai đều có nguy cơ bị EU tước tài trợ do những quan ngại về tham nhũng và nguy cơ nền tư pháp bị chính trị hóa, theo giới chuyên gia.
"Sự gần gũi về ý thức hệ" giữa các đảng cầm quyền Ba Lan và Hungary có thể mang lại cho họ một chương trình nghị sự chung "khi họ tiếp tục cái gọi là cuộc chiến chống lại Brussels", chuyên gia Vegh nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng khi chiến sự ở Ukraine tiếp diễn, khác biệt trong chính sách với Nga đang tạo rào cản cho cơ hội "làm hòa" giữa Ba Lan và Hungary. "Tôi không nghĩ rằng hai quốc gia từng là tri kỷ có thể dễ dàng hóa giải và vượt qua rào cản này vào thời điểm hiện tại", ông Vegh nhận định.
Vũ Hoàng (Theo Guardian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét