Thứ Năm, 26 tháng 10, 2023

Dấu ấn kinh tế của ông Lý Khắc Cường trong hai nhiệm kỳ thủ tướng Trung Quốc

Trong 10 năm làm thủ tướng, ông Lý Khắc Cường được coi là lãnh đạo có kiến thức uyên thâm về kinh tế, đưa Trung Quốc đạt được những bước phát triển vượt bậc.

Ông Lý Khắc Cường hôm nay qua đời do lên cơn đau tim tại Thượng Hải, thọ 68 tuổi, hơn 7 tháng sau khi mãn nhiệm thủ tướng Trung Quốc. Trong hai nhiệm kỳ làm thủ tướng của mình, với cương vị là người quyền lực thứ hai trong bộ máy chính trị Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong nền kinh tế đất nước cũng như nỗ lực cải cách.

Ông Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 3/2017. Ảnh: Reuters

Ông Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 3/2017. Ảnh: Reuters

Ông Lý sinh tháng 7/1955 tại huyện Định Nguyên, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc, xuất thân từ một gia đình bình thường, là con trai của một quan chức địa phương.

Sau những biến động trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976), ông Lý theo học ngành luật tại Đại học Bắc Kinh, khi kỳ thi tuyển sinh đại học được khôi phục năm 1977. Ông tốt nghiệp, sau đó lấy thêm bằng thạc sĩ kinh tế vào năm 1988.

Là người giỏi tiếng Anh, ông đã tham gia dịch một số tài liệu pháp lý quan trọng từ tiếng Anh sang tiếng Trung, trong đó có sách về nguyên tắc xét xử công bằng của Tom Denning.

Ông lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bắc Kinh và luận án của ông về cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc đã giành được Giải Kinh tế Tôn Dã Phương, giải thưởng danh giá nhất trong giới kinh tế Trung Quốc.

Ông Lý có đời sống cá nhân khá kín tiếng. Ông kết hôn với bà Trình Hồng, giáo sư chuyên giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, họ gặp nhau khi cùng học tại Đại học Bắc Kinh và có một cô con gái.

Những năm đầu tiên trong sự nghiệp chính trị, ông hoạt động trong đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc (CCYL). Ông được bầu làm bí thư đoàn trường Đại học Bắc Kinh năm 1982.

Sau khi được bầu vào Ban bí thư Trung ương đoàn năm 1983, ông làm việc dưới quyền ông Hồ Cẩm Đào, người sau này trở thành Chủ tịch Trung Quốc. Đến năm 1993, ông trở thành bí thư thứ nhất của CCYL.

Tháng 7/1998, ông Lý được bổ nhiệm làm Chủ tịch tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc, trở thành lãnh đạo cấp tỉnh trẻ nhất ở nước này.

Trong nhiệm kỳ tỉnh trưởng và bí thư tỉnh ủy của ông giai đoạn 2002-2004, Hà Nam đã chứng kiến những bước tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Nhưng ông cũng đối mặt với thách thức lớn khi Hà Nam trải qua đợt bùng phát ca nhiễm HIV do bê bối truyền máu nhiễm virus vào đầu những năm 2000.

Ông Lý được cho là đã xử lý sai lầm cuộc khủng hoảng y tế này. Hàng chục nghìn người ở Hà Nam đã nhiễm HIV khi truyền máu vì chính quyền địa phương không tiến hành sàng lọc người cho máu.

Ông được thuyên chuyển làm bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh ở đông bắc Trung Quốc vào tháng 12/2004, phụ trách nỗ lực khôi phục các cơ sở công nghiệp cũ của khu vực và thiết lập vành đai kinh tế ven biển nhằm thúc đẩy thương mại với các nước láng giềng.

Những thành công về kinh tế ở Liêu Ninh đã giúp ông được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị hồi tháng 10/2007. Tháng 3/2008, ông được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng.

Trong một bài phát biểu năm 2010, ông thừa nhận những thách thức kinh tế mà Trung Quốc phải đối mặt, trong đó có tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng, chi tiêu tiêu dùng yếu và khoảng cách giàu nghèo giữa các thành phố thịnh vượng ở phía đông và vùng nông thôn nghèo, nơi sinh sống của 800 triệu người.

Ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào tháng 3/2013. Từ đây, ông bắt đầu theo đuổi chính sách kinh tế mang dấu ấn của riêng mình: Không kích thích, giảm đòn bẩy tài chính và cải cách cơ cấu.

Chính sách này được kỳ vọng là giải pháp cho một nền kinh tế mất cân bằng với nợ chính phủ ngày càng tăng và đầu tư cơ sở hạ tầng quá mức, sau khi gói kích thích trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (553,8 tỷ USD) được bơm vào hệ thống tài chính.

Ý tưởng trong chính sách của ông Lý là chấp nhận cơn đau ngắn hạn của nền kinh tế để đổi lấy lợi ích lâu dài. Đó "chính xác là những gì Trung Quốc cần để đưa nền kinh tế đi theo con đường bền vững", các chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng đầu tư Barclays, trụ sở tại London, Anh, viết trong báo cáo nghiên cứu năm 2013.

Hội nghị toàn thể lần thứ ba của đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2013 đã nhấn mạnh "vai trò quyết định" của thị trường trong nền kinh tế quốc gia. Và lần đầu tiên, khu vực tư nhân được nâng cao vị thế lên ngang hàng với các doanh nghiệp nhà nước.

Trên cương vị người đứng đầu Quốc vụ viện, ông Lý cũng bắt tay vào giải quyết một trong những vấn đề kinh niên của Trung Quốc: Ô nhiễm không khí. Ngày 4/3/2014, khi trình bày báo cáo công tác thường niên, ông nhấn mạnh Trung Quốc sẽ "tuyên chiến với ô nhiễm", từ bỏ chính sách đã được nước này áp dụng lâu nay là đặt tăng trưởng kinh tế lên trên môi trường.

Sau tuyên bố trên, Trung Quốc đã công bố kế hoạch hành động về chất lượng không khí quốc gia, yêu cầu tất cả các khu vực đô thị giảm nồng độ bụi mịn trong không khí ít nhất 10%. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các chiến dịch vì môi trường do ông Lý phát động.

Ngoài thúc đẩy kinh tế và bảo vệ môi trường, ông Lý cũng tăng cường các nỗ lực cải cách đất nước. Ông là một trong 4 phó chủ tịch ủy ban chỉ đạo giám sát tất cả các khía cạnh của các chính sách cải cách toàn diện, với Chủ tịch Tập Cận Bình là trưởng ban.

Trong bài phát biểu chính sách thường niên đầu tiên của mình năm 2014, Chủ tịch Tập đã ca ngợi ông Lý vì cam kết theo đuổi cải cách theo định hướng thị trường, chống lãng phí, nỗ lực cắt giảm ô nhiễm không khí và loại bỏ tận gốc tình trạng tham nhũng tràn lan đang làm xói mòn niềm tin của công chúng vào đảng cầm quyền.

Vào tháng 3/2018, ông Lý được bầu làm thủ tướng nhiệm kỳ hai, nhưng nhiệm vụ quản lý kinh tế lúc này được giao cho Phó thủ tướng mới được bổ nhiệm Lưu Hạc, nhà kinh tế học tốt nghiệp Đại học Harvard. Dù vậy, ông Lý vẫn đưa ra một số sáng kiến chính sách nhằm giảm gánh nặng thuế phí cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Theo giới quan sát, trong mắt công chúng Trung Quốc, ông Lý được coi như một "Thủ tướng của nhân dân". Ông là lãnh đạo cấp trung ương đầu tiên đến thăm thành phố Vũ Hán vào tháng 1/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Việc làm, doanh nghiệp nhỏ và lao động nhập cư là những chủ đề được ông thường xuyên thảo luận.

Trải qua một thập kỷ, ông Lý đã lèo lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn khi nợ chính phủ tăng cao, căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang và đại dịch Covid-19 hoành hành. Ông cũng liên tục thúc đẩy kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Theo dữ liệu chính phủ, từ năm 2011 đến 2021, GDP của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi từ 54 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 7.380 tỷ USD) lên 114 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 15.580 tỷ USD), với tỷ trọng của nước này trong nền kinh tế thế giới tăng 7,2 điểm phần trăm, lên 18,5%.

Những nỗ lực của ông Lý trong hai nhiệm kỳ thủ tướng cũng giúp Trung Quốc đạt tiến bộ đáng kể về môi trường. Nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí đã giảm 2/3 ở Bắc Kinh và hầu hết những nơi khác ở miền bắc đất nước.

"Cuộc chiến chống ô nhiễm không khí của Trung Quốc đã mang lại kết quả ngoài mong đợi đối với hầu hết mọi người", Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, trụ sở tại Helsinki, Phần Lan, nhận định.

Tại lễ khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc hồi tháng ba, ông Lý trình bày báo cáo công tác chính phủ cuối cùng của mình, trước khi bàn giao lại cho người kế nhiệm là tân Thủ tướng Lý Cường.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường dự phiên bế mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, tháng 3/2022. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường dự phiên bế mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, tháng 3/2022. Ảnh: Reuters

Khi được tin ông Lý qua đời, nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã bày tỏ bàng hoàng và tiếc thương. "Ông ấy sẽ luôn sống trong trái tim chúng tôi", một người viết.

Ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập báo Global Times, cho biết việc ông Lý qua đời là "thông tin quá sốc", đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình cựu thủ tướng.

Luật sư Shi Feike, một cựu nhà báo điều tra, cho hay nhiều người sẽ nhớ đến cựu thủ tướng Lý Khắc Cường vì khuynh hướng tự do trong quản lý kinh tế và chủ trương cải cách thị trường của ông.

"Ông ấy có thể không phải một chính trị gia quyết liệt, cũng không phải một nhà hùng biện, nhưng ông đã đi theo định hướng của thời đại", Shi viết trong một bài đăng trên WeChat. "Hầu hết phát biểu trước công chúng của ông ấy đều liên quan chặt chẽ đến các từ khóa như dân chủ, pháp quyền, kinh tế thị trường và tinh giản bộ máy chính phủ. Cầu mong ông yên nghỉ!".

Vũ Hoàng (Theo BBC, Politico, SCMP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét