Căng thẳng giữa Washington và các đồng minh phương Tây ngày càng tăng, khi giới chức Mỹ cho rằng EU chần chừ hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
Tại cuộc họp tuần trước với các quan chức châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi họ đẩy nhanh tốc độ và tăng số tiền viện trợ cho Ukraine, theo một nguồn thạo tin. Vấn đề này một lần nữa được bà Yellen đưa ra trong cuộc họp sau đó với các bộ trưởng tài chính của Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Denys Shmyhal cũng đã đưa ra lời kêu gọi tương tự trong cuộc họp của Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 12/10.
Dự báo của WB mới đây cho biết nền kinh tế Ukraine sẽ giảm 35% trong năm nay, trong khi các quan chức tài chính Ukraine nói lạm phát có thể chạm ngưỡng 40% vào năm tới, tiến sát mốc "siêu lạm phát" theo định nghĩa của các nhà kinh tế.
Ngay cả khi tình hình trên chiến trường đang có lợi thế cho Ukraine, xuất khẩu của quốc gia này đã giảm mạnh, hàng triệu người phải chạy trốn chiến sự và nhiều cơ sở hạ tầng, gồm cả lưới điện, bị tấn công.
Hỗ trợ quốc tế không đủ bù đắp những tổn thất mà Ukraine đang gánh chịu. Ông Zelensky hôm 12/10 cho biết Ukraine cần tới 38 tỷ USD viện trợ kinh tế từ phương Tây cho ngân sách năm tới. Con số này không bao gồm 350 tỷ USD bổ sung mà WB ước tính cần thiết cho công cuộc tái thiết lâu dài của Ukraine hậu chiến tranh.
Mỹ đã giải ngân 8,5 tỷ USD viện trợ kinh tế cho Ukraine và dự kiến bổ sung 4,5 tỷ USD vào cuối năm nay. Trong khi đó, giới chức Mỹ cho biết EU mới giải ngân gần 3 tỷ USD vốn vay, dù con số cam kết là gần 11 tỷ USD.
"Chúng tôi kêu gọi các đối tác và đồng minh cùng tham gia bằng cách nhanh chóng giải ngân các khoản tiền theo cam kết với Ukraine và nỗ lực nhiều hơn nữa, vừa để hỗ trợ Ukraine tiếp tục các dịch vụ thiết yếu của chính phủ, vừa giúp họ bắt đầu tái thiết", bà Yellen nói hôm 11/10.
Ngày 12/10, bà Yellen nhấn mạnh sự cần thiết phải giải ngân nhanh chóng các khoản viện trợ trực tiếp, thay vì các khoản vay, để giúp Ukraine. Những bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ dường như ám chỉ tới EU, nơi các quốc gia gần như hoàn toàn hỗ trợ Ukraine thông qua các khoản vay.
"Các nhà tài trợ cần làm nhiều hơn nữa. Quy mô và thành phần gói hỗ trợ phải được cải thiện", bà nói.
Các quan chức Mỹ và Ukraine đều cẩn trọng để không gây xích mích với các đồng minh châu Âu bằng những lời chỉ trích gay gắt, nhưng vẫn muốn truyền đạt thái độ không hài lòng của họ đối với tiến trình viện trợ chậm chạp của EU.
"Tôi biết họ rất thất vọng", một cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói. "Mỹ muốn thấy châu Âu giải ngân viện trợ nhanh hơn nhiều".
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Nuyts Veerle bác bỏ ý kiến cho rằng EU đã giải ngân chậm hoặc không đủ. Veerle cho biết cam kết chung của châu Âu cho Ukraine, không chỉ gồm EU mà còn cả các quốc gia thành viên và các tổ chức tài chính như Ngân hàng Đầu tư châu Âu, lên tới khoảng 18,5 tỷ USD.
Ngoài khoản viện trợ quân sự, Ủy ban châu Âu cũng cam kết giải ngân gần 10 tỷ USD hỗ trợ kinh tế khẩn cấp cho Ukraine vào cuối năm nay. Dù phần lớn các khoản hỗ trợ là dưới hình thức cho vay, chúng có những điều khoản rất có lợi cho Ukraine, theo Veerle.
EU khó đưa ra quyết định hỗ trợ Ukraine nhanh chóng một phần bởi họ phải có sự đồng thuận từ các nước thành viên, trong khi Mỹ có thể phê duyệt các khoản chi mà không cần tham khảo ý kiến từ nước khác.
"EU đã chào đón và chăm sóc hàng triệu người tị nạn từ Ukraine. Tất cả những điều này cũng cần được tính đến khi thảo luận về hỗ trợ tổng thể dành cho Ukraine", một quan chức châu Âu nói. "Ngoài ra, EU đã đưa ra những cam kết lâu dài cho kế hoạch tái thiết EU hậu xung đột. Đối với chúng tôi, đây không phải là cuộc đua hay cuộc thi sắc đẹp. Hỗ trợ Ukraine là lợi ích sống còn của chúng tôi và chúng tôi quyết tâm làm nhiều nhất có thể để giúp Ukraine chiến thắng và tái thiết đất nước".
EU đang phải đối mặt với những thách thức riêng trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu u ám. Châu Âu đứng trước nguy cơ suy thoái nghiêm trọng vào mùa đông này khi Nga bóp nghẹt nguồn cung năng lượng để trả đũa các lệnh trừng phạt. Lạm phát ở châu Âu không có dấu hiệu giảm và giá năng lượng đã tăng cao hơn ở Mỹ.
Nhưng tình hình kinh tế ở Ukraine còn tồi tệ hơn và các cảnh báo gần đây ngày càng nghiêm trọng, bất chấp những thắng lợi trên chiến trường.
Nguồn thu thuế của Ukraine hiện tại gần như dành hoàn toàn cho các hoạt động quân sự, buộc chính phủ phải in tiền mới, khiến lạm phát tăng và giá trị đồng tiền giảm. Lạm phát đã vượt trên 30% và đồng hryvnia của Ukraine giảm khoảng 70% giá trị, theo Maryan Zablotsky, thành viên ủy ban tài chính thuộc quốc hội Ukraine. Tổng thống Ukraine hôm 12/10 cho biết thu nhập điều chỉnh theo lạm phát của người dân nước này đã giảm hơn 1/3.
"Chúng tôi hiểu rất nhiều nước phương Tây có những vấn đề riêng, nhưng viện trợ hiện tại hầu như không đủ nuôi sống người dân Ukraine", Zablotsky nói.
Kenneth Rogoff, nhà kinh tế Harvard và cựu nhà kinh tế trưởng của IMF, lo ngại lạm phát ở Ukraine tiếp tục tăng vọt trong vòng 6 tháng tới một năm tới nếu không có hỗ trợ bổ sung.
"Họ trong tình cảnh tuyệt vọng đến mức bạn không thể tưởng tượng được. Dù thắng lợi trên chiến trường, nền kinh tế của họ đang thua lỗ", Rogoff nói. "Người châu Âu nên giúp đỡ nhiều hơn. Tôi không quan tâm họ có đang đối mặt suy thoái hay không. Ukraine đang trong một cuộc chiến để bảo vệ biên giới châu Âu".
Những bình luận của Yellen phản ánh nỗi thất vọng của Mỹ với viện trợ kinh tế mà châu Âu dành cho Ukraine, theo Jacob Kirkegaard, thành viên cấp cao Quỹ German Marshall của Mỹ và Viện Peterson. Mỹ đã cam kết cung cấp 1,5 tỷ USD mỗi tháng cho chính phủ Ukraine vào năm tới.
Ủy ban châu Âu gần đây đưa ra cam kết tương tự, nhưng đối mặt nhiều hoài nghi từ các chuyên gia quốc tế về khả năng thực hiện, bởi họ đến nay vẫn chưa hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.
"Họ đã không sẵn sàng tham gia như mức mà Mỹ mong muốn. Bạn có thể thấy rõ điều đó khi đọc những tuyên bố của bà Yellen", Kirkegaard nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét