Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

Bangladesh sơ tán hàng trăm nghìn người trước bão

Chính quyền Bangladesh hôm nay sơ tán hàng trăm nghìn người trước bão Sitrang dự kiến đổ bộ vào miền nam sáng mai.

Cơ quan Thời tiết Bangladesh cho hay bão Sitrang di chuyển với vận tốc 88 km/h dự kiến đổ bộ gần thị trấn Khepupara, miền nam Bangladesh, vào sáng 25/10. Giới chức e ngại bão sẽ làm mực nước dâng cao hơn thủy triều bình thường tới ba mét, gây ngập lụt khu vực sinh sống của hàng triệu người.

Tình nguyện viên Hiệp hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Bangladesh dùng loa kêu gọi người dân sơ tán và tìm nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: Facebook/Hiệp hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Bangladesh.

Tình nguyện viên Hiệp hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Bangladesh dùng loa kêu gọi người dân sơ tán và tìm nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: Facebook/Hiệp hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Bangladesh.

Giới chức các huyện ven biển Patuakhali, Bhola, Barguna và Jhalakathi cho hay khoảng 400.000 người sinh sống ở các đảo và thôn xóm vùng duyên hải phải sơ tán.

"Chúng tôi đã lên kế hoạch sơ tán 250.000 người. Có 703 nơi trú bão trong huyện và nhiều tòa nhà cao tầng. Chúng tôi sẽ hoàn thành việc sơ tán trong tối nay", Kamal Hossain, quan chức huyện Patuakhali, nói.

Shahinur Rahman, phát ngôn viên Hiệp hội Trăng lưỡi liềm Đỏ, cho hay hiệp hội đã huy động hàng chục nghìn tình nguyện viên, sử dụng loa phóng thanh để cảnh báo người dân và giúp dân làng sơ tán.

Bangladesh sơ tán hàng trăm nghìn người trước bão

Ảnh hưởng của bão Sitrang tại bãi biển Patenga, Vịnh Bengal, miền nam Bangladesh, ngày 24/10. Video: Twitter/Business Standard.

Đảo Bhashan Char, nơi chính quyền Bangladesh bố trí làm nơi ở cho hàng nghìn người tị nạn Rohingya, dự báo sẽ hứng chịu mưa lớn và gió mạnh.

"Các nơi trú ẩn ở Bhashan Char được bờ kè cao gần 6 mét bảo vệ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn yêu cầu mọi người ở yên trong nhà", một quan chức an ninh cấp cao có mặt tại hòn đảo cho hay.

Các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu khiến bão xảy ra dữ dội và thường xuyên hơn. Liên Hợp Quốc và các tổ chức dân sự nhận định Bangladesh, đất nước đông dân và nằm thấp dưới mực nước biển, là một trong những nước bị các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ đầu thế kỷ 21.

Năm 2020, bão Amphan, siêu bão thứ hai từng ghi nhận ở Vịnh Bengal, đã khiến hơn 100 người ở Bangladesh và Ấn Độ thiệt mạng, ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người.

Hồi tháng 5, lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra ở đông bắc Ấn Độ và Bangladesh, ảnh hưởng đến 9 triệu người và khiến hơn 300 người thiệt mạng.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét