Thứ Tư, 11 tháng 10, 2023

Thủ lĩnh bí ẩn đứng sau chiến dịch đột kích của Hamas

Mohammed Deif bị tình báo Israel truy nã gắt gao trong ba thập kỷ qua, nhưng vẫn chỉ huy Hamas tiến hành chiến dịch đột kích quy mô chưa từng có.

Tiêm kích Israel đêm 10/10 không kích ngôi nhà nơi có nhiều người thân của Mohammad Deif, chỉ huy cánh quân sự của Hamas tại phố Qizan an Najjar, thành phố Khan Younis, phía nam Dải Gaza, khiến ít nhất ba người thiệt mạng.

Deif đang trở thành mục tiêu "tìm diệt" số một của Israel, bởi thủ lĩnh lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam của Hamas, được xác định là người đã lên kế hoạch tiến hành chiến dịch tấn công lớn chưa từng thấy vào Israel ngày 7/10. Cuộc đột kích đã châm ngòi cho những cuộc giao tranh đẫm máu giữa Israel và Hamas, khiến hơn 2.150 người thiệt mạng.

Từng thoát khỏi nhiều âm mưu ám sát, Deif là "người sống sót cuối cùng trong phong trào phản kháng của người Palestine", theo Omri Brinner, nhà phân tích về Trung Đông và Israel tại Nhóm Nghiên cứu An ninh Quốc tế Verona (ITSS). Khả năng lẩn trốn các cơ quan tình báo Israel đã khiến Deif được gọi bằng biệt danh "người có 9 mạng".

Mohammed Deif trong bức ảnh chụp duy nhất từ những năm 2000. Ảnh: AFP

Mohammed Deif trong bức ảnh chụp duy nhất từ những năm 2000. Ảnh: AFP

Bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố quốc tế từ năm 2015, Deif là mối đe dọa trực tiếp và liên tục đối với an ninh Israel trong 30 năm qua, trở thành mục tiêu truy nã gắt gao của cơ quan tình báo quốc gia Mossad, đơn vị nổi tiếng với các vụ ám sát mục tiêu ở nước ngoài.

"Những người sử dụng bạo lực chống lại Israel thường có tuổi thọ thấp. Do đó, việc ông ấy có thể sống sót lâu như vậy là điều đáng chú ý", Jacob Eriksson, chuyên gia về xung đột Israel - Palestine tại Đại học York ở Anh, nói. "Ông ấy là vết nhơ lâu nay đối với danh tiếng của Israel trong tiêu diệt các mục tiêu mà họ coi là mối đe dọa".

Bí quyết giúp Deif sống sót dưới mạng lưới giám sát của Israel nằm ở việc lẩn trốn. Tình báo Israel đến nay chỉ có duy nhất một bức ảnh của Deif được chụp từ hơn 20 năm trước, bởi thủ lĩnh quân sự Hamas không để lại bất cứ dấu tích nào trong quá trình hoạt động của mình.

Không rõ tên thật của Deif là gì, dù một số nguồn tin cho rằng đó là Mohammed al-Masri. Deif trong tiếng Arab có nghĩa là "khách", ám chỉ thực tế ông ta không ở lại đâu quá một đêm để tránh bị lực lượng Israel phát hiện, theo Eriksson.

Ngày 12/7/2006, Mossad nắm được thông tin về cuộc họp của các lãnh đạo cấp cao Hamas. Tiêm kích F-16 Israel lập tức tung đòn "tấn công phẫu thuật", ném bom dẫn đường chính xác vào ngôi nhà nơi diễn ra cuộc họp, nhưng Deif đã sống sót, dù được cho là đã mất thị lực, một cánh tay và một chân.

Tháng 8/2014, không quân Israel không kích một ngôi nhà gần khu Sheikh Radwan ở Gaza City, khiến vợ Deif là Widad Asfoura, 27 tuổi, cùng hai con thiệt mạng. Hamas cho hay Deif đã sống sót sau vụ tấn công.

Tháng 4/2015, truyền thông Israel dẫn các nguồn tình báo cho biết chỉ huy quân sự Hamas tiếp tục thoát chết trong một kế hoạch ám sát của Mossad. Năm 2021, tình báo Israel được cho là hai lần tìm cách hạ sát Deif trong một tuần, nhưng ông này đều thoát hiểm trong gang tấc.

Các thông tin khác về cuộc đời của Deif rất ít ỏi. Người đàn ông này sinh ra ở trại tị nạn Khan Yunis, miền nam Gaza vào những năm 1960, một quan chức tình báo Israel nói với Financial Times.

Năm 2014, Washington Post đưa tin rằng Deif từng học tại Đại học Hồi giáo ở Gaza, nơi ông thường xuyên gặp gỡ các thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo của Ai Cập. Hamas về sau trở thành một nhánh của tổ chức này.

Deif gia nhập Hamas vào cuối những năm 1980 với sự giúp đỡ của Yahya Ayyash. Được gọi là "Kỹ sư", Ayyash là một trong những chuyên gia chất nổ chính của nhóm Hamas mà Deif rất thân thiết, theo Eriksson.

Sau khi lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công tự sát trong những năm 1990, Deif ngày càng trở nên quan trọng với nhóm Hamas, đặc biệt là sau khi Ayyash bị tình báo Israel ám sát năm 1996. Ông được bổ nhiệm vị trí thủ lĩnh lữ đoàn Izz el-Deen al-Qassam năm 2002.

Một trong những hoạt động đầu tiên của Deif trong vai trò lãnh đạo là áp dụng các bài học từ phong trào nổi dậy chống Israel (intifada) lần thứ hai của người Palestine vào đầu những năm 2000. Deif ra lệnh xây dựng hệ thống đường hầm phức tạp dưới lòng đất để các tay súng Hamas từ Dải Gaza có thể xâm nhập vào lãnh thổ Israel. Ông cũng chủ trương tăng cường sử dụng rocket nhiều nhất có thể để tập kích Israel.

Phương thức hoạt động của Deif luôn là "tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel bằng mọi cách có thể để khiến nước này chịu tổn thất nặng nề nhất vì những gì đã đối xử với người dân ở Gaza", theo Eriksson.

"Để đối phó với hàng rào biên giới kiên cố của Israel, Deif đã phát triển 'chiến lược dưới đất và trên cao', nghĩa là đào đường hầm và nã rocket", Brinner cho hay.

Chỉ huy quân sự này cho rằng Hamas cần tiến hành các hoạt động nhằm khiến mọi giải pháp chính trị thuần túy cho xung đột Israel - Palestine trở nên bất khả thi.

"Triết lý của ông ấy là sử dụng giải pháp quân sự để giải quyết xung đột", Brinner nói, thêm rằng không phải ngẫu nhiên mà Deif tổ chức chiến dịch đánh bom tự sát lớn vào giữa những năm 1990, không lâu sau khi Tổ chức Giải phóng Palestine và Israel ký hiệp định hòa bình Oslo.

Việc thiên về biện pháp quân sự thuần túy phần nào giải thích lý do Deif có "danh tiếng không ai sánh bằng với người dân ở Gaza", theo Brinner. Năm 2014, cuộc khảo sát do một trang tin Palestine thực hiện cho thấy Deif được ủng hộ nhiều hơn lãnh đạo Hamas Khaled Meshal và Ismail Haniyeh, thủ lĩnh chính trị hàng đầu của nhóm ở Gaza, dù cả hai đều là những người rất nổi tiếng với người dân Palestine.

"Ông ấy là lãnh đạo quân sự, nên không vấp những chỉ trích về cách Hamas xử lý các khía cạnh nhân đạo và xã hội ở Gaza", Eriksson nói.

"Ông ấy cũng là người duy nhất sống ở Gaza và nuôi dạy con cái ở đó", Brinner nói thêm. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân Gaza, những người cáo buộc Haniyeh dẫn dắt Hamas từ "khách sạn xa xỉ ở Qatar".

Rocket phóng từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel đêm 8/8/2023. Ảnh: AP

Rocket phóng từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel đêm 8/8/2023. Ảnh: AP

Danh tiếng của Deif ở Gaza nhiều khả năng sẽ tăng cao sau khi tổ chức chiến dịch tấn công khiến lực lượng tình báo, quân đội Israel hoàn toàn bất ngờ.

"Hamas đã lên kế hoạch hành động trong hai năm qua mà không có bất kỳ thông tin nào bị rò rỉ. Điều đó cho thấy lòng trung thành của số ít người được chọn tham gia lập kế hoạch cho chiến dịch", Brinner nói.

Lòng trung thành này đã giúp Hamas giữ bí mật đến phút chót, ngay cả với mạng lưới giám sát công nghệ cao của Israel trên toàn Dải Gaza. Quân đội Israel đã hoàn toàn mất cảnh giác và không thể bảo vệ biên giới của mình, dù quốc gia này nhiều thập kỷ qua được xem là cường quốc công nghệ đáng tự hào, với lực lượng vũ trang ấn tượng cùng cơ quan tình báo hàng đầu thế giới.

Thanh Tâm (Theo France24)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét