Eddie Jacobson chưa bao giờ yêu cầu người bạn thân là Tổng thống Mỹ Harry Truman giúp đỡ, nhưng vào tháng 3/1948, ông đã đưa ra lời khẩn cầu.
Trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, sáng 13/3/1948, Eddie Jacobson kêu gọi Tổng thống Truman gặp Chaim Weizmann, cựu lãnh đạo tổ chức Phục quốc Do Thái Thế giới và là thủ lĩnh tinh thần của phong trào này, để công nhận nhà nước Do Thái đầu tiên sau gần 2.000 năm.
"Ông phải gặp tiến sĩ Weizmann", Jacobson, doanh nhân Mỹ gốc Do Thái, nói với Truman, tổng thống thứ 33 của nước Mỹ. "Ông phải ủng hộ một nhà nước Do Thái độc lập".
Đề nghị này khiến Tổng thống Truman khó chịu và tức giận. Theo các nhà sử học, ông từng không ít lần chê bai người Do Thái trong các cuộc trò chuyện cá nhân. Ông thậm chí còn xoay ghế quay lưng lại với Jacobson. Sau đó, Jacobson nhìn thấy một bức tượng nhỏ tạc hình cố tổng thống Andrew Jackson trên lưng ngựa đặt trong phòng và quyết định đưa ra lời kêu gọi thêm lần nữa.
"Harry, ông có một anh hùng, Andrew Jackson. Tôi cũng có một anh hùng, Chaim Weizmann", Jacobson nói. "Ông ấy là người Do Thái vĩ đại nhất đương thời. Weizmann cao tuổi và ốm yếu nhưng đã đi cả chặng đường dài để gặp ông, vậy mà ông lại không đồng ý gặp ư? Điều đó không giống ông chút nào".
Truman gõ ngón tay lên bàn rồi xoay ghế lại. Ông đã thay đổi quyết định. "Được rồi, tên đầu hói cố chấp. Ông thắng. Tôi sẽ gặp Weizmann".
Lời chấp thuận đó dẫn đến một cuộc gặp bí mật giữa Truman và Weizmann vài ngày sau, trong đó, Tổng thống Mỹ hứa sẽ ủng hộ nỗ lực thành lập nhà nước Israel.
Tình bạn giữa Truman và Jacobson bắt đầu ở thành phố Kansas, Missouri. Jacobson sinh ngày 17/6/1891, lớn lên ở khu Lower East Side, New York, trước khi chuyển đến thành phố Kansas. Cha mẹ ông là những người nhập cư Do Thái nghèo khó đến từ Litva.
Năm 1906, không lâu sau khi chuyển chỗ ở, Jacobson, thiếu niên 15 tuổi bỏ học, đang gửi biên lai thu tiền cho một cửa hàng bán đồ khô gần Ngân hàng Quốc gia Union thì gặp Truman, lúc bấy giờ là nhân viên kho tiền, 22 tuổi. Họ kết nối lại vào năm 1917 tại Fort Sill ở Oklahoma, nơi hai người được huấn luyện để tham gia Thế chiến I. Họ trở thành bạn và cùng nhau điều hành một canteen trong doanh trại để gây quỹ mua thêm thực phẩm, đồ dùng cho các đồng đội.
"Tôi có một người Do Thái phụ trách căng tin tên Jacobson và cậu ta rất tuyệt", Truman từng viết.
Sau cuộc chiến, họ lại hợp tác kinh doanh. Vào tháng 11/1919, Truman và Jacobson quyết định mở một cửa hàng bán quần áo, phụ kiện cho đàn ông ở trung tâm thành phố Kansas.
"Harry di chuyển rất nhiều và kết giao với nhiều người. Anh ấy không bao giờ ở lại cửa hàng cả ngày, anh ấy ra ngoài ăn trưa và giao lưu với mọi người", Ted Marks, bạn thân của tổng thống Truman, kể lại. "Eddie Jacobson thì ở lại cửa hàng, lo liệu buôn bán".
Nhưng việc kinh doanh thất bại, một phần do giá ngũ cốc sụt giảm năm 1921 đã giáng đòn vào nền kinh tế vùng Trung Tây Mỹ. Cuộc suy thoái sau chiến tranh đã khiến cửa hàng phải đóng cửa vào năm 1922.
"Jacobson và tôi lên giường đi ngủ với số hàng tồn kho trị giá 35.000 USD và thức dậy vào ngày hôm sau với khoản hao hụt 25.000 USD", Truman viết vào năm 1945. "Điều này khiến các hóa đơn phải trả và các khoản vay ngân hàng đến hạn nhanh tới mức chúng tôi phá sản".
Jacobson tuyên bố phá sản vào năm 1925 và khoản nợ tiếp tục đeo bám ông trong những năm tháng sau đó. Truman cũng phải vật lộn để trả nợ nhưng đã trả xong vào năm 1935, thời điểm ông trở thành thượng nghị sĩ bang Missouri. Hai người vẫn giữ liên lạc trong nhiều năm. Jacobson thường rủ Truman đi săn và câu cá trên sông Missouri.
Harry Truman trở thành phó tổng thống Mỹ trong chính quyền ông Franklin D. Roosevelt vào tháng 1/1945. Vào tháng 4 năm đó, ông Truman trở thành tổng thống khi ông Roosevelt qua đời.
Vương quốc Israel của người Do Thái được thành lập vào khoảng thế kỷ XI TCN. Năm 586 TCN, Babylon chinh phục nơi này và khu vực sau đó nằm dưới kiểm soát lần lượt của Ba Tư và Đế quốc La Mã. Từ năm 641, người Arab cai quản vùng đất trong 1.300 năm qua nhiều triều đại. Sự hiện diện của người Do Thái tại đây thu hẹp đáng kể, nhiều người sống lưu vong tại những nơi khác như châu Âu. Năm 1516, Đế quốc Ottoman chinh phục vùng đất và gọi nó là Palestine thuộc Ottoman.
Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái trỗi dậy từ năm 1881 khi những cộng đồng Do Thái tha hương mong mỏi trở về "Vùng đất Israel" và mưu cầu thành lập một nhà nước Do Thái. Nhiều người Do Thái từ châu Âu hay Nga đã về định cư tại Palestine thuộc Ottoman.
Sau khi Thế chiến I kết thúc, Anh đánh bại Ottoman, chiếm lấy khu vực và gọi nó là Lãnh thổ Ủy trị Palestine. Nơi đây có đa số người Arab Hồi giáo sinh sống trong khi cộng đồng Do Thái và Kitô giáo chiếm thiểu số. Tuy nhiên, sau Thế chiến II, dân số Do Thái tại đây tăng mạnh do những người Do Thái ở châu Âu đổ về vì thảm họa diệt chủng Holocaust, khiến ý tưởng về việc tạo ra ngôi nhà riêng cho người Do Thái được thúc đẩy.
Ngày 29/11/1947, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua kế hoạch phân chia Lãnh thổ Ủy trị Palestine thành hai quốc gia Do Thái (Israel) và Arab (Palestine) riêng biệt. Liên Hợp Quốc trao chế độ quốc tế đặc biệt cho thành phố Jerusalem. Bên Do Thái đồng ý kế hoạch này trong khi phía Arab phản đối, cho rằng việc phân định, chia cắt lãnh thổ của cộng đồng người Arab là "hành vi cướp đất".
Để thu hút sự ủng hộ của Mỹ, các lãnh đạo phong trào Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái liên lạc với Jacobson để nhờ ông thuyết phục Tổng thống Truman gặp Weizmann.
Jacobson đã nói chuyện với Truman về những hành động tàn bạo xảy ra đối với người Do Thái trước và trong nạn diệt chủng Holocaust, nhưng ban đầu, Truman không dễ dàng đón nhận chủ đề một nhà nước Do Thái độc lập. Bộ Ngoại giao Mỹ khuyên ông Truman không công nhận Israel vì lo ngại phản ứng từ các nước Arab.
Khi Jacobson đề nghị Truman gặp Weizmann và xem xét việc công nhận nhà nước Israel, Tổng thống đã nổi giận và nói về việc một số người Do Thái đã đối xử với ông "thiếu tôn trọng và xấu tính" như thế nào. Jacobson đã rơi lệ khi tiếp tục thuyết phục Truman, theo Plain Speaking, cuốn tiểu sử về Truman xuất bản năm 1973 của tác giả Merle Miller.
"Ông từ chối gặp Weizmann vì ông đã bị một số lãnh đạo Do Thái ở Mỹ xúc phạm, mặc dù ông biết rằng Weizmann hoàn toàn không liên quan gì đến những lời lăng mạ đó", Jacobson nói. "Nghe có vẻ không giống ông lắm, Harry".
Cuối cùng, Truman mủi lòng và chấp nhận cuộc gặp. Weizmann là một nhà ngoại giao lão luyện. Ông nói với Truman: "Ông nắm trong tay cơ hội của mọi thời đại. Nếu ông có quyết định mạnh mẽ, ông sẽ đi vào lịch sử mãi mãi. Truman rất ấn tượng với điều này và ông gọi điện cho Warren Austin, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó đang chịu áp lực từ những người ủng hộ Arab. Austin đang đọc dở bài phát biểu về việc nước Mỹ muốn rút khỏi kế hoạch phân chia hai quốc gia thì nhận được cuộc gọi từ Truman. Sau khi nghe điện thoại, ông nói trước cuộc họp: "Tổng thống Truman đã chỉ thị cho tôi rằng Mỹ hoàn toàn ủng hộ kế hoạch phân chia đã được Liên Hợp Quốc thông qua và sẽ nỗ lực để nó được thực hiện".
Ngày 14/5/1948, Israel tuyên bố độc lập. 11 phút sau, Tổng thống Truman ra tuyên bố công nhận Israel. "Mỹ công nhận chính phủ lâm thời là cơ quan có thẩm quyền thực tế của nhà nước Israel mới", ông viết. Weizmann trở thành tổng thống đầu tiên của Israel.
Các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ ban đầu bất bình khi ông Truman đưa ra tuyên bố mà không báo trước cho họ. Tuy nhiên, tuyên bố này đã đánh dấu khởi đầu của mối quan hệ giữa Mỹ và Israel kéo dài hơn 75 năm qua, với hầu hết các đời tổng thống Mỹ đều cam kết ủng hộ nhà nước Do Thái.
Theo tờ Columbian Missourian, Tổng thống Truman đã nói tại buổi lễ khánh thành một nhà nguyện vào năm 1959 rằng "Jacobson là người có cống hiến thầm lặng trong việc thành lập chính phủ Israel".
Một số người muốn Jacobson trở thành lãnh đạo Israel nhưng ông đã gạt bỏ quan điểm này và nói với các phóng viên vào năm 1949 rằng ông "quá tự hào về quốc tịch Mỹ nên không thể đánh đổi nó để lấy bất kỳ chức vụ nào trên thế giới".
Jacobson qua đời vì một cơn đau tim vào năm 1955 ở tuổi 64. Khi ông Truman đến viếng Jacobson ở Kansas, ông đã suy sụp và hầu như không thể nói được gì. "Một trong những người bạn tốt nhất mà tôi có trên thế giới này", ông viết trong sổ lưu niệm tại nhà Jacobson. "Tôi không nghĩ có người nào khác ngoài gia đình mình mà tôi nhớ đến nhiều hơn Eddie Jacobson. Ông ấy là một người đáng kính. Ông ấy là một trong những người tuyệt nhất từng bước đi trên Trái Đất này".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét