Mike Pence, từng được xem là đối thủ nặng ký của ông Trump, rời cuộc đua vào Nhà Trắng khi không thể át được ảnh hưởng của cựu tổng thống.
Mike Pence, cựu phó tổng thống Mỹ, ngày 28/10 tại Las Vegas bất ngờ tuyên bố rút khỏi cuộc đua giành vé đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ với lý do cuộc bầu cử lần này "không phải thời điểm của tôi".
Quyết định của Mike Pence khiến không ít người bất ngờ. Matt Brooks, trưởng ban tổ chức hội nghị tại Las Vegas cho các nhà tài trợ của Liên minh Do Thái đảng Cộng hòa, đã dành 15 phút thảo luận với Pence trước bài diễn văn nhưng cựu phó tổng thống Mỹ cũng không hé môi nửa lời về ý định bỏ cuộc.
Dù vậy, giới quan sát cho rằng đây là quyết định hợp lý của cựu phó tổng thống, khi chiến dịch tranh cử của ông đã chững lại suốt nhiều tháng, dù ban đầu ông được xem là đối thủ nặng ký của cựu tổng thống Donald Trump để trở thành ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa.
Khi nộp hồ sơ tranh cử lên Ủy ban Bầu cử Liên bang hôm 5/6, Pence hội đủ những yếu tố của một "ứng viên trong mơ" trên cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông từng là một nghị sĩ, một thống đốc bang lớn ở miền trung tây nước Mỹ, cũng như đảm nhiệm chức phó tổng thống trong 4 năm.
Thông thường, những ứng viên Cộng hòa có hồ sơ ấn tượng như vậy sẽ có khả năng giành đề cử của đảng rất lớn. Nhưng đảng Cộng hòa hiện nay không giống với trước đây, khi cái bóng của ông Trump dường như đang lấn át tất cả.
Trong hơn 4 tháng qua, Pence tập trung vận động tranh cử bằng lập trường truyền thống của phe bảo thủ, đồng thời tranh thủ cảm tình từ nhóm cử tri sùng đạo tại Mỹ. Tuy nhiên, chiến thuật này không đủ hấp dẫn với đa số cử tri Cộng hòa, vốn đang hưởng ứng mạnh mẽ những thông điệp dân túy của ông Trump hơn là câu chuyện giá trị cốt lõi của đảng.
Chính Pence đã góp phần khai thông làn sóng dân túy này trong đảng Cộng hòa, khi quyết định từ bỏ ủng hộ thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz, quay sang với Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Đối diện nguy cơ thất bại trong bầu cử thống đốc bang Indiana năm đó, Pence nhận lời làm phó tướng cho Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ca ngợi ngôi sao mới nổi của đảng Cộng hòa là "tiếng nói đại diện cho hàng triệu người lao động Mỹ đang bất bình trước tình trạng trì trệ tại Washington".
Nhưng trong cuộc bầu cử năm 2021, Pence đổi phe một lần nữa, từ chối lời kêu gọi "lật kèo" bầu cử của ông Trump để chọn bảo vệ giá trị truyền thống trên chính trường Mỹ.
Hành động này đã khiến hình ảnh của Pence trong lòng nhiều cử tri Cộng hòa thay đổi hoàn toàn. Từ một người được coi là "cận vệ trung thành" của ông Trump suốt 4 năm nhiệm kỳ, Pence đột nhiên bị những người ủng hộ Trump gọi là "kẻ phản bội", một số thậm chí hô hào khẩu hiệu "treo cổ Pence" trong vụ bạo loạn Đồi Capitol.
Hai năm sau, mọi thứ vẫn chưa lắng xuống. Trong một số sự kiện tranh cử của Pence, một số cử tri Cộng hòa vẫn tiếp tục la ó, chỉ trích ông. Ông trở thành "cái gai" trong mắt không ít cử tri Cộng hòa trung thành với cựu tổng thống Mỹ.
Trong chiến dịch vận động tranh cử mang tên "Giải phóng tương lai nước Mỹ", Pence chủ yếu nhắm đến cộng đồng cử tri Cộng hòa sùng đạo tại bang Iowa, với hy vọng giành thắng lợi trong vòng bầu cử sơ bộ đầu tiên và tạo bàn đạp thu hút thêm cử tri lẫn nguồn hỗ trợ tài chính.
"Bất cứ ai từng đặt mình lên trên hiến pháp Mỹ không nên trở thành tổng thống Mỹ, và bất cứ ai yêu cầu người khác làm điều đó cũng không nên được bầu lại làm người lãnh đạo nước Mỹ", ông Pence từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.
Nhưng ông thất thế trước ông Trump ngay trên chiến trường trọng điểm. Phần lớn cử tri lao động không mấy mặn mà về thông điệp chính trị khô khan và "công lao" của Pence khi bảo vệ nền tảng chính trị quốc gia trong cuộc bầu cử năm 2021.
Trong buổi vận động bầu cử tuần trước ở thị trấn Sidney phía nam bang Iowa, Pence phải "diễn thuyết" trong hiệu thuốc địa phương trước chưa đến 30 cử tri, khiến ông hứng chịu nhiều bình luận mỉa mai trên mạng xã hội. Jimmy Kimmel, người dẫn chương trình châm biếm chính trị trên đài ABC, gọi đó là "bức ảnh buồn nhất trong lịch sử bầu cử".
Donald Trump, dù đang chịu sức ép pháp lý từ nhiều vụ kiện và điều tra từ cấp bang đến liên bang, đã có 8 chuyến vận động tranh cử ở Iowa, với sự kiện gần nhất diễn ra vào ngày 29/10, trong đó những người ủng hộ kéo tới chật kín nhà hát Orpheum tại thành phố Sioux để nghe ông diễn thuyết.
Không chỉ không đọ lại sức ảnh hưởng của Trump tại Iowa, Pence cũng không nổi trội so với những cái tên còn lại của đảng Cộng hòa trong bầu cử sơ bộ. Thống đốc Florida Ronald DeSantis nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri bang nhà, đồng thời củng cố uy tín trong đảng bằng những chính sách thực tế về kiểm soát nhập cư hay quản lý nội dung "cánh tả" trong sách giáo khoa.
Những thông điệp trọng tâm gần đây của Pence lại nhắm vào ủng hộ viện trợ Ukraine và Israel, vốn không cử tri Cộng hòa quan tâm, bởi họ chú ý nhiều hơn về tình hình trong nước và nền kinh tế. Pence đến nay mới nhận được sự ủng hộ chính trị từ hai nghị sĩ bang nhà Indianna, trong đó một người là em ruột.
Cựu phó tổng thống Mỹ đã nhiều lần thừa nhận bối cảnh đảng Cộng hòa hiện nay khiến thông điệp tranh cử "bảo thủ truyền thống" của mình ngày càng khó thuyết phục cử tri.
Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động tài chính của Pence. Trong quý III, bộ máy vận động tranh cử của ông quyên góp được 3,3 triệu USD, nhưng còn nợ 600.000 USD.
Bản thân cựu phó tổng thống Mỹ đã phải chi 150.000 USD tiền túi cho chiến dịch. Forbes vào tháng 7 ước tính tổng tài sản của Mike Pence trị giá khoảng 4 triệu USD, chủ yếu gồm lương hưu, hợp đồng viết sách và diễn văn tính phí sau khi rời Nhà Trắng.
Giới quan sát bầu cử Mỹ từ tuần trước đã dự báo Pence không đạt đủ mức yêu cầu 70.000 người quyên góp để tham gia buổi tranh luận thứ ba của đảng Cộng hòa tại Florida, dự kiến diễn ra vào ngày 8/11.
Một mạnh thường quân ủng hộ Pence hồi giữa tháng 10 đã bày tỏ lo ngại về mức vận động tài chính "thảm bại" của cựu phó tổng thống Mỹ, cho rằng chiến dịch tranh cử thậm chí không đủ khả năng trả nợ sau khi Pence rút khỏi cuộc đua.
Những người ủng hộ Pence cho biết họ đã nhận ra điều đó sau cuộc tranh luận vòng hai của đảng Cộng hòa hồi tháng 9.
Larry Post, một cựu quản lý ngân sách ở Beverly Hills, California, cho rằng hành động chống lại Trump của Pence trong vụ bạo loạn Đồi Capitol đã ảnh hưởng nặng nề tới khả năng vận động tranh cử của cựu phó tổng thống. "Đó là khi ông ấy quyết định đối đầu với Trump về những gì ông ấy cho là đúng và nên làm", Post nói.
Đến những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, Pence vẫn kiên quyết phản đối tầm nhìn của ông Trump về cách vận hành đất nước, cũng như không đồng tình với chiến thuật "bắt chước Trump" của một bộ phận thành viên đảng Cộng hòa hiện nay. Ông cho rằng mình tranh cử không chỉ để trở lại Nhà Trắng, mà còn để góp tiếng nói vào tương lai của đảng Cộng hòa.
"Chúng ta đang đứng giữa cuộc tranh luận về đảng Cộng hòa liệu sẽ giữ vững cương lĩnh chính trị bảo thủ và dựa trên những suy xét khôn ngoan, vốn đã định hình đường hướng hoạt động hơn 50 năm qua, hay chúng ta sẽ cúi đầu trước chủ nghĩa dân túy và đi chệch hướng những nguyên tắc truyền thống", ông bình luận trên đài NBC vào đầu tháng 10.
Thanh Danh (Theo Politico, NBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét