Đánh vào tình cảnh khó khăn và nỗi xấu hổ của nạn nhân, nhiều công ty cho vay online ở Campuchia dụ phụ nữ vay tiền với lãi suất cao, sử dụng hình ảnh khỏa thân làm vật thế chấp.
Nhiều phụ nữ Campuchia trở thành nạn nhân của các công ty cho vay nặng lãi trực tuyến.
Trong đại dịch, bà mẹ 3 con Vanna (không phải tên thật), đã phải dùng tiền tiết kiệm để trả các khoản vay cũ khi mở nhà hàng ở thành phố Kampot. Ngập trong nợ nần, nhà hàng đóng cửa, người phụ nữ 37 tuổi bị thu hút trước một quảng cáo của "Loanly Internet" trên Facebook. Cô có thể nhận 50 USD với tư cách là khách hàng vay lần đầu tiên trong thời kỳ khủng hoảng.
"Nhưng tôi cần nhiều hơn thế. Bên cho vay nặng lãi đồng ý đưa tôi 1.000 USD nếu tôi cung cấp ảnh và một video khỏa thân để chúng cho vào hệ thống. Tôi không muốn làm điều đó vì thấy xấu hổ, nhưng tôi không còn lựa chọn", cô nói với South China Morning Post. Quyết định đưa ra do hoàn cảnh tài chính ngặt nghèo vẫn còn ám ảnh cô nhiều tháng sau đó.
Nhiều hộ gia đình trên khắp Đông Nam Á đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ do đại dịch Covid-19. Tình hình còn tệ hơn khi lạm phát toàn cầu khiến giá cả mọi thứ tăng mạnh, từ trứng, mì đến xăng dầu.
Ở Campuchia, cơn khủng hoảng lại trở thành cơ hội cho những kẻ cho vay nặng lãi. Chúng nhận thấy ngày càng nhiều người cần tiền mặt gấp nhưng không có tài sản đảm bảo để đi vay ngân hàng.
Giống nhiều con nợ khác, Vanna dần dần thấy bản thân lún sâu vào các khoản nợ với Loanly. Sau khi nhận ảnh khỏa thân, Loanly chỉ đưa lại cho cô 500 USD, cho biết một nửa được dùng khấu trừ trước các khoản lãi khác. Cuối cùng cô đành vay thêm 1.000 USD.
Loanly tính lãi suất 20%/tuần, tăng gấp đôi sau mỗi tuần và có thể lên tới 80% giá trị khoản vay cho mỗi tháng chưa thanh toán. Theo luật Campuchia, điều này là bất hợp pháp, cụ thể, bên cho vay hợp pháp và ngân hàng chỉ có thể tính lãi suất tối đa 1,5%/tháng hay 18%/năm.
Thủ đoạn tàn nhẫn
Với vũ khí là mạng xã hội, việc săn lùng khách hàng chưa bao giờ dễ dàng đến vậy với những kẻ cho vay nặng lãi ở Campuchia. Loanly Internet là một trong những nhóm cho vay tiền trực tuyến nhắm đến các con mồi trên Facebook và Telegram qua những cái tên như "Monkey Loan", "Happy", và "Tiger and Lion Loan". Theo các nạn nhân, nhóm này do người Malaysia và Trung Quốc điều hành.
Ngay khi bị nhà chức trách điều tra, một số biến mất khỏi các trang web và xuất hiện lại dưới tên mới. Tất cả áp dụng chung một chiêu thức hoạt động tàn nhẫn: thu hút nạn nhân bằng tiền "tươi" sau đó đe dọa, tống tiền để tăng gấp 4 số tiền của mình.
Nhiều phụ nữ gặp khó khăn tài chính sau đại dịch, phải tìm đến vay nợ. Ảnh minh họa: Xinhua.
"Khi tôi không trả được tiền đúng hạn vào đầu tháng 8, chúng đã gửi những bức ảnh và video khỏa thân cho con gái 16 tuổi và con trai 14 tuổi của tôi", Vanna kể.
Những tuần sau đó, các con ngày càng xa cách và đối xử thiếu tôn trọng với Vanna.
Tổ chức nhân quyền LICADHO đã công bố một báo cáo cảnh báo về sự nguy hiểm của cho vay nặng lãi trong nền kinh tế hậu đại dịch. Báo cáo cho biết một số phụ nữ Campuchia mà tổ chức này từng nói chuyện đã bị Loanly Internet dụ dỗ gửi ảnh khỏa thân để làm vật đảm bảo khoản vay.
"Những phụ nữ này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hành vi đe dọa. Một số muốn tự tử và lo lắng cho cuộc sống hôn nhân hay sự an toàn của con cái mình", báo cáo cho biết.
Trong khi đó, Loanly Internet đã biến mất khỏi các kho ứng dụng địa phương song vẫn hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội. Tổng cục Thuế Campuchia cho biết các công ty cho vay trực tuyến cần có giấy phép hoạt động từ Ngân hàng Quốc gia Campuchia.
"Tôi không thấy có hồ sơ hay đăng ký thuế của các công ty nói trên", ông Kong Vibol, người đứng đầu cơ quan, nói, cho biết thêm đang điều tra những công ty này và sẽ "hành động" sau khi xác định được ai đứng đằng sau.
Bài học đắt giá
Theo Chea Pov, người đứng đầu bộ phận điều tra tội phạm công nghệ cao Campuchia, nạn nhân của những kẻ cho vay nặng lãi thường không dám báo cảnh sát vì xấu hổ. Báo cáo sự việc cho các tổ chức phi chính phủ cũng không thể giúp họ đưa loại tội phạm này ra pháp luật.
"Chúng tôi cần bằng chứng, nếu họ không nộp, chúng tôi không thể làm gì được", vị này cho biết và nói thêm hầu hết nạn nhân không muốn chia sẻ những hình ảnh đã gửi kẻ cho vay nặng lãi.
Tuy nhiên, có một mạng lưới tên Virtues of Life đã tập hợp hơn 100 nạn nhân nữ, chia sẻ những câu chuyện về nợ nần, sự đe dọa, các thủ đoạn tống tiền mà những nhóm cho vay nặng lãi sử dụng và xây dựng hệ thống bằng chứng chống lại các công ty bất hợp pháp.
Một nạn nhân tên Sar Pisey đã chia sẻ đoạn video cô ghi lại khi một chi nhánh của Loanly Campuchia yêu cầu cô trả thêm 3.000 USD, ngoài số tiền lãi 2.000 USD mà cô đã trả cho khoản vay 6.750 USD.
Nhiều công ty cho vay bất hợp pháp lôi kéo con mồi qua mạng xã hội. Ảnh: Shutterstock.
"Tôi đã trả hơn 8.000 USD trong 2 tháng. Tôi nói với người đại diện bên đó rằng cô ta có thể đến nói chuyện trực tiếp với tôi cũng như tôi sẵn sàng đối mặt bất kỳ vụ kiện nào họ đưa ra". Sar cho biết thêm một tên cầm đầu người Malaysia đã cắt ngang cuộc điện thoại, hét lên những lời đe dọa cô.
Nhiều thành viên khác của mạng lưới cũng thu thập bằng chứng tương tự và ghi lại các cuộc gọi của mình.
Ngày 1/9, cảnh sát tỉnh Kandal đã bắt giữ 2 người đàn ông với cáo buộc gian lận cho vay dưới tên công ty Diaman 55. Một người mang quốc tịch Campuchia, làm nhiệm vụ phiên dịch cho công ty, một là công dân Malaysia 41 tuổi. Cảnh sát cho biết vụ án được phá nhờ bằng chứng từ một nạn nhân.
Đối với Vanna, việc vay tiền online đã dạy cho cô bài học nhớ đời, khi một công ty lợi dụng tình trạng dễ bị tổn thương của cô với tư cách là trụ cột gia đình trong thời điểm khủng hoảng tài chính.
Giờ đây, cô biết bản thân cũng phải đối mặt với nỗi đau hàng ngày của một người mẹ xấu hổ trước mặt các con mình.
"Cuộc sống của tôi trở nên tồi tệ hơn từ khi vay tiền. Không ai trong gia đình muốn nói chuyện với tôi nữa", cô nói.
Theo Zing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét