Nhân chứng nói số người tập trung trên cây cầu ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, quá đông, dẫn đến quá tải và cầu sập chỉ trong vài giây.
Giới chức thị trấn Morbi, bang Gujarat hôm nay cho biết đã vớt được 120 thi thể trong vụ sập cầu treo tối 30/10 và số người chết dự kiến tăng lên. Theo giới chức, gần 500 người, bao gồm phụ nữ và trẻ em, đang tập trung trên và xung quanh cầu để tham dự lễ hội ánh sáng Diwali của Hindu giáo khi thảm họa xảy ra.
Cảnh quay trên truyền hình cho thấy hàng chục người bám vào dây cáp và những phần còn lại của cây cầu bắc qua sông Machchhu khi lực lượng cứu hộ cố giải cứu họ. Một số người trèo lên phần còn lại của cầu tìm đường đến bờ sông, trong khi những người khác bơi đến nơi an toàn.
Prateek Vasava, người đã bơi đến bờ sông sau khi rơi từ trên cầu xuống, nói với kênh tin tức 24 Hours Gujarati rằng anh đã chứng kiến một số trẻ em rơi xuống sông. "Tôi muốn kéo vài người trong số họ bơi cùng vào bờ, nhưng họ đã chết đuối hoặc bị cuốn trôi", anh nói, thêm rằng cây cầu sập chỉ trong vài giây.
Người đứng đầu cơ quan nội vụ bang Harsh Sanghavi cho biết hơn 150 người đứng trên cầu khi nó bị sập. "Nhiều trẻ em đang tận hưởng kỳ nghỉ lễ Diwali và các em đến đây với tư cách du khách. Tất cả các em đều bị ngã đè lên người khác. Cây cầu bị sập do quá tải", một nhân chứng cho hay.
Cây cầu dài 230 mét được khánh thành năm 1880, khi Ấn Độ vẫn là thuộc địa của Anh. Nó đã bị đóng cửa để tu sửa trong 6 tháng và mới được đưa vào hoạt động trở lại tuần trước dù không có chứng nhận an toàn. Video được ghi lại một ngày trước thảm họa cho thấy cầu rung lắc dữ dội.
Giới chức đã phát động chiến dịch cứu hộ sau vụ sập, với thuyền và thợ lặn được triển khai để tìm kiếm những người mất tích. Hàng chục binh sĩ Lục quân và Hải quân Ấn Độ cũng được điều động tham gia chiến dịch giải cứu.
Tai nạn do cơ sở hạ tầng cũ và được bảo trì kém, bao gồm cầu, khá phổ biến ở Ấn Độ. Năm 2016, vụ sập cầu vượt trên một con phố đông đúc ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal khiến ít nhất 26 người chết. Lực lượng cứu hộ đã kéo gần 100 người bị thương ra khỏi những tấm bê tông và kim loại khổng lồ.
Năm 2011, ít nhất 32 người thiệt mạng khi cây cầu chật kín đám đông dự lễ hội bị sập ở đông bắc Ấn Độ. Chưa đầy một tuần sau, khoảng 30 người thiệt mạng khi cây cầu bắc qua sông ở bang Arunachal Pradesh bị sập.
Năm 2006, ít nhất 34 người thiệt mạng khi cây cầu 150 năm tuổi bị sập trên một đoàn tàu chở khách trong nhà ga ở bang Bihar, miền Đông nước này.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét