Dù hứng chịu mưa bom bão đạn từ các cuộc không kích của Israel, nhiều người Palestine ở Dải Gaza từ chối sơ tán vì lo sợ rằng sẽ không thể trở về.
Năm 1948, gia đình Abu Sada bị buộc phải rời khỏi khu vực ngày nay là miền nam Israel. Nhiều thành viên trong gia đình đã có cuộc sống mới ở thị trấn Jabalia, phía bắc thành phố Gaza, định cư trên một mảnh đất nhỏ, trồng trái cây và rau củ.
75 năm sau, Israel đang yêu cầu con cháu họ rời đi một lần nữa để chuẩn bị cho chiến dịch tấn công quy mô lớn vào miền bắc Dải Gaza. Trong vài ngày qua, chiến đấu cơ Israel liên tục ném bom, phóng tên lửa khắp khu vực, nhưng gia đình Abu Sada kiên quyết ở lại.
"Tôi không quan tâm nữa", Basil Abu Sada, kỹ sư phần mềm 35 tuổi, cho biết. Anh lo lắng rằng nếu sơ tán theo lệnh của quân đội Israel, họ sẽ không tìm được thức ăn hay nơi trú ẩn ở phía nam Dải Gaza, hoặc không bao giờ có thể quay trở lại mảnh đất cũ. "Sống chết có số cả rồi".
Hàng trăm nghìn người Palestine khác cũng từ chối rời khỏi phía bắc Dải Gaza, nơi quân đội Israel đang không kích dữ dội trước kế hoạch mở chiến dịch tấn công trên bộ. Nhiều người trong số đó nói rằng họ sợ phải di tản giống như sợ hết nước, thực phẩm, sợ các vụ đánh bom hàng ngày hay cuộc tấn công sắp tới của Israel.
Tha hương tìm nơi ở mới dường như đã là cơn ác mộng quá quen thuộc với người Palestine ở Gaza. Trong 2,3 triệu dân tại Dải Gaza, hơn 1,7 triệu người là con cháu của những người tị nạn bị trục xuất hoặc chạy trốn trong cuộc chiến tranh Arab - Israel năm 1948. Hơn 720.000 người Palestine đã phải di tản trong cuộc xung đột đó, sự kiện mà người Palestine gọi là "Nakba", hay "thảm họa" trong tiếng Arab.
Sau khi xung đột leo thang từ cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10, quân đội Israel đã yêu cầu hơn một triệu người Palestine di chuyển đến khu vực phía nam Dải Gaza. Những người bám trụ lo ngại rằng nếu chạy về phía nam, họ sẽ phải trải qua một "Nakba" nữa, và cuối cùng phải rời khỏi Gaza để đến Ai Cập hay một số quốc gia khác, trở thành những người không còn quê hương.
Iyad Shobaki, 45 tuổi, cho biết gia đình 10 người của ông đang sống tại thành phố Gaza. "Cuộc di cư năm 1948 cũng bắt đầu như thế này", ông cho hay. "Mọi người nói 'được rồi, chúng ta sẽ đi rồi trở lại sau một, hai tuần nữa', nhưng họ không bao giờ có thể trở về".
"Tôi sẽ ở yên trong nhà. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm", ông quả quyết.
Các lãnh đạo Israel cho biết họ muốn người dân Gaza sơ tán về phía nam vì an toàn của chính họ, mặc dù Tel Aviv cũng đang ném bom nhiều khu vực ở miền nam.
Chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tạo ra "các khu vực an toàn" cho dân thường ở miền nam và họ không có tham vọng kiểm soát Gaza sau xung đột, mà mục tiêu chỉ là chấm dứt chính quyền của Hamas.
Miền nam Gaza bắt đầu nhận được viện trợ nhân đạo từ cuối tuần trước. Phát ngôn viên quân đội Israel Daniel Hagari ngày 22/10 tiếp tục kêu gọi những người đang bám trụ ở phía bắc nhanh chóng sơ tán.
Nhưng nhiều người Palestine cho biết họ không tin vào lời nói của quân đội Israel. Một số đang ẩn náu ở nhà. Hàng chục nghìn người trú ẩn trong các bệnh viện và nhà thờ, mặc dù những địa điểm như vậy vẫn dễ bị tấn công.
Shobaki cho hay hàng đêm, ông đều thức đến 5h sáng để canh gác cho những người còn lại trong gia đình, đề phòng có chuyện bất trắc xảy ra. Ban ngày, ông xem tin tức trên chiếc TV chạy bằng năng lượng mặt trời trong phòng khách, theo dõi các cuộc không kích gần mình.
Theo cơ quan y tế do Hamas lãnh đạo, các cuộc không kích của Israel đã giết chết gần 5.800 người ở Gaza kể từ khi xung đột nổ ra. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc dẫn dữ liệu từ cơ quan quản lý nhà ở tại Gaza, cũng do Hamas điều hành, ít nhất 42% số ngôi nhà ở trên khắp dải đất đã bị phá hủy hoặc hư hỏng.
Nhà nghiên cứu nhân quyền Hussein Hamad cho biết ông và gia đình 20 người đang bám trụ trong ngôi nhà ở quận Tel Zatar, thành phố Jabalia, phía bắc Dải Gaza. Cha mẹ và ông bà Hamad đã chạy trốn khỏi làng Barbara nằm giữa ranh giới phía bắc Gaza và thành phố Ashkelon của Israel vào năm 1948, khiến họ mất nhà cửa và 10 mẫu đất nông nghiệp.
"Chúng tôi sẽ không lặp lại việc này nữa", ông nói. "Chúng tôi sẽ bám trụ cho đến khi cuộc khủng hoảng qua đi".
Theo lời Hamad, điều kiện sống ở Jabalia hiện tại rất khắc nghiệt khi không có điện, nước, Internet chập chờn và hệ thống y tế xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi ngày, các thành viên trong gia đình ông phải xếp hàng dài chờ mua bánh mì, lấy nước từ các giếng gần đó và chia nhau số thực phẩm còn lại.
"Đối mặt với tất cả những điều đó, tôi vẫn quyết định ở lại và giữ vững lập trường", ông nói. "Hoặc là một cuộc sống tử tế, hoặc chúng tôi không cần cuộc sống đó".
Rashid Khalidi, nhà sử học người Mỹ gốc Palestine tại Đại học Columbia, cho biết cuộc di tản năm 1948 gây ra hậu quả rất lớn đối với người Palestine ở Gaza. "Một cuộc di tản lần thứ hai là điều mà chắc chắn họ sẽ phản kháng", ông nhấn mạnh.
Nhà thơ Mosab Abu Toha cho hay ông bà của ông đã bị trục xuất khỏi Jaffa vào năm 1948 và họ hiện sống trong khu tị nạn Jabalia, nơi mẹ ông sinh ra.
Tối 19/10, nhà của một người chú ở khu Al-Shati gần đó, nơi Abu Toha sinh ra, bị đánh bom. Ngoài ngôi nhà của ông nội ông, 4 ngôi nhà khác cũng trúng bom. "Vẫn còn những người chết mắc kẹt dưới đống đổ nát", ông nói.
"Trở thành người tị nạn một lần nữa, đánh mất những gì chúng tôi đã xây dựng trên vùng đất này là điều vô cùng tàn khốc và vô nhân đạo", Abu Toha, người sáng lập thư viện tiếng Anh duy nhất của Gaza, nói.
Khi thương vong từ xung đột không ngừng tăng lên, các lãnh đạo phương Tây đã kêu gọi Ai Cập cho phép người dân từ Gaza vào lãnh thổ nước này một cách an toàn. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisihas phản đối vì lo ngại Israel sẽ không cho người Palestine quay trở lại. Chính quyền Ai Cập cũng sợ rằng những người tị nạn tại bán đảo Sinai sẽ dễ bị chủ nghĩa cực đoan lôi kéo sau khi Cairo đã nỗ lực ngăn chặn phiến quân ở đó.
"Ai Cập không muốn dính líu đến cuộc khủng hoảng này", Mohannad Sabry, học giả tại Khoa Nghiên cứu Quốc phòng, Đại học Hoàng gia London, Anh, nhận xét.
Hầu hết thanh niên ở Gaza đều gặp khó khăn khi tìm việc, do lệnh phong tỏa kéo dài 16 năm của Israel và Ai Cập đã bóp nghẹt nền kinh tế địa phương. Nhiều người cuối cùng phải sống phụ thuộc vào cha mẹ, không thể kết hôn, không có nhà riêng, cuộc sống đi vào ngõ cụt.
Nhà sử học Israel Benny Morris cho biết nhiều người tị nạn Palestine phải di tản vào năm 1948 và trốn sang các nước Arab như Jordan, Lebanon hay Syria và "không được đón nhận đúng mực".
"Ở mức độ nào đó, họ bị coi là những kẻ ngoài cuộc và gây bất ổn", ông nói. "Ngày nay, nhiều người trong số họ và con cháu họ vẫn sống trong các khu ổ chuột ở ngoại ô hay những tòa nhà chật chội".
Họ thường thiếu bị tước đi các quyền lợi cơ bản ở những quốc gia họ xin tị nạn. Tại Lebanon, khoảng 210.000 người tị nạn Palestine vẫn sống bên lề xã hội, bị hạn chế làm việc trong một số lĩnh vực và mua bán tài sản.
"Cần phải có chính sách nhân đạo hơn để giải quyết điều này", Nadia Hardman, nhà nghiên cứu về quyền của người tị nạn và người di cư tại Tổ chức Giám sát Nhân quyền, cho hay. "Cần tìm cách giúp người Palestine có được địa vị pháp lý phù hợp hơn, đồng thời bảo vệ quyền được trở về quê hương của họ".
Abdallah Hasaneen, 23 tuổi, là con cháu của những người tị nạn Palestine. Anh nói rằng nếu quá nhiều dân thường ở Gaza bị buộc phải di cư đến Sinai, đó sẽ là dấu chấm hết cho người Palestine.
"Tôi thà chết còn hơn thành người tị nạn ở Sinai hay bất cứ nơi nào khác", anh cho biết. "Đây là đất của chúng tôi".
Khi điều kiện sống tại các nơi trú ẩn dành cho cư dân Gaza sơ tán xuống miền nam ngày càng xấu đi, một số gia đình đã quyết định trở về nhà ở phía bắc. Marah, tình nguyện viên y tế 23 tuổi, cho hay cô và gia đình đã phải vật lộn suốt 4 ngày ở Khan Younis. Khi họ vừa đến nơi, một cửa hàng gần nơi họ tá túc bị không kích. Khi nhà một người bạn hết chỗ, họ phải ngủ trong vườn ô liu.
"Ở đây cũng không an toàn", cô nói. "Chúng tôi đã hết nước, hết đồ ăn, không có thuốc men gì. Chúng tôi đang chết dần chết mòn".
Họ quyết định trở về thành phố Gaza.
Sau khi công trình phía trước nhà của họ bị trúng tên lửa hôm 20/10, Marah và gia đình đã trú ẩn tại một nhà thờ gần đó rồi chạy trốn về phía nam lần thứ hai mà không biết mình sẽ ở đâu. Hôm 22/10, Marah cho biết gia đình cô đang sống tại nhà một người bạn ở thị trấn az-Zawayda ở miền trung Gaza cùng 60 người khác.
Năm 1948, ông của cô đã phải rời khỏi Bir as-Sab'i, thành phố ở sa mạc Negev phía đông Gaza mà ngày nay người Israel gọi là Beersheba. Cô ước tính mỗi tòa nhà trong khu phố của cô ở thành phố Gaza vẫn còn ít nhất một hoặc hai gia đình bám trụ.
Basil Abu Sada, kỹ sư phần mềm ở Jabalia, ước tính khoảng 10% người dân ở khu Bir Al Na'jathere nơi anh sống đã quyết định ở lại.
Gia đình anh phải đi bộ hơn 3 km để đến siêu thị gần nhất vì nếu lái xe, họ có thể trở thành mục tiêu không kích. Họ sống nhờ nước giếng nhưng không biết nó sẽ cạn kiệt lúc nào.
"Tất cả chúng ta đều mong muốn xung đột chấm dứt", anh nói. "Về tương lai của Gaza, chúng tôi mong nó sẽ tốt đẹp và an toàn hơn".
Vũ Hoàng (Theo WSJ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét