Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

Biểu tình phản đối chiến sự Hamas - Israel tại Thượng viện Mỹ

Người biểu tình làm gián đoạn phiên điều trần của Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Austin tại Thượng viện, kêu gọi Mỹ dừng hỗ trợ cho Israel.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hôm nay điều trần trước Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện, kêu gọi thông qua viện trợ quân sự hàng tỷ USD cho Israel, Ukraine và chi phí an ninh khác.

Hơn 20 người đứng xem phía sau đã giơ bàn tay được tô màu đỏ lên, tượng trưng cho máu đổ ở Dải Gaza. Một số người viết thông điệp "tự do cho Gaza" trên cánh tay, giơ biển "không chi thêm tiền cho Israel", số khác kêu gọi "ngừng bắn ngay lập tức".

Ngoại trưởng Blinken phải tạm ngừng phát biểu vài lần khi cảnh sát can thiệp, áp giải một số người biểu tình ra ngoài.

Biểu tình phản đối chiến sự Hamas - Israel tại Thượng viện Mỹ

Người biểu tình cản trở Ngoại trưởng Blinken phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện ngày 31/10. Video: Guardian

Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó đề nghị quốc hội thông qua ngân sách 105 tỷ USD cho an ninh, trong đó có 14,3 tỷ USD viện trợ cho đồng minh Israel.

Israel đã phong tỏa và tập kích Gaza từ ngày 7/10 để đáp trả Hamas bất ngờ tấn công miền nam nước này gây thương vong lớn và bắt hàng loạt con tin.

Israel và Hamas "giao tranh ác liệt" tại Dải Gaza trong ngày 31/10, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết hôm nay. Lực lượng Israel đã tấn công 300 mục tiêu và hạ hàng chục thành viên Hamas, thu giữ nhiều vũ khí. Hai hai binh sĩ Israel thiệt mạng, hai binh sĩ bị thương trong các chiến dịch.

Sau 24 ngày chiến sự, hai bên ghi nhận hơn 9.900 người chết, hơn 26.400 người bị thương. Liên Hợp Quốc cảnh báo tình hình nhân đạo tại Gaza đang ngày càng trầm trọng, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới lo ngại một "thảm họa y tế công cộng" có thể xảy ra.

Như Tâm (Theo AFP, Reuters)

Adblock test (Why?)

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

Lý do Mike Pence hụt hơi trong cuộc đua vào Nhà Trắng

Mike Pence, từng được xem là đối thủ nặng ký của ông Trump, rời cuộc đua vào Nhà Trắng khi không thể át được ảnh hưởng của cựu tổng thống.

Mike Pence, cựu phó tổng thống Mỹ, ngày 28/10 tại Las Vegas bất ngờ tuyên bố rút khỏi cuộc đua giành vé đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ với lý do cuộc bầu cử lần này "không phải thời điểm của tôi".

Quyết định của Mike Pence khiến không ít người bất ngờ. Matt Brooks, trưởng ban tổ chức hội nghị tại Las Vegas cho các nhà tài trợ của Liên minh Do Thái đảng Cộng hòa, đã dành 15 phút thảo luận với Pence trước bài diễn văn nhưng cựu phó tổng thống Mỹ cũng không hé môi nửa lời về ý định bỏ cuộc.

Ông Mike Pence tại hội nghị thường niên các nhà tài trợ của Liên minh Do Thái đảng Cộng hòa ở thành phố Las Vegas, bang Nevada ngày 28/10. Ảnh: Reuters

Ông Mike Pence tại hội nghị thường niên các nhà tài trợ của Liên minh Do Thái đảng Cộng hòa ở thành phố Las Vegas, bang Nevada ngày 28/10. Ảnh: Reuters

Dù vậy, giới quan sát cho rằng đây là quyết định hợp lý của cựu phó tổng thống, khi chiến dịch tranh cử của ông đã chững lại suốt nhiều tháng, dù ban đầu ông được xem là đối thủ nặng ký của cựu tổng thống Donald Trump để trở thành ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa.

Khi nộp hồ sơ tranh cử lên Ủy ban Bầu cử Liên bang hôm 5/6, Pence hội đủ những yếu tố của một "ứng viên trong mơ" trên cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông từng là một nghị sĩ, một thống đốc bang lớn ở miền trung tây nước Mỹ, cũng như đảm nhiệm chức phó tổng thống trong 4 năm.

Thông thường, những ứng viên Cộng hòa có hồ sơ ấn tượng như vậy sẽ có khả năng giành đề cử của đảng rất lớn. Nhưng đảng Cộng hòa hiện nay không giống với trước đây, khi cái bóng của ông Trump dường như đang lấn át tất cả.

Trong hơn 4 tháng qua, Pence tập trung vận động tranh cử bằng lập trường truyền thống của phe bảo thủ, đồng thời tranh thủ cảm tình từ nhóm cử tri sùng đạo tại Mỹ. Tuy nhiên, chiến thuật này không đủ hấp dẫn với đa số cử tri Cộng hòa, vốn đang hưởng ứng mạnh mẽ những thông điệp dân túy của ông Trump hơn là câu chuyện giá trị cốt lõi của đảng.

Chính Pence đã góp phần khai thông làn sóng dân túy này trong đảng Cộng hòa, khi quyết định từ bỏ ủng hộ thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz, quay sang với Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Đối diện nguy cơ thất bại trong bầu cử thống đốc bang Indiana năm đó, Pence nhận lời làm phó tướng cho Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ca ngợi ngôi sao mới nổi của đảng Cộng hòa là "tiếng nói đại diện cho hàng triệu người lao động Mỹ đang bất bình trước tình trạng trì trệ tại Washington".

Nhưng trong cuộc bầu cử năm 2021, Pence đổi phe một lần nữa, từ chối lời kêu gọi "lật kèo" bầu cử của ông Trump để chọn bảo vệ giá trị truyền thống trên chính trường Mỹ.

Hành động này đã khiến hình ảnh của Pence trong lòng nhiều cử tri Cộng hòa thay đổi hoàn toàn. Từ một người được coi là "cận vệ trung thành" của ông Trump suốt 4 năm nhiệm kỳ, Pence đột nhiên bị những người ủng hộ Trump gọi là "kẻ phản bội", một số thậm chí hô hào khẩu hiệu "treo cổ Pence" trong vụ bạo loạn Đồi Capitol.

Hai năm sau, mọi thứ vẫn chưa lắng xuống. Trong một số sự kiện tranh cử của Pence, một số cử tri Cộng hòa vẫn tiếp tục la ó, chỉ trích ông. Ông trở thành "cái gai" trong mắt không ít cử tri Cộng hòa trung thành với cựu tổng thống Mỹ.

Trong chiến dịch vận động tranh cử mang tên "Giải phóng tương lai nước Mỹ", Pence chủ yếu nhắm đến cộng đồng cử tri Cộng hòa sùng đạo tại bang Iowa, với hy vọng giành thắng lợi trong vòng bầu cử sơ bộ đầu tiên và tạo bàn đạp thu hút thêm cử tri lẫn nguồn hỗ trợ tài chính.

"Bất cứ ai từng đặt mình lên trên hiến pháp Mỹ không nên trở thành tổng thống Mỹ, và bất cứ ai yêu cầu người khác làm điều đó cũng không nên được bầu lại làm người lãnh đạo nước Mỹ", ông Pence từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.

Nhưng ông thất thế trước ông Trump ngay trên chiến trường trọng điểm. Phần lớn cử tri lao động không mấy mặn mà về thông điệp chính trị khô khan và "công lao" của Pence khi bảo vệ nền tảng chính trị quốc gia trong cuộc bầu cử năm 2021.

Trong buổi vận động bầu cử tuần trước ở thị trấn Sidney phía nam bang Iowa, Pence phải "diễn thuyết" trong hiệu thuốc địa phương trước chưa đến 30 cử tri, khiến ông hứng chịu nhiều bình luận mỉa mai trên mạng xã hội. Jimmy Kimmel, người dẫn chương trình châm biếm chính trị trên đài ABC, gọi đó là "bức ảnh buồn nhất trong lịch sử bầu cử".

Ông Pence phát biểu trước cử tri trong hiệu thuốc ở thị trấn Sidney, bang Iowa tuần trước. Ảnh: Politico

Ông Pence phát biểu trước cử tri trong hiệu thuốc ở thị trấn Sidney, bang Iowa tuần trước. Ảnh: Politico

Donald Trump, dù đang chịu sức ép pháp lý từ nhiều vụ kiện và điều tra từ cấp bang đến liên bang, đã có 8 chuyến vận động tranh cử ở Iowa, với sự kiện gần nhất diễn ra vào ngày 29/10, trong đó những người ủng hộ kéo tới chật kín nhà hát Orpheum tại thành phố Sioux để nghe ông diễn thuyết.

Không chỉ không đọ lại sức ảnh hưởng của Trump tại Iowa, Pence cũng không nổi trội so với những cái tên còn lại của đảng Cộng hòa trong bầu cử sơ bộ. Thống đốc Florida Ronald DeSantis nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri bang nhà, đồng thời củng cố uy tín trong đảng bằng những chính sách thực tế về kiểm soát nhập cư hay quản lý nội dung "cánh tả" trong sách giáo khoa.

Những thông điệp trọng tâm gần đây của Pence lại nhắm vào ủng hộ viện trợ Ukraine và Israel, vốn không cử tri Cộng hòa quan tâm, bởi họ chú ý nhiều hơn về tình hình trong nước và nền kinh tế. Pence đến nay mới nhận được sự ủng hộ chính trị từ hai nghị sĩ bang nhà Indianna, trong đó một người là em ruột.

Cựu phó tổng thống Mỹ đã nhiều lần thừa nhận bối cảnh đảng Cộng hòa hiện nay khiến thông điệp tranh cử "bảo thủ truyền thống" của mình ngày càng khó thuyết phục cử tri.

Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động tài chính của Pence. Trong quý III, bộ máy vận động tranh cử của ông quyên góp được 3,3 triệu USD, nhưng còn nợ 600.000 USD.

Bản thân cựu phó tổng thống Mỹ đã phải chi 150.000 USD tiền túi cho chiến dịch. Forbes vào tháng 7 ước tính tổng tài sản của Mike Pence trị giá khoảng 4 triệu USD, chủ yếu gồm lương hưu, hợp đồng viết sách và diễn văn tính phí sau khi rời Nhà Trắng.

Giới quan sát bầu cử Mỹ từ tuần trước đã dự báo Pence không đạt đủ mức yêu cầu 70.000 người quyên góp để tham gia buổi tranh luận thứ ba của đảng Cộng hòa tại Florida, dự kiến diễn ra vào ngày 8/11.

Một mạnh thường quân ủng hộ Pence hồi giữa tháng 10 đã bày tỏ lo ngại về mức vận động tài chính "thảm bại" của cựu phó tổng thống Mỹ, cho rằng chiến dịch tranh cử thậm chí không đủ khả năng trả nợ sau khi Pence rút khỏi cuộc đua.

Những người ủng hộ Pence cho biết họ đã nhận ra điều đó sau cuộc tranh luận vòng hai của đảng Cộng hòa hồi tháng 9.

Larry Post, một cựu quản lý ngân sách ở Beverly Hills, California, cho rằng hành động chống lại Trump của Pence trong vụ bạo loạn Đồi Capitol đã ảnh hưởng nặng nề tới khả năng vận động tranh cử của cựu phó tổng thống. "Đó là khi ông ấy quyết định đối đầu với Trump về những gì ông ấy cho là đúng và nên làm", Post nói.

Đến những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, Pence vẫn kiên quyết phản đối tầm nhìn của ông Trump về cách vận hành đất nước, cũng như không đồng tình với chiến thuật "bắt chước Trump" của một bộ phận thành viên đảng Cộng hòa hiện nay. Ông cho rằng mình tranh cử không chỉ để trở lại Nhà Trắng, mà còn để góp tiếng nói vào tương lai của đảng Cộng hòa.

"Chúng ta đang đứng giữa cuộc tranh luận về đảng Cộng hòa liệu sẽ giữ vững cương lĩnh chính trị bảo thủ và dựa trên những suy xét khôn ngoan, vốn đã định hình đường hướng hoạt động hơn 50 năm qua, hay chúng ta sẽ cúi đầu trước chủ nghĩa dân túy và đi chệch hướng những nguyên tắc truyền thống", ông bình luận trên đài NBC vào đầu tháng 10.

Thanh Danh (Theo Politico, NBC)

Adblock test (Why?)

Thành phố từng bao ăn ở cho du khách 1.000 năm trước

Trung QuốcHơn 1.000 năm trước, Trường An là đô thị duy nhất trên thế giới có dân số hơn một triệu người và nơi đây đã áp dụng chính sách bao ăn ở cho du khách.

Trường An với lịch sử 3.000 năm là kinh đô của 13 triều đại trong lịch sử Trung Quốc, nay là thành phố Tây An. Trong thời gian hoàng kim, Trường An từng là thành phố lớn nhất và đông dân nhất thế giới.

Trường An đặc biệt phồn thịnh dưới thời Đường (618-907), triều đại cởi mở, chào đón người nước ngoài đến sinh sống cùng với dân bản địa, trở thành trung tâm giao lưu văn hóa quốc tế. Trí thức các nước đua nhau tới Trường An tham quan, du lịch.

Thành phố phồn thịnh nhất thế giới hơn 1.000 năm trước

Video: Pear

Adblock test (Why?)

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

Vụ gặp nạn bí ẩn của tàu ngầm hạt nhân Mỹ 55 năm trước

Tàu ngầm USS Scorpion chở 99 người đã chìm dưới Đại Tây Dương khi thực hiện nhiệm vụ tình báo vào tháng 5/1968, nguyên nhân tàu gặp nạn vẫn chưa được xác định.

USS Scorpion là tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Skipjack, thuộc thế hệ tàu ngầm mới của Mỹ sau Thế chiến II, được thiết kế để di chuyển với tốc độ cao dưới nước.

USS Scorpion đi vào hoạt động ngày 19/12/1959. Ngày 29/7/1960, Scorpion được biên chế và sau đó khởi hành từ New London, bang Connecticut cho đợt triển khai đầu tiên dài hai tháng ở vùng biển châu Âu.

Sau những chuyến đi đầu tiên, Scorpion dành phần lớn thời gian ở Norfolk, bang Virginia để phát triển và hoàn thiện khả năng tác chiến dưới biển. Tàu ngầm này được sử dụng trong các cuộc tập trận dọc theo bờ biển Đại Tây Dương cho đến vùng biển Bermuda và Puerto Rico. Thời điểm đó, Scorpion được xem là tàu ngầm hàng đầu của Mỹ.

Scorpion dài hơn 76 m, có lò phản ứng hạt nhân Westinghouse S5W cung cấp nguồn điện 11.000 kilowatt, cho phép nó di chuyển dưới nước với tốc độ khoảng 61 km/h.

USS Scorpion được trang bị ống phóng ngư lôi 533 mm, vũ khí chống tàu ngầm và chống hạm, cùng hai ngư lôi hạt nhân. Khi căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô leo thang đỉnh điểm trong Chiến tranh Lạnh, Scorpion được xem là phương tiện phòng thủ và tấn công rất có giá trị với Mỹ.

Tàu ngầm USS Scorpion (SSN-589). Ảnh: Wikimedia Commons

Tàu ngầm USS Scorpion (SSN-589). Ảnh: Wikimedia Commons

Song thời gian hoạt động của Scorpion không kéo dài. Scorpion được yêu cầu đại tu toàn diện sau gần 7 năm hoạt động. Vào tháng 2/1967, việc sửa chữa tàu bắt đầu ở căn cứ tại Norfolk, Virginia. Song Mỹ không thể để một trong những tàu ngầm hiệu quả nhất dừng hoạt động lâu như yêu cầu của cuộc đại tu.

Căng thẳng Chiến tranh Lạnh leo thang khiến Mỹ yêu cầu sửa chữa tàu Scorpion nhanh chóng. Đến tháng 10/1967, Scorpion sẵn sàng ra khơi lần nữa với sĩ quan chỉ huy mới, trung tá Francis Slattery. Thủy thủ đoàn cũng trải qua khóa huấn luyện để sẵn sàng cho khởi đầu mới của Scorpion.

Ngày 15/2/1968, USS Scorpion ra khơi cùng thủy thủ đoàn 99 người để tới Địa Trung Hải. Hoạt động ban đầu với Hạm đội 6 diễn ra theo đúng kế hoạch. Song khi Scorpion chuẩn bị trở về vào ngày 20/5, thủy thủ đoàn bất ngờ được giao thực hiện nhiệm vụ tình báo.

Mục tiêu là chặn thông tin của lực lượng đặc nhiệm hải quân Liên Xô ở phía tây nam quần đảo Canary, ngoài khơi châu Phi. Liên Xô được cho là đang tiến hành thu thập tín hiệu âm thanh tàu chiến NATO trong khu vực.

Scorpion rất phù hợp với nhiệm vụ này vì nó vốn được thiết kế để khó bị phát hiện khi hoạt động. Thủy thủ đoàn liên lạc qua tín hiệu vô tuyến ngày 21/5, báo cáo rằng họ đang cách quần đảo Azores hơn 400 km về phía tây nam và dự kiến trở về căn cứ ngày 27/5.

Nhưng sau đó, Scorpion biệt vô âm tín. Tại căn cứ Norfolk, các nhân viên liên lạc ngày càng lo lắng. "Trong hai năm rưỡi làm việc ở đây, tôi chưa từng thấy chuyện này xảy ra. Các đại úy và đô đốc tán loạn tìm kiếm thông tin. Chuyện này thật điên rồ. Thủy thủ đoàn đã bị ngắt toàn bộ liên lạc", Ken Larbes, nhân viên liên lạc, nói.

Ngày 27/5/1968, ngày trở về của tàu theo dự kiến, gia đình của các thành viên thủy thủ đoàn tập trung tại cảng chờ đợi người thân, song tàu ngầm Scorpion không xuất hiện.

Hạm đội Đại Tây Dương tiến hành cuộc tìm kiếm ngày 28-30/5, với sự tham gia của 55 tàu chiến và 35 máy bay, song không có kết quả. Tới ngày 5/6, tàu Scorpion và thủy thủ đoàn được tuyên bố mất tích.

Cuối tháng 10/1968, tàu nghiên cứu hải dương Mizar của hải quân Mỹ đã xác định được xác tàu Scorpion dưới đáy đại dương ở độ sâu hơn 3.000 m và cách Azores khoảng 740 km về phía tây nam.

Một nhóm điều tra được triệu tập cùng tàu ngầm Trieste II tới hiện trường để thu thập hình ảnh và dữ liệu. Tàu Scorpion đã cày xới một rãnh sâu dưới đáy đại dương. Con tàu không còn nguyên vẹn, trung tâm điều khiển bị phá hủy từ bên trong. Tháp điều khiển của tàu ở phía trên cũng bị xé toạc.

Một phần xác tàu ngầm USS Scorpion dưới đáy đại dương. Ảnh: Wikimedia Commons

Một phần xác tàu ngầm USS Scorpion dưới đáy đại dương. Ảnh: Wikimedia Commons

Báo cáo của hải quân Mỹ cho rằng có khả năng ngư lôi bị kích hoạt nhầm đã phóng ra từ tàu Scorpion rồi quay lại tấn công chính tàu này. Tuy nhiên, trung úy Rob Saxon, người đã thực hiện 9 lần lặn để điều tra xác tàu Scorpion năm 1969, không tìm thấy bằng chứng cho thấy tàu bị trúng ngư lôi. Các cửa ngư lôi của tàu vẫn được đóng kín nên không thể có khả năng ngư lôi đã bị kích hoạt.

Nhóm phân tích cấu trúc (SAG), bao gồm các chuyên gia của hải quân Mỹ, cho rằng giả thuyết xảy ra vụ nổ trên tàu là không khả thi. Họ lập luận rằng nếu có vụ nổ dưới nước, các bong bóng nước sẽ xuất hiện. Nhưng họ không thấy điều đó trong trường hợp của Scorpion.

Năm 1970, một ủy ban khác của hải quân Mỹ cũng bác bỏ giả thuyết tàu gặp nạn do ngư lôi. Họ nói Scorpion có thể bị đắm do lỗi cấu trúc, khiến nước bị rò vào bên trong tàu ngầm và nhấn chìm nó.

Vào giữa những năm 1990, Stephen Johnson, nhà báo điều tra của Houston Chronicle, đã thu được vài nghìn trang tài liệu thông qua Đạo luật Tự do Thông tin liên quan tới cuộc đại tu tàu Scorpion. Johnson phát hiện tàu ngầm này đã bị cắt giảm thời gian bảo dưỡng, khi cả quá trình chỉ diễn ra trong 8 tháng cùng chi phí 3 triệu USD thay vì trung bình 24 tháng và khoảng 23 triệu USD như thường lệ.

Trước đợt triển khai cuối cùng, sĩ quan Dan Rogers đã rời khỏi thủy thủ đoàn của Scorpion, với lý do lo ngại về an toàn của tàu khi không được đại tu đầy đủ. Johnson cũng phát hiện nhiều lá thư của thành viên thủy thủ đoàn về những lo ngại cho tình trạng của tàu ngầm Scorpion.

Một giả thuyết khác cho vụ chìm tàu Scorpion là nó đã đối đầu với Liên Xô trong nhiệm vụ bí mật. Mike Hannon, cựu nhân viên liên lạc vô tuyến tại căn cứ tàu ngầm, nói USS Scorpion đã bị đánh chìm sau một cuộc chạm trán với tàu ngầm Liên Xô. Hệ thống giám sát âm thanh tuyệt mật của hải quân Mỹ (SOSUS) đã phát hiện tàu ngầm Liên Xô nhanh chóng rời khu vực, theo Hannon.

Phóng viên quân sự Ed Offley từng phát hành cuốn sách ủng hộ giả thuyết này vào năm 2007 với tên gọi Scorpion Down. Song những báo cáo chính thức trong những năm sau vụ chìm tàu Scorpion cung cấp rất ít bằng chứng cho giả thuyết rằng đây là do vụ đối đầu với Liên Xô.

Năm 2012, tổ chức Submarine Veterans của Mỹ kiến nghị điều tra lại vụ chìm tàu Scorpion nhưng bị từ chối.

Vị trí xác tàu ngầm Scorpion và Thresher. Đồ họa: Freethoughtblogs

Vị trí xác tàu ngầm Scorpion và Thresher. Đồ họa: Freethoughtblogs

Dù nhiều giả thuyết được đưa ra, không ai biết chính xác chuyện gì đã xảy ra với tàu ngầm và thủy thủ đoàn.

Scorpion bị chìm đánh dấu chiếc tàu ngầm thứ hai của Mỹ gặp nạn kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Năm 1963, tàu ngầm USS Thresher bị chìm khi đang kiểm tra khả năng lặn sâu trong cuộc tập trận gần Cape Cod, bang Massachusetts năm 1963, khiến 129 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Vụ tai nạn đã thúc đẩy hải quân Mỹ thực hiện chương trình an toàn tàu ngầm nghiêm ngặt SUBSAFE để ngăn các thảm họa tương lai. Song điều đó không giúp Mỹ ngăn được vụ chìm tàu USS Scorpion.

Xác tàu Scorpion và lò phản ứng hạt nhân của nó hiện vẫn nằm ở Bắc Đại Tây Dương. Nhà hải dương học Robert Ballard của hải quân Mỹ năm 1985 thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh xác tàu Scorpion và Thresher. Dữ liệu của Ballard cho thấy các lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm an toàn dưới đáy đại dương và không có tác động đến môi trường.

Nhiệm vụ kiểm tra hai tàu ngầm này đã là bước đệm giúp Ballard tìm ra xác tàu Titanic, con tàu chở khách khổng lồ chìm dưới đáy Đại Tây Dương năm 1912 do đâm vào băng trôi, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng.

Thanh Tâm (Theo ATI, Irish Central)

Adblock test (Why?)

Ông Netanyahu xin lỗi vì đăng bài chê trách tình báo Israel

Thủ tướng Benjamin Netanyahu công khai xin lỗi sau khi cáo buộc tình báo Israel thất bại trong việc cảnh báo về cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10.

"Chưa bao giờ, trong bất kỳ trường hợp nào, Thủ tướng Netanyahu được cảnh báo về ý định phát động cuộc tấn công của Hamas", lãnh đạo Israel viết trên mạng xã hội X đêm 28/10. "Trái lại, tất cả các quan chức an ninh, trong đó có cả người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự và người đứng đầu cơ quan an ninh nội địa Shin Bet, đều tin rằng Hamas đã bị kiềm chế".

"Đây là đánh giá được tất cả các quan chức an ninh và cộng đồng tình báo đệ trình lên Thủ tướng và nội các nhiều lần, cho đến khi xung đột nổ ra", Thủ tướng Netanyahu nói thêm.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc họp báo ở Tel Aviv ngày 28/10. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc họp báo ở Tel Aviv ngày 28/10. Ảnh: Reuters

Bài viết được đăng vài tiếng sau khi ông Netanyahu tổ chức một cuộc họp báo, trong đó phóng viên đã hỏi lãnh đạo Israel rằng liệu Thủ tướng có được cảnh báo về nguy cơ xảy ra cuộc tấn công hay không. Bài đăng bị xóa vào sáng 29/10 và ông Netanyahu đã viết thông điệp xin lỗi ngay sau đó.

"Tôi đã sai", ông cho hay. "Những điều tôi đăng sau buổi họp báo đáng lẽ không được phép nói ra và tôi xin lỗi vì việc này".

"Tôi hoàn toàn ủng hộ tất cả những người đứng đầu cơ quan an ninh. Tôi ủng hộ tham mưu trưởng quân đội, các chỉ huy và binh sĩ của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang ở mặt trận và chiến đấu cho quê hương chúng ta. Cùng nhau, chúng ta sẽ giành chiến thắng", Thủ tướng Netanyahu cho biết thêm.

Tại cuộc họp báo hôm 28/10, ông Netanyahu nói rằng Israel đã hứng chịu một "thất bại khủng khiếp" trước các cuộc tấn công của Hamas và việc này "sẽ được xem xét kỹ lưỡng". "Sẽ không có hòn đá nào bị bỏ sót. Hiện tại, nhiệm vụ của tôi là cứu đất nước và dẫn dắt binh lính giành chiến thắng hoàn toàn trước Hamas cũng như các thế lực đối địch", ông tuyên bố.

IDF gần đây mở các đợt tiến công cục bộ nhằm vào Dải Gaza, trong đó có các đợt tấn công chớp nhoáng nhằm vào miền bắc và miền trung khu vực. Chiến dịch được đẩy mạnh hôm 27/10, khi quân đội Israel tăng cường không kích và điều binh sĩ và xe tăng vào Gaza, tập trung nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng, trong đó có mạng lưới đường hầm. Hamas cho hay đã giao chiến với binh sĩ Israel. IDF nói rằng đây chưa phải là chiến dịch tổng lực trên bộ mà họ lên kế hoạch.

Thủ tướng Netanyahu tuyên bố cuộc chiến với Hamas ở Gaza sẽ "kéo dài và khó khăn" nhưng Israel sẵn sàng đương đầu. Ông nhấn mạnh Israel "chỉ mới ở bước khởi đầu" và sẽ "tiêu diệt kẻ thù cả trên lẫn dưới mặt đất", ám chỉ hệ thống đường hầm của Hamas.

Vũ Hoàng (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Israel 'dừng cơn giận điên cuồng'

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kêu gọi Israel "dừng cơn giận điên cuồng", chấm dứt tấn công Gaza, khiến Tel Aviv phản ứng bằng cách triệu hồi đại diện ngoại giao.

"Các cuộc ném bom của Israel vào Dải Gaza đã gia tăng đêm qua và một lần nữa nhắm vào phụ nữ, trẻ em, dân thường vô tội, đồng thời làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đăng trên mạng xã hội X ngày 28/10. "Israel phải dừng ngay cơn giận điên cuồng này và chấm dứt các cuộc tấn công".

Ông Erdogan cũng kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc tuần hành ủng hộ người Palestine ở thành phố Istanbul do đảng AKP bảo thủ Hồi giáo của ông tổ chức.

"Chúng tôi tuyên bố rõ ràng rằng sẽ sát cánh cùng người dân Palestine chống lại cuộc đàn áp của Israel", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu tại Ankara ngày 11/10. Ảnh: AFP

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu tại Ankara ngày 11/10. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Israel Eli Cohen sau đó thông báo nước này đã triệu hồi một số phái viên ngoại giao tại Thổ Nhĩ Kỳ vì "những tuyên bố nghiêm trọng" của Ankara. "Tôi đã yêu cầu triệu hồi các đại diện ngoại giao để đánh giá lại mối quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ", ông Cohen đăng trên X.

Trong hai thập niên nắm quyền, ông Erdogan nhiều lần bày tỏ quan điểm ủng hộ người Palestine, nhưng chính quyền của ông năm ngoái khôi phục quan hệ ngoại giao với Israel. Ông đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lần đầu vào tháng 9.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 25/10 thông báo hủy kế hoạch thăm Israel với lý do cuộc chiến "vô nhân đạo" ở Gaza. Ông cũng mô tả lực lượng Hamas không phải nhóm khủng bố, mà là "những người giải phóng" chiến đấu vì đất đai của họ. Chính phủ Israel đã bày tỏ phẫn nộ trước những phát biểu này.

Israel liên tục không kích Dải Gaza để đáp trả cuộc đột kích của Hamas khiến hơn 1.400 người chết hôm 7/10. Quân đội Israel hôm 27/10 tuyên bố sẽ mở rộng các hoạt động trên không và trên bộ vào Dải Gaza. Dịch vụ Internet và thông tin liên lạc đã bị cắt ở khu vực này. Một ngày sau, Israel thông báo cuộc chiến với Hamas chuyển sang "giai đoạn mới", bộ binh nước này duy trì hoạt động ở Gaza thay vì rút về sau tập kích.

Hiện giao tranh giữa hai bên đã khiến tổng cộng 9.400 người thiệt mạng, hơn 25.000 người bị thương. 2,3 triệu cư dân của Gaza đang vật lộn với tình trạng thiếu lương thực, nước và thuốc men.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 27/10 thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn nhân đạo, nhưng Ngoại trưởng Israel Cohen gọi nghị quyết này là "đáng khinh" và bác bỏ văn kiện.

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters, Anadolu)

Adblock test (Why?)

Ông Mike Pence từ bỏ tranh cử tổng thống Mỹ

Cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, nói rằng lúc này "không phải thời điểm của tôi".

Ông Pence được đón tiếp nồng nhiệt khi bước lên phát biểu tại hội nghị thường niên các nhà tài trợ của Liên minh Do Thái đảng Cộng hòa ở thành phố Las Vegas, bang Nevada ngày 28/10, song gây bất ngờ khi trở thành ứng viên lớn đầu tiên của cuộc đua vào Nhà Trắng tuyên bố dừng chiến dịch tranh cử.

"Đi khắp đất nước 6 tháng qua, tôi có mặt tại đây để nói rằng rõ ràng lúc này không phải thời điểm của tôi", ông Pence, 64 tuổi, nói. "Sau nhiều lời cầu nguyện và cân nhắc, tôi đã quyết định dừng chiến dịch tranh cử tổng thống", ông cho hay.

Những người tham dự hội nghị đều bất ngờ trước quyết định của cựu phó tổng thống, sau đó là những tiếng vỗ tay kéo dài.

"Tôi kêu gọi tất cả người Cộng hòa ở đây hãy mang đến cho đất nước chúng ta một lãnh đạo mang tiêu chuẩn đảng Cộng hòa. Đó cũng phải là người lãnh đạo đất nước bằng sự nhã nhặn", cựu phó tổng thống Mỹ nói thêm, dường như ngầm chỉ trích ông Donald Trump. Mối quan hệ giữa ông Pence và ông Trump đã rạn nứt vào cuối nhiệm kỳ, khi ông Trump thực hiện các nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử 2020.

Ông Mike Pence tại hội nghị thường niên các nhà tài trợ của Liên minh Do Thái đảng Cộng hòa ở thành phố Las Vegas, bang Nevada ngày 28/10. Ảnh: Reuters

Ông Mike Pence tại hội nghị thường niên các nhà tài trợ của Liên minh Do Thái đảng Cộng hòa ở thành phố Las Vegas, bang Nevada ngày 28/10. Ảnh: Reuters

Việc ông Pence rút khỏi chiến dịch tranh cử gây bất ngờ, nhưng chỉ là vấn đề thời gian. Dù đã có danh tiếng và kinh nghiệm chính trường, chiến dịch tranh cử của ông vẫn không thu hút nhiều cử tri và nhà tài trợ. Nếu không rút khỏi cuộc đua, ông sẽ phải đối mặt việc không được mời tham gia cuộc tranh luận giữa các ứng viên sơ bộ ở thành phố Miami ngày 8/11 do không nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong các cuộc thăm dò.

Ông Pence tuyên bố tranh cử hồi tháng 6 nhưng bị đánh giá là nhà vận động thiếu sức thu hút, chiến dịch tranh cử của ông gần cạn tiền mặt trong tháng này. Ông cũng thất bại trong việc gây ấn tượng ở Iowa, một trong những bang đầu tiên tổ chức bầu cử sơ bộ, dù đã dành nhiều thời gian và tiền bạc tại đây.

Tổng số tiền gây quỹ trong quý ba của ông Pence tính đến ngày 15/10 cho thấy chiến dịch tranh cử của ông đang nợ 620.000 USD và có 1,2 triệu USD tiền mặt trong tay. Con số này kém hơn nhiều so với một số đối thủ Cộng hòa và không đủ cho cuộc đua vào Nhà Trắng.

Một số cựu phó tổng thống Mỹ từng tranh cử thành công vào Nhà Trắng, như ứng viên Cộng hòa George H.W. Bush năm 1988, ứng viên Dân chủ Al Gore năm 2000. Tổng thống Joe Biden cũng từng là phó tổng thống cho ông Barack Obama. Tuy nhiên, Pence không thể vượt qua nền tảng chính trị ủng hộ ông Trump, cũng như các đối thủ thu hút nhiều cử tri sơ bộ và các nhà tài trợ hơn, như cựu thống đốc Nam Carolina Nikki Haley và Thống đốc Florida Ron DeSantis.

Ông Trump chưa bình luận về thông báo rút lui của cựu phó tổng thống. Ứng viên Haley ca ngợi Pence là người đấu tranh cho Mỹ và Israel. DeSantis đăng trên mạng xã hội X rằng Pence là "người có nguyên tắc, luôn giữ vững đức tin, đã làm việc không biết mệt mỏi để thúc đẩy các giá trị bảo thủ".

Hôm 26/10, ứng viên đảng Cộng hòa Larry Elder, 71 tuổi, thông báo bỏ cuộc và bày tỏ ủng hộ ông Trump. Nhiều ứng viên sơ bộ của đảng Cộng hòa được cho là cũng sắp rút khỏi cuộc đua. Hiện ông Trump vẫn dẫn đầu với khoảng cách khá lớn so với các ứng viên còn lại.

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)

Adblock test (Why?)

Ám ảnh đeo bám người sống sót một năm sau thảm kịch Itaewon

Hye Minyi vẫn còn nhớ như in những gì đã xảy ra ở con hẻm Itaewon tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, vào đêm 29/10 năm ngoái.

Khu giải trí về đêm thời thượng ở trung tâm Seoul đã trở thành nơi chứng kiến một trong những thảm họa chết chóc nhất đất nước. Thảm kịch ngày 29/10/2022 xảy ra khi đám đông đổ vào một con hẻm chật hẹp. Một số người vấp ngã trên đường dốc, nhưng đám đông vẫn tiếp tục chen về phía trước, ngã chồng lên nhau, hết lớp này đến lớp khác, khiến 159 người thiệt mạng, phần lớn là thanh niên trong độ tuổi 20-30, và 196 người bị thương.

Hye, 22 tuổi, không thể quên cảnh tượng hoảng loạn lúc bấy giờ. Tất cả những người có mặt trong đám đông tuyệt vọng cố đứng vững và tìm không gian để thở. Mọi việc nhanh chóng vượt tầm kiểm soát.

"Khung cảnh trở nên hoàn toàn khác", Hye nói. Mọi người xung quanh "sợ hãi và la hét". Trong lúc đó, cô cũng cố gắng thoát ra nhưng bị ngã vật xuống đất.

"Tôi tưởng rằng có một kẻ giết người trong đám đông", Hye kể lại.

Bàn thờ dành cho các nạn nhân trong vụ giẫm đạp ở khu Itaewon, Seoul. Ảnh: Kyodo

Bàn thờ dành cho các nạn nhân trong vụ giẫm đạp ở Itaewon, Seoul. Ảnh: Kyodo

Từ nơi cô nằm trên mặt đất, Hye có thể nhìn thấy những người vật vã trong trang phục Halloween và nhiều người đã chết. "Thời gian trôi qua nhưng tôi không thể quên những gì đã xảy ra vào ngày Halloween đó", cô nói. "Tôi vẫn gặp ác mộng gần như mỗi đêm".

Hye bị gãy mắt cá chân và bầm tím nặng do bị giẫm đạp. Cô phải nằm viện nhiều tuần, chịu những cơn đau nửa đầu trong nhiều ngày.

Halloween được tổ chức rộng rãi tại phương Tây hàng năm vào ngày 31/10. Nguồn gốc của nó có từ hàng thế kỷ trước. Gần đây, ngày lễ này bắt đầu trở nên phổ biến ở châu Á.

Lễ hội Halloween được tổ chức ở hầu hết các thành phố lớn như Tokyo, Đài Bắc, Hong Kong, Thượng Hải hay Singapore. Nhưng thay vì dành cho trẻ nhỏ tới từng nhà xin kẹo, đây thường là cơ hội để giới trẻ hóa trang và tiệc tùng.

Sau vụ giẫm đạp Itaewon, hàng loạt khu giải trí về đêm trên khắp châu Á đang tăng cường các biện pháp bảo vệ nhằm ngăn chặn thảm kịch tương tự xảy ra.

Tại Nhật Bản, chính quyền khuyến khích giới trẻ tránh xa những khu vực đông đúc tại khu giải trí về đêm Shibuya, nơi đã trở thành một tụ điểm nổi tiếng trong đêm Halloween.

"Chúng tôi vô cùng lo ngại rằng thảm kịch Itaewon có thể lặp lại", lãnh đạo quận Shibuya Ken Hasebe nói. "Năm ngoái, chúng tôi đã yêu cầu mọi người cư xử đúng mực trong lễ Halloween nhưng năm nay, chúng tôi thậm chí còn quyết liệt hơn khi khuyến khích người dân không đến".

Uống rượu trên đường phố sẽ bị cấm từ 18h đến 5h sáng hôm sau vào ngày Halloween cũng như những ngày trước lễ. Các cửa hàng rượu trong khu vực lân cận được yêu cầu không bán rượu. Giới chức cũng sẽ tăng cường an ninh đường phố, điều động thêm cảnh sát và nhân viên bảo vệ để kiểm soát đám đông.

Giày của các nạn nhân được cảnh sát thu hồi tại hiện trường vụ giẫm đạp. Ảnh: AFP

Giày của các nạn nhân được cảnh sát thu hồi tại hiện trường thảm họa Itaewon. Ảnh: AFP

"Hàng năm vào dịp Halloween, khu vực xung quanh ga Shibuya đông đúc đến mức gần như không thể di chuyển được", Hasebe cho biết. "Đường phố Shibuya không phải nơi tổ chức tiệc tùng".

Tại thành phố Quảng Châu ở đông nam Trung Quốc, cơ quan quản lý tàu điện ngầm đã cấm "trang điểm và mặc quần áo đáng sợ" trên tàu để "ngăn chặn nguy cơ hoảng loạn".

"Vào lễ Halloween, nếu hành khách trang điểm đáng sợ, chúng tôi có thể yêu cầu họ tẩy trang trước khi vào nhà ga", thông báo từ cơ quan quản lý tàu điện ngầm cho hay. Các nhà ga sẽ dành riêng một số khu vực để hành khách có thể tẩy trang trước khi lên tàu.

Đêm ác mộng trong con hẻm tử thần ở Itaewon

Đêm ác mộng trong con hẻm Itaewon. Biên tập video: Ngọc Huyền

Vụ giẫm đạp ở Itaewon là thảm họa tồi tệ nhất ở Hàn Quốc kể từ sau vụ chìm phà năm 2014 khiến 304 người thiệt mạng, trong đó có 250 học sinh và giáo viên của trường trung học Danwon.

Giống như vụ chìm phà, thảm kịch Itaewon đã khiến chính phủ Hàn Quốc bị chỉ trích gay gắt. Các nhà phê bình cáo buộc họ phản ứng quá chậm và không chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra đêm đó.

Năm nay, họ quyết tâm không để bất kỳ tai nạn nào xảy ra, dù nhỏ nhất. Chính quyền Seoul đã công bố hàng loạt biện pháp "để đảm bảo một lễ Halloween an toàn", trong đó có việc triển khai hệ thống camera quan sát mới nhằm giám sát số lượng đám đông.

"Chúng tôi dự đoán rằng 14 khu vực ở Seoul, trong đó có Itaewon, sẽ khá đông đúc trong mùa Halloween", chính quyền thành phố cho biết trong một thông báo ngày 13/10.

"Ở mọi khu vực có khả năng tụ tập đông người, quy tắc giao thông một chiều sẽ được áp dụng. Nhân viên an ninh tại chỗ sẽ mặc áo phản quang và mang theo dùi cui", thông báo có đoạn. "Nếu một khu vực trở nên quá đông đúc, các chuyến tàu điện ngầm có thể bỏ qua địa điểm đó và việc tiếp cận đường bộ có thể bị hạn chế để đảm bảo đủ không gian cho người đi bộ. Ngoài ra, các hệ thống hỗ trợ y tế khẩn cấp sẽ được triển khai để chủ động ngăn chặn những sự cố an toàn".

Hiện tại, những dấu hiệu kinh hoàng về những gì đã diễn ra không còn lại nhiều ở Itaewon, ngoại trừ vài địa điểm tưởng niệm, như các bức tường dán những tờ giấy ghi chú chứa thông điệp tưởng nhớ người đã khuất.

Người đàn ông đứng trước bức tường dán những dòng ghi chú tưởng nhớ các nạn nhân tại Itaewon hôm 25/10. Ảnh: AFP

Người đàn ông đứng trước bức tường dán những tờ giấy ghi chú chứa thông điệp tưởng nhớ các nạn nhân tại Itaewon hôm 25/10. Ảnh: AFP

Sau thảm kịch, người dân địa phương cũng như khách du lịch đã quay trở lại các quán bar và nhà hàng tại đây, một phần nhờ các ưu đãi chính phủ nhằm hồi sinh hoạt động kinh tế của khu vực.

Nhưng đối với những người sống sót và gia đình đã mất người thân, khắp nơi đều là những ký ức đau buồn.

Một người sống sót họ Lee cho hay cô đã không quay lại Itaewon kể từ thảm kịch và đã cố gắng tránh xa mọi thông tin về Halloween. "Halloween năm nay sẽ là một khoảng thời gian khó khăn không chỉ với tôi mà còn với rất nhiều người khác", cô nói.

Lee và nhiều người sống sót khác cũng như gia đình họ vẫn chỉ trích chính quyền vì cho rằng họ đã thiếu trách nhiệm cả trước và sau thảm kịch.

Kim Ho-kyung, người có con gái chết trong vụ giẫm đạp, đã đọc lời nhắn gửi Tổng thống Yoon Suk-yeol trong một cuộc họp báo ngày 18/10 rằng tang quyến vẫn chờ "một lời xin lỗi chân thành". Bà mời Tổng thống đến dự một buổi lễ tưởng niệm do các nhóm dân sự và gia đình các nạn nhân tổ chức, dự kiến diễn ra vào 29/10.

Trên Facebook của mình một tuần sau, Bộ trưởng Nội vụ và An toàn Lee Sang-min "gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới những người đã thiệt mạng trong thảm họa ngày 29/10 một năm trước và cầu nguyện họ có thể yên nghỉ".

"Với tư cách Bộ trưởng phụ trách ứng phó thảm họa và an toàn, tôi cảm thấy ân hận vì đã không bảo vệ được mạng sống quý giá của người dân và thấy mình có trách nhiệm rất lớn. Cách duy nhất để đảm bảo rằng cái chết đáng tiếc của người đã khuất không vô ích là ngăn chặn sự việc như vậy tái diễn", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Lee và nhiều người khác nói rằng họ nghi ngờ liệu những bài học từ đêm kinh hoàng đó có thực sự được thấm nhuần hay không.

Có một điều rõ ràng với Lee là cô sẽ không bao giờ quay lại Itaewon. "Đối với tôi, Halloween và thảm kịch Itaewon có mối liên hệ không thể tách rời", cô nói. "Không thể nào nhìn thấy những hình ảnh gợi nhớ ở khắp mọi nơi mà không nghĩ về cái chết của những người bạn vào đêm đó".

Vũ Hoàng (Theo CNN)

Adblock test (Why?)

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2023

Tình bạn đã thúc đẩy tổng thống Mỹ Truman công nhận Israel

Eddie Jacobson chưa bao giờ yêu cầu người bạn thân là Tổng thống Mỹ Harry Truman giúp đỡ, nhưng vào tháng 3/1948, ông đã đưa ra lời khẩn cầu.

Trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, sáng 13/3/1948, Eddie Jacobson kêu gọi Tổng thống Truman gặp Chaim Weizmann, cựu lãnh đạo tổ chức Phục quốc Do Thái Thế giới và là thủ lĩnh tinh thần của phong trào này, để công nhận nhà nước Do Thái đầu tiên sau gần 2.000 năm.

"Ông phải gặp tiến sĩ Weizmann", Jacobson, doanh nhân Mỹ gốc Do Thái, nói với Truman, tổng thống thứ 33 của nước Mỹ. "Ông phải ủng hộ một nhà nước Do Thái độc lập".

Đề nghị này khiến Tổng thống Truman khó chịu và tức giận. Theo các nhà sử học, ông từng không ít lần chê bai người Do Thái trong các cuộc trò chuyện cá nhân. Ông thậm chí còn xoay ghế quay lưng lại với Jacobson. Sau đó, Jacobson nhìn thấy một bức tượng nhỏ tạc hình cố tổng thống Andrew Jackson trên lưng ngựa đặt trong phòng và quyết định đưa ra lời kêu gọi thêm lần nữa.

"Harry, ông có một anh hùng, Andrew Jackson. Tôi cũng có một anh hùng, Chaim Weizmann", Jacobson nói. "Ông ấy là người Do Thái vĩ đại nhất đương thời. Weizmann cao tuổi và ốm yếu nhưng đã đi cả chặng đường dài để gặp ông, vậy mà ông lại không đồng ý gặp ư? Điều đó không giống ông chút nào".

Truman gõ ngón tay lên bàn rồi xoay ghế lại. Ông đã thay đổi quyết định. "Được rồi, tên đầu hói cố chấp. Ông thắng. Tôi sẽ gặp Weizmann".

Lời chấp thuận đó dẫn đến một cuộc gặp bí mật giữa Truman và Weizmann vài ngày sau, trong đó, Tổng thống Mỹ hứa sẽ ủng hộ nỗ lực thành lập nhà nước Israel.

Tổng thống Harry S. Truman (giữa) nói chuyện với người bạn lâu năm Eddie Jacobson trong bữa tiệc tối vinh danh Jacobson ở thành phố Kansas, Missouri, ngày 27/12/1947. Ảnh: AP

Tổng thống Harry S. Truman (trái) nói chuyện với người bạn lâu năm Eddie Jacobson trong bữa tiệc tối vinh danh Jacobson ở thành phố Kansas, Missouri, ngày 27/12/1947. Ảnh: AP

Tình bạn giữa Truman và Jacobson bắt đầu ở thành phố Kansas, Missouri. Jacobson sinh ngày 17/6/1891, lớn lên ở khu Lower East Side, New York, trước khi chuyển đến thành phố Kansas. Cha mẹ ông là những người nhập cư Do Thái nghèo khó đến từ Litva.

Năm 1906, không lâu sau khi chuyển chỗ ở, Jacobson, thiếu niên 15 tuổi bỏ học, đang gửi biên lai thu tiền cho một cửa hàng bán đồ khô gần Ngân hàng Quốc gia Union thì gặp Truman, lúc bấy giờ là nhân viên kho tiền, 22 tuổi. Họ kết nối lại vào năm 1917 tại Fort Sill ở Oklahoma, nơi hai người được huấn luyện để tham gia Thế chiến I. Họ trở thành bạn và cùng nhau điều hành một canteen trong doanh trại để gây quỹ mua thêm thực phẩm, đồ dùng cho các đồng đội.

"Tôi có một người Do Thái phụ trách căng tin tên Jacobson và cậu ta rất tuyệt", Truman từng viết.

Sau cuộc chiến, họ lại hợp tác kinh doanh. Vào tháng 11/1919, Truman và Jacobson quyết định mở một cửa hàng bán quần áo, phụ kiện cho đàn ông ở trung tâm thành phố Kansas.

"Harry di chuyển rất nhiều và kết giao với nhiều người. Anh ấy không bao giờ ở lại cửa hàng cả ngày, anh ấy ra ngoài ăn trưa và giao lưu với mọi người", Ted Marks, bạn thân của tổng thống Truman, kể lại. "Eddie Jacobson thì ở lại cửa hàng, lo liệu buôn bán".

Nhưng việc kinh doanh thất bại, một phần do giá ngũ cốc sụt giảm năm 1921 đã giáng đòn vào nền kinh tế vùng Trung Tây Mỹ. Cuộc suy thoái sau chiến tranh đã khiến cửa hàng phải đóng cửa vào năm 1922.

"Jacobson và tôi lên giường đi ngủ với số hàng tồn kho trị giá 35.000 USD và thức dậy vào ngày hôm sau với khoản hao hụt 25.000 USD", Truman viết vào năm 1945. "Điều này khiến các hóa đơn phải trả và các khoản vay ngân hàng đến hạn nhanh tới mức chúng tôi phá sản".

Jacobson tuyên bố phá sản vào năm 1925 và khoản nợ tiếp tục đeo bám ông trong những năm tháng sau đó. Truman cũng phải vật lộn để trả nợ nhưng đã trả xong vào năm 1935, thời điểm ông trở thành thượng nghị sĩ bang Missouri. Hai người vẫn giữ liên lạc trong nhiều năm. Jacobson thường rủ Truman đi săn và câu cá trên sông Missouri.

Harry Truman trở thành phó tổng thống Mỹ trong chính quyền ông Franklin D. Roosevelt vào tháng 1/1945. Vào tháng 4 năm đó, ông Truman trở thành tổng thống khi ông Roosevelt qua đời.

Lãnh thổ Israel - Palestine hiện nay (trái) và do Liên Hợp Quốc đề xuất năm 1947. Đồ họa: Việt Chung

Lãnh thổ Israel - Palestine hiện nay (trái) và do Liên Hợp Quốc đề xuất năm 1947. Đồ họa: Việt Chung

Vương quốc Israel của người Do Thái được thành lập vào khoảng thế kỷ XI TCN. Năm 586 TCN, Babylon chinh phục nơi này và khu vực sau đó nằm dưới kiểm soát lần lượt của Ba Tư và Đế quốc La Mã. Từ năm 641, người Arab cai quản vùng đất trong 1.300 năm qua nhiều triều đại. Sự hiện diện của người Do Thái tại đây thu hẹp đáng kể, nhiều người sống lưu vong tại những nơi khác như châu Âu. Năm 1516, Đế quốc Ottoman chinh phục vùng đất và gọi nó là Palestine thuộc Ottoman.

Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái trỗi dậy từ năm 1881 khi những cộng đồng Do Thái tha hương mong mỏi trở về "Vùng đất Israel" và mưu cầu thành lập một nhà nước Do Thái. Nhiều người Do Thái từ châu Âu hay Nga đã về định cư tại Palestine thuộc Ottoman.

Sau khi Thế chiến I kết thúc, Anh đánh bại Ottoman, chiếm lấy khu vực và gọi nó là Lãnh thổ Ủy trị Palestine. Nơi đây có đa số người Arab Hồi giáo sinh sống trong khi cộng đồng Do Thái và Kitô giáo chiếm thiểu số. Tuy nhiên, sau Thế chiến II, dân số Do Thái tại đây tăng mạnh do những người Do Thái ở châu Âu đổ về vì thảm họa diệt chủng Holocaust, khiến ý tưởng về việc tạo ra ngôi nhà riêng cho người Do Thái được thúc đẩy.

Ngày 29/11/1947, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua kế hoạch phân chia Lãnh thổ Ủy trị Palestine thành hai quốc gia Do Thái (Israel) và Arab (Palestine) riêng biệt. Liên Hợp Quốc trao chế độ quốc tế đặc biệt cho thành phố Jerusalem. Bên Do Thái đồng ý kế hoạch này trong khi phía Arab phản đối, cho rằng việc phân định, chia cắt lãnh thổ của cộng đồng người Arab là "hành vi cướp đất".

Nguồn cơn xung đột Israel - Palestine

Nguồn cơn xung đột Israel - Palestine. Video: Vox

Để thu hút sự ủng hộ của Mỹ, các lãnh đạo phong trào Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái liên lạc với Jacobson để nhờ ông thuyết phục Tổng thống Truman gặp Weizmann.

Jacobson đã nói chuyện với Truman về những hành động tàn bạo xảy ra đối với người Do Thái trước và trong nạn diệt chủng Holocaust, nhưng ban đầu, Truman không dễ dàng đón nhận chủ đề một nhà nước Do Thái độc lập. Bộ Ngoại giao Mỹ khuyên ông Truman không công nhận Israel vì lo ngại phản ứng từ các nước Arab.

Khi Jacobson đề nghị Truman gặp Weizmann và xem xét việc công nhận nhà nước Israel, Tổng thống đã nổi giận và nói về việc một số người Do Thái đã đối xử với ông "thiếu tôn trọng và xấu tính" như thế nào. Jacobson đã rơi lệ khi tiếp tục thuyết phục Truman, theo Plain Speaking, cuốn tiểu sử về Truman xuất bản năm 1973 của tác giả Merle Miller.

"Ông từ chối gặp Weizmann vì ông đã bị một số lãnh đạo Do Thái ở Mỹ xúc phạm, mặc dù ông biết rằng Weizmann hoàn toàn không liên quan gì đến những lời lăng mạ đó", Jacobson nói. "Nghe có vẻ không giống ông lắm, Harry".

Cuối cùng, Truman mủi lòng và chấp nhận cuộc gặp. Weizmann là một nhà ngoại giao lão luyện. Ông nói với Truman: "Ông nắm trong tay cơ hội của mọi thời đại. Nếu ông có quyết định mạnh mẽ, ông sẽ đi vào lịch sử mãi mãi. Truman rất ấn tượng với điều này và ông gọi điện cho Warren Austin, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó đang chịu áp lực từ những người ủng hộ Arab. Austin đang đọc dở bài phát biểu về việc nước Mỹ muốn rút khỏi kế hoạch phân chia hai quốc gia thì nhận được cuộc gọi từ Truman. Sau khi nghe điện thoại, ông nói trước cuộc họp: "Tổng thống Truman đã chỉ thị cho tôi rằng Mỹ hoàn toàn ủng hộ kế hoạch phân chia đã được Liên Hợp Quốc thông qua và sẽ nỗ lực để nó được thực hiện".

Ngày 14/5/1948, Israel tuyên bố độc lập. 11 phút sau, Tổng thống Truman ra tuyên bố công nhận Israel. "Mỹ công nhận chính phủ lâm thời là cơ quan có thẩm quyền thực tế của nhà nước Israel mới", ông viết. Weizmann trở thành tổng thống đầu tiên của Israel.

Các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ ban đầu bất bình khi ông Truman đưa ra tuyên bố mà không báo trước cho họ. Tuy nhiên, tuyên bố này đã đánh dấu khởi đầu của mối quan hệ giữa Mỹ và Israel kéo dài hơn 75 năm qua, với hầu hết các đời tổng thống Mỹ đều cam kết ủng hộ nhà nước Do Thái.

Theo tờ Columbian Missourian, Tổng thống Truman đã nói tại buổi lễ khánh thành một nhà nguyện vào năm 1959 rằng "Jacobson là người có cống hiến thầm lặng trong việc thành lập chính phủ Israel".

Tổng thống Truman cầm bản sao Kinh Torah do Chaim Weizmann tặng ông ở Washington ngày 25/5/1948. Ảnh: AP

Tổng thống Truman cầm bản sao Kinh Torah do Chaim Weizmann (phải) tặng ông ở Washington ngày 25/5/1948. Ảnh: AP

Một số người muốn Jacobson trở thành lãnh đạo Israel nhưng ông đã gạt bỏ quan điểm này và nói với các phóng viên vào năm 1949 rằng ông "quá tự hào về quốc tịch Mỹ nên không thể đánh đổi nó để lấy bất kỳ chức vụ nào trên thế giới".

Jacobson qua đời vì một cơn đau tim vào năm 1955 ở tuổi 64. Khi ông Truman đến viếng Jacobson ở Kansas, ông đã suy sụp và hầu như không thể nói được gì. "Một trong những người bạn tốt nhất mà tôi có trên thế giới này", ông viết trong sổ lưu niệm tại nhà Jacobson. "Tôi không nghĩ có người nào khác ngoài gia đình mình mà tôi nhớ đến nhiều hơn Eddie Jacobson. Ông ấy là một người đáng kính. Ông ấy là một trong những người tuyệt nhất từng bước đi trên Trái Đất này".

Vũ Hoàng (Theo Washington Post)

Adblock test (Why?)

Israel, Hamas đấu khẩu về nghi vấn sở chỉ huy đặt dưới bệnh viện Gaza

Quân đội Israel cáo buộc Hamas đặt sở chỉ huy dưới bệnh viện lớn nhất ở Dải Gaza, trong khi đại diện của nhóm gọi đây là thông tin vô căn cứ.

Trong cuộc họp báo ngày 27/10, chuẩn đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), cáo buộc Hamas đặt một số khu phức hợp ngầm nằm dưới bệnh viện lớn nhất tại Dải Gaza là Al-Shifa ở thành phố Gaza, phía bắc dải đất. Các lãnh đạo của Hamas sử dụng cơ sở ngầm này để chỉ đạo những vụ tấn công nhằm vào Israel.

Theo chuẩn đô đốc Hagari, khu phức hợp ngầm có lối vào từ một trong các tòa nhà của bệnh viện Al-Shifa. Ngoài ra, cũng có đường hầm để vào cơ sở này từ bên ngoài bệnh viện.

Israel, Hamas đấu khẩu về nghi vấn sở chỉ huy đặt dưới bệnh viện Gaza

Minh họa sở chỉ huy ngầm của Hamas dưới bệnh viện Al-Shifa ở Dải Gaza do quân đội Israel đưa ra ngày 27/10. Video: IDF

Ông Hagari cáo buộc Hamas dùng bệnh viện Al-Shifa làm lá chắn và sử dụng hạ tầng năng lượng của bệnh viện để phục vụ hoạt động của sở chỉ huy ngầm. Phát ngôn viên IDF cảnh báo nếu bị sử dụng làm lá chắn như vậy, các cơ sở y tế "sẽ bị mất đặc quyền là được bảo vệ khỏi những trận tập kích".

Izzat al-Rishq, một trong các sáng lập viên Hamas và thành viên cơ quan chính trị của nhóm, bác bỏ cáo buộc của IDF và gọi đây là thông tin vô căn cứ. "Không có bất cứ sự thật nào trong tuyên bố mà phát ngôn viên quân đội đối phương đưa ra", ông al-Rishq nói.

Theo ông al-Rishq, IDF đưa ra cáo buộc Hamas đặt sở chỉ huy ngầm dưới bệnh viện "để mở đường cho một cuộc thảm sát mới nhằm vào dân thường" tại Dải Gaza. "Hơn 40.000 người tìm nơi ẩn náu tại bệnh viện Al-Shifa sau khi di tản vì các trận tập kích", ông al-Rishq cho biết.

Xe cấp cứu chở các nạn nhân trong trận tập kích của Israel tới bệnh viện Al-Shifa, thành phố Gaza ngày 15/10. Ảnh: AFP

Xe cấp cứu chở các nạn nhân trong trận tập kích của Israel tới bệnh viện Al-Shifa, thành phố Gaza ngày 15/10. Ảnh: AFP

Cuộc đấu khẩu diễn ra trong bối cảnh Israel tiếp tục tập kích và tiến công cục bộ Dải Gaza nhằm đáp trả vụ tấn công ngày 7/10 của Hamas. Theo cơ quan y tế tại Dải Gaza, hơn 7.300 người tại đây đã thiệt mạng và gần 19.000 người bị thương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/10 bày tỏ hoài nghi về số thương vong do giới chức Dải Gaza công bố. Cơ quan y tế tại Dải Gaza sau đó phản ứng bằng cách công bố thông tin của những người thiệt mạng trong các đợt tập kích của Israel.

Philippe Lazzarini, lãnh đạo cơ quan Liên Hợp Quốc phụ trách người tị nạn Palestine (UNRWA), nhận định số liệu thương vong do cơ quan y tế của Hamas đưa ra là đáng tin cậy.

Ông Lazzarini cho biết con số này hợp lý do tỷ lệ người thiệt mạng tại Dải Gaza trên tổng dân số ở khu vực tương đương tỷ lệ nhân viên UNRWA thiệt mạng trên tổng số nhân sự của cơ quan tại đây.

Nguyễn Tiến (Theo Times of Israel, AFP)

Adblock test (Why?)

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2023

Dấu ấn kinh tế của ông Lý Khắc Cường trong hai nhiệm kỳ thủ tướng Trung Quốc

Trong 10 năm làm thủ tướng, ông Lý Khắc Cường được coi là lãnh đạo có kiến thức uyên thâm về kinh tế, đưa Trung Quốc đạt được những bước phát triển vượt bậc.

Ông Lý Khắc Cường hôm nay qua đời do lên cơn đau tim tại Thượng Hải, thọ 68 tuổi, hơn 7 tháng sau khi mãn nhiệm thủ tướng Trung Quốc. Trong hai nhiệm kỳ làm thủ tướng của mình, với cương vị là người quyền lực thứ hai trong bộ máy chính trị Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong nền kinh tế đất nước cũng như nỗ lực cải cách.

Ông Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 3/2017. Ảnh: Reuters

Ông Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 3/2017. Ảnh: Reuters

Ông Lý sinh tháng 7/1955 tại huyện Định Nguyên, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc, xuất thân từ một gia đình bình thường, là con trai của một quan chức địa phương.

Sau những biến động trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976), ông Lý theo học ngành luật tại Đại học Bắc Kinh, khi kỳ thi tuyển sinh đại học được khôi phục năm 1977. Ông tốt nghiệp, sau đó lấy thêm bằng thạc sĩ kinh tế vào năm 1988.

Là người giỏi tiếng Anh, ông đã tham gia dịch một số tài liệu pháp lý quan trọng từ tiếng Anh sang tiếng Trung, trong đó có sách về nguyên tắc xét xử công bằng của Tom Denning.

Ông lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bắc Kinh và luận án của ông về cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc đã giành được Giải Kinh tế Tôn Dã Phương, giải thưởng danh giá nhất trong giới kinh tế Trung Quốc.

Ông Lý có đời sống cá nhân khá kín tiếng. Ông kết hôn với bà Trình Hồng, giáo sư chuyên giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, họ gặp nhau khi cùng học tại Đại học Bắc Kinh và có một cô con gái.

Những năm đầu tiên trong sự nghiệp chính trị, ông hoạt động trong đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc (CCYL). Ông được bầu làm bí thư đoàn trường Đại học Bắc Kinh năm 1982.

Sau khi được bầu vào Ban bí thư Trung ương đoàn năm 1983, ông làm việc dưới quyền ông Hồ Cẩm Đào, người sau này trở thành Chủ tịch Trung Quốc. Đến năm 1993, ông trở thành bí thư thứ nhất của CCYL.

Tháng 7/1998, ông Lý được bổ nhiệm làm Chủ tịch tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc, trở thành lãnh đạo cấp tỉnh trẻ nhất ở nước này.

Trong nhiệm kỳ tỉnh trưởng và bí thư tỉnh ủy của ông giai đoạn 2002-2004, Hà Nam đã chứng kiến những bước tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Nhưng ông cũng đối mặt với thách thức lớn khi Hà Nam trải qua đợt bùng phát ca nhiễm HIV do bê bối truyền máu nhiễm virus vào đầu những năm 2000.

Ông Lý được cho là đã xử lý sai lầm cuộc khủng hoảng y tế này. Hàng chục nghìn người ở Hà Nam đã nhiễm HIV khi truyền máu vì chính quyền địa phương không tiến hành sàng lọc người cho máu.

Ông được thuyên chuyển làm bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh ở đông bắc Trung Quốc vào tháng 12/2004, phụ trách nỗ lực khôi phục các cơ sở công nghiệp cũ của khu vực và thiết lập vành đai kinh tế ven biển nhằm thúc đẩy thương mại với các nước láng giềng.

Những thành công về kinh tế ở Liêu Ninh đã giúp ông được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị hồi tháng 10/2007. Tháng 3/2008, ông được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng.

Trong một bài phát biểu năm 2010, ông thừa nhận những thách thức kinh tế mà Trung Quốc phải đối mặt, trong đó có tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng, chi tiêu tiêu dùng yếu và khoảng cách giàu nghèo giữa các thành phố thịnh vượng ở phía đông và vùng nông thôn nghèo, nơi sinh sống của 800 triệu người.

Ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào tháng 3/2013. Từ đây, ông bắt đầu theo đuổi chính sách kinh tế mang dấu ấn của riêng mình: Không kích thích, giảm đòn bẩy tài chính và cải cách cơ cấu.

Chính sách này được kỳ vọng là giải pháp cho một nền kinh tế mất cân bằng với nợ chính phủ ngày càng tăng và đầu tư cơ sở hạ tầng quá mức, sau khi gói kích thích trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (553,8 tỷ USD) được bơm vào hệ thống tài chính.

Ý tưởng trong chính sách của ông Lý là chấp nhận cơn đau ngắn hạn của nền kinh tế để đổi lấy lợi ích lâu dài. Đó "chính xác là những gì Trung Quốc cần để đưa nền kinh tế đi theo con đường bền vững", các chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng đầu tư Barclays, trụ sở tại London, Anh, viết trong báo cáo nghiên cứu năm 2013.

Hội nghị toàn thể lần thứ ba của đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2013 đã nhấn mạnh "vai trò quyết định" của thị trường trong nền kinh tế quốc gia. Và lần đầu tiên, khu vực tư nhân được nâng cao vị thế lên ngang hàng với các doanh nghiệp nhà nước.

Trên cương vị người đứng đầu Quốc vụ viện, ông Lý cũng bắt tay vào giải quyết một trong những vấn đề kinh niên của Trung Quốc: Ô nhiễm không khí. Ngày 4/3/2014, khi trình bày báo cáo công tác thường niên, ông nhấn mạnh Trung Quốc sẽ "tuyên chiến với ô nhiễm", từ bỏ chính sách đã được nước này áp dụng lâu nay là đặt tăng trưởng kinh tế lên trên môi trường.

Sau tuyên bố trên, Trung Quốc đã công bố kế hoạch hành động về chất lượng không khí quốc gia, yêu cầu tất cả các khu vực đô thị giảm nồng độ bụi mịn trong không khí ít nhất 10%. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các chiến dịch vì môi trường do ông Lý phát động.

Ngoài thúc đẩy kinh tế và bảo vệ môi trường, ông Lý cũng tăng cường các nỗ lực cải cách đất nước. Ông là một trong 4 phó chủ tịch ủy ban chỉ đạo giám sát tất cả các khía cạnh của các chính sách cải cách toàn diện, với Chủ tịch Tập Cận Bình là trưởng ban.

Trong bài phát biểu chính sách thường niên đầu tiên của mình năm 2014, Chủ tịch Tập đã ca ngợi ông Lý vì cam kết theo đuổi cải cách theo định hướng thị trường, chống lãng phí, nỗ lực cắt giảm ô nhiễm không khí và loại bỏ tận gốc tình trạng tham nhũng tràn lan đang làm xói mòn niềm tin của công chúng vào đảng cầm quyền.

Vào tháng 3/2018, ông Lý được bầu làm thủ tướng nhiệm kỳ hai, nhưng nhiệm vụ quản lý kinh tế lúc này được giao cho Phó thủ tướng mới được bổ nhiệm Lưu Hạc, nhà kinh tế học tốt nghiệp Đại học Harvard. Dù vậy, ông Lý vẫn đưa ra một số sáng kiến chính sách nhằm giảm gánh nặng thuế phí cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Theo giới quan sát, trong mắt công chúng Trung Quốc, ông Lý được coi như một "Thủ tướng của nhân dân". Ông là lãnh đạo cấp trung ương đầu tiên đến thăm thành phố Vũ Hán vào tháng 1/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Việc làm, doanh nghiệp nhỏ và lao động nhập cư là những chủ đề được ông thường xuyên thảo luận.

Trải qua một thập kỷ, ông Lý đã lèo lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn khi nợ chính phủ tăng cao, căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang và đại dịch Covid-19 hoành hành. Ông cũng liên tục thúc đẩy kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Theo dữ liệu chính phủ, từ năm 2011 đến 2021, GDP của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi từ 54 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 7.380 tỷ USD) lên 114 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 15.580 tỷ USD), với tỷ trọng của nước này trong nền kinh tế thế giới tăng 7,2 điểm phần trăm, lên 18,5%.

Những nỗ lực của ông Lý trong hai nhiệm kỳ thủ tướng cũng giúp Trung Quốc đạt tiến bộ đáng kể về môi trường. Nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí đã giảm 2/3 ở Bắc Kinh và hầu hết những nơi khác ở miền bắc đất nước.

"Cuộc chiến chống ô nhiễm không khí của Trung Quốc đã mang lại kết quả ngoài mong đợi đối với hầu hết mọi người", Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, trụ sở tại Helsinki, Phần Lan, nhận định.

Tại lễ khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc hồi tháng ba, ông Lý trình bày báo cáo công tác chính phủ cuối cùng của mình, trước khi bàn giao lại cho người kế nhiệm là tân Thủ tướng Lý Cường.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường dự phiên bế mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, tháng 3/2022. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường dự phiên bế mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, tháng 3/2022. Ảnh: Reuters

Khi được tin ông Lý qua đời, nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã bày tỏ bàng hoàng và tiếc thương. "Ông ấy sẽ luôn sống trong trái tim chúng tôi", một người viết.

Ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập báo Global Times, cho biết việc ông Lý qua đời là "thông tin quá sốc", đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình cựu thủ tướng.

Luật sư Shi Feike, một cựu nhà báo điều tra, cho hay nhiều người sẽ nhớ đến cựu thủ tướng Lý Khắc Cường vì khuynh hướng tự do trong quản lý kinh tế và chủ trương cải cách thị trường của ông.

"Ông ấy có thể không phải một chính trị gia quyết liệt, cũng không phải một nhà hùng biện, nhưng ông đã đi theo định hướng của thời đại", Shi viết trong một bài đăng trên WeChat. "Hầu hết phát biểu trước công chúng của ông ấy đều liên quan chặt chẽ đến các từ khóa như dân chủ, pháp quyền, kinh tế thị trường và tinh giản bộ máy chính phủ. Cầu mong ông yên nghỉ!".

Vũ Hoàng (Theo BBC, Politico, SCMP)

Adblock test (Why?)

Hamas nói 50 con tin chết do đòn tập kích của Israel

Cánh vũ trang của Hamas tuyên bố khoảng 50 con tin bị nhóm này giam ở Dải Gaza đã chết do những cuộc không kích của Israel.

Thông tin trên do Abu Obeida, người phát ngôn Lữ đoàn al-Qassam, đưa ra hôm nay, song không cung cấp thêm chi tiết nào. Khaled Meshaal, cựu thủ lĩnh Hamas, hôm 23/10 nói rằng 22 con tin đã chết do các cuộc không kích của Israel.

Quân đội Israel trước đó cùng ngày cho biết số người bị bắt làm con tin ở Dải Gaza tăng lên 224 so với 222 người trước đó, bao gồm công dân Israel, người nước ngoài, người mang hai quốc tịch, và có thể còn tăng thêm.

Hamas cho đến nay đã trả tự do cho 4 con tin, gồm hai công dân Mỹ và hai người Israel. Giới phân tích cho rằng thông qua động thái thả con tin kiểu "nhỏ giọt", Hamas dường như muốn thể hiện thiện chí đàm phán, cũng như trì hoãn chiến dịch tấn công trên bộ của Israel.

Thân nhân của những người bị Hamas bắt làm con tin tổ chức lễ cầu nguyện ở Jerusalem ngày 25/10. Ảnh: Reuters

Thân nhân của những người bị Hamas bắt làm con tin tổ chức lễ cầu nguyện ở Jerusalem ngày 25/10. Ảnh: Reuters

Cựu thủ lĩnh Hamas Khaled Meshaal cho biết điều kiện để lực lượng này thả các con tin là Israel phải ngừng không kích Dải Gaza. Tuy nhiên, Israel cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ ngừng các cuộc tấn công. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố các cuộc đàm phán ngừng bắn nhằm chấm dứt xung đột chỉ có thể diễn ra khi toàn bộ con tin được thả.

Các nhà đàm phán hàng đầu của Qatar cho biết tất cả dân thường bị bắt làm con tin ở Gaza có thể được thả sau vài ngày nếu các bên dừng giao tranh. Ngoại trưởng Qatar kiêm nhà đàm phán cấp cao Mohammed Al Khulaifi nói rằng các cuộc đàm phán để giải thoát con tin rất khó khăn nhưng đang đạt tiến bộ.

"Bạo lực gia tăng mỗi ngày cùng việc ném bom liên tục khiến nhiệm vụ của chúng tôi càng trở nên khó khăn hơn. Mục tiêu của chúng tôi là toàn bộ con tin được thả. Chúng tôi cố gắng hết sức và hy vọng có thể đạt mục tiêu trong những ngày tới", ông nói.

Theo ông, bất kỳ sự leo thang nào trong giao tranh giữa hai bên, bao gồm cả chiến dịch tấn công trên bộ của Israel, sẽ đe dọa nỗ lực đàm phán để giải cứu con tin.

Israel liên tục tấn công và phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza để đáp trả cuộc đột kích khiến hơn 1.400 người thiệt mạng do Hamas tiến hành hôm 7/10. Cơ quan y tế ở Gaza hôm nay cho biết 7.028 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có 2.913 trẻ em, do các cuộc không kích của Israel.

Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo ngày 26/10 nói rằng ngoài những con tin từ Israel, Hamas cũng đang biến toàn bộ người dân ở Dải Gaza thành con tin. Theo ông, Israel có quyền tự vệ và hành động để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào của Hamas trong tương lai, nhưng điều này không thể biện minh cho việc phong tỏa toàn bộ Gaza hoặc cấm các đoàn xe nhân đạo. "Đó không thể là cái cớ để bắt người dân chết đói", ông nói.

Huyền Lê (Theo Reuters, Sky News)

Adblock test (Why?)

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2023

Thủ tướng đề nghị Mỹ hạn chế các biện pháp áp thuế hàng Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Mỹ hạn chế các biện pháp áp thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam, khi tiếp Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Blanchard.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 25/10 tiếp Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Emily Blanchard tại trụ sở chính phủ, theo thông cáo Bộ Ngoại giao. Thủ tướng đề nghị Mỹ tiếp tục mở cửa thị trường với hàng hóa Việt Nam và hạn chế các biện pháp áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp không cần thiết khác đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, đồ gỗ, những mặt hàng tác động trực tiếp đến việc làm và sinh kế của người dân.

Thủ tướng đề nghị Việt - Mỹ tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy trao đổi thương mại hài hòa, bền vững, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên hợp tác, đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thời gian tới, hai bên tiếp tục triển khai cụ thể, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện phát triển thực chất, hiệu quả hơn, trong đó chú trọng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, sản xuất chip bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Emily Blanchard, Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Emily Blanchard, Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng đánh giá cao chính phủ Mỹ khởi động việc xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, đề nghị Mỹ sớm hoàn thành quá trình này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, an toàn, lành mạnh để các doanh nghiệp Mỹ hoạt động hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.

Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ nhất trí cao với Thủ tướng về yêu cầu tiếp tục cụ thể hóa, triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ mới giữa hai nước, nhất là thúc đẩy các lĩnh vực trọng tâm mà Thủ tướng đã đề cập.

Bà Blanchard đánh giá cao những thành tựu nổi bật về tăng trưởng kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Việt Nam thời gian qua. Bà bày tỏ tin tưởng môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện tại Việt Nam sẽ góp phần thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Mỹ.

Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden hồi tháng 9. Thương mại song phương đạt 123,86 tỷ USD năm 2022, tăng 11% so với năm 2021. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ trên thế giới và là đối tác lớn nhất tại ASEAN.

Lũy kế đến tháng 6, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,73 tỷ USD với hơn 1.200 dự án, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Hàng năm có 23.000-25.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ. Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 5 thế giới về số lượng sinh viên theo học ở Mỹ.

Ngọc Ánh

Adblock test (Why?)